Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mỵ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) trong đêm cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho chính mình
Hướng dẫn
- Mở bài:
Tô Hoài là một nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Ông có đóng góp to lớn cho nền văn học cách mạng ở nhiều lĩnh vực và nhiều giai đoạn nhau. Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Tô Hoài và của nền văn học kháng chiến chống Pháp viết về đề tài miền núi. Tô hoài đã rất thành công khi diễn tả tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói giải cứu cho A Phủ và giải thoát cho chính mình.
- Thân bài:
Vợ chồng A Phủ đã miêu tả chân thực số phận đáng thương và nỗi khổ nhục của người lao động nghèo khổ Tây Bắc dưới ách thống trị của các thế lực thống trị phong kiến vùng cao. Đồng thời, tác phẩm cũng phát hiện và diễn tả sinh động vẻ đẹp tâm hồn, sức sồng tiềm tàng cùng quá trình thức tỉnh vươn ra ánh sáng tự do của một thế hệ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
Mỵ là nhân vật được chú ý khắc họa nhiều nhất trong Vợ chồng A Phủ. Nhân vật Mỵ thể hiện tập trung hơn cả nội dung của tác phẩm, vốn hiểu biết phong phú và tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Tô Hoài.
Mỵ vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Cô là đóa hoa ban rực sắc giữa xứ Hồng Ngài. Tuổi xuân phơi phới hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, khi bông hoa chớm nở, chưa trải qua những hạnh phúc ở đời thì bất trắc đã đến. Cha mẹ Mỵ thiếu nợ nhà thống lý Pá Tra khi còn tuổi trẻ. Cả đời ông bà làm lụng vất vả mà vẫn không trả hết được món nợ ấy. Thế nên thống lý Pá Tra cho bắt Mỵ (con gái ông bà) về làm vợ A Sử (con trai Pá Tra) để tiếp tục trả nợ.
Tai họa đột ngột ập đến khiến Mỵ sững sờ. Không thể chấp nhận được thực tại, Mỵ đã toan tự tử bằng nắm lá ngón. Nhưng vì thương cha già, nàng đành phải ngậm đắng nuốt cay về làm dâu nhà thống lý. Bao nhiêu mơ ước bỗng chốc tan tành như làn mây mỏng trên đỉnh núi cao. Tuổi trẻ tươi đẹp đầy khát khao của Mỵ bị số phận khắc nghiệt vùi dập tàn nhẫn.
Để phản kháng lại điều bất công ấy, Mỵ suốt ngày im lặng. Nàng câm lặng làm việc không biết ngày đêm. Mỵ không nói, không cười, cứ lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cuộc đời tươi trẻ dường như đã tàn phai. Mỵ sống như người chết, vô hồn, vô cảm. Trái tim Mỵ lạnh lẽo trong nỗi thống khổ tận cùng.
Có thể thấy, đó là một cách phản kháng tiêu cực. Nhưng trước cường quyền và thần quyền, Mỵ cũng không có cách nào khác tốt hơn. Tưởng chừng như Mỵ sẽ sống như thế cho đến khi ông trời bắt nàng đi. Nhưng có ai ngờ đâu, trong cô gái đầy khổ đau ấy một nguồn sống vẫn cứ âm ỉ tồn tại. Và mỗi khi có cơ hội nó lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Lần thứ nhất, sức sống sống ấy đã sống dậy trong My khi tiếng khèn của trai gái vọng về trên đỉnh núi của đêm mùa xuân. Trong hơi hơi rượu ngà ngà say, Mỵ nghe rất rõ âm thanh ngọt ngào của cuộc sống. Có cái gì đó đang trỗi dậy rất mịnh mẽ trong tâm hồn người đàn bà đầy khổ đau. Nó khiến Mỵ muốn đi chơi, muốn được thổi khèn lá và cất tiếng hát giữa rừng xanh.
Tuy sau đó, nàng bị đánh đập phủ phàng nhưng niềm khao khát sống đúng nghĩa cũng kịp định hình và lại tiếp tục được giấu kín trong thẳm sâu tâm hồn.
Lần thứ hai khi bắt gặp ánh mắt và giọt nước mắt của A Phủ trong đêm mùa đông năm ấy. Giọt nước mắt của con người đồng cảnh ngộ một lần nữa làm sống lại những rung động trong Mỵ.
Cuộc đời của A Phủ đến với nhà thống lý Pá Tra cũng chẳng khác gì Mỵ. Chỉ vì đánh A Sử bị thương trong một lần tranh chấp, A Phủ bị bắt làm người ở cho đến hết cuộc đời. Đó là điều vô lí nhưng với sức mạnh của nhà thống lý nó lại hết sức có lí. Sau đó, do mải mê đi săn, bất cẩn để một con bò bị hổ bắt mất, A Phủ bị nhà thống lý Pá Tra trói vào cây cột ở trước sân. Chúng bắt anh chịu đói, chịu khát cho đến khi nào A Sử cùng người nhà bắt được con hổ mới được tha.
Hai con người chất chứa trong lòng điều bất mãn tột cùng nhưng chưa có cơ hội thể hiện. Họ đã gặp nhau trong một tình thế trớ trêu. Đêm mùa đông nắm ấy, sau nhiều ngày bị trói dưới trời lạnh rét, bị đánh đập, bị bỏ đói, bỏ khát đến kiệt sức, A Phủ biết chắc mình sẽ chết. Anh nhìn thấy bếp lửa vẫn từng đêm cháy cho đến sáng biết có người đã thức bao đêm. Không biết là ai sau tấm phên ấy, anh luôn vào để cầu cứu, nước mắt không ngừng chảy.
Phía sau tấm phên, đối diện nơi A Phủ bị trói, Mỵ từng đêm đốt lửa vì không ngủ được. Nàng không hề quan tâm người bị trói ở ngoài kia là ai, vẫn còn sống hay đã chết bởi từ lâu tâm hồn nàng đã khô héo. Mặt khác, sự hành hạ và cái chết trong nhà thống lý cũng không có gì lạ lẫm. Cảnh đánh người, trói người vẫn diễn ra từng ngày ở chốn ngục tù ấy
Nhưng đêm nay, ánh lửa hiu hắt chiếu ra ngoài sân, nàng bất ngờ bắt gặp ánh mắt A Phủ và dòng nước mắt lăn trên đôi gò má teo tóp đã xám đen lại vì kiệt sức. Một ánh mắt tuyệt vọng, chất chứa lời van xin, cầu khẩn mong nhận lấy một sự hỗ trợ lóe lên trong ánh lửa khiến nàng giật mình.
Dòng nước mắt lăn trên má A phủ khiến Mỵ nhớ đến những lần mình bị A Sử trói, bị đánh đập, bị bỏ đói như thế. Nhớ lại cảnh ngộ của bản thân Mị vô cùng đau xót. Càng thương mình, Mỵ càng thương cho A Phủ.
Mỵ bồi hồi nhớ lại giọt nước mắt của mình năm xưa khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí và những lần bị hành hạ khủng khiếp. Giọt nước mắt bất lực không thể than khóc cùng ai. Giọt nước mắt khi nàng nghĩ về cái chết. Bất ngờ, nàng nghĩ A Phủ sẽ chết. Nàng hoang mang tột độ. Suy nghĩ A Phủ sẽ chết cứ má ảnh trong đầu óc Mỵ: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Còn người kia việc gì phải chết thế”.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, nàng nghĩ về cái chết của người khác. Tình thương và sự đồng cảm lớn lao đã khiến Mỵ quên đi bản thân, hướng đến người khác. Trong tâm hồn Mỵ bỗng thức dậy niềm đồng cảm, lòng yêu thương ở người phụ nữ từng chịu nhiều đắng cay bất hạnh này. Nó cuộn thắt như có một sức mạnh nào đó đang trỗi dậy và tìm lối bộc phát. Ngay lúc này đây, nàng tỉnh táo hơn lúc nào hết. Đó là một chuyển biến lớn trong nhân vật Mỵ. Tình thương đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Trong phút chốc, nó thúc đẩy Mỵ đi đến một hành động thật táo bạo, cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.
Đó là một quyết định hết sức khó khăn. Sức mạnh của cường quyền và thần quyền lúc nào cũng bao phủ lên ý nghĩ và cuộc đời của con người miền núi. Nếu giải thoát cho A Phủ, nghĩa là Mỵ phải chịu tội thay anh, sẽ bị trói vào cái cọc ấy, bị đánh cho đến chết.
Tuy vậy, Mỵ vẫn dũng cảm cắt dây trói. Bởi đối với Mỵ cái chết vẫn dễ chịu hơn cuộc sống của mình lúc này. Mỗi dây trói được cắt là một niềm thù hận sâu xa. Mỵ cắt vòng dây trói nghiệt ngã không chỉ để cứu A Phủ mà còn là hành động chống lại sức mạnh đè nén của cường quyền và thần quyền. Đó không phải là hành động liều lĩnh mù quáng mà là một hành động dũng cảm, chiến thắng nỗi sợ hãi cố hữu. Một hành động xuất phát từ sự căm thù và bất lực.
Và khi A Phủ được giải thoát khỏi vòng day, anh khụy gục xuống. Một khoảng thời gian rất ngắn nhưng cũng đủ để Mỵ suy nghĩ về sự sống. Mỵ khẽ khàng nói với A Phủ: “Chạy đi!”. A Phủ vụt chạy vào bóng tối, vừa chạy vừa lăn xuống dốc như thể bằng mọi cách phải nhanh chóng rời khỏi chỗ này. Nhìn thấy điều ấy, Mỵ sực mình tỉnh ngộ. Dù đã bị hành hạ cho đến gần chết thế mà khi được giải thoát, A Phủ đã mạnh mẽ tìm về sự sống còn mình sao lại chấp nhận cùm kẹp một cách dễ dàng.
A Phủ đang chạy. Anh đang bứt mình ra khỏi sức mạnh của nhà thống lý. Anh sẽ về nơi đâu chưa ai biết. Nhưng chắc chắn nơi đó sẽ tốt hơn nơi này. Mỵ sực tỉnh nhận ra con đường giải thoát cho mình. Nàng chạy ra theo A Phủ. Và khi đã bắt kịp, nàng nói trong giá rét: “A Phủ, cho tôi cho tôi đi với. Ở đây thì chết mất”. Hành động bột phát đã đưa cuộc đời Mỵ sang trang mới. Họ đã chạy khỏi Hồng Ngài, giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành vợ chồng, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
- Kết bài:
Ngòi bút Tô Hoài hồi hộp dõi theo từng bước Mỵ đi. Trong đêm tối, ông ngậm ngùi nhìn nhân vật của mình đau khổ mà bất lực. Cho đến khi Mỵ vụt chạy theo A Phủ, ông cũng hân hoan tột độ. Tô Hoài đã sống chân thành cùng nhân vật, không bao giờ ông bỏ rơi nhân vật của mình. Ông đã sớm giác ngộ lí tưởng cách và hướng nhân vật về nguồn sáng ấy. Đó cũng là một bước tiến vượt bậc trong lí tưởng nhà văn và của nền văn học kháng chiến. Nhân vật Mỵ là kết tinh cao độ của tình yêu thương con người và lí tưởng cách mạng vốn rất sâu sắc trong nhà văn.
Theo hoctotnguvan.vn