Phân tích bài thơ đất nước của Nguyễn Đình Thi
1.Hoàn cảnh ra đời
-Đất Nước là bài thơ ngắn (49 dòng) nhưng lại được sáng tác trong thời gian dài (1948 – 1955).
-Tiền thân là bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (đăng báo Văn nghệ số 6, tháng 10 và 11 – 1948) và bài Đêm mít tinh (Văn nghệ Xuân 1949). Cả hai bài thơ đều được viết tại Việt Bắc, trong tâm trạng nhớ về Hà Nội của tác giả.
-Phần đầu từ Sáng mát trong … Trong biếc nói cười thiết tha được lấy từ bài thơ thứ nhất. Kể đến nối vào đoạn cuối bài thơ thứ hai và cả ý của bài đầu cho đến: Những buổi ngày xưa vọng nói về. Đoạn từ Ôi cánh đồng quê… cho đến hết bài được Nguyễn Đình Thi viết vào năm 1955.
Như vậy, bài thơ hình thành từ đoạn khác nhau nhưng vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh, liền mạch, nhất quán nhờ kết nối bởi mạch cảm xúc về đất nước.
2.Bố cục
Đất nước là bài thơ có kết cấu độc đáo:
-Nhà thơ đưa người đọc vào thế giới cảm xúc của mình bằng âm hưởng ca dao, dân ca. Khởi đầu là cảm xúc về một sáng mùa thu, mùa thu thiên nhiên, đất trời, gợi nhớ về mùa thu đã xa của Hà Nội. Rồi từ mùa thu thiên nhiên, đất trời, gợi nhớ về mùa thu của đất nước, mùa thu của cách mạng với niềm xúc động đầy tự hào được làm chủ đất nước. Và từ đó lại nghĩ về đất nước trong chiến tranh, giải phóng, về những con người từ trong đau thương căm hờn đứng lên chiến đấu – những anh hùng quần chúng. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh mang tính biểu tượng về sự vươn mình vĩ đại của đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới.
-Sự vận động của tư tưởng – cảm xúc của bài thơ phát triển theo hướng cảm nhận và suy ngẫm của tác giả về đất nước. Bởi vậy:
+ Phần sau của bài thơ có nhiều hình ảnh khái quát, hình ảnh mang tính biểu tượng hoặc hình ảnh hiện thực nhưng đã được mở rộng ý nghĩa theo hướng khái quát.
+ Sự chuyển biến của nhịp điệu, âm hưởng theo dùng cảm xúc: Từ nhịp chậm với những âm cao và trong => trầm xuống khi lắng nghe mạch sống bất diệt của đất nước => dồn dập, cuộn sôi, tuôn chảy => hào sảng, bừng sáng.
3. Nội dung
Mở đầu bài thơ là những cảm xúc trong một sáng mùa thu, gợi nỗi nhớ về Hà Nội:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Đó cũng là ấn tượng về một mùa thu Hà Nội: Không khí mát trong, gió thổi nhẹ và phảng phất mùi hương cốm mới. Câu thơ gợi tả cả không gian, màu sắc và hương vị, “đồng hiện” cả thời gian trong quá khứ và hiện tại, trộn lẫn hình ảnh trong thực tại và hình ảnh trong hoàn niệm.
Nguyễn Đình Thi đã đưa vào thơ những gì đặc trưng nhất của mùa thu Hà Nội. Điều đó chứng tỏ nhà thơ là người gắn bó sâu nặng, thiết tha với Hà Nội.
Dòng thơ thứ ba: Tôi nhớ những ngày thu đã xa là một sự chuyển mạch. Thực ra, ở hai câu thơ đầu đã có hình ảnh mùa thu xưa rồi, nhưng đến đây có lẽ không kiềm được dòng hồi tưởng nên lời thơ như buột phát ra:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Câu thơ mang dáp dấp suy nghĩ và tình cảm của một trí thức Hà Nội. Thời ấy, có thể không hợp với suy nghĩ của nhiều người trong hoàn cảnh kháng chiến nên Nguyễn Đình Thi đã thay đi. Song, dù sau thì sự chuyển mạch ấy cũng hợp lí, kết nối được hình ảnh toàn bài thơ.
Bốn câu thơ kế tiếp miêu tả về mùa thu Hà Nội xưa:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xo xác hơi may
Người đi ra đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu Hà Nội hiện lên trong hoài niệm của nhà thơ thật đẹp và thơ mộng, về thời tiết, thiên nhiên, không gian (chớm lạnh, xao xác hơi may, phố dài). Đặc biệt, sự cảm nhận của tác giả thật tinh tế và tài hoa khiến cho mùa thu Hà Nội bỗng nhiên biểu hiện bằng hình khối, màu sắc, ánh sáng. Đó là thứ hình khối, ánh sáng, màu sắc của tâm trạng nên khiến lòng người càng thêm xao động.
Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của Nguyễn Đình Thi vì thế mang vẻ đẹp của tâm trạng. Cảnh thu thường gợi lên trong lòng người những phảng phất buồn bởi sự thay đổi âm thầm, dịu ngọt, chầm chậm của hương vị, hoa lá, có cây của đất trời, ánh sáng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là do nhà thơ nắm bắt được những phút giây kì diệu ấy của mùa thu. Ở Đất nước, Nguyễn Đình Thi không chỉ nắm bắt được thần thái của mùa thu Hà Nội, mà có lẽ mùa thu ấy từ lâu đã là một phần trong tâm hồn của nhà thơ.
Từ hoài niệm về mùa thu Hà Nội xưa, tác giả dẫn vào cảm xúc về mùa thu đất nước, trong cảnh hiện tại ở chiến khu Việt Bắc.
Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trông biếc nói cười thiết tha.
Bài thơ có sự chuyển đổi về âm điệu, nhịp điệu: những câu thơ ngắn với những thanh nhịp nhanh, rộn ràng; sự phối hợp âm thanh với vần trắc và thanh trắc (phấp phới, áo mới). Cảnh sắc thiên nhiên cũng có sự thay đổi. Vẫn là mùa thu với bầu trời trong xanh, nhưng tươi sáng, nhiều hoạt động linh hoạt, gió thổi, rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới, nói cười thiết tha. Tất cả sự thay đổi ấy hòa nhập với tâm trạng của con người (đứng vui), thể hiện niềm vui hồ hởi, phấn chấn, tin tưởng, một vẻ đẹp khỏe mạnh và tươi sáng.
Sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ thể hiện ở những nét riêng biệt của mùa thu mới: âm thanh vang xa, vang vọng, ánh nắng như trong sáng hơn và bầu trời cũng cao rộng hơn.
Từ cảm xúc về mùa thu đất nước, Nguyễn Đình Thi dẫn dắt đến sự bộc bạch tình cảm mến yêu tha thiết và tự hào:
Trời xanh đây là của chúng ta
…..
Những buổi ngày xưa vọng nối về.
Những từ chỉ (đây) và điệp ngữ (của chúng ta) vang lên dõng dạc, tự hào về quyền làm chủ đất nước. Ngay cả sự liệt kê (một cách khái quát, bằng những danh từ và tính từ) tiếp tục bổ sung cho niềm tự hào to lớn ấy. Đặc biệt là hình ảnh bầu trời được Nguyễn Đình Thi hết sức chú ý : Trời xanh đây là của chúng ta. Hình ảnh ấy vừa chân thực, lại vừa có ý nghĩa tượng trưng cho đất nước, cho tự do, cho những gì cao đẹp nhất của con người. Còn nhớ, trước năm 1945, Nguyễn Đình Thi từng viết :
Trời xanh ơi hỡi xanh không nói
Hồn ta muốn hiểu chẳng cùng cho.
Khi ấy, “trời xanh’’ là hình ảnh đẹp, nhưng ngoài tầm với và sự hiểu biết của con người.
Trên cái nền không gian rộng mở, được miêu tả từ nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi chuyển sang chiều dài thời gian, nói lên đặc điểm, truyền thống và độ sâu lắng của đất nước và con người Việt Nam.
Đất chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất.
Thực ra, quá khứ, truyền thống của dân tộc không chỉ có vậy. Nhưng có lẽ, trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến toàn dân lúc bấy giờ, Nguyễn Đình Thi tập trung nói về truyền thống bốn nghìn năm kiên cường chống giặc ngoại xâm. Câu thơ có sự khái quát rất cao, nhưng lại gợi mở về những lớp người, những thế hệ đã anh dũng hi sinh, sẵn sàng hiến dân cho đất nước.
Tất nhiên, cùng với nhiều truyền thống tốt đẹp khác, tinh thần bất khuất của dân tộc hợp thành tiếng nói bền bỉ, liên tục, tiếp sức cho hiện tại.
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Cảm xúc về đất nước của Nguyễn Đình Thi được thể hiện xuyên suốt trong bài thơ góp phần thể hiện tình yêu quê hương, đất nước dạt dào của tác giả.