Bình giảng đoạn thơ: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ – Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên

Bình giảng đoạn thơ: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ – Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên

Hướng dẫn

Loading…

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Bài làm

Việt Bắc vùng đất được biết đến như cái nôi của cuộc kháng chiến và đã đi vào những trang viết của rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Ta đã từng bắt gặp trong “Việt Bắc” – Tố Hữu hay “Tây Tiến” – Quang Dũng tình cảm gắn bó mặn nồng của nhà thơ với mảnh đấtm với con người nơi ấy. Và giờ đây, chính mảnh đất Tây Bắc lại khơi nguồn cảm hứng về Chế Lan Viên sáng tác nên bài thơ “Tiếng hát con tàu”. Với những câu thơ đã trở thành triết lí sống của một thời:

“Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Chế Lan Viên xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam từ những năm 1932 – 1945 với tập thơ “Điêu tàn”. Lúc ấy thơ Chế Lan Viên “như một niềm kinh dị”. Cùng chung nỗi buồn của phong trào Thơ mới, người ta thấy một hồn thơ ủ rũ, sầu não, một cái tôi cô đơn, bế tắc trước cuộc đời. Cách mạng thánh Tám thành công, ánh sáng của Đảng đã soi sáng một hồn thơ bơ vơ, quẩn quanh như Chế Lan Viên. Thi nhân đã có những tìm tòi, suy ngẫm để rồi cho ra đời tập “Ánh sáng và phù sa” . Tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình trong phong cách Chế Lan Viên “từ thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui”, từ “điêu tàn” đến “phù sa ánh sáng”.

Bài thơ Tiếng hát con tàu là một trong những bài thơ đặc sắc in trong tập “Ánh sáng và phù sa”. Và đoạn thơ trên đã thể hiện rõ nét phong cách thơ Chế Lan Viên. Triết lí mà không khô khan, giản dị nhưng cũng thật sâu sắc thấm thía.

Loading…

Tiếng hát con tàu gắn liền với một sự kiện chính trị xã hội những năm 1958 – 1960. Đó là phong trào xây dựng và phát triển kinh tế miền núi. Nhưng sự kiện này chỉ là một sự gợi ý là điểm xuất phát để Chế Lan Viên thển hiện những suy nghĩ về cuộc đời, về nghệ thuật. Tuy nhiên, bài thơ được sáng tác không phải với mục đích tuyên truyền vận động cho một chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với Chế Lan Viên, sự kiện ấy chỉ là một gợi ý, là điểm xuất phát để nhà thơ thể hiện khát vọng để về với nhân dân được sống lại với những nghĩa tình sâu nặng của nhân dân trong những năm kháng chiến giang khổ, đồng thời là cũng tìm về cội nguồn của hồn thơ. Nhà thơ đang nói đến Tây Bắc  như là một nơi ghi dấu những năm kháng chiến giang khổ; cũng như cội nguồn của kháng chiến để rồi trân trọng gọi ơi ba từ “Mẹ yêu thương”. Khát vọng trở về với nhân dân được biểu hiện qua những tình cảm cụ thể, con người cụ thể thì giờ đây nó lại được khái quát thành triết lí sống:

Xem thêm:  Nghị luận lòng tự trọng: Phải chăng tự trọng là hạt giống để phát triển nhân cách?

“Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Bao trùm lên bốn câu thơ là nỗi nhớ về núi rừng, bản làng Tây Bắc. Nghệ thuật tiểu đối được sử dụng rất thành công (nhớ bản – nhớ đèo, sương giăng – mây phủ). Câu thơ mở đầu đoạn thơ như một lời tự bạch thật giản dị nhưng lại được bắt nguồn từ một mạch cảm xúc mãnh liệt. Hình ảnh những bản làng chìm trong sương đã để lại biết bao dấu ấn trong lòng thi nhân. Tố Hữu đã từng viết:

“Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”.

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Nhà thơ Quang Dũng cũng đã có những câu thơ thật đẹp viết về bản làng Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến:

“Nhớ ai Pha Luông mưa xa khơi”.

(Tây tiến – Quang Dũng)

Và giờ đây, cũng chỉ bằng vài nét chấm phá, kết hợp khéo léo nghệ thuật tiểu đối: “Nhớ bản – nhớ đèo”, “sương giăng – mây phủ” Chế Lan Viên đã khắc họa thật rõ nét những gì là đặc trưng nhất của bản làng Tây Bắc. Khung cảnh bản làng mới thật thơ mộng và yên bình làm sao. Vẻ đẹp hoang sơ đến hùng vĩ của nó đã làm rung động trái tim người thi sĩ. Có lẽ chính vì thế mà Chế Lan Viên đã khẳng định:

“Nơi nao qua lòng chẳng yêu thương”.

Câu thơ có hình thức như một lời tự hỏi. Nhưng hỏi chỉ là để khẳng định chắc chắn thêm tình cảm yêu thương gắn bó của nhà thơ với mảnh đất Tây Bắc, với mọi miền quê khác nhau của đất nước.

Đến câu thơ thứ hai, nhà thơ mạnh mẽ khẳng định tình cảm yêu thương, gắn bó với mình. Ý thơ đã nâng tầm khái quát lên một mức độ cao hơn. Không phải chỉ là những bản, những đèo mà là “nơi nào qua” cũng để lại cho nhà thơ những tình cảm gắn bó tha thiết.

Như vậy, từ những sự vật cụ thể, Chế Lan Viên đã nâng lên thành những khái quát mang tính triết lý. Triết lý ấy không phải đâu xa. Nó được đúc kết từ những trải nghiệm của tác giả. Đó là triết lý về mối quan hệ giữa con người với những miền đất:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Câu thơ nêu lên qui luật trong đời sống tình cảm con người giản dị mà thật thấm thía. Tưởng chừng ai cũng có thể nghĩ tới nhưng không phải ai cũng có thể biểu đạt một cách sâu sắc như Chế Lan Viên. Cuộc đời mỗi con người, ai cũng gắn bó với một miền đất. Đó có thể là nơi ta sinh ra. Đó cũng có thể là nơi ta an cư lập nghiệp. Mỗi miền đất ta gắn bó là một quãng đời, nhiều quãng đời kết lại thành một cuộc đời. Cuộc đời mỗi con người là sự tiếp nối không ngừng của hai quá trình “ở”“đi”.

Trong quy luật tiếp nối đó, mỗi mảnh đất kia có ý nghĩa gì? “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở” – mảnh đất lúc này là hiện tại và ta chưa cảm thấy trong tâm hồn mình tình cảm gắn bó với mảnh đất ấy. Nhưng khi ta đi, khi xa rời mảnh đất ấy, mảnh đất lúc này đã ở lại đằng sau và trở thành quá khứ. Lúc này, nhận ra “đất đã hóa tâm hồn”.Vậy điều gì đã biến mảnh đất vô tri vô giác kia trở nên có “tâm hồn”.

Thực ra, mảnh đất ấy vẫn thế, trước đây và sau này vẫn vậy, chỉ có nhận thức của chúng ta là thay đổi. Quá trình để “đất hóa tâm hồn” là một quá trình vận động của tiềm thức, nó diễn ra âm thầm và bền bỉ, tự lúc nào ta không hay biết. Chính cái khoảng cách thời gian giữa “khi ta ở”“khi ta đi”, vô hình chung đã tạo nên một quá trình bồi đắp tình cảm con người với vùng đất ấy. Và khi ta chợt nhận ra “đất đã hóa tâm hồn” cũng là lúc phải rời xa nó với những luyến tiếc, nhớ thương không dứt, tất cả chỉ còn là khỉ niệm.

Xem thêm:  Cảm nhận khổ cuối bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Thi nhân không thể lấy lại những gì đã qua. Nhưng những năm tháng được sống trên mảnh đất ấy đã trở thành một phần cuộc đời, một mảng tâm hồn đi theo nhà thơ suốt cuộc đời. Chế Lan Viên đã vô cùng tinh tế khi khái quát được một quá trình vận động âm thầm, phức tạp nhưng rất mãnh liệt.

Sang khổ thơ thứ hai, mạch thơ có sự chuyển đổi từ nỗi nhớ nhung, nhớ cảnh, nhớ người, Chế Lan Viên chuyển sang một nỗi nhớ có tính chất riêng tư thầm kín:

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc”.

Ba câu thơ trên đã sử dụng những hình ảnh so sánh độc đáo, mới lạ, tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. Nỗi nhớ là một trạng thái cảm xúc rất thường thấy trong tình yêu và thơ Chế Lan Viên. Nỗi nhớ ấy hết sức tự nhiên. Những qui luật của đất trời như mùa đông ắt phải có cái rét. Hơn thế nữa từ “bỗng” trong câu thơ đã làm cho nỗi nhớ càng trở nên cồn cào, da diết hơn. Cũng cùng diễn tả nỗi nhớ, nhưng nữ sĩ Xuân Quỳnh lại có những cảm nhận khác:

“Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Hay như Nguyễn Bính trong bài thơ “Tương tư” cũng viết

“Tương tư suốt mấy đêm rồi

Viết cho ai hỏi, ai người viết cho”.

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Nhưng không thầm kín như Xuân Quỳnh hay Nguyễn Bính, nỗi nhớ trong thơ Chế Lan Viên thật tha thiết, mãnh liệt. Tuy là “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”, nhưng Chế Lan Viên chỉ muốn nói đến một tình cảm có một tính chất riêng thầm kín. Cũng có ý kiến “em” ở đây chính là Tây Bắc. Đây cũng là một cách nói rất quen thuộc trong thơ ca. Nhà thơ Lê Anh Xuân cũng đã từng gọi miền Nam là “em” trong bài thơ “Ta yêu em”:

“Ta yêu em! Ta yêu em biết mấy

Ôi miền Nam tên của em đấy”.

(Ta yêu em – Lê Anh Xuân)

Và Tố Hữu cũng đã từng viết về Hà Nội:

“Ngọc Hà em, lộng lẫy hoa tươi”.

Cái độc đáo ở câu thơ Chế lan Viên đó là ông chọn cảm nhận về Tây Bắc bằng sự nhạy cảm của giác quan. Đó là sự rung động mãnh liệt, toàn diện và sâu sắc nhất. Sang đến câu thơ thứ hai, nhà thơ lại có những định nghĩa thật độc đáo về tình yêu:

“Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”.

Có hai cách hiểu về hình ảnh thơ “cánh kiến hoa vàng”. Thứ nhất, đó là loại cánh kiến thường là tổ ở cây hoa vàng. Như vậy, hình ảnh “cánh kiến hoa vàng” dùng để chỉ một mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Thứ hai, tổ của loài kiến lúc đến mùa thu hoạch có màu sắc lấm tấm vàng.

Xem thêm:  Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong Vợ nhặt

Như vậy, hình ảnh “cánh kiến hoa vàng” chỉ một tình yêu đã đạt đến độ chín của nó: một tình yêu đẹp lấp lánh những sắc màu. Ba câu thơ trên với những hình ảnh sóng đôi: “mùa đông – cái rét”; “cánh kiến – hoa vàng”; “mùa xuân – chim rừng lông trở biếc” đã tạo nên những kí ức tình yêu nhịp nhàng âm điệu, óng ánh sắc màu, sâu xa cảm giác. “Cánh kiến”“hoa vàng” đã gợi lên sự chín mùi son sắt của lứa đôi. Đó là tình yêu thật đẹp, thật rực rỡ, lung linh sắc màu.

Không những thế, tình yêu còn được Chế Lan Viên diễn tả như một nguồn mạch tiếp thêm sức sống cho con người, đánh thức những gì là tiềm ẩn trong mỗi con người, sự vật. Nếu như ở câu thơ đầu, người đọc mới chỉ cảm nhận được tình cảm của riêng nhà thơ thì sang đến câu hai, ba, nó đã trở thành “tình yêu ta”. “Anh”“em” như đã hòa quyện làm một trong tình yêu chung. Tình yêu đó mới thật đẹp, thật trọn vẹn biết bao. Đến đấy, ta những tưởng Chế Lan Viên sẽ đi vào cắt nghĩa về tình yêu nhưng câu thơ kết của đoạn thơ lại được nâng lên một tầm khái quát mới:

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Chế Lan Viên đã không đi sâu nói về tình cảm lứa đôi. Ông chỉ mượn nó để nói về qui luật vận động trong tình cảm của con người. Tình yêu đã biến mảnh đất xa xôi kia biến thành máu thịt, biến cái xa thành gần, cái lạ thành thân. Vai trò của tình yêu trong quá trình vận động của nhận thức. Nó quả thật kì diệu không phải gì khác mà chính là tình yêu đã biến “đất lạ” hóa thành “quê hương”. Bởi lẽ nếu không có tình cảm với con người, với cảnh vật nơi ấy thì sao ta có thể cảm nhận thấy mảnh đất ấy thật thân thương, gần gũi như chính quê hương mình vậy. Một điều tưởng chừng thật giản dị nhưng không phải ai cũng nhận ra.

Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Thơ ông lúc nào cũng giàu hình ảnh và đa chiều. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng – triết lý. Chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa. Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *