Phân tích nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ
Hướng dẫn
Phân tích nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ
Bước vào thế giới văn chương ta bắt gặp không ít những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời được sinh ra làm người nhưng phải sống kiếp nô lệ, kiếp trâu kiếp ngựa cho bọn quan liêu, cường hào. Điển hình trong đó là Mị – một cô gái trẻ đẹp đầy khát vọng bước ra từ trang văn chân thực của Tô Hoài với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc. Tác phẩm là một trong những đứa con tinh thần quý báu của Tô Hoài trong hơn sáu thập kỷ lao động nghệ thuật. Ông là một nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam.
Mị được xây dựng lên từ những nỗi khổ tột cùng của người nông dân mà cụ thể ở đây là những người dân miền núi Tây Bắc khi phải sống dưới chế độ phong kiến áp bức, bóc lột tàn bạo, dã man. Xuyên suốt tác phẩm, Mị lúc tỉnh, lúc mê. Mị đang còn sống mà như đã chết.
Bản chất của Mị là một cô gái yêu tự do, yêu cuộc sống. Mị cũng có một tuổi trẻ màu hồng đầy khát vọng đẹp. Mị được rất nhiều người yêu mến. Đến nỗi, con trai đến đứng nhẵn cả mảnh đất ở đầu buồng Mị mỗi dịp xuân về. Thế nhưng, giữa lúc tuổi thanh xuân đang phơi phới thì cuộc đời Mị bước sang một bước ngoặt mới. Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lý do bố mẹ Mị nợ tiền nhà hắn. Bố Mị vay lúc cưới mẹ Mị, mỗi năm phải trả lãi một nương ngô, đến khi mẹ Mị chết mà nợ vẫn chưa trả xong. Bố Mị thương con đứt ruột nhưng vẫn đành phải ngậm ngùi gả con cho nhà thống lý. Mặc dù Mị buồn lắm, đau khổ lắm những vì luật lệ của dân bản, Mị đã bị A Sử bắt về, nhà A Sử cũng đã trình ma theo phong tục rồi nên Mị không chống cự lại được. Chỉ có cái chết mới giải thoát được Mị khỏi cuộc hôn nhân này. Nhưng đau đớn thay, ngay cả cái chết Mị cũng không thể làm. Vì nếu Mị chết thì bố Mị lại phải trả nợ cho nhà thống lý, lúc đó, bố Mị còn khổ hơn bây giờ gấp trăm gấp nghìn lần. Rồi Mị lại đau khổ chấp nhận sống. Điều đó chứng tỏ Mị rất thương bố. Mị đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, cả những ước mơ đẹp đẽ nhất của đời mình vì bố. Đáng lẽ ra, được sống là một niềm hạnh phúc, là sự thiêng liêng vô cùng, nhưng ở đây, sự sống với Mị lại là sự trả nợ, là đau khổ, là nước mắt. Mị đã khóc rõng rã suốt cả mấy tháng trời. Giọt nước mắt của sự buồn tủi, tiếc nuối, sự chấp nhận.
Trên danh nghĩa, Mị là con dâu nhà thống lý, nhưng thực ra kiếp sống của Mị, cũng như của những người chị em dâu khác trong nhà chẳng khác gì con trâu, con ngựa. Suốt năm, suốt tháng chỉ biết đến làm. Đến con trâu con ngựa còn có lúc được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, còn người nhà này thì làm chẳng có lúc nào được nghỉ ngơi. “Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế”. Dường như cuộc sống cứ ảm đạm, triền miên từ ngày này qua ngày khác. Thậm chí, Mị được ví như con rùa nuôi trong xó cửa. Cuộc sống lúc này với Mị chẳng còn ý nghĩa gì nữa. “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng”. Có lẽ cuộc đời Mị cũng vậy, mờ mờ ảo ảo, lầm lũi không biết ngày mai ra sao, không lối thoát, không định hướng. Tô Hoài đã dành những điệp khúc chán ngắt dành cho Mị, miêu tả một cuộc đời cam chịu, một số phận hẩm hiu.
Thế rồi, những phút giây của tuổi thanh xuân cũng một lần sống lại trong Mị khi tiếng sáo ngày xuân ở đâu vọng lại. Lòng Mị lại thiết tha bồi hồi. “Mị ngồi nhẩm thầm theo bài hát của người đang thổi”. Những tưởng bao lâu nay con người và cả tâm hồn Mị đã chết rồi. Nhưng không, chỉ là nó tạm thời bị lãng quên bởi cuộc sống thực tế đầy rẫy tủi hờn, khổ đau. Mị nhớ lại những đêm tình mùa xuân.
“Ngày tết, Mị cũng uống riệu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Có lẽ lúc này, Mị muốn say, muốn quên đi sự ê trề của cuộc sống thực tại. Say nhưng là để tỉnh, để được sống lại là chính mình. “Lòng Mị đang sống về những ngày trước”. Chứng tỏ, những niềm khát khao trong lòng Mị vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhưng vì phải trả nợ nên Mị đành cam chịu. Rượu tan, Mị trở lại cuộc sống làm kiếp nô lệ ở nhà thống lý. “Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng”. Cái cảnh này đã quá quen thuộc, đã trở thành lối mòn với Mị đến nỗi Mị hành động như một phản xạ tự nhiên. Nhưng không hiểu vì riệu hay vì điều gì, Mị bỗng nhận ra mình còn trẻ lắm, Mị cũng muốn được đi chơi. Đang rạo rực là thế, nhưng nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết luôn chứ không buồn nhớ lại nữa. Có một điều ngang trái ở đây là chính lúc Mị ý thức được cuộc sống của mình, trái tim Mị sống lại với tiếng sáo, tiếng hát, với tuổi thanh xuân lại chính là lúc Mị muốn chết. Có lẽ chỉ có cái chết mới có thể cho Mị được sống! Sự thật cay đắng này càng tố cáo tội ác dã man của bọn cường hào, áp bức. Bọn chúng, chính bọn chúng đã cướp đi tuổi thanh xuân, đã dập tan bao ước mơ, bao khát vọng của Mị, của cả những người như Mị. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, Mị chẳng biết là mình có còn tồn tại hay không nữa. Mị sống như cái xác không hồn với những công việc nhàm chán. Sự sống trong Mị vừa nhen nhóm trở về thì A Sử lại trói buộc Mị bằng sợi dây quen thuộc, sợi dây trói của sự thống trị, của tàn ác, bất nhân khiến “Mị đau dứt từng mảnh thịt”. Mị nhớ đến một người vợ cũng bị trói đến chết trong nhà A Sử, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Chứng tỏ, ở nhà A Sử, ở cái chế độ phong kiến này, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, cái chết là một sự rất thường tình.
Với nghệ thuật xây dựng tình huống rất tài tình cùng lối viết chân thực, cảm động, Tô Hoài đã xây dựng lên Mị – một nhân vật đại diện cho những con người cùng khổ thời ấy. Cho đến khi Mị gặp A Phủ, cuộc đời Mị mới bước sang một trang mới. Những đêm đầu, Mị cũng chẳng hề có chút suy nghĩ gì về A Phủ. Bởi Mị đã quen với cảnh người bị trói trong nhà này rồi. Mỗi đêm, Mị thức dậy sưởi lửa, khi nhìn thấy mắt A Phủ mở trừng trừng, Mị mới biết A Phủ vẫn còn sống. Lại một lần nữa, Mị nhìn nhận sự sống và cái chết bằng cái nhìn rất thường tình. “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa”. Ngọn lửa ấy chính là ngọn lửa của sự sáng, sự hi vọng về một ngày mai tươi sáng, ngày mà Mị phân biệt được cái trăng trắng ở cửa buồng mình là sương hay là nắng. Trái tim Mị tưởng chừng như đã chết, đã quá lì, cho đến khi Mị nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen xám lại trên mặt A Phủ, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng như thế. Mị thấy đồng cảnh, đồng cảm với A Phủ. Mị nghĩ đến giọt nước mắt của chính mình, giọt nước mắt mà Mị không thể nào tự lau đi được. Mị chợt thốt lên trong lòng: Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này, chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Nếu lúc trước trong khi say, mị ý thức về sự sống, thì giờ đây, khi nhìn A Phủ, Mị đã có ý thức về cái chết. Phải chăng trái tim Mị đang sống lại? Mị tự nghĩ ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. Đám than vạc hẳn lửa, nhưng đám lửa trong Mị đang bắt đầu nhen nhóm cháy dần lên. Mị hồi hộp, sợ hãi, Mị rón rén bước lại cởi trói cho A Phủ. Mị xác định mình ở đây thì chỉ có chết, nếu nhà A Sử phát hiện Mị cởi trói cho A Phủ, Mị cũng phải chết. Cái chết chỉ là đến trước hay sau thôi. Vì thế, Mị bất chấp cởi trói cho A Phủ. A Phủ chạy đi, Mị đứng lặng trong bóng tối. Bóng tối đã bao phủ cuộc đời Mị suốt bấy lâu kể từ khi về làm dâu nhà thống lý. Rồi Mị cũng chạy vụt ra. Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Giây phút này, dù chưa biết sẽ đi về đâu, dù bóng đêm vẫn đang bao trùm nhưng chỉ cần vượt qua bóng đêm ấy, Mị tin ngày mai sẽ tươi sáng. Hai người đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.
Vậy là sau bao ngày cam chịu những ê trề đau đớn, Mị đã tự giải cứu cuộc đời mình. Đến cuối truyện ta nhận ra trái tim Mị chưa lúc nào chết cả. Chỉ là nó bị cái hiện thực che lấp, đè nén. Nhưng sau cùng, ý chí sắt đá và khát khao được sống trong Mị vẫn chiến thắng.
Tô Hoài đã xây dựng hình ảnh Mị rất thành công. Ông dành những dòng thương cảm nhất, xót xa nhất cho Mị. Mị là hiện thân của cả một tầng lớp nô lệ, nông dân thời bấy giờ. Sau bao khổ đau, tủi nhục, Mị đã tự mình vùng dậy. Sự bừng tỉnh của Mị cũng chính là sự hi vọng của bao người về một ngày mai tươi sáng.