Nghị luận xã hội về vai trò của gia đình – Ngữ văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về vai trò của gia đình
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói sau đây của Karen Amstrong:
“Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác”.
Hướng dẫn làm bài:
Đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình trong việc hình thành những bài học quý giá về cách ứng xử với mọi người trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống. Muốn giải quyết thấu đáo vấn đề, cần tập trung trả lời các câu hỏi: Tại sao nói gia đình là trường học của lòng khoan dung? Gia đình dạy cho chúng ta những gì về cách sống vói người khác?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Phần lớn con người trên thế gian đều có một gia đình. Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên để từ đó, xác lập được vị trí của mình trong xã hội. Có người nói, gia đình là bệ phóng giúp ta có thể bay cao, bay xa vào bầu trời mênh mông là cuộc đời. Có người quan niệm, gia đình là bến đỗ bình yên, nơi ta sẽ trở về sau khi đã nếm đủ mùi thành bại. Từ một góc nhìn khác, Karen Amstrong cho rằng: “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác”.
– Vì sao nói gia đình là trường học của lòng khoan dung? Không có môi trường nào các thành viên có quan hệ đặc biệt như trong gia đình. Đó là cái tổ ấm, nơi ông bà, cha mẹ, con cái, anh em, chị em – những ngưòi có quan hệ ruột rà, máu thịt – sống vói nhau. Tình cảm giữa các cá nhân trong gia đình là thứ tình cảm hết sức thiêng liêng và sâu nặng, không một thứ gì trên đời có thể sánh nổi. Không phải ngẫu nhiên, trong ca dao, tác giả dân gian ví von: Công cha như núi ngất trời / Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Còn anh em thì được ví “như tay với chân”. Trong gia đình, mọi người đối xử vói nhau cũng theo những chuẩn mực tự nhiên, đó là chuẩn mực của đạo lí chứ không phải là những điều khoản của khế ước xã hội. Những quan hệ cũng như những chuẩn mực đó là bất biến. Các thành viên thương yêu nhau không giới hạn; sự hi sinh cho nhau là vô điều kiện. Những khái niệm như tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ có một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Chỉ có cha mẹ mới dành cho con cái tất cả gia tài vật chất và tinh thần suốt một đời mình khó nhọc xây dựng nên. Chỉ có anh em, chị em mới có thể nhường nhịn cho nhau những gì quý giá của mình. Một người con lầm lạc trở về, người thân trong gia đình sẵn lòng tha thứ và đón nhận. Một người trong nhà ốm đau hay thiệt phận, nỗi buồn thương, tiếc nuối bao trùm. Như vậy, nếu coi gia đình là trường học, thì đó là trường học của lòng nhân ái, sự vị tha, của tình thương và bổn phận, của sự dâng hiến và quên mình. Và tất cả những điều đó sẽ tạo nên sự khoan dung – một phẩm chất quý giá của con người.
– Sẽ là lí tưởng nếu bài học về lòng khoan dung mà chúng ta học từ gia đình được áp dụng trong các mối quan hệ xã hội. Ta biết rằng, xã hội có phạm vi rất rộng, bao hàm tất cả các thành viên của cộng đồng, có quan hệ với nhau theo các thiết chế, các quy định. Trong xã hội, quan hệ giữa người vói người chủ yếu là quan hệ có tính quy ước. Quan hệ đó có thể thay đổi theo thời gian. Nói như vậy không có nghĩa là giữa các cá nhân trong xã hội không tồn tại tình cảm. Ngược lại, tình cảm vẫn là yếu tố quan trọng tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Tố Hữu đã từng viết: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau. Chữ “yêu” mà Tố Hữu nói ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà rộng hơn, đó là tình nhân ái giữa con người với nhau trong cộng đồng. Bài học về lòng khoan dung do gia đình dạy cho ta nếu được áp dụng vào đòi sống xã hội, thì quan hệ giữa con người và con người sẽ tốt đẹp biết chừng nào! Lúc ấy, người ta sẽ bớt đi sự ích kỉ nhỏ nhen, trở nên rộng lượng với nhau. Đức bác ái, sự công bình, lòng vị tha và tinh thần hi sinh sẽ trở thành những chuẩn mực của đạo đức xã hội. Sự tham lam, độc ác và những hành vi xấu xa khác chắc chắn sẽ được hạn chế rất nhiều.
– Áp dụng bài học về sự khoan dung từ gia đình vào các mối quan hệ xã hội không phải là điều gì quá viển vông. Thực tế, trong cuộc sống, chúng ta đã từng bắt gặp những tấm gương đáng để nhiều người học tập. Đó là Nguyễn Hữu Ân, người đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường khi dành sự quan tâm cho một người phụ nữ xa lạ, bệnh tật, để con người bất hạnh ấy như có bên mình đứa con ruột thịt. Đó là những người đã dành tài sản và tình thương, cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc những người già cả vô gia cư để họ như có được mái ấm gia đình. Đó là những người làm từ thiện mà không hề mong tên tuổi của mình được ai nhắc đến. Lòng khoan dung ở những trường hợp như thế không phải là cái gì trừu tượng, mà thể hiện bằng những hành động thiết thực.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- nghị luận về tình cảm gia đình