Nghị luận xã hội – vai trò của cá nhân đối với đời sống của chính mình – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận về vai trò của cá nhân
Đề bài:
Cuộc sống của ta là thiên đường hay địa ngục, phải chăng điều đó phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân ta?
Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.
Hướng dẫn làm bài
Hiểu được ý nghĩa của hai từ thiên đường và địa ngục – những từ thể hiện thực tế khác nhau của cuộc sống, hiểu được vai trò có tính chất quyết định của cá nhân đối vói đời sống của chính mình.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Cuộc sống con người vốn muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai. Sinh ra ai cũng muốn có được những điều tốt đẹp, nhưng thực tế nhiều khi không theo ý muốn, nguyện ước của chúng ta. Những nhân tố nào tạo nên sự khác biệt? Có thể tìm câu trả lời từ phía khách quan. Những từ phía chủ quan, vấn đề có thể được lí giải: cuộc sống của ta là thiên đường hay địa ngục, điều độ phụ thuộc phần lớn ở chính bản thân ta.
– Thiên đường là viễn cảnh về một cuộc sống cực lạc trên trời theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, nhưng ở đây được dùng nhằm chỉ cuộc sống tốt đẹp ở trần gian. Cuộc sống được xem là thiên đường khi con người được sống đầy đủ với tự do, hạnh phúc và nhân phẩm, được thoả mãn những ước vọng chính đáng cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng là cuộc sống mà con người biết yêu thương và được yêu thương, biết tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng. Tuy nhiên, không phải bao giờ cuộc sống cũng đạt đến mức lí tưởng như thế. Vì vậy, nhiều khi con người chấp nhận mọi điều ở mức độ nào đó trong phạm vi khả năng thực tế, và thoả mãn những nhu cầu bình thường, giản dị. Nhờ đó, cuộc sống của con người dù còn những lo âu, trăn trở, nhưng vẫn được xem là một thiên đường trên mặt đất này.
– Đối lập với thiên đường là địa ngục. Địa ngục là nơi giam giữ, trừng phạt các tội đồ phạm trọng tội, là nơi vô cùng khổ đau, tăm tối theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, được dùng trong ngữ cảnh này để chỉ cuộc sống trần gian đầy khổ ải, nhọc nhằn. Đó là khi con người phải trải qua những ngày tháng nặng nề bởi thiếu thốn vật chất và tinh thần, bởi những áp lực khủng khiếp đè lên số phận, bởi sự chà đạp, bất công. Nhưng nhiều khi, địa ngục còn là một cuộc sống bất như ý, khi con người không được thoả mãn những ao ước của mình.
– Liệu con người có phải tự chịu trách nhiệm khi cuộc sống của bản thân hạnh phúc hay bất hạnh? Câu hỏi này không dễ dàng có được câu trả lòi dứt khoát. Muốn có sự sung sướng, hạnh phúc, trước hết con người cần được đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Nhà cửa để ở, xe cộ để đi lại, tiền bạc để tiêu pha hằng ngày cho những nhu cầu thiết yếu, các phương tiện hiện đại để nâng cao sự thụ hưởng,… Tất cả những thứ đó đều phụ thuộc vào năng lực cá nhân. Cuộc sống sẽ trở nên vẹn toàn khi bên cạnh sự đầy đủ về vật chất, con người còn được thoả mãn những đòi hỏi về tinh thần, chẳng hạn: được đi tham quan, du lịch ở những nơi mình ưa thích, được thưởng thức nghệ thuật, được giải trí một cách lành mạnh… Và những điều này cũng không tự nhiên có được, mà là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của chính bản thân ta.
Trên đời này, không phải cứ giàu có, dư dật về mọi mặt mới có hạnh phúc, cuộc sống mói là thiên đường. Điều này còn phụ thuộc một phần rất lớn vào quan niệm sống, vào sự điều chỉnh của chủ thể. Ví dụ, trong những điều kiện hạn chế, nhưng người nào biết cần bằng các nhu cầu, không để cho dục vọng chi phối, bằng lòng vói những gì có được, cuộc sống của họ có thể sẽ tràn ngập tiếng cười, và mỗi ngày sống là một ngày hạnh phúc. Ngược lại, có những người lắm tiền nhiều của, nhưng không biết tiết chế ham muốn, không bao giờ thoả mãn những gì mình có, luôn bất hoà với thực tế và bất hoà với mọi người xung quanh… Với những con người ấy, cuộc sống sẽ vô cùng nặng nề, không khác gì một địa ngục. Như vậy, ở khía cạnh này, quan niệm,
– thái độ sống của cá nhân đóng vai trò quyết định về sự sướng, khổ ở đời.
– Tuy nhiên, nhiều trường hợp, con người không thể tự quyết về số phận, về cuộc sống của mình, mà phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh. Rơi vào những tình trạng bi thương như bệnh tật, ốm đau, tai hoạ… hay những bất trắc không lường trước được, dù con người có nỗ lực đến đâu, bản thân cũng khó có thể vượt qua tai ương. Với những số phận như thế, cuộc sống không thể là thiên đường. Đau khổ, bất hạnh của họ có vơi bớt hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.
Từ nhận thức như trên, mỗi cá nhân cần tự xây dựng cho mình một quan niệm sống đúng đắn: biết tạo ra sự cân bằng, hài hoà giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần; nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, song cũng cần, biết chấp nhận những giói hạn của thực tại; sống đầy đủ đời sống cá nhân tròng mối quan hệ với cộng đồng; không bi quan, tuyệt vọng khi gặp gian khó, ngược lại biết hướng tới tương lai bằng niềm tin và sự phấn đấu không ngừng… Thiên đường trên mặt đất này chỉ có thể được dựng nên bằng cách đó.
Theo hoctotnguvan.vn