Phân tích tình huống truyện độc đáo trong bài Vợ nhặt của Kim Lân
Hướng dẫn
Phân tích tình huống truyện độc đáo trong bài Vợ nhặt của Kim Lân
BÀI LÀM
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 là một khoảng thời gian rất thương tâm trong lịch sử Việt Nam. Xác chết người đói và người đang sống dở chết dở vì đói lẫn lộn ngay bên cạnh nhau. Có thể nói, sự sống lúc ấy đang trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc. Ấy vậy mà, nhà văn Kim Lân lại có nhã hứng sáng tác nên một câu chuyện vô cùng độc đáo: “Vợ nhặt”. Đúng như cái tên, vừa hài hước mà cũng vừa tủi nhục, kẻ nhặt vợ và kẻ làm thân vợ nhặt đều rách rưới, thiếu thốn như nhau. Có lẽ, chính vì cái đói, cái khổ đã làm họ trôi dạt vào với nhau. Xuyên suốt câu chuyện, nhà văn đã liên tục xây dựng nên những tình huống rất đặc sắc, mang ý nghĩa sâu xa đánh thẳng vào tâm lý người đọc với sự tủi hờn, bẽ bàng nhưng vẫn đầy hi vọng và niềm tin.
“Vợ nhặt” – có lẽ cái tên đã nói lên tất cả. Bởi người ta chỉ nói cưới vợ hoặc lấy vợ chứ chẳng ai nói vợ nhặt bao giờ. Nhưng ở đời, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhất là trong lúc cái đói cái khổ đang hoành hành khắp nơi, khắp chốn, khi mà sự sống đang rơi vào tình trạng nghìn cân treo sợi tóc, khi mà cái đói có thể vùi dập con người ta bất cứ lúc nào. Thậm chí, mùi lờm lợm, nồng thối của xác chết lúc nào cũng len lỏi khắp đường khắp chợ. Người ta còn chẳng thèm chôn mấy cái xác đã nằm ươn ra đấy vì đói. Kim Lân cũng đã miêu tả cảnh thê lương ấy một cách rất chân thực và bi ai: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và của xác người”.
Ấy vậy mà, nhà văn vẫn cầm cây bút với lòng đầy xót thương và dựng nên một cảnh hết sức bi hài trong cái đói cái khổ cùng cực: đó là cảnh nhặt vợ! Anh cu Tràng – nghe cách gọi của tác giả cũng đủ thấy sự ngờ nghệch, ngây thơ của một chàng thanh niên nơi xóm ngụ cư nghèo. Anh dắt theo bên mình một người con gái cũng chẳng hơn kém gì mình: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đi cạnh nhau là điều rất bình thường. Nhưng cái bình thường ở đây là trong lúc nạn đói đang giết chết từng người từng ngày, người ta chỉ còn biết nghĩ đến cái ăn, đến tiền chứ tâm trí đâu mà nghĩ đến việc yêu đương, hẹn hò hay cưới xin nữa. Thế nên, cảnh anh cu Tràng và người “vợ” vừa nhặt được đang đi bên nhau giữa những làn sương khói của buổi chiều tà khiến cho mọi người không khỏi chú ý, tò mò. Phải chăng Kim Lân đã cố tình dựng nên tình huống này để làm cái đói bớt thê lương? Và làm lòng người bớt u uất giữa những bế tắc của đói khổ, của túng quẫn? Ông có ý gì không khi để hai con người cùng cảnh bước qua những xác chết vì đói ngay bên đường để về ở với nhau. Biết đâu một ngày nào đó chính họ cũng sẽ là một trong những cái xác chết ven đường kia? Động lực nào đã khiến họ can đảm vượt qua tất cả để về với nhau?
Thực ra, thị đến với Tràng cũng một phần vì đói. Còn Tràng đã chẳng tiếc đãi thị liền một lúc một chắp bốn bát bánh đúc và một bữa cơm thật no nê. Đã thế, Tràng còn dẫn thị vào chợ mua cho thị cái thúng con con để đựng đồ đạc. Kim Lân không nhắc nhiều đến những gì Tràng đã dành cho thị, nhưng khi nhìn vào thực tế cảnh đói lúc ấy, Tràng đã quá rộng lượng, quá phóng khoáng và ga lăng. Và nghiễm nhiên, họ trở thành vợ thành chồng thật. Không một cuộc hẹn hò, không mai mối, không trầu cau, chỉ qua một vài lời bông đùa và đôi lần ánh mắt thẹn thùng, ngượng ngùng, họ đã đến với nhau. Sự việc diễn ra quá nhanh chóng, khiến Tràng là người trong cuộc còn không tin nổi đây là sự thật. Tình huống mà Kim Lân dựng lên không những khiến người đọc thấy xót xa mà ngay cả nhân vật trong truyện cũng ngỡ ngàng, bẽn lẽn.
Con đường đầy u ám mọi khi nay bỗng nhiên trở thành con đường kỉ niệm với bao hồi hộp, mong chờ. Có lẽ, tình yêu bao giờ cũng vậy, cũng làm cho con người ta thay đổi và trở nên tràn đầy sức sống với niềm tin. Chỉ có điều, tình yêu của Tràng và thị chóng vánh quá, gấp gáp quá và được đặt vào tình huống éo le quá. Thế nên khi về đến nhà, người mẹ già của Tràng cũng không khỏi ngỡ ngàng, xót xa. Bà ngỡ ngàng vì trong cảnh đói khổ thế này mà con mình cũng lấy được vợ, xót xa vì bà không biết cuộc sống những ngày tiếp theo sẽ ra sao nữa. Cái đói, cái khổ cứ quẩn quanh thế này thì đến bao giờ “chúng nó” mới khấm khá lên được. Mà liệu rằng có qua được cái tao đoạn này không… Lòng người mẹ đã trải qua bao năm tháng cuộc đời cứ suy nghĩ vẩn vơ rồi lại tự xót thương cho thân phận con mình. Bà cũng xót cho cả người “con dâu mới”. Lẽ ra người ta dựng vợ gả chồng ít nhất cũng phải có dăm ba mâm để ra mắt họ hàng, nhưng vì nghèo quá, bà không thể nào lo liệu cho con được. Thương con, thương mình. Ôi phận nghèo đến bao giờ mới hết?
Nhà văn đã xây dựng tình huống truyện một cách rất khéo léo, tài tình khiến mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên và đầy hấp dẫn. Dẫu trang văn có dài nhưng người đọc vẫn muốn theo dõi đến cùng để xem đôi vợ chồng đã nhặt được nhau sẽ cùng nhau đi đến đâu đâu và sống ra sao.
Và rồi, Kim Lân cũng đã thổi một làn gió mới vào xóm ngụ cư nghèo, vào cái gia đình đã bao lâu nay nguội lạnh, hoang tàn vì đói vì rét. Trong ngày đầu tiên có vợ, mọi thứ trong nhà đã thay đổi. Từ quang cảnh, từ cách sinh hoạt… tất cả đều như được sống dậy sau những ngày dài chìm trong u tối. Mà có lẽ cũng là như vậy thật. “Nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Từ những điều đơn giản nhất, nhỏ bé nhất trong nhà đều được thay đổi. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới – một cuộc sống tràn đầy niềm tin và hi vọng.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Dù mọi người đều đang hào hứng, phấn khởi cho sự thay đổi mới của cả gia đình nhưng sự thật về cái đói đang hoành hành vẫn không thể nào xua tan đi ngay được. Bữa cơm đầu của ngày mới về làm dâu không có gì hơn là một lùm rau chuối thái rồi và một đĩa muối ăn với cháo. “Nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Có lẽ, câu chuyện sẽ có thể kết thúc ngay tại đây, nhưng nhà văn không thể không nhắc đến sự thật cảnh sống thực tế của nạn đói lúc bấy giờ. Thế nên, ông đã cố tình dựng nên tình huống về nồi cháo cám khi mọi người đã ăn hết cháo. Một nồi cháo chẳng thể đủ cho cả ba miệng ăn khi mà ai cũng đói, cũng thèm được ăn cho no. Hết cháo, bà cụ chống chữa bằng nồi cháo cám. Nhưng trước khi mang cháo cám lên, bà đã khơi dậy hứng thú cho hai con bằng câu nói rất ngọt ngào “Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ”. Rồi bà cũng tự động viên, nhắn nhủ con mình: “Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”. Miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ khiến cho “nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”. Và có lẽ, tình huống này đã khơi dậy bao niềm đồng cảm và xót xa nơi người đọc. Xót cho thân phận những người nông dân lương thiện, đói nghèo, đến ngay cả mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình cũng bị cái đói kìm kẹp. bủa vây. Đồng thời cũng oán than, trách giận cho những kẻ cầm quyền tàn ác bất nhất đã đẩy người nông dân vào tình cảnh éo le này.
Thế nên, ngòi bút sắc sảo của Kim Lân đã không quên dựng nên cảnh phá kho thóc Nhật cùng với hình ảnh lá cờ Tổ quốc bay phấp phới như đang vẫy gọi đồng bào cùng đứng lên dành lại quyền sống cho chính mình.Trong ý nghĩ Tràng “vụt ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có là cờ đỏ to lắm”. Cảnh tượng ấy đã gợi lên bao hi vọng cho Tràng, mẹ Tràng và cho thị. Hi vọng một ngày nào đó, cả hai vợ chồng sẽ cùng đứng trong đám dân kia để phá kho thóc Nhật, chia thóc cho mọi người, rồi cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới.
Mọi thứ rồi sẽ thay đổi khi con người ta có hi vọng, có ý chí. Dù không biết cái đói có thể lấy đi mạng sống mình bất cứ lúc nào nhưng niềm tin trong những con người cùng khổ, lương thiện vẫn luôn đầy ắp, như chiếc chum khô cong bao ngày nay đã được đổ tràn đầy.
Bằng những ngôn từ giản dị và tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, Kim Lân đã rất thành công khi dựng nên một thước phim quay chậm về cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo trong tình cảnh đói khát, thiếu thốn đến cùng cực. Càng khó khăn bao nhiêu, tình người lại càng sáng chói bấy nhiêu. Bởi ở đó, họ dù có khổ sở, có túng quẫn cũng không trà đạp lên nhau. Ngược lại, một kẻ ngờ nghệch như Tràng vẫn mở rộng tấm lòng đón nhận một người phụ nữ về ở cùng mình. Dù rằng rất có thể cái đói sẽ nhấn chìm cả hai, nhưng tình người chân chính và lòng lương thiện đã khiến họ xích lại gần nhau.
Đi hết tình huống này đến tình huống khác, người đọc càng xót xa cho thân phận người nông dân bao nhiêu, lại càng oán than những kẻ cầm quyền gian ác bấy nhiêu. Bởi vậy, nhà văn Kim Lân cũng không quên gieo vào lòng người đọc sự hoan hỉ khi dựng nên hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới ở cuối câu truyện để lấy lại niềm tin cho mọi người. Lá cờ ấy còn khẳng định rằng: Nhân dân nhất định sẽ chiến thắng. Kẻ gian ác tàn bạo nhất định sẽ bị lụi tàn.