Em có nghĩ gì khi mình khôn lớn ?

Em có nghĩ gì khi mình khôn lớn?

Hướng dẫn

Em có nghĩ gì khi mình khôn lớn?

Ai có thể định nghĩa được thế nào là khôn lớn? Một cô bé mười tám tuổi đã gọi là khôn lớn chưa nhỉ? Nhiều khi tôi miên man trong những dòng suy nghĩ dở dang. Một lần thấy mẹ đi làm về mồ hôi lã chã rơi, tôi vội chạy pha cho mẹ ly nước sấu đá, ba xoa đầu vỗ về “gái diệu của ba khôn lớn rồi đấy”. Tôi ngỡ ngàng trước câu nói của ba và nụ cười hiền từ của mẹ. Có lẽ là tôi đã lớn, mà cũng không thể cứ bé mãi để làm bố mẹ vất vả được.

Theo tôi nghĩ, khôn lớn nghĩa là khi tôi mủi lòng thấy ba đi làm về trưa mồ hôi ướt đầm đìa trên áo, là khi nhìn ánh mắt nặng trĩu của mẹ tôi biết mẹ buồn, tôi lặng lẽ ôm mẹ, ngả đầu vào lòng mẹ để mẹ vơi bớt nỗi buồn phiền. Khôn lớn là khi tôi không còn nhõng nhẽo đòi mẹ mua quà mỗi phiên chợ, không ngây ngô hỏi bố những câu hỏi hồn nhiên ngây thơ: tại sao mẹ lại đi làm về muộn thế, tại sao bố chỉ mải mê công việc mà không về chơi với con… Tôi hiểu rằng, mẹ đi làm về muộn vì mẹ muốn dồn hết sức mình để kiếm tiền chăm lo cho con. Bố bận bịu cả ngày cả tháng với công việc cũng vì để lo lắng cho hai chị em được học hành đến nơi đến chốn, được mua những bộ quần áo mới mình thích… Nhưng lớn khôn rồi, tôi không còn đòi bố mua cho thật nhiều quần áo nữa. Tôi muốn sau này tự mình làm ra tiền rồi mua cho bố cho mẹ một bộ quần áo thật đẹp. Mỗi khi ra ngoài, mọi người sẽ khen quần áo đẹp vậy, và bố mẹ tươi tỉnh trả lời con gái tôi mua cho đấy.

Lớn khôn nhưng không có nghĩa là làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Ngược lại, một người lớn khôn sẽ biết biến những điều phức tạp trở nên đơn giản và dễ chịu. Khi ai đó nghĩ xấu về tôi, nói tôi thế này thế kia, tôi không lên mặt phân đua, cũng không oán trách nửa lời bởi mỗi người có một cách suy nghĩ và cảm nhận riêng. Chỉ cần tôi biết rằng mình đang làm gì, làm đúng hay sai, thế là đủ. Tôi không vồn vã, vội vàng kết luận ai đó là kẻ xấu, mỗi một hành động đều có động cơ, có nguyên nhân. Nếu chưa biết nguyên nhân là gì thì cũng không thể kết luận được hành động đó là tốt hay xấu. Tôi thấy mình sống chậm hơn, suy nghĩ nhiều hơn, ít nói hơn nhưng không phải là trầm tính. Tôi chỉ nói những lúc nên nói và cần thiết. Vì tôi hiểu rằng, lời nói một khi đã nói ra sẽ không thể lấy lại được. Vì thế, một khi đã nói điều gì là phải suy nghĩ cho thật kỹ, thật chín chắn rồi mới nói. Không như trước kia, tôi thấy sao nói vậy, nghĩ gì nói đấy, nhiều khi vô tình làm tổn thương người khác mà không hay. Nhưng cũng chẳng ai thèm chấp cả bởi lúc ấy tôi chỉ là một cô bé chưa đầy mười lăm tuổi. Còn giờ đây, tôi tuổi mười tám rồi. Ở cái tuổi này nhiều người đã thành công, đã làm được rất nhiều việc lớn. Còn tôi, tôi vẫn chỉ là một cô bé học sinh mới lớn, vẫn còn e ấp trong sự bao bọc của ba mẹ, của thầy cô.

Xem thêm:  Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Sóng

Dù có nhiều điều tôi đã tự ý thức được, đã cảm nhận được nhưng dù có thế nào đi nữa, tôi thấy mình vẫn còn phải học hỏi thêm rất nhiều. Đúng như ông cha ta đã nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Khi chưa khôn lớn, có thể tôi cũng như các bạn khác ăn nói ngô nghê, vụng về nhưng đến giờ phút này thì khác. Mọi điều đã ở trong tầm kiểm soát, tôi hiểu mình nói gì, làm gì và làm như thế nào.

Tôi đã tự đặt ra được mục tiêu cho tương lai của mình. Tôi không ép bản thân bằng giá nào cũng phải thi đỗ đại học. Vì học không phải là con đường duy nhất để tiến thân. Nếu trượt đại học, tôi vẫn có thể trở thành một nhà thiết kế thời trang thật giỏi như tôi đã ước mơ và đang ấp ủ thực hiện nó. Tôi có thể tìm đến một trung tâm hoặc một người thầy nhiệt tâm để học hỏi, để tìm tòi. Tôi tin rằng niềm quyết tâm và sự cần cù của mình sẽ đưa tôi đến với thành công. Tôi không muốn sống ỉ lại, không muốn trông chờ vào người khác. Tôi muốn được tự mình đứng lên bằng đôi chân nỗ lực của bản thân. Dù nhiều lần tôi cũng vấp ngã, nhưng tôi hiểu rằng có vấp ngã mới có kinh nghiệm, để lần sau không bị vấp nữa, để đôi chân tôi thêm cứng rắn và vững chãi vượt qua những khó khăn và thử thách lớn hơn.

Xem thêm:  Bình luận nghệ thuật châm biếm đả kích trong truyện Vi hành của Nguyễn Ái Quốc

Khôn lớn rồi, tôi cũng nghĩ về ba mẹ nhiều hơn. Nhất là khi nhìn các cô, các chị bế ắm em nhỏ trên tay, rồi từng đêm thức trắng trông con ngủ, tôi lại nghĩ hình ảnh của ba mẹ mình ngày xưa cũng như thế. Mẹ cũng ầu ơ cả đêm ru con ngủ. Ba sưng húp mắt vì con quấy khóc không cho ba được ngả lưng… Nhưng ba mẹ chẳng bao giờ kêu than nửa lời. Họ vẫn luôn dành hết tình yêu thương lớn lao và cao cả cho con. Một tình yêu vô bờ bến. Một tình yêu mãnh liệt vô điều kiện. Chân thành và bao dung, dù con cái có bao lần lầm lỡ, ba mẹ vẫn là người dang rộng đôi tay đón con trở về. Tôi xao xuyến xúc động bồi hồi khi nhớ lại một lần trốn ngủ trưa, chạy ra ngoài nắng đi bắt cá với thằng cu hàng xóm. Buổi ấy, tôi làm ba mẹ hoảng sợ vô cùng. Tôi để dép trên bờ ao rồi chạy đi chơi. Mẹ đi tìm và hốt hoảng khi chỉ nhìn thấy đôi dép mà không thấy người đâu. Mẹ tri hô mọi người xuống ao tìm vớt tôi trong niềm hi vọng mong manh và suy nghĩ đã mất tôi rồi. Nhưng may thay, tôi không ngã xuống đó mà chạy đi chơi đến nửa buổi chiều mới về. Vừa nhìn thấy tôi, hai hàng nước mắt mẹ tuôn rơi ròng ròng. Mẹ cầm cái que vừa khóc vừa vụt vào chân tôi đau điếng. Bị mẹ đánh, tôi ấm ức lắm. Nhưng không hiểu vì sao mẹ đánh mình mà lại khóc như thế. Tối đó, mẹ lấy thuốc bôi vào chân cho tôi. Tôi giận mẹ, hất tay mẹ ra rồi nằm ngoảnh mặt vào trong. Tôi không biết rằng mẹ đã quay đi và lấy vạt áo chùi vội nước mắt. Cho đến bây giờ lớn khôn rồi, tôi mới hiểu những giọt nước mắt ngậm ngùi của mẹ. Mẹ thương con, xót con. Lòng mẹ đau đớn biết chừng nào khi đứng ngóng trông mọi người lặn hụp mò tìm tôi dưới ao. Nếu như người ta mò được xác tôi lên, không biết mẹ sẽ như thế nào nữa. Thế nên, giây phút tôi đứng sững sờ trước mặt mẹ, mẹ hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng mẹ vẫn phải đánh tôi, đánh để cho tôi một bài học không chịu nghe lời ba mẹ, tội trốn mẹ đi chơi giữa trưa nắng. Giọt nước mắt lúc ấy của mẹ chan chứa biết bao nhiêu nỗi niềm. Hạnh phúc có, giận hờn cũng có. Vậy mà tối đến, tôi lại nỡ hất tay mẹ ra khiến mẹ tủi lòng. Cho đến bây giờ, mẹ đã nhiều tuổi rồi. Thương mẹ, yêu mẹ, tôi chỉ mong sao ước mơ của mình sớm trở thành hiện thực để đáp đền công lao ba mẹ.

Lớn khôn rồi, tôi nhìn nhận mọi thứ kỹ lưỡng hơn, hành động cẩn thận hơn. Tôi hiểu rằng, để mình có được ngày hôm nay, ba mẹ đã phải vất vả bao ngày bao đêm. Tôi mong sao, các bạn trẻ khác cũng hãy ý thức được bản thân mình, hãy khôn lớn, đừng ngây thơ mãi bởi bố mẹ không thể trẻ nào trẻ mãi được. Tương lai phía trước đang chờ đón bạn và tôi, hãy cùng nhau cố gắng, cùng xây dựng những ước mơ đẹp tươi cho cha mẹ được vui lòng. Và hơn hết là cho chính mình được lớn khôn.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *