Phân tích vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc qua bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu
Hướng dẫn
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)
- Mở bài:
Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu nhất của nền thơ Cách mạng và kháng chiến thế kỉ 20. Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu. Vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc được ông gió gọn trong 8 câu thơ:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
……..
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
- Thân bài:
Mở đầu đoạn thơ là nỗi nhớ thương, là tình cảm ân tình thủy chung của người ra đi đối với chiến khu Việt Bắc:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”.
Cách sử dụng các đại từ nhân xưng “ta” – “mình” vốn rất quen thuộc trong ca dao, dân ca. Mượn lời ví von của dân gian, Tố Hữu vận dụng một cách sáng tạo mang một nội dung mới mẻ hiện đại. Chỉ riêng trong hai câu thơ đầu, đại từ “ta” xưng hô đến bốn lần tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Nó bộc lộ cảm xúc trực tiếp của nhà thơ, của người ra đi đối với người ở lại. Tình cảm này hết sức chân thành, thiết tha, có sức lôi cuốn mạnh mẽ và tạo nên được đồng vọng, sẻ chia với người đọc.
Nỗi nhớ Việt Bắc của nhà thơ, người về xuôi đã được Tố Hữu biểu hiện hết sức cụ thể, phong phú. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài thơ Việt Bắc, tác giả đã sử dụng 34 lần từ “nhớ” (biện pháp điệp từ) để làm nổi rõ tấm lòng ân nghĩa thủy chung, thương nhớ đối với chiến khu Việt Bắc. Từ “nhớ” được tác giả nhắc đến với nhiều ý nghĩa phong phú. Có khi diễn tả nổi nhớ như “nhớ gì như nhớ người yêu”. Cũng có lúc từ “nhớ” được sử dụng với hàm ý là nhớ lại “nhớ khi giặc đến giặc lùng”,…
Ngay trong đoạn thơ trích chỉ có 10 câu thì đã tới 5 lần từ “nhớ” được nhắc đến. Nào là “mình có nhớ ta”, “nhớ những hoa cùng người”, “nhớ người đan nón”, “nhớ cô em gái”, “nhớ ai tiếng hát”. Tất cả từ “nhớ” ở đoạn thơ này đều bao trùm hàm ý nhớ thương. Nỗi nhớ cứ tăng dần lên với nhiều biểu hiện và sắc thái khác nhau. Khi thì nhớ về một đối tượng cụ thể, xác định:
– “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.
– “Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Khi lại hướng về một đối tượng mơ hồ:
– Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.
Mặc dù sắc thái và cung bậc có khác nhau song nỗi nhớ của nhà thơ bao giờ cũng hướng về những con người lao động cân cù, chất phác với một lòng một dạ thủy chung, sắc son với Cách mạng.
Mỗi cặp thơ là một nỗi nhớ da diết cháy bỏng của nhà thơ. Nỗi nhớ cảnh và nhớ người như đan xen hòa quyện với nhau trong bốn cặp thơ lục bát. Nếu câu 6 dành cho nỗi nhớ cảnh thì câu 8 thì diễn tả nỗi nhớ con người. Cảnh và người trong mỗi cặp thơ lại mang những đặc điểm sắc thái riêng. Cứ như thế, đoạn thơ lần lượt gợi nhớ những vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của cảnh và người Việt Bắc. Bức tranh phong cảnh thiên nhiên đa dạng về nghệ thuật màu sắc, ánh sáng và âm thanh dần hiện ra trước mắt người đọc. Nét hài hòa của nhịp thơ và hình ảnh gợi lên ở người đọc những cảm xúc và rung động trước khung cảnh vừa hùng vĩ nên thơ, vừa mênh mông man mác.
Phong cảnh thiên nhiên mà tác giả gợi tả ở đây là phong cảnh thiên nhiên rừng núi Việt Bắc. Búc tranh thiên nhiên hiện lên tự nhiên mà đẹp và nên thơ một cách tinh tế. Tố Hữu đã làm hiện rõ cảnh sắc riêng của bốn mùa trong năm một cách tài tình chỉ bằng những cặp lục bát ngắn ngủi mà đầy đủ. Việt Bắc được ghi nhận theo dòng chảy của thời gian vĩnh hằng.
Đó là cảnh mùa đông với:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.
Mùa đông hiện lên với sắc đỏ của hoa chuối rừng giữa đại ngàn. Trên nền xanh bất tận của muôn cây, hoa chuối rừng kiêu hãnh khoe sắc dỏ thắm tươi. Cái màu ấn tượng ấy dù đứng từ rất xa cũng có thể nhìn thấy được. Nó tập trung và thu hút cái nhìn của người đọc. Bởi nhìn từ từ rát xa nên mới có thể thấy ánh sáng phản chiếu chiếc “dao cài thắt lưng” của người đi rừng. Ánh sáng lấp lóe, bất chợt và đột nhưng rất rõ ràng.
Bức tranh mùa đông Việt Bắc không hề hiu hắt, tàn tạ như cái vốn có của thiên nhiên đất trời. Ngược lại, nó cuồn cuộn sức sống. Nó rực rỡ sắc màu và tràn trề niềm tin. Thiên nhiên đã tươi xanh, con người cũng mạnh mẽ kiên cường.
Tiếp đến, hình ảnh mùa xuân hiện ra với sắc trắng của hoa mơ trắng ngút ngàn:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.
Hoa mơ trắng vốn là một nét đẹp chỉ có ở núi rừng Việt Bắc. Ngày xuân, rừng mơ buông hoa trắng xóa cả núi rừng, tạo nên cảnh sắc thật kì vĩ. Những dải màu trắng hoa mơ kéo dài bất tận, như chiếc khăn mềm mại vắt ngang ngọn núi. Hình ảnh con người hiện lên trong tư thế lao động. Đôi bàn tay khéo léo chuốt từng sợi giang tỉ mỉ và cẩn trọng. Bức tranh mùa xuân tươi mát, trong sạch như tình người cán bộ son sắt, thủy chung với núi rừng, với nhân dân Việt Bắc.
Mùa hạ hiện ra với âm thanh réo rắt của tiếng ve rừng:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”.
Tiếng ve rừng là âm thanh sống động nhất của núi rừng Việt Bắc. Không phải là tiếng kêu đơn lẻ lạc điệu của một vài chú ve. Đó là một bản đồng ca xáo động, dữ dội và rộn vang. Người nghệ sĩ của rừng cây tấu lên những khúc nhạc rộn ràng, âm vang đất trời. Có lúc im bặt rồi bất ngờ cất lên ầm ĩ. Tiếng ve hòa trong sắc vàng của rừng phách. Ve kêu cũng là lúc rừng cây phách đổ vàng. Bức tranh mùa hạ núi rừng Việt Bắc thay màu mới.
Hiện lên trong bức tranh là hình ảnh cô gái yêu kiều một mình hái măng giữa rừng. Cô hòa mình với thiên nhiên vĩ đại. Cô vui vẻ tìm kiếm những phẩm vật quý giá của rừng xanh. Dường như, cô cũng đang hân hoan ca hát cùng những chú ve, lòng rộn ràng trong bản tình ca đắm say bất tận.
Cuối cùng, hình ảnh mùa thu đọng lại với ánh trăng rừng huyền diệu và khát vọng hòa bình thiết tha:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.
Ánh trăng thu mở ra bức tranh mở ảo. Thật không thể nói hết vẻ đẹp của đêm trăng chốn đại ngàn. Trong bóng tối bao la và sự vắng lặng của vũ trụ, ánh trăng là nguồn sáng thu hút hồn ta, tưới tắm hồn ta tình yêu cái đẹp và tình yêu cuocj sống. Từ bào đời nay, trăng luôn là biểu tượng của cuộc sống yên bình và tươi đẹp. Trăng kết nối hồn ta với đất trời, kết nối người đi kẻ ở. Trăng luyến lưu đưa tiễn và cũng gợi nhớ kí ức xa xăm. Khi tất cả đã xa rời, trang chính là nguồn ánh sáng kì điệu đưa ta trở về.
Tố Hữu đã rất thành công khi sử dụng thể thơ lục bát mềm mại, nhuần nhuyễn một cách điêu luyện. Các câu thơ nhịp nhàng, cân đối, hài hòa đến tuyệt vời. Hình ảnh thơ được chọn lọc kĩ càng, biểu đạt sâu sắc vẻ đẹp thơ mộng của con người và thiên nhiên Việt Bắc nghĩa tình, thủy chung.
Đoạn thơ là sự hòa quyện tuyệt vời giữa âm thanh, sắc màu và hình ảnh tạo nên một bức tranh núi rừng hết sức tráng lệ, kì vĩ. Hình ảnh con người được khác họa tinh tế và đẹp đẽ. Tuy nhỏ bé nhưng không hề bị chìm lấp giữa núi rừng bạt ngàn. Con người là điểm nhấn, điểm tô cho bức tranh thêm sinh động. Tuy nhiên, sự thành công không chỉ ở nghệ thuật ngôn từ mà chính là tấm lòng tha thiết của tác giả đối với Việt Bắc.
- Kết luận:
Đây là đoạn thơ đẹp và hay. Đoạn thơ có cấu trúc hài hòa, cân đối, có giá trị tạo hình mang nhiều sắc thái biểu cảm và thể hiện cảm xúc chân thành nhất, sâu lắng nhất của nhà thơ Tố Hữu đối với cảnh vật và con người Việt Bắc.
Theo hoctotnguvan.vn