Nghị luận xã hội về sự vô cảm của con người trong cuộc sống hiện nay – Ngữ văn 12

Nghị luận xã hội về sự vô cảm của con người trong cuộc sống hiện nay – Ngữ văn 12

Hướng dẫn

Loading…

Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm

Đề bài

Đọc đoạn văn sau:

Chiều hôm kia, tan trường, tôi chợt thấy một đám đông đang xúm đen xúm đỏ quanh một vụ tai nạn. Nạn nhân là một phụ nữ khoảng 35 tuổi đang nằm úp sấp giữa đường, máu chảy lênh láng. Điều đặc biệt là, mặc dù đám đông vây kín vòng trong vòng ngoài nhưng không một ai có ý định đưa ngưòi bị nạn đi cấp cứu. Chợt thấy người phụ nữ cào tay xuống mặt đường, tôi vội lật chị ấy lên, vẫn không một ai có ý định cùng giúp. Tôi bất lực gào lên bởi một mình tôi không thể bế chị ấy lên được…

Một người nước ngoài nói, ở các nước phát triển, một người kêu lên: “Đàn ông đâu rồi, lại giúp với!”, sẽ có nhiều người xúm lại giúp đỡ người bị nạn hoặc gô cổ kẻ phạm tội. Còn ở đây, bạn có thể kêu khản cổ: “Có ai giúp với!”, sẽ có nhiều người xúm lại… để xem, rồi đi,… nhưng chẳng mấy ai giúp cả.

(Theo Trần Kiều Trang và J.C.Dat, trong Người Việt-phẩm chất và thói hư tật xấu,

NXB Thanh niên – báo Tiền phong, 2008)

Từ câu chuyện trên, anh (chị) hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ bàn về sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm của con người trong cuộc sống hiện nay.

Loading…

Hướng dẫn làm bài

Đề bài yêu cầu thí sinh biết phân tích, chứng minh và phê phán sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm của con người trong cuộc sống hiện nay. Cần trả lòi được các câu hỏi cơ bản: Sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm là gì? Biểu hiện của chúng trong cuộc sống? Sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm của con người nói chung, người Việt nói riêng hiện nay như thế nào? Hậu quả, tác hại của sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm của con người? Con người nên cư xử, hành động như thế nào trước những hoàn cảnh éo le, nghịch lí, trắc trở của đồng loại?…

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về tình mẫu tử

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Sự hiếu kì, tò mò, dửng dưng, vô cảm là những trạng thái tâm lí, tính cách thường thấy ở con người. Nhưng sự hiếu kì, tò mò đi liền với sự dửng dưng, vô cảm của con người trựớc những tình huống, sự việc cần sự quan tâm, giúp đỡ lại là một căn bệnh tinh thần trầm kha của xã hội. Căn bệnh này đã và đang xâm nhập, len lỏi vào tất cả mọi tầng lớp, lứa tuổi mà biểu hiện tập trung là ở các thành phố lớn, nơi có nhịp sống ồn ào, gấp gáp và hiện đại. Cầu chuyện người phụ nữ bị tai nạn úp mặt trên vũng máu bên đường, rất nhiều người “xúm lại… để xem, rồi đi:” như Trần Kiều Trang và J.C.Dat mô tả trong đoạn văn là một ví dụ.

– Hiếu kì, tò mò là sự ham thích những điều mới lạ; thích tìm tòi, dò hỏi để biết bất cứ điều gì dù có liên quan hay không liên quan đến mình. Còn dửng dưng, vô cảm là trạng thái không có cảm xúc gì trước một sự việc, một tình cảnh thường gây cho người ta những cảm xúc mạnh như yêu ghét, xót thương, buồn đau… Đó là sự thờ ơ trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh; là sự thản nhiên, lạnh lùng trước những đau thương, mất mát của đồng loại; bỏ mặc ngưòi bị hại, người cần giúp đỡ trong khó khăn, nguy hiểm. Sự hiếu kì, tò mò vừa có những điểm tốt, vừa có mặt xấu; nhưng sự dửng dưng, vô cảm trước khó khăn, đau khổ của người khác là biểu hiện của thói ích kỉ, thậm chí là dấu hiệu của cái ác ở con người.

– Cần phải phân biệt sự hiếu kì, tò mò ham hiểu biết vói sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm của con người. Hiếu kì, tò mò ham hiểu biết là một đặc điểm đáng yêu của con trẻ; là một phẩm chất cần thiết của những người thông minh, ham học; là cơ sở, nền tảng để các nhà khoa học, bác học làm nên những phát minh, sáng tạo. Ngược lại, sự hiếu kì, tò mò gắn liền với dửng dưng, vô cảm là một căn bệnh nguy hại cần phải loại bỏ trong đòi sống xã hội.

Xem thêm:  Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

– Hiếu kì, tò mò nhưng lại dửng dưng, vô cảm có nguy cơ trở thành một căn bệnh phổ biến của người Việt. Ở ngoài đường, người ta hiếu kì, dửng dưng, vô cảm với những nạn nhân bị tai nạn, trộm cướp, đánh đập; trong trường học, nhiều “người tốt” im lặng, tò mò nhìn bạn học bị đánh hội đồng đến đổ máu; trong gia đình, nhiều bạn trẻ chỉ biết đua đòi, hưởng thụ, nhận sự quan tâm, chăm sóc của người thân mà không cần biết nỗi lòng, tình cảnh của cha mẹ; trên mạng – thế giới ảo, người ta tò mò, soi mói và sẵn sàng vào hùa chê bai, đả kích, “ném đá” một người nào đó theo tập tính đám đông mà không cần hiểu rõ sự tình… Vì hiếu kì, người ta sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để được nhìn thấy một vụ án mạng, một vụ cãi vã, đánh lộn, một đám cháy, một vụ nhà sập… chỉ để thoả mãn trí tò mò chứ không phải để ra tay giúp đỡ người bị nạn. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn quan niệm: Vô cảm cũng là một cách để tự bảo vệ mình.

– Tuy ít gây chết người ngay lập tức như nhiều bệnh lí khác, nhưng sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm cũng dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại. Sự hiếu kì, tò mò, soi mói người khác vì những việc không đâu khiến ta lãng phí thòi gian vô ích; làm cho mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng xa cách; gây cản trở những người đang cố gắng giải quyết vụ việc; là nguyên nhân của những tin đồn thất thiệt có thể làm tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản hoặc khiến một ai đó phải nhảy sông tự vẫn… Bệnh dửng dưng, vô cảm làm chai sạn tâm hồn, bào mòn lòng tốt, sự nhân ái nhân hậu vốn có ở con người; làm tổn thương những người lẽ ra cần được yêu thương, khiến họ cảm thấy tủi cực, thất vọng, tuyệt vọng… Sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dung, vô cảm là dấu hiệu, mầm mống của cái ác, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hành động tội ác trong cuộc sống.

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về câu “Nhìn đâu, đi đâu cũng thấy người đang nói vào điện thoại di động hoặc dán mắt vào smartphone” – Ngữ văn 12

– Sự hiếu kì, tò mò nhưng dửng dưng, vô cảm có thể không bị tuyên án bởi pháp luật nhưng có thể bị lên án và loại bỏ bởi sự tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi của mỗi người. Những hành động thiện chí, dù nhỏ nhất cũng gieo yêu thương, hạnh phúc cho cuộc đời mà ai cũng có thể làm, bất cứ khi nào và ở đâu. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu sự tò mò, hiếu kì đi liền với mong muốn cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ và niềm say mê sáng tạo.

– Thay vì tò mò, hiếu kì để thoả mãn những mong muốn cá nhân ích kỉ, hãy quan tâm, thấu hiểu và góp phần giải quyết nó theo chiều hướng xây dựng và tích cực. Bệnh vô cảm có nguồn gốc trực tiếp từ thói ích kỉ, cá nhân. Vì vậy, hãy bớt vì mình và cho mình, hãy lắng nghe và sẵn sàng hành động để giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất trắc. Đó là cách để chữa trị bệnh vô cảm, để cuộc đời này trở nên ấm áp và đáng sống hơn.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *