Phân tích bài thơ Tây Tiến
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Tây Tiến
Tây Tiến – đoàn quân anh dũng đã đi vào lịch sử Việt Nam như một bản hùng ca đầy bi tráng. “Tây Tiến” – một tác phẩm thi ca sáng ngời thể hiện rõ nét nhất về những vị anh hùng ấy. Mà ở đó, cả người và cảnh đều được nhà thơ Quang Dũng thể hiện vừa chân thực vừa lãng mạn bằng những vần thơ giản dị, nhịp nhàng.
Cũng là một người lính Tây Tiến nên Quang Dũng đã có rất nhiều kỷ niệm cùng với đoàn binh của mình trong những năm tháng kháng chiến quyết liệt ở Miền Tây. “Tây Tiến” được ra đời xuất phát từ chính nỗi nhớ đồng đội, nhớ khoảng thời gian cùng nhau hành quân, cùng trải qua những gian khó nơi chiến trường đầy đạn bom khói lửa. Những năm tháng ấy không những là kỷ niệm riêng khó mờ phai trong trái tim ông mà còn là những trang sử hào hùng của cả dân tộc Việt Nam.
Tây Tiến – một bài thơ thật đẹp, đẹp cả cảnh lẫn người:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Cảnh đẹp của một miền quê xa nhớ giờ lần lượt hiện lên dưới ngòi bút tinh tế, lãng mạn của thi sĩ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu. Những địa danh đã gắn bó mật thiết với Quang Dũng và đoàn quân Tây Tiến trong những năm tháng dài kháng chiến. Mỗi cái tên là mỗi khó khăn trập trùng nối tiếp nhau. “Sài khao sương lấp” khiến “đoàn quân mỏi”. Ở Mường Lát cũng vậy:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngử trời”
Nơi đây, những ngọn núi ngọn đồi chen lấn nhau, át cả đoàn quân nhưng thay vì mệt mỏi, họ vẫn luôn bừng bừng khí thế. Điều đó được thể hiện ngay trong giọng điệu hào hứng của từng câu thơ. Những con dốc khi lên lúc xuống, khúc khuỷu và thăm thẳm. Dốc cao đến nỗi nếu đứng trên đầu dốc sẽ không thể nhìn được xuống chân dốc. Nhưng dù có khó khăn thế nào cũng không làm lay chuyển ý chí của những người lính Tây Tiến đang ngày đêm hành quân. Dù ở nơi xa thẳm heo hút ấy, dù bao khổ cực gian lao, và dù có phải chết đi chăng nữa, chỉ cần còn hơi thở là họ còn bước tiếp. Cũng có những lúc, vì ý chí quyết tâm, họ chẳng màng chi đến thân thể mình. Thế nên, nhà thơ đã đặt một dấu chấm than đầy xúc động sau hai câu thơ:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đởi!”
Hai câu thơ này đã lấy đi rất nhiều nước mắt của bạn đọc bởi hình ảnh một người lính trẻ măng đang căng tràn sức sống, đang ấp ủ bao ước mơ bao hoài bão đẹp của đời trẻ mà nay vì đất nước đã sẵn sàng hi sinh. Tuổi thanh xuân anh còn chưa sống hết. Có thể tuổi anh lúc đó chỉ bằng hoặc hơn kém một – hai tuổi của những bạn học sinh đang đọc bài thơ này. Vậy đấy, ngay cả lúc chết, anh cũng “gục lên súng mũ”, chết cho Tổ quốc thân yêu, cho nhân dân, cho thế hệ đàn em được sống trọn vẹn tuổi thanh xuân. Đằng sau dấu chấm than ấy, sau một người lính đã “bỏ quên đời” là còn bao nhiêu người lính khác nữa. Họ cứ bước, cứ tiến theo một niềm quyết tâm, quyết không bao giờ lui, quyết đuổi sạch quân thù khỏi đất Việt. Có lẽ viết đến đây, Quang Dũng cũng xúc động lắm khi nhớ về người đồng đội của mình đã nằm lại trên chiến trường xa xôi. Nhưng chưa dừng lại ở đó, những mối hiểm nguy khác vẫn còn đầy rẫy trên con đường họ hành quân:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Chỉ có những ngọn thác dựng đứng mới có thể “gầm thét” như trong câu thơ của tác giả. Khi đêm xuống, họ dừng chân nghỉ nhưng giấc ngủ cũng không tròn vì xung quanh là rừng rậm hẻo lánh, là thú dữ khát máu người. Biết là mình luôn cận kề bên bờ vực thẳm của cái chết nhưng họ không hề nao núng. Cả tác giả cũng vậy, ông miêu tả, ông kể lại những khó khăn mình gặp phải nhưng chưa có một từ ngữ nào nói lên sự sợ hãi, thay vào đó là giọng điệu đầy tự hào, phấn chấn và lãng mạn:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Nhớ đồng đội và giờ nhà thơ đang nhớ những kỷ niệm thân thương của Tây Tiến, nhớ người em gái dịu dàng với mùi nếp thơm quyến rũ. Đây chính là tình đồng đội, sự hẫu thuẫn lẫn nhau giữa quân và dân trong thời kỳ kháng chiến.
Như vậy, đoàn lính Tây Tiến đã băng qua bao gian nan thử thách, thậm chí là song hành cùng với Thần Chết nhưng họ vẫn tiến bước với ý chí quyết chiến cho Tổ Quốc được hòa bình độc lập. Họ đã cùng nhau trải qua bao gian khó: Cả ngày vượt đèo vượt núi trong bao khó khăn khổ cực, đêm đến lại trông cho nhau ngủ để thoát khỏi nanh vuốt của thú dữ… Nhưng sau cùng, vì Tổ quốc, những người lính dẫu có “bỏ quên đời” cũng vẫn oai nghiêm, vẫn giữ vững một niềm tin chiến đấu.
Và rồi, gạt bỏ hết những khó khăn ấy, Quang Dũng đưa ta đến với đêm đốt lửa trại đầy lãng mạn, náo nức:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
Đến đây, đạn bom khói lửa như được nhà thơ cất giữ riêng một nơi, để nơi này chỉ còn lại đuốc hoa, xiêm áo nhảy múa trong tiếng khèn náo nức của đêm hội. Biết là ngoài kia, nơi chiến trường đang súng đạn quyết liệt, máu của kẻ thù và cả máu của đồng đội vẫn đang từng ngày đổ xuống. Nhưng chẳng có điều gì ngăn cản được những niềm vui của đời trẻ, của thanh xuân. Có thể nói, những câu thơ này rất đẹp. Dường như nơi đây không hề có chiến tranh, không bom đạn, không đổ máu mà chỉ có tiếng hát, tiếng khèn và những điệu nhảy nhịp nhàng bên đống lửa. Họ – bao gồm cả lính và dân. Họ – những con người có thể chưa một lần quen biết nhưng giờ đây đang cùng hòa nhập làm một. Đó chính là tình dân quân, tình đoàn kết gắn bó keo sơn của nhân dân ta trong thời kháng chiến. Nhờ có sự đoàn kết ấy, lịch sử Việt Nam mới có những trang vàng chiến thắng.
Tạm xa những kỷ niệm thân thương ấy, nhà thơ lại quay trở về với đồng đội của mình:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Những người lính Tây Tiến thật hóm hỉnh và bi tráng. Hành quân trong rừng, ắt không tránh khỏi những cơn sốt rét khiến tóc rụng, da xanh, người hao gầy. Thế nhưng, qua ngòi bút tinh tế và hồn thơ lãng mạn đậm chất lính của Quang Dũng, sự thật ấy đã được diễn tả một cách rất vui tươi. Bởi thế, cả đoàn binh “không mọc tóc” hay tóc không thèm mọc chứ không phải vì bị rụng không mọc được. Sự xanh xao trên khuôn mặt các anh lại càng khiến mỗi người thêm oai hùm. Và rồi, trong trái tim những người lính ấy vẫn luôn ấp ủ bóng hình của người con gái mình thương nơi quê nhà xa xăm. Ngày hành quân, đêm lại nhớ về người yêu. Hẳn là chúng ta đã từng nghe nói đến tính yêu của người lính, rất chân thành và chung thủy. Nhưng không phải ai cũng có thể trở về được với gia đình, với những người thân yêu. Không ít người đã bỏ lại mình ở xứ lạ. Đúng như Quang Dũng đã viết “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Câu thơ lại một lần nữa làm nhói tim mọi người. Anh ra đi mà “chẳng tiếc đời xanh”, anh đi bỏ lại một “dáng kiều thơm” đang từng ngày ngóng chờ tin anh. Chiến tranh là thế, kẻ ở người đi, người đi chưa biết sẽ có ngày quay lại.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Vẫn biết vào chiến tranh là hiến thân mình, nhưng những người lính ấy vẫn quyết hẹn thề với đất nước, quyết mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Họ tình nguyện bỏ lại sau lưng bao ước mơ, bao hoài bão của tuổi trẻ. Thậm chí bỏ lại cả tình yêu đẹp đẽ còn đang dang dở bao dự định cho tương lai. Bởi có lẽ nếu họ không làm vậy thì những đời trẻ sau này, những tuổi thanh xuân tiếp đó sẽ chẳng bao giờ có thể được sống trọn vẹn.
Sự hi sinh của các anh mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong lòng dân tộc. Quang Dũng đã rất thành công khi khắc họa lại những người đồng đội của mình. Đó cũng là hình ảnh chung của người lính Việt Nam trên khắp các chiến trường thời kỳ kháng chiến. Cho đến nay, đất nước đã hòa bình, thế hệ trẻ hãy tận hưởng những gì mà các anh đã chẳng tiếc máu xương mình để giữ lại, đồng thời cố gắng dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp hơn để xứng đáng với tất cả những hi sinh thiêng liêng, cao cả ấy.