Phân tích hình tượng nhân vật Tnú để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”-Rừng xà nu
Hướng dẫn
Cách 1: Phân tích làm rõ những đặc điểm, phẩm chất của Tnú
+ Tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước
+ Một lòng trong thành, gắn bó với Cách Mạng
+ Tình cảm gắn bó với nhân dân, người thân
+ Niềm tin vào chiến thắng
Cách 2: Chia cuộc đời Tnú ra làm hai chặng
+ Trước khi cầm vũ khí (từ hồi Tnú còn nhỏ)
+ Sau khi cầm vũ khí đứng lên khởi nghĩa (khi trưởng thành)
- Mở bài:
Nguyễn Trung Thành là nhà văn của núi rừng Tây Nguyên. Với tác phẩm “Đất nước đứng lên” trong kháng chiến chống Pháp, ông đã gây được một tiếng vang lớn và sau này trong kháng chiến chống Mỹ. Ông lại gặt hái thành công trên mảnh đất này với truyện ngắn mang dung lượng của một tiểu thuyết: Rừng xà nu.
Truyện ngắn “Rừng xà nu” (1965) đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân giải miền Trung – Trung Bộ. Sau này được đưa vào tập “Truyện và kí trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” (1969). Tác phẩm viết về người dân làng Xô Man anh dũng đã biết đứng lên đánh giặc để bảo vệ buôn làng tự giải phóng chính mình. Nhà văn đã tái hiện lại cả một chặng đường đầy gian khổ nhưng hết sức anh dũng, quật cường của họ. Điều này được thể hiện rất sâu sắc trong câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
- Thân bài:
Hình ảnh những khu Rừng Xà Nu đã mở đầu cho câu chuyện về những thế hệ người dân làng Xô Man. Cuộc đời và số phận của họ đã phản chiếu một chặng đường vừa đau thương đen tối, vừa hào hùng bất khuất của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đã biết bao người hi sinh dưới sự thống trị tàn bạo của kẻ thù. Những con người thương núi, thương nước ấy đã biết vượt lên mọi đau thương để đứng lên giữ đất giữ làng. Trong số đó, nổi bật lên hình ảnh Tnú.
Câu chuyện về cuộc đời của anh đã được tái hiện lại một cách chân thực, sinh động qua lời kể của làng bên bếp lửa nhà Ưng. Cách trần thuật này mang âm hưởng của một pho sử thi Tây Nguyên. Lời kể của cụ Mết về một con người mà như gợi ra số phận của cả một cộng đồng: “Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe. Ai có cái bụng thương núi thương nước, hãy lắng mà nghe mà nhớ”.
Lời nhắn gửi của cụ Mết đã thể hiện chân lí của thời đại mà Nguyễn Trung Thành muốn gửi gấm vào trong tác phẩm. Câu chuyện về cuộc đời Tnú đã phản chiếu con đường đầy đau khổ và mất mát nhưng anh dũng, kiên cường của dân làng Xô Man tìm đến Cách Mạng để đứng lên cầm vũ khí tự giải phóng mình.
Phân tích nhân vật Tnú qua hai chặng:
Tnú hồi còn nhỏ
• Ngay từ khi còn nhỏ, Tnú đã là đứa bé gan góc, bướng bỉnh (dám lấy đá đập vào đầu người khác, khi học chữ không sáng dạ bằng Mai,…)
• Tnú thuộc lòng từng tản đá, con suối, gốc cây trong rừng. Cậu có thể nhắm mắt đi trong rừng mà không sợ bị lạc (điều này cũng thể hiện tình yêu sâu nặng của Tnú với quê hương)
• Tnú được giác ngộ Cách Mạng từ rất sớm. Mặc dù còn bé, nhưng đã biết thay người già luồn rừng đưa thư cho cán bộ, tiếp tế lương thực cho Cách Mạng…
• Khi bị giặc bắt và tra tấn dã man, nhưng Tnú vẫn không khai báo (còn chỉ vào bụng mình mà nói “Cách Mạng ở đây này”).
Tnú trước khi đứng lên cầm vũ khí (Tnú hồi nhỏ)
Tnú khi trưởng thành
Nhìn lại chặng đường đời của Tnú, ta có thể dễ dàng thấy hiện lên hình ảnh một Tnú trước và sau khi đứng lên cầm vũ khí.
Nhân vật Tnú là một nhân vật mang tính sử thi. Trước khi cầm vũ khí, ngay từ khi còn nhỏ Tnú đã là một cậu bé gan góc; dũng cảm. Anh sớm biểu lộ một tính cách táo bạo đầy mạnh mẽ. Từ nhỏ, Tnú thay người già làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ. Tnú nhanh nhẹn luồn rừng đưa thư, vượt qua suối lũ một cách dũng cảm. Cậu thật sáng dạ khi biết rằng bọn Mỹ ngụy ít khi phục kích ở chỗ nước chảy mạnh. Người đọc cảm thấy một cái gì đó đáng yêu ở sự quan tâm học chữ, không chịu thua kém Mai ở Tnú. Cậu bé này dám lấy đá đập vào đầu mình khi học cái chữ không sáng dạ bằng Mai.
Và đặc biệt là sự gan dạ, dũng cảm của Tnú khi giặc bắt. Chú bé nhỏ tuổi này dám chỉ vào bụng mình mà nói: “Cộng sản ở đây này!”. Mặc cho những vết dao chém dọc ngang trên tấm lưng bé nhỏ, Tnú kiên cường chịu đựng, nhất định không khai báo. Có thể nói, Tnú thật may mắn khi được học cái chữ và được anh Quyết giác ngộ Cách Mạng từ rất sớm. Trong anh đã sớm chảy dòng máu nóng Cách mạng. Trong anh cũng đã sớm có lòng căm thù giặc và khát vọng cuộc sống tự do.
Tnú khi đã trưởng thành:
• Tnú đã thay anh Quyết lãnh đạo dân làng tiếp tục đấu tranh, đi theo con đường Cách Mạng
• Tnú trong quan hệ với dân làng
• Tnú trong quan hệ với gia đình
• Thái độ của Tnú trước kẻ thù
• Khi Tnú một mình, tay không xông ra cứu vợ con và bị giặc bắt. Chúng tẩm nhựa xà nu đốt 10 ngón tay. Ở đây, điều tác giả muốn nhấn mạnh: Mặc dù Tnú có lòng căm thù giặc sâu sắc, có ý chí quyết tâm cao nhưng chỉ với hai bàn tay không anh đã thất bại.
• Chi tiết hai bàn tay của Tnú
• Phân tích Tnú trong mối qua hệ tương tác với cây xà nu
Khi thoát ngục Kon Tum trở về, Tnú đã trở thành một chàng trai cường tráng. Anh hiểu biết và được tôi luyện nhiều qua thử thách. Giờ đây, Tnú giống như một cây xà nu trưởng thành, vạm vỡ, căng đầy nhựa sống, ham ánh sáng. Theo lời anh Quyết ngày nào, Tnú sẽ thay anh làm cán bộ. Một lần nữa, anh đã đi ba ngày lên núi Ngọc Linh. Chuyến đi này không phải lấy đá để làm phấn mà là để mài giáo mác. Dân làng đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Tnú cũng có một cuộc sống hạnh phúc với tình yêu của Mai, với đứa con nhỏ vừa mới chào đời. Nhưng quãng thời gian hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi. Giặc đã cầm súng kéo về. Buôn làng còn chưa kịp cầm vũ khí. Thế nên Tnú và đám thanh niên trai tráng phải lánh vào rừng. Để rồi khi chứng kiến cảnh Mai và con bị hành hạ dã man, một mình Tnú phải xông ra. Anh mong che chở cho mẹ con Mai khỏi đòn roi tàn nhẫn của kẻ thù. Anh cố lấy thân mình hết sức che chở cho họ. Nhưng cả hai đều không sống được.
Cảnh tượng về cái chết đau thương trong đêm ấy cứ trở đi trở lại trong lời kể của già làng. Nó cũng liên tục dội về trong hồi ức đau đớn của Tnú. Tnú đã không cứu được vợ con. Còn anh cũng bị kẻ thù đốt cháy 10 đầu ngón tay: “Mỗi ngón chỉ còn hai đốt… không mọc lại được”. Nỗi đau thương này là minh chứng hùng hồn cho câu nói vừa bình dị, vừa sâu sắc của cụ Mết: “Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo”.
Hình ảnh hai bàn tay của Tnú
• Từ lúc nhỏ, hai bàn tay của Tnú đã biết cuốc nương phát rẫy, rồi biết luồn rừng đưa thư, tiếp tế cho cán bộ.
• Hai bàn tay đã dám lấy đá đậm vào đầu mình khi học chữ không sáng dạ bằng Mai.
• Lớn lên, hai bàn tay ấy đã biết nâng niu hạnh phúc của mình khi xé tấm áo để Mai làm địu cho đứa con.
• Theo lời dặn của anh Quyết, Tnú đã lãnh đạo dân làng chuẩn bị khởi nghĩa (hai bàn tay mài vũ khí trong ánh đuốc xà nu)
• Giặc đốt 10 đầu ngón tay của Tnú hòng dập tắt ý định phản kháng của dân làng Xô Man, buộc họ phải xuôi tay trong kiếp sống nô lệ.
• Bằng những ngón tay bị cụt ngón, Tnú đã bắt kẻ thù phải đền tội.
Nổi bật trong truyện ngắn Rừng Xà Nu là hình ảnh một Tnú sau khi cầm vũ khí. Đó là một hình ảnh thật đẹp và lớn lao biết bao. Giống như những anh hùng ngày nào trong các Khan (trường ca) vậy. Khi đốt cháy hai bàn tay của Tnú, kẻ thù muốn dập tắt ý chí kháng chiến, muốn tiêu diệt khát vọng chiến đấu của người dân Xô Man. Chúng muốn người dân nơi đây mãi mãi xuôi tay trong kiếp nô lệ thấp hèn dưới lưỡi gươm và nòng súng tàn bạo của chúng.
Thế nhưng, Tnú và người dân Xô Man đã không cam chịu và bị khuất phục. Mà ngược lại, họ đứng lên phản kháng quyết liệt. Họ đã biết vượt lên đau thương cầm vũ khí tự giải phóng mình. Lửa đang thiêu cháy 10 đầu ngón tay của Tnú. Lửa đang bùng cháy trên 10 đầu ngón tay tẩm dầu xà nu. Nhưng Tnú không cảm thấy đau đớn. Anh chỉ thấy lửa cháy ở trong lòng. Ngọn lửa chiến đấu sẽ thiêu cháy kẻ thù. Một tiếng thét đầy căm hờn phẫn uất vang vọng cả núi rừng Xô Man.
Tiếng thét ấy như khơi dậy cao độ lòng căm thù giặc của dân làng Xô Man. Ngay sau đó là xác 10 tên giặc đã chết nằm ngỗn ngang trên mặt đấy. Đêm ấy, lửa cháy khắp rừng. Đêm ấy, lửa cháy suốt trong bếp lửa nhà Ưng.
Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cái đêm nổi dậy ấy thật hào hùng, sôi động. “Tiếng chiêng nổi lên, đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn. Suốt đêm, nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động và lửa cháy khắp rừng”. Cái đêm nổi dậy ấy đâu chỉ là của dân làng Xô Man. Mà là cả sự lớn dậy phi thường của cả một cộng đồng dân tộc. Dường như trong đêm ấy đang sống lại cái không khí linh thiêng hào hùng của thiên sử thi Tây Nguyên.
Đôi bàn tay bị đốt cháy của Tnú đã nhóm lên ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc của dân làng Xô Man. Nó còn soi sáng cuộc đời anh. Anh đã thay mặt dân làng Xô Man, lên đường kháng chiến. Anh đi tìm những thằng Dục tàn ác khác. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên, tác giả lại để cho Tnú kể với dân làng mình về sự đối đầu của anh với kẻ thù sau này.Nhà văn đã cố tình tô đậm hình ảnh đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay có cả một lịch sử – một số phận.
Nhân vật Tnú là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Anh được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa, giàu chất sử thi. Anh tiêu biểu cho số phận, phẩm chất và con đường đến với cách mạng của nhân dân Tây Nguyên thời chống Mĩ. Nhà văn có dụng ý khắc họa đôi bàn tay của Tnu để làm nổi bật số phận và tính cách nhân vật. Đôi bàn tay Tnú cũng có một cuộc đời riêng. Đó là bàn tay trung thực, tình nghĩa và căm thù. Khi giặc đốt mười đầu ngón tay, bàn tay Tnu thành chứng tích của tội ác và lòng hận thù. Hận thù đã biến đôi bàn tay Tnu thành bàn tay quả báo. Hình ảnh đôi bàn tay Tnu là một chi tiết nghệ thuật đầy sức ám ảnh.
- Kết bài:
Rừng xà nu là truyện ngắn đậm chất sử thi. Truyện có lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh. Tác phẩm tái hiện được vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng Tây Nguyên với những cánh rừng xà nu bạt ngàn. Những thế hệ người dân Tây Nguyên anh hùng, mạnh mẽ được tạc khắc chân thực và tinh tế vô cung. Đó là bức tranh hoành tráng trong hình ảnh, trong âm hưởng với lời văn đầy nhịp điệu, khi vang động, khi tha thiết trang nghiêm
Theo hoctotnguvan.vn