Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong Vợ nhặt

Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong Vợ nhặt

Hướng dẫn

Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong Vợ nhặt

“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tác phẩm là sự xót thương cho những con người nghèo đói, khốn khổ, đồng thờiKim Lân cũng chĩa ngòi bút nhạy bén của mình vào bọn thực dân phong kiến tàn ác đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng, khiến họ sống lay lắt trong cảnh thảm hại, thê lương. Đến ngay cả một nồi cháo cám vị đắng xít cũng trở nên quý báu, sang trọng. Nhưng trên hết, nồi cháo ấy còn ẩn chứa bao ý nghĩa sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm từ sự đồng cảm, xót xa của mình.

Câu chuyện là bức tranh chân thực về cái đói cái nghèo tàn tạ của xóm ngụ cư. Kim Lân đã dựng lên một khung cảnh thật buồn: ngã tư xóm chợ về chiều càng xơ xác, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi cứ gào lên từng hồi thê thiết. Vậy mà trong khung cảnh thê lương ấy, lại có hai con người dắt díu nhau về làm vợ, làm chồng của nhau khiến cả xóm ai nấy cũng ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì giữa cái đói như thế này, đến bản thân mình còn không biết có thể sống được đến đâu mà lại còn đèo bòng. Hai con người cùng chung một thân phận, chung một nỗi khổ, và chung một niềm hi vọng rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn hôm nay. Dẫu sao cuộc nhặt vợ thật tình cờ và ngẫu nhiên của cũng khiến cho những khuôn mặt hốc hác u tối của những người dân xóm ngụ cư bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy.

Hai người dắt nhau về nhà. Ngày đầu tiên có vợ, mọi thứ trong nhà đều thay đổi. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên thật vui vẻ dù bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muoios ăn với cháo. Nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Trong bữa ăn ấy chan chứa tình thương và niềm vui dù biết rằng sẽ có những ngày mai rất khó khăn, khổ cực. Chưa bao giờ trong nhà này, mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn. Mẹ Tràng hào hứng “chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ”. Hẳn là bà lão có món gì đó ngon lắm. Lại đang lúc đói, đang ăn dở bữa, hai vợ chồng chắc cũng mong đợi sẽ có thứ gì đó ăn ngon hơn niêu cháo lõng bõng kia. Còn bà lão vẫn giữ thái độ vui vẻ, bà vừa khuấy khuấy vừa cười “Chè đây. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Còn Tràng cầm đôi đũa, gơt một miếng bỏ vội vào miêng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Vậy mà mẹ Tràng cứ hớn hở “Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”.

Nồi cháo cám đắng chát. Nhưng lại là tình thương bao la của người mẹ dành cho con. Bà ngần ấy tuổi rồi, hẳn bà hiểu rõ hơn ai hết vị cháo cám như thế nào. Nhưng với tấm lòng người mẹ, giống như mẹ dỗ dành cho con ăn lúc bé thơ vậy, bà gạt đi những nỗi tủi hờn trong lòng và tự khen “ngon đáo để” để cho các con ăn. Thế mới thấu hiểu tấm lòng người mẹ thiêng liêng biết nhường nào.

Mặt khác, nồi cháo cám trong bữa cơm chính là kết quả từ sự tàn ác nham hiểm của bọn thực dân, phong kiến. Chúng bắt nhân dân phải nhổ lúa trồng đay. Mà đay nào có thể ăn được. Chúng triệt đường sống của người dân lương thiện. Chúng không thẳng tay bắn chém từng người ngã xuống, cũng không thả bom cho cả làng chết một loạt trong phút chốc, mà chúng khiến cho nhân dân phải sống mà như chết, thậm chí sống còn khổ hơn chết. Họ sống lay sống lắt, họ chết dần chết mòn trong cái đói cái rét và cái khổ. Cơm không có để ăn, họ phải ăn cháo cám. Thậm chí có nhà còn không cả có cám mà ăn. Giờ đây, cháo cám lại trở thành một thứ xa xỉ và quý báu một cách lạ lùng. Lúc trước, bà cụ Tứ bào lẽ ra việc Tràng lấy vợ phải có dăm ba mâm cơm mới phải. Có lẽ, nồi cháo cám này chính là “cỗ” mừng con dâu mới.

Một mặt khác, nồi cháo cám cũng chính là chi tiết thể hiện sự hào phóng của Tràng. Bởi trước đó, Tràng đã đãi thị một chập bốn bát bánh đúc liền, Tràng còn dẫn thị vào chợ tỉnh, mua cho thị cái thúng con con rồi đi đánh chén một bữa cơm thật no nê. Đối lập lại với lúc này, cả nhà ngồi ăn chỉ có duy nhất một nồi cháo cám đắng xít. Không phải Tràng không hiểu hoàn cảnh của mình đang đói kém như thế nào mà vì Tràng cũng thương thị. Và như một lẽ tự nhiên, Tràng dù có ngờ nghệch thì giờ đây, trước mặt thị, Tràng vẫn là một chàng trai trẻ, Tràng cũng muốn dành cho “người yêu” mình thứ gì đó thật vui. Giữa lúc đói thế này, điều vui nhất chính là miếng ăn. Vì vậy, Tràng đã chẳng tiếc tiền mà đãi thị một bữa thật no nê. Dù về nhà có phải ăn cháo cám Tràng cũng không hề hối tiếc. Điều này càng thể hiện phẩm chất cao quý của Tràng.

Nồi cháo cám dù đắng xít nhưng đã ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa phản ánh hiện thực đói khổ của người dân, vừa mang tình thương cao quý thiêng liêng của tấm lòng người mẹ, vừa tố cáo tội ác tàn bạo của bọn thực dân. Kim Lân đã rất thành công khi dựng lên tình huống nồi cháo cám ngon đáo để của bà cụ Tứ, để từ đó thể hiện nhiều ý nghĩa khiến người đọc không khỏi đồng cảm và xót xa.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *