Suy nghĩ của em về câu: “Sự lười biếng bước đi rất chậm để cái đói nghèo lúc nào cũng đuổi kịp” – Ngữ văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về sự lười biếng
Đề bài:
Ngạn ngữ Mĩ có câu: “Sự lười biếng bước đi rất chậm để cái đói nghèo lúc nào cũng đuổi kịp”.
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.
Hướng dẫn làm bài:
Đề bài yêu cầu thí sinh bàn luận, mở rộng vấn đề về mối quan hệ giữa sự lười biếng với đói nghèo – đói nghèo như là hệ quả tất yếu của sự lười biếng, cần trả lòi được các câu hỏi cơ bản: Thế nào là lười biếng? Thế nào là đói nghèo? Câu ngạn ngữ “Sự lười biếng bước đi rất chậm để cái đói nghèo lúc nào cũng đuổi kịp” muốn nói gì? Nguyên nhân của sự lười biếng? Nguyên nhân của đói nghèo? Tác hại của sự lười biếng? Có phải đói nghèo là hệ quả tất yếu của lười biếng? Làm thế nào để khắc phục bệnh lười biếng?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Xã hội hiện có nhiều loại bệnh nan y có thể cướp đi sinh mạng con người một cách nhanh chóng. Đó là những căn bệnh tàn phá cơ thể con người như bệnh phong, lao, bạch hầu, ung thư,.. Với sự phát triển vượt bậc của ngành y học, những căn bệnh đó đang dần dần được khống chế và loại bỏ. Nhưng có những căn bệnh, tuy không gây chết người ngay lập tức mà lại rất khó chữa trị. Một trong những căn bệnh đó là sự lười biếng.
– Lười biếng là trạng thái thụ động, ngại vận động; là sự kháng cự nội tâm, sự làm việc qua loa hoặc phó mặc mọi thứ, kể cả phó mặc những trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Còn đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức tối thiểu, có thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống. Người lười biếng là những người ngại lao động, làm ít nhưng thích hưởng thụ nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác, ưa cầu vận may hơn là sự nỗ lực của bản thân. Họ luôn xem thời gian là vô hạn để trì hoãn công việc với nhiều lí do biện hộ. Nói như ngạn ngữ Pháp: “Một tuần lễ với người chăm chỉ có bảy ngày, còn với kẻ lười biếng có bảy ngày mai”.
– Câu ngạn ngữ “Sự lười biếng bước đi rất chậm để cái đói nghèo lúc nào cũng đuổi kịp” là một cách nói hình ảnh về hệ quả tất yếu của sự lười biếng. Lười biếng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đói nghèo. Có rất nhiều cách nói khác nhau mang hàm ý tương tự. Tục ngữ, ca dao Việt Nam có câu: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ;Có làm thì mới có ăn / Không dưng ai dễ đem phần đến cho. Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn khẳng định: “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Nhà lập quốc, nhà phát minh khoa học Hoa Kì B. Franklin đã dùng hình ảnh ẩn dụ: “Cáo ngủ không bắt được gà”. Sự ỷ lại, thụ động, phó mặc và trông chờ cơ may chỉ có thể kết thúc bằng sự thiếu thốn, khốn khó và thất bại.
– Nguyên nhân của sự lười biếng là gì? Lười biếng là một trong những trạng thái bản năng của con người. Những người sống có mục tiêu xác định, có ý chí, quyết tâm để thực hiện mục tiêu sẽ chiến thắng được sự lười biếng. Những người thiếu ý chí, hoài bão, dựa dẫm, ỷ lại sẽ bị bệnh lười biếng thống trị. Ngoài ra, sự phát triển của khoa học kĩ thuật, máy móc ngày càng hiện đại đã giúp con người ít phải hoạt động hơn, cả về tay chân lẫn trí óc. Nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào máy móc dần dà khiến con người trở nên lười biếng, kém linh hoạt. Trong gia đình hiện đại, cha mẹ thường ưu tiên làm hộ nhiều phần việc của con cái, hoặc có người giúp việc làm hộ để con có thể theo đuổi các lịch học dày đặc. Trong nhà trường, sự phổ biến của mạng internet; tình trạng dạy thêm, học thêm; thói quen lệ thuộc các sách giải bài tập, các bài văn mẫu… Tất cả đã khiến con người trở thành một cỗ máy thụ động, tư duy không được đánh thức dẫn đến cản trở sự sáng tạo.
– Còn nguyên nhân của sự đói nghèo? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo như: do khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lụt, đất đai cằn cỗi; do thiếu chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích sản xuất; do thiếu vốn, đông con, không tìm được việc làm, đau ốm, rủi ro… Nhưng một trong những nguyên nhân chủ quan, trực tiếp dẫn đến tình trạng đói nghèo của một bộ phận dân cư trong xã hội là do lười lao động, ăn chơi hoang phí.
– Lười biếng là nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến sự nghèo đói của những người khoẻ mạnh, có đầy đủ điều kiện để lao động nhưng không muốn vất vả. Những người này thường có tác phong làm việc lề mề, hay trì hoãn và né tránh những công việc cần làm ngay, không làm nhưng lại thích có thành quả, chờ đợi cơ may tự nhiên tới, đưa ra hàng trăm lí do để trì hoãn hoặc đùn đẩy, trốn tránh công việc… Không những thế, những người biếng làm lại thường ham chơi bời, tiêu xài hoang phí. Cuộc sống của họ, vì vậy rất bấp bênh, trôi nổi. Để duy trì sự sống, người lười biếng buộc phải nghĩ ra những cách làm ăn bất chính. Đây là con đường trực tiếp dẫn họ rơi vào các tệ nạn xã hội, nợ nần chồng chất, thậm chí phạm tội hình sự…
– Bệnh lười biếng không chỉ đẩy con người đến đói nghèo mà còn gây ra nhiều hệ quả xấu khác. Lười biếng có tác hại rất lớn đối với quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người. Đối với trẻ, nếu bệnh lười không được khắc phục sớm sẽ dần hình thành nên những con người thích hưởng thụ, ích kỉ, thiếu ý chí phấn đấu, dễ sa ngã. Đối với người trưởng thành, lười biếng giết chết sự sáng tạo. Những kẻ lười biếng thường nghi kị, đố kị với những người có tư tưởng bứt phá, sáng tạo, tìm cách kéo họ thấp xuống để cái lười của mình có chỗ ẩn nấp. Lười biếng một khi đã nảy mầm trong cơ thể con người, nó sẽ lớn lên từng ngày cho đến khi trở thành một cây đại thụ lấn át hết phần nhân cách tốt đẹp vốn có ở con người.
– Lười biếng là một loại vi rút dễ lây nhiễm, là bản năng khó vượt qua, là thói hư tật xấu của con người cần phải sửa đổi. Lười biếng là căn bệnh nan y nhưng không phải không thể chữa trị. Liệu pháp nằm trong ý chí của con người. Ý chí càng tăng, bệnh lười càng bị triệt tiêu, cần tăng cường rèn luyện nghị lực, mài giũa ý chí, xác định rõ ràng mục tiêu của cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê trong học tập và lao động, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của công việc để bệnh lười biếng không còn chỗ trú ẩn.