Thực trạng sử dụng rượu bia hiện nay – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Thực trạng sử dụng rượu bia hiện nay
Đề bài
“Người chết đuối trong li cốc đông hơn người chết đuối dưới sông”.
(Ch. Cenhier)
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu quan điểm của bản thân về thực trạng sử dụng bia rượu ở Việt Nam hiện nay.
Hướng dẫn làm bài
Đề bài yêu cầu thí sinh giải thích câu nói của Ch. Cenhier, từ đó bàn luận, mở rộng vấn đề về thực trạng, tác hại của việc lạm dụng bia rượu, những hệ quả và biện pháp khắc phục tình trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam. Cần trả lời được các câu hỏi sau: Câu “Người chết đuối trong li cốc đông hơn người chết đuối dưới sông” của Ch. Cenhier ý muốn nói gì? Tại sao người chết đuối trong li cốc đông hơn người chết đuối dưới sông? Sử dụng rượu bia quá độ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ, ý chí, tư duy, sự nghiệp của con người? Thực trạng sử dụng bia rượu ở Việt Nam và hệ quả của nó? Làm thế nào để khắc phục tình trạng lạm dụng bia rượu hiện nay?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Sử dụng rượu bia là một thói quen của nhiều người ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sử dụng rượu bia với mức độ hợp lí có thể đem lại cho con người cảm giác khoan khoái, lưu thông huyết mạch, là phương thuốc kết hợp để chữa trị một số bệnh tật… Song rượu bia là chất kích thích, gây nghiện, người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc dẫn đến tình trạng lạm dụng, nghiện ngập. Lạm dụng rượu bia có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, cộng đồng và xã hội. Câu nói “Người chết đuối trong li cốc đông hơn người chết đuối dưới sông” của Ch. Cenhier không chỉ là một cách nói ấn tượng về tác hại của bia rượu mà còn gợi ý cho chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam hiện nay.
– Chết đuối trong li cốc là một cách nói hình ảnh về trạng thái con người lạm dụng đồ uống có cồn, bị chất kích thích làm suy giảm thể lực, tê liệt ý thức dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, tai nạn, bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Ch. Cenhier đã đưa ra một sự so sánh tương phản: li cốc và sông hồ. về mặt hình thức, li cọc là một vật dụng rất nhỏ, con người không thể chết đuối trong đó. Còn sông hồ là những thực thể bao la, con người rất dễ bị chết đuối, bị nhấn chìm nếu chẳng may rơi xuống mà không có kĩ năng bơi. Nhưng chất lỏng ít ỏi trong chiếc li nhỏ đó có tác động mạnh như thuốc độc, trong chốc lát có thể giết chết một đời người. Câu nói hài hước mà hàm súc, giàu hình ảnh của Ch. Cenhier đã nhấn mạnh tác hại của bia rượu. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân dễ gây chết người hơn rất nhiều so vói nạn chết đuối trên sông biển. Khẳng định của Ch. Cenhier rất gần với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới rằng, rượu bia hiện là một trong mựời nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với hơn 6.000 người chết mỗi ngày.
– Rượu bia là chất kích thích mạnh, được ví ngang hàng với hê-rô-in về mặt độc hại và lệ thuộc. Rượu bia là chất chứa cồn (etanol), khi vào cơ thể, etanol được thực quản, dạ dày, tá tràng hấp thu một phần nhỏ giúp cải thiện tình trạng tiêu hoá; phần lớn còn lại xuyên qua ruột non và lan toả đến tất cả bộ phận trong cơ thể. Rượu là nguyên nhân chính gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Rượu gây ra các rối loạn chức năng liên quan đến hệ tiêu hoá, tim mạch, sinh dục và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường. Rượu gây thiếu hụt dưỡng chất, trong đó có sự thiếu hụt vitamin B là nguyên nhân gây bệnh ở não, suy tim. Rượu gây nên hội chứng nhiễm độc bào thai, tăng nguy cơ dị tật và tác hại nhiều nhất đến não bộ thai nhi. Rượu bia là tác nhân gây ra các bệnh tâm thần như: tổn thương dây thần kinh ngoại biên, tâm thần phân liệt, tăng lo âu, sầu uất, trầm cảm dẫn đến gia tăng các ý tưởng tự sát,…
– Rượu bia còn là tác nhân làm rối loạn và suy giảm trí nhớ, làm tê liệt ý chí, cản trở và triệt tiêu sự sáng tạo ở con người. Rượu bia gây ức chế tới não khiến thông tin truyền đi chậm hơn, hoạt động của vỏ não bị rối loạn trầm trọng làm cho não không còn kiểm soát, điều chỉnh được hoạt động. Từ đó dẫn đến các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát, gia tăng sự liều lĩnh, kích thích tấn công xâm hại… Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ ẩu đả, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, tai nạn giao thông…
– Đáng buồn thay, uống rượu bia dường như đã trở thành một phần “văn hoá” của người Việt, là “điểm nhấn” để thể hiện bản lĩnh đàn ông, là biểu hiện để chứng tỏ sự chân thành và hoà đồng, nhiệt tình, vẫn còn nhiều người quan niệm “nam vô tửu như kì vô phong”, tức đàn ông không uống bia rượu sẽ không thể hiện được phong độ nam nhi của mình.
Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết tại các đám cưới hỏi, ma chay, lễ tết, những cuộc họp mặt, liên hoan đều phải có bia rượu để “tăng không khí”. Thậm chí, bạn bè gặp nhau cũng phải ra quán bia làm vài chầu hoặc mở chai rượu thù tiếp nhau. Rượu bia vào tận cơ quan công sở, không thiếu những người đến nơi làm việc mặt đỏ phừng phừng, hơi men nồng nặc. Nhiều người đàn ông Việt Nam hết giờ làm chưa chịu về nhà ngay mà còn rẽ vào quán bia tụ tập, nhậu nhẹt, mặc cho gia đình mỏi cổ đợi cơm. Chính vì thế mà các quán rượu, quán bia mọc lên như nấm, người kéo nhau đến đông như hội.
– Nghiện bia rượu nguy hiểm gấp nhiều lần thuốc độc, bởi thuốc độc uống vào chỉ giết chết người uống, còn nghiện bia rượu làm khổ luỵ biết bao người xung quanh. Cai nghiện bia rượu là một việc không dễ nhưng cũng không khó nếu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ:
+ Cần phải xây dựng một môi trường văn hoá, xã hội lành mạnh; phải nói không với tình trạng sử dụng bia rượu phổ biến tràn lan khắp mọi gia đình, cơ quan, đoàn thể, địa phương như hiện nay.
+ Cần tuyên truyền sâu rộng tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối vói sức khoẻ, công việc và tương lai của con người, cộng đồng, dân tộc.
+ Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên không uống rượu, bia trong giờ làm việc.
+ Cần ban hành quy định yêu cầu khi quảng cáo rượu bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu bia.
+ Nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng rượu bia đối vớ trẻ em dưới mười tám tuổi…
Theo hoctotnguvan.vn