Tập làm văn lớp 4: Tả cái cặp của em hoặc của bạn em.
Bài làm
–Hiền ơi! Ba về rồi nè!
Nghe tiếng gọi ở cổng, em vội chạy ra. Ba đi công tác đã về, nét mặt tươi vui, rạng rỡ. Ba giấu một vật gì đó sau lưng. Em háo hức hỏi: “Quà của con hở ba?”. Ba cười đáp: “Quà ba mua cho con đó, con hãy giỏ ra xem đi”, Em bóc những lớp vỏ giấy bên ngoài, sung sướng reo lên: “Chà! Chiếc cặp đẹp quá! Con cảm ơn ba”.
Chiếc cặp mới tinh, được làm bằng vải giả da, mặt cặp có xen nhiều màu sắc, trồng hài hoà và rất đẹp mắt. Em vui quá, liền dùng gang tay đo thử, chiều dài dược ba gang, chiều rộng chỉ hơn hai gang. Viền xung quanh chiếc cặp là một hàng chỉ đỏ. Các đường chỉ khâu thẳng tắp và đều đặn. Mặt trước cặp có in hình hai chú thỏ con, bộ lông trắng muốt, đang tung tăng cắp sách tới trường. Bên cạnh là nhữhg điểm mười chói lọi xếp thành từng hàng như nhắn nhủ em cần cố gắng học hành. Phía giữa cặp là chiếc khoá mạ kền sáng loáng, nhờ đó em đóng mở cặp rất dễ dàng. Khi dùng tay ấn thử, em thấy khoá vang lên tiếng kêu: “tách, tách”, nghe rất vui tai. Em nhẹ nhàng mở cặp ra. Bên trong cặp có hai ngăn. Ngăn rộng nhất em để sách và vở, còn ngăn hẹp ở giữa là chỗ dành cho anh bút, chị thước kẻ nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Chiếc cặp tiện lợi quá. Nhờ chiếc cặp mà sách vỏ và đồ dùng học tập của em sẽ được giữ gìn tốt hơn.
Nghĩ đến năm học này, được khoác trên lưng một chiếc cặp mới, em thấy rất vui. “Cảm ơn ba, con sẽ học thật giỏi và giữ gìn cặp thật cẩn thận, ba ạ!”. Em thầm nhủ như vậy.
Đặng Vân Giang – Thành phố Hồ Chí Minh
Nhận xét của giáo viên:
1.Những ưu điểm cần học tập
-Bài văn có trình tự miêu tả khá hợp lý: tả những nét bao quát đến tả các bộ phận của chiếc cặp, tả đặc diểm bên ngoài đến đặc điểm bên trong của chiếc cặp.
-Nhiều chi tiết cho thấy bạn Giang đã quan sát chiếc cặp tỉ mỉ, tinh tế, và sángtạo (về kích thước, màu sắc, cách trang trí, đường chỉ khâu, khoá cặp,..).
-Lời văn uyển chuyển, sinh động do bạn sử dụng nhiều từ ngữ gợi tả (trắng muốt, sáng loáng, cong cong, thẳng tắp,…) cùng những hình ảnh so sánh, nhân hoá đặc sắc (“những điểm mười chói lọi như nhắn nhủ em cần cố gắng học hành”, “ngăn hẹp ở giữa là chỗ dành cho anh bút, chị thước kẻ nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi”).
-Bạn Giang cũng đã kết hợp một cách tự nhiên giữa tả và kể trong bài văn. Cách vào bài hấp dẫn: giới thiệu chiếc cặp sách bằng cách nêu lên hoàn cảnh xuất hiện của nó. Phần kết bài nhẹ nhàng, tình cảm gây ấn tượng với người đọc.
2.Những hạn chế cần rút kinh nghiệm
-Ở đoạn miêu tả hình dáng bên ngoài chiếc cặp bạn có thể miêu tả thêm chi tiết quai cặp (dây đeo) cho đầy đủ hơn.
-Phần thân bài chưa tách thành các đoạn văn.
Bài luyện tập:
1.Em thích nhất hình ảnh so sánh, nhân hoá nào trong bài văn trên? Vì sao?
2.Viết thêm 1-2 câu văn để miêu tả quai xách (dây đeo) của chiếc cặp.
3.Hãy tách phần thân bài của bài văn trên thành hai đoạn văn.
Tham khảo những bài văn tả đồ dùng học tập khác:
Tả chiếc cặp sách
Tả một đồ dùng học tập của em