Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến qua khổ thơ thứ ba trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Hướng dẫn
Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến qua khổ thơ thứ ba trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Đất nước đã hòa bình độc lập nhưng hình ảnh về những lính anh hùng, can đảm đã nhuốm máu mình trên từng tấc đất vẫn mãi là những ký ức đẹp của cả dân tộc Việt Nam. Quang Dũng – một nhà thơ tinh tế lãng mạn, và cũng là một người lính đã có những vần thơ rất chân thực viết về những đồng đội của mình trong đoàn quân Tây Tiến:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Đoạn thơ được trích từ bài “Tây Tiến” của Quang Dũng với những từ ngữ giàu hình ảnh trong giọng điệu phóng khoáng, tự do, tự hào. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả bởi hình ảnh những người lính Tây Tiến đầy bi tráng. Như một lời khẳng định, Quang Dũng đã thẳng tay viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”.
Không khó khăn gì để trả lời câu hỏi tại sao lại là “đoàn binh không mọc tóc”? Là tóc không mọc hay không thèm mọc? Cuộc sống giữa rừng sâu cùng với sự khó khăn thiếu thốn buộc các anh phải dãi dầu mưa nắng. Những côn sốt rét rừng đã khiến tóc các anh bị rụng, không thể mọc lại được, người gầy xanh xao. Nhưng nhà thơ Quang Dũng và cũng là người lính với tâm hồn lãng mạn, yêu đời đã biến sự thật ấy thành những điều rất tự nhiên, thậm chí là có phần hài hước, vui vẻ. Có lẽ lúc ấy tuổi các anh cũng chỉ tầm mười tám đôi mươi. Hoặc có anh bằng lứa tuổi của những bạn sinh đang đọc bài thơ này. Gác lại sách vở, gác lại những ước mơ còn dang dở, các anh đã rời ghế nhà trường để cầm súng chiến đấu cho Tổ quốc có ngày được độc lập tự do. Bước vào chiến trường, là bước vào ranh giới của sự sống và cái chết, nhưng không ai bảo ai, họ đều thấu hiểu điều đó và cùng chung một lòng quyết chiến đấu đến cùng. Những cơn sốt rét rừng đâu có là gì. Tóc rụng hay không mọc được cũng chẳng sao, các anh không thèm mọc tóc nữa. Cách nói này của Quang Dũng rất hài hước, rất đúng với khí thế của cả đoàn binh. Trên chiến trường, họ gan dạ với quả tim sắt đá, nhưng đêm về lại thổn thức nhớ người yêu. Ở bên kia biên giới, người yêu bé nhỏ của anh hẳn cũng đang ấp ủ những nỗi nhớ niềm thương và thầm mong ngày đoàn tụ để cùng anh tiếp tục những lời hẹn ước còn dở dang.
Nhưng chiến tranh đâu có thể nói trước điều gì. Ai ngã xuống, ai quay về còn chưa rõ. Chỉ biết rằng, dẫu có chết các anh cũng “chẳng tiếc đời xanh”. Quang Dũng cũng đã bộc bạch rất chân thành: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Có lẽ chính vì điều này mà bài thơ đã một thời bị cấm phát hành vì cho rằng đã nói lên những mất mát hi sinh quá lớn của quân đội Việt Nam, khiến tinh thần người lính đi xuống. Nhưng sau cùng, bài thơ vẫn được đón nhận và trở thành một khúc hành quân đầy tự hào với hình ảnh những người lính đang rộn ràng bước chân. Họ lên thác xuống ghềnh, chèo đèo lội suối, vượt bao gian khó, có những lúc:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả đều tan biến mỗi khi anh nghĩ đến ngày đất nước hòa bình thống nhất, ngày các em nhỏ được tung tăng đến trường và đôi lứa không còn phải chia ly mỗi người một ngả.
Như vậy, người lính trong bài thơ đã được Quang Dũng thể hiện đậm chất bi tráng, vừa chân thực, vừa hài hước, vừa mang nhiều ý nghĩa cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau và mãi mãi noi theo. Những người lính ấy đã một lòng yêu nước, đồng tâm đồng lực đánh đuổi quân thù. Người ngã xuống, hòa máu mình vào đất, người bỏ lại một phần cơ thể trên chiến trường xa xôi… Mẹ mất con, vợ mất chồng… Những cuộc tình dang dở… Sau cùng, tất cả đã được đền đáp bằng ngày thống nhất toàn dân, ngày hòa bình độc lập trở lại trên đất Việt Nam. Và nếu có thể được hi sinh lần nữa, chắc chắn các anh cũng luôn sẵn lòng.
Những người lính hôm nay nói riêng và cả thế hệ trẻ nói chung đã không phải chịu cảnh bom rơi đạn gào, cảnh chia ly đẫm nước mắt kẻ ở người đi, hãy sống cho thật tốt. Thật đáng buồn cho những người trẻ đang lầm đường lạc lối đi vào con đường tệ nạn xã hội, làm buồn lòng những anh hùng đã ngã xuống. Hãy dừng lại khi còn kịp, hãy là những người lính thời bình đầy thông minh và hoài bão, ước mơ dựng xây cuộc đời, dựng xây đất nước.