Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 24

Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 24

Hướng dẫn

Loading…

Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 24)

A. ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi:

Cuộc đời ai cũng có những tấm bằng

Để làm giấy chứng minh

Để cầu mong thành đạt

Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp

Loading…

Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm

Có những vĩ nhân được nhân loại khắc tên

Bởi các tấm bằng xứng danh trong lịch sử

Và có những tấm bằng chứng nhận những việc làm tuy nhỏ

Nhưng cố gắng hết mình, vẫn quý trọng biết bao!

(Trích Tấm bằng, Hoàng Ngọc Quý)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Câu thơ số 4 sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)

Câu 3. Từ bốn câu thơ cuối, anh/chị hãy lí giải ý nghĩa nhan đề bài thơ. (1 điểm)

Câu 4. Bài thơ gửi đến cho anh/chị thông điệp gì? (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIẾM)

Câu 1. (2 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn ngắn, khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của mình về việc học chỉ vì điểm trong một số bộ phận học sinh hiện nay.

Câu 2. (5 điểm)

Đặt bên cạnh những truyện ngắn viết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ như Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi thì Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có sự đổi mới gì về đề tài, nhân vật, điểm nhìn trần thuật?

B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

I. ĐỌC HIẾU (3 ĐIỀM)

Câu 1. Thể thơ tự do. (0,5 điểm)

Câu 2. Câu thơ số 4 sử dụng biện pháp so sánh: so sánh những tấm bằng với những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp

– Tác dụng: Biện pháp so sánh làm rõ tác dụng của những tấm bằng. Tấm bằng sẽ mở ra những cơ hội của cuộc đời, giúp chúng ta sống và làm việc dễ dàng hơn. (0,5 điểm)

Câu 3. Ý nghĩa nhan đề bài thơ: Hiểu theo nghĩa đen, tấm bằng chỉ là một tờ giấy chứng nhận công sức của bản thân chúng ta trong việc vượt qua, đạt được một mục tiêu học tập, lao động nào đó. Nó thường được một tổ chức chứng nhận. Nhưng theo nghĩa bóng, tấm bằng chỉ sự thành công của chúng ta trong việc hoàn thành các mục tiêu, vượt qua các khó khăn. Do vậy, có thể có những bằng cấp cao, vinh dự do các tổ chức chứng nhận; song cũng có những tấm bằng chứng nhận những việc làm tuy nhỏ: lòng nhân ái của ta với người khác, sự nỗ lực vượt khó của bản thân… Nó có thể không được in ra thành giấy để trao tặng nhưng trong mắt mọi người xung quanh, nó xứng đáng là tấm bằng và vẫn là một thứ đáng quý trọng. (1 điểm)

Câu 4. Bài thơ đưa đến thông điệp:

Những tấm bằng rất đáng quý, vì nó là sự chứng nhận cho công sức học tập, lao động của chúng ta và được cả xã hội vinh danh. Tuy nhiên, cũng có những việc làm nhỏ bé xứng đáng được “trao bằng” vì nó cao cả, xứng đáng được trân trọng. Những tấm bằng ấy là sự công nhận của mọi người xung quanh với những việc làm tốt đẹp của chúng ta. Từ đó, là động lực để ta nỗ lực phấn đấu đạt những danh hiệu cao quý. Song đó không phải tất cả. Không phải mọi thứ đều được tính bằng điểm số, bằng cấp; cũng như không phải mọi hành động của chúng ta đều vì bằng cấp. (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1.(2 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng đoạn văn khoảng 200 từ.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Đoạn văn cần làm rõ được các ý sau:

– Nêu hiện trạng: Có một số học sinh chỉ chăm chăm vào điểm, không chú ý tới chất lượng học tập. (0,5 điểm)

– Bình luận (1 điểm):

+ Tác hại: Việc này dẫn tới học đối phó, học tủ, quay cóp, thậm chí làm nảy sinh tính đố kị trong học tập.

+ Nguyên nhân: Học sinh chưa hiểu được mục đích của việc học, chịu áp lực phải đạt được điểm số quá cao.

– Biện pháp: Giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa đích thực của việc học, giáo viên và nhà trường không gây áp lực về điểm số,… (0,5 điểm)

Đoạn văn mẫu:

Hiện nay, có không ít học sinh chỉ chú tâm vào điểm số, không chú ý tới chất lượng học tập. Thực tế, để đánh giá hiệu quả học tập, chúng ta phải căn cứ vào nhiều phương diện: nỗ lực phấn đấu, cách thức học, kết quả. Điểm chỉ là một phần. Do vậy, cách học chỉ vì điểm cao là sai lầm. Cách học này sẽ khiến học sinh không chú trọng bồi dưỡng kiến thức mà chỉ nhằm mục đích học đối phó, học tủ. Có học sinh còn dùng nhiều thủ đoạn để đạt điểm cao, như: quay cóp, xin xỏ,… Thậm chí, có em còn vì điểm mà sinh ra tính đố kị trong học tập. Nguyên nhân chính là do học sinh chưa hiểu được mục đích của việc học. Các em cho rằng học để lấy bảng thành tích cao. Điều này cũng một phần do có những thầy cô và bố mẹ đánh giá học lực của học sinh qua điểm số. Hệ thống giáo dục cũng đặt nặng áp lực điểm số lên vai học sinh. Biện pháp để xử lí tình trạng này là phải giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa đích thực của việc học. Hơn thế, giáo viên, phụ huynh, nhà trường và xã hội nên đánh giá toàn diện học sinh, không nên gây áp lực về điểm số cho các em. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục đề ra một sô biện pháp mới để làm giảm tình trạng học vì điểm trong học sinh hiện nay.

Câu 2. (5 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng bài văn với bố cục gồm ba phần.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

a) Mở bài

Giới thiệu vê tác giả, tác phẩm, ý kiến được nêu trong để bài. (0,5 điểm)

b) Thân bài (4 điểm)

1. Sự đổi mới về đề tài (1,5 điểm)

Không chỉ tiếp nối đề tài chiến tranh với một góc nhìn khác, Nguyễn Minh Châu còn là người tiên phong trong việc khám phá vùng đất mới. Đó là đời sống con người trong thời bình với những góc khuất, những chỗ ẩn mờ. Chiếc thuỵền ngoài xa chính là tác phẩm tiêu biểu cho cái nhìn mới này. Dự cảm lo âu của nhà văn về thân phận con người đã thối thúc ông hướng đến thông điệp: sự ngu dốt tối tăm cùng với cuộc sống lao động cực nhọc có thể dẫn đến số phận bi đát của người nông dân. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, gia đình người đàn bà hàng chài chính là một bức tranh thu nhỏ của cuộc sống ấy.

2. Sự đổi mới vê nhân vật (1,5 điểm)

Tuy vẫn giữ quan điểm về việc đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người, nhưng trong các tác phẩm thời kì đổi mới, Nguyễn Minh Châu chú ý hơn tới các nhân vật lao động, có số phận vất vả, đau khổ. Nhân vật của ồng hiện lên trong cuộc sống cực nhọc mưu sinh, phải chịu những nỗi khổ đói nghèo không thể giải tỏa. Ở đây, con người hiện lên chân thực đến trần trụi trong một cuộc sống đói nghèo tăm tối – một kiểu nhân vật chưa hề có trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trước nám 1975. Hình ảnh tiêu biểu chính là người đàn bà cam chịu, không một tiếng kêu rên khi hứng chịu những trận đòn roi ấy, vẫn cương quyết bảo vệ gia đình và các con, từ chối con đường giải thoát cho chính mình bằng li hôn.

3. Sự đổi mới điểm nhìn trần thuật (1 điểm)

Nguyễn Minh Châu đã tìm tòi và sáng tạo ra các hình thức tổ chức điểm nhìn, tạo ra hiệu quả tối ưu cho tác phẩm: điểm nhìn gắn với ngôi kể, sự dịch chuyển, gia tăng điểm nhìn. Cả ba bình diện này đều được thể hiện rõ nét trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Minh Châu đã chọn hình thức kể theo ngôi thứ nhất – nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Nhờ hình thức kể chuyện này, câu chuyện trở nên gần gũi hơn, kết quả chân thực hơn và cũng có sức thuyết phục hơn. Ta còn thấy có sự dịch chuyển liên tục từ điểm nhìn trong diễn biến câu chuyện. Nguyễn Minh Châu đã đa dạng hoá, di chuyển điểm nhìn từ tác giả đến người kể chuyện, đến các nhân vật như nhiếp ảnh Phùng, rồi chánh án Đẩu và đặc biệt, có lúc nhà văn trao cho nhân vật chức năng trần thuật để cho người đàn bà hàng chài tự kể lại cuộc đời mình.

c) Kết bài

Kết luận chung về sự đổi mới trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa và nêu cảm nghĩ của bản thân. (0,5 điểm)

Với những tác phẩm mang chủ nghĩa hiện thực, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự đổi mới trong cách nhìn hiện thực. Đồng thời, ông còn thể hiện khát vọng của mình về khả năng tác động kì diệu của văn học đối với đời sống và con người, đặt vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và đời sống.

Xem thêm Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 23 tại đây.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về nhân cách con người – Ngữ Văn 12

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *