Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện cổ tích Sọ Dừa.
Bài làm
Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, sau thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích đứng ở vị trí quan trọng. Nếu thần thoại, truyền thuyết gắn với những năm tháng xa xưa, khi dân tộc ta mới dựng nước, chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, thì cổ tích phản ánh cuộc đấu tranh xã hội, chống lại kẻ ác, người xấu. Nếu thần thoại, truyền thuyết đậm màu sắc kì ảo, tưởng tượng, thì cổ tích ít yếu tố kì ảo hơn, song vẫn giàu trí tưởng tượng và vô cùng hấp dẫn. Cổ tích hấp dẫn người lớn, đặc biệt hấp dẫn, lôi cuốn tuổi thơ chúng ta. Trong những năm tháng ấu thơ, ai mà chẳng nhiều lần nằm bên cha mẹ, ngồi trong lòng ông bà đòi nghe kể chuyện cổ tích ? Một trong những cổ tích từng ru lòng chúng ta vào những giấc mơ kì thú là truyện Sọ Dừa. Sọ Dừa thuộc nhóm cổ tích về những người mang lốt xấu xí – kiểu truyện khá phổ biến ở nước ta và thế giới. Tuy có vẻ ngoài xấu xí, dị dạng nhưng tài năng, phẩm chất thật tuyệt vời. Đấy là hình ảnh nhân vật Sọ Dừa, chàng trai rất đáng yêu của chúng ta.
1. Vẻ ngoài dị dạng, số phận hẩm hiu
Bà mẹ vào rừng kiếm củi, khát nước quá. Thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống. Thế rồi bà có mang. Sau khi chồng mất, bà sinh ra một đứa bé không chân, không tay, tròn như một quả dừa. Lớn lên, Sọ Dừa vẫn không khác lúc nhỏ, cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì. Như thế là từ lúc lọt lòng mẹ, tới những năm tháng tuổi thơ, chú Sọ Dừa mang cái hình hài dị dạng, khác thường. Chú mồ côi cha, sống cùng người mẹ nghèo khổ. Tuổi thơ của Sọ Dừa tương tự nhiều nhân vật trong các truyện Lấy vợ Cóc, Chàng Bầu, Nàng út ống tre. Những cuộc đời hẩm hiu, thấp kém, những hình dạng xấu xí như thế thật là đáng thương. Nhưng chính cái nét dị dạng, xấu xí kia của Sọ Dừa lại không hể đáng ghét. Trái lại, điều đó dã gợi trí tò mò, hấp dẫn chúng ta. Bởi vì tuy bé nhỏ, xấu xí, dị dạng, thân phận thấp hèn, bé mọn, nhưne Sọ Dừa đâu phải người vô tích sự. Bên trong cái vỏ xấu xí, dị dạng kia hé lộ tài năng, phẩm chất con người…
2. Tài năng, phẩm chất mỗi ngày thêm rạng rỡ
a) Tài năng, phẩm chất của Sọ Dừa thể hiện trước hết ở việc chăn bò. Hằng ngày Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng. Tài năng, phẩm chất thứ hai của Sọ Dừa là… biết biến hoá. Ra đến đồng cỏ, Sọ Dừa hoá thành “một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên võng đào… thổi sáo”. Tiếng sáo khiến đàn bò mải mê gặm cỏ. Trong ngày cưới vợ, tài biến hoá của Sọ Dừa lại tiếp tục xuất hiện. Lúc rước dâu, khi cả nhà ngơ ngắc không thấy Sọ Dừa đâu thì… “Bỗng một chàng trai khôi ngô tuấn tú cùng cô út của phú ông từ phòng cô dâu đi ra”. Cùng với tài biến hoá trong hình hài của mình, Sọ Dừa còn có khả năng biến hoá nhiều vật phẩm, con người từ không thành có. Khi bà mẹ đang lo lắng làm cách nào để sắm đủ sính lễ mang sang nhà phú ông hỏi vợ thì… “Đúng ngày hẹn,… trong nhà tự nhiên có bao nhiêu là sính lễ”, có đủ một chình vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm, “Lại có cả chục gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà phú ông…”. Người nghe kể, người đọc câu chuyện này cứ sững sờ, ngạc nhiên được thấy hết điều lạ này đến diều lạ khác, thật kì diệu. Trong cổ tích Tấm Cám, cô Tấm phải nhờ Bụt biến hoá mới có được những điều tốt đẹp. Ở đây Sọ Dừa chẳng phải nhờ ai. Chàng thật là con người phi thường. Từ số phận bất hạnh khác thường, Sọ Dừa lớn dần lên, làm được những việc lạ thường, hơn hẳn người thường.
Điều đó nói rằng năng lực của con người kì diệu biết bao. Phải chăng chính tài năng kì diệu ẩn giấu trong cái vỏ dừa xấu xí kia của chàng Sọ Dừa đã làm xiêu lòng cô út con gái phú ông ? Nhờ tài biến hoá, Sọ Dừa có “bạn gái”, có “người yêu” khi còn đang trong thân phận đứa chăn bò. Cũng nhờ tài biến hoá, Sọ Dừa cưới được vợ và xây dựng được gia đình hạnh phúc. Nếu là người khác, chắc đã thoả lòng, quá thoả lòng. Và câu chuyện dừng ở đây… cũng tạm được, tạm hay ! Song chuyện của Sọ Dừa chưa hết. Sọ Dừa bây giờ không còn xấu xí, dị dạng nữa mà là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, một con người khác.
Tài năng của Sọ Dừa tiếp tục rạng rỡ. Chàng chăm chỉ, ngày đêm miệt mài đèn sách, lại có trí thông minh nên vừa ứng thi đã đỗ… Trạng nguyên. Rồi Trạng phải nhận chiếu vua đi sứ. Khi chia tay vợ, quan Trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng, dặn phải giắt luôn trong người có khi dùng đến… Và ba vật dụng trên đã cứu sống người vợ, trở thành tín hiệu vẫy gọi, dẫn dắt Trạng ghé thuyền vào đảo vắng, vợ chồng tìm lại nhau, hạnh phúc vẹn toàn… Quan Trạng Sọ Dừa quả là người vừa có tài, vừa có đức. Nhờ tài, chàng học giỏi, dỗ cao. Giữ tấm lòng trung, chàng chấp hành lệnh vua nghiêm túc. Rồi lại nhờ tài dự đoán sau này vợ sẽ gặp nạn mà vợ chồng chàng được tái ngộ, sum vầy. Điều thú vị là, càng về cuối truyện, những tài năng, phẩm chất của nhân vật càng ít tính thần linh, kì ảo, biến hoá mà là những nét đẹp trong trí tuệ, tâm hồn, nhân cách của con người, gần gũi với con người. Người đọc truyện, người nghe kể chuyện cảm thấy những chi tiết, sự việc như là có thật mà mình thấy, hoặc chính mình có thể sẽ trải qua.
b) Sáng tạo nhân vật Sọ Dừa có sự đối lập đến cực đoan giữa hình dạng bên ngoài xấu xí, dị dạng với phẩm chất bên trong tuyệt vời như thế, người xưa muốn gửi tới chúng ta điều gì ? Phải chăng đây là sự khẳng định giá trị chân chính, đích thực của con người không phải ở cái mẽ ngoài mà là ở cái bản chất, ở phần tài năng, trí tuệ, tâm hồn và bản lĩnh làm người. Tục ngữ ta có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cũng mang ý nghĩa tương tự, nhắc chúng ta coi trọng và phát huy phần bản chất tốt đẹp, bản lĩnh bên trong của mỗi người. Những cuộc biến hoá, từ thấp lên cao, những việc làm từ nhỏ đến lớn… để hoá thân từ một “cục thịt”, một đứa trẻ xấu xí thành chàng trai tuấn tú, thành quan Trạng tài ba của Sọ Dừa là điều vừa phi lí vira có lí, vừa không thể xảy ra vừa có thể xảy ra. Câu chuyện đan xen chi tiết kì ảo và chi tiết hiện thực. Đó chính là những giấc mơ đẹp. Sống trong xã hội xưa, nhân dân lao động luôn mơ ước cuộc đời nghèo khổ, hèn kém của mình được thay đổi. Ước mơ gửi trong nhân vật Sọ Dừa thật lãng mạn, bay bổng và mãnh liệt làm sao ! Ngoài hai ý nghĩa về nội dung, cảm hứng như thế, hình tượng nhân vật Sọ Dừa mang tính dối lập giữa cái hình hài và phẩm chất bên trong còn có ý nghĩa tạo tình huống bất ngờ, hấp dẫn, thôi thúc trí tò mò, để lôi cuốn người nghe, người đọc. Quả thật, theo dõi những bước đường đời của Sọ Dừa, từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi trưởng thành, chúng ta gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, có nhiều khi muốn bật cười, reo vui, thú vị. Cái anh chàng Sọ Dừa ây ngộ nghĩnh, đáng yêu làm sao!
3.Cùng với nhân vật Sọ Dừa, truyện cổ tích cùng tên ấy còn kể về một số nhân vật khác cũng khá hấp dẫn, khó quên. Khó quên nhất là nhân vật cô út và hai cô chị… Họ đều là con gái nhà phú ông. Hai cô chị vốn tính ác nghiệt, kiêu kì mang tính xấu của con nhà giàu. Họ sẵn định kiến sâu sắc, khinh miệt người nghèo. Do đó, trước anh Sọ Dừa vừa nghèo, vừa xấu, họ chỉ thấy cái xấu, cái nghèo, không nhìn thấy điều gì khác. Cô út, trái hẳn hai người chị. Cô vốn hiền lành, tính hay thương người. Ngay cả khi chưa biết gì về thực chất bên trong của Sọ Dừa, cô đã “đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế”. Bằng tấm lòng và những việc làm nhân hậu, cô phát hiện ra cái bản chất bên trong của Sọ Dừa. Cô là người đầu tiên nhìn thấy người ở chăn bò cho nhà mình không phải anh chàng xấu xí, dị dạng mà là một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên võng đào thổi sáo véo von, giúp đàn bò ăn ngon, mau lớn. Cũng chính đôi mắt tinh tường cùng tình yêu tuổi trẻ của cô đã giúp cô có được gia đình hạnh phúc. Cô trở thành bà Trạng, vượt qua mọi sự ghen ghét, hãm hại của hai người chị. Như vậy, ở truyện Sọ Dừa, giá trị chân chính của con người không chỉ thể hiện ở nhân vật Sọ Dừa mà còn thể hiện ở nhân vật cô út. Nhờ cô út, giá trị của Sọ Dừa mới có thể phát lộ và thăng hoa. Kết thúc câu chuyện, cô út được sống hạnh phúc trọn vẹn, hai cô chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ là một đúc kết sinh động về quy luật cuộc sống : ở hiền gặp lành, người nhân hậu sẽ nhận điều nhân hậu, kẻ ác sẽ gặp ác, người xấu xa không thể tìm được hạnh phúc. Có thể nói, ba nhân vật, hai cô chị và cô em út góp phần tạo thêm hấp dẫn cho câu chuyện, làm giàu thêm nội dung, ý nghĩa của áng cổ tích.
Tóm lại, Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong kho tàng cổ tích Việt Nam và thế giới. Nhân vật chính của loại truyện cổ tích này có hình hài dị dạng, xấu xí bị nhiều người xem thường, coi là “vô tích sự”. Nhưng đây lại là nhân vật chàng trai, cô gái tuấn tú, xinh đẹp có tài năng, phẩm chất tuyệt vời. Cuối cùng, họ đã trút lốt vật, hoá thân thành người, kết hôn cùng người đẹp, người tài, sống cuộc đời hạnh phúc. Truyện Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đôi với người bất hạnh. Truyện có nhiều chi tiết, sự việc bất ngờ, hấp dẫn từ đầu đến cuối, gây hứng thú cho người nghe, người đọc…