Phân tích Rừng xà nu-Nguyễn Trung Thành
Hướng dẫn
- Mở bài:
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Trung Thành là một trong những cây bút gắn bó thủy chung với đề tài miền núi, với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”.
Tác phẩm sau đó đạt giải Nhất của Hội văn nghệ Việt Nam (1954-1955). Tác phẩm đánh dấu thành tựu đầu tiên của văn học Việt Nam trên đề tài mới mẻ này. Trong không khí hào hùng của thời đại kháng chiến Mỹ, Nguyễn Thành Trung lại sáng tác tác phẩm “Rừng Xà nu” (1966). Truyện ngắn này cũng chiếm một địa vị danh dự trong nền văn học Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Phân tích Rừng xà nu
- Thân bài:
Truyện ngắn Rừng Xà Nu lấy bối cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ trong những năm 1955-1959. Đó là thời kì đầy đau thương và anh dũng quật cường của nhân dân miền Nam. Truyện mở đầu bằng cảnh nhân vật Tnú sau 3 năm đi bộ đội giải phóng mới có dịp về thăm quê hương của mình, làng Xô Man giữa núi rừng Tây Nguyên trùng điệp. Trong đêm dân làng đón Tnú, cụ Mết – già làng để kể lại cho lớp con cháu nghe một trong những trang sử bi hùng của quê hương bằng câu chuyện gắn liến với cuộc đời Tnú.
Trước kia, Xô Man là một làng căn cứ Cách Mạng vững chắc. Ngay cả những năm tháng đen tối nhất, làng vẫn nuôi giấu cán bộ hoạt động. Từ lúc còn nhỏ, Tnú và Mai đã được gần gũi cán bộ Quyết. Hai người được học chữ, được giác ngộ. Lớn lên, họ nên vợ chồng. Tnú trở thành một cán bộ Cách Mạng, lãnh đạo dân làng đi tiếp con đường mà anh Quyết đã chỉ ra.
Tin làng Xô Man chuẩn bị giáo mác khởi nghĩa đã đến tai lũ giặc. Chúng cho một tiểu đội lính do thằng Dục chỉ huy về làng Xô Man đàn áp dân làng. Để dụ Tnú ra, bọn giặc bắt Mai và đứa con nhỏ ra hành hạ. Không nén nỗi căm thù, Tnú đã xông ra nhưng anh không cứu nổi vợ con mình và bị bắt. Giặc tẩm nhựa cây xà nu, đốt 10 đầu ngón tay của Tnú nhưng anh vẫn không khai báo. Cụ già Mết đã chỉ huy trai làng vào rừng lấy vũ khí, chém chết cả tiểu đội lính giặc để cứu Tnú.
Ngay trong đêm đó, làng Xô Man náo nức chuẩn bị khởi nghĩa. Sau đó Tnú lên đường gia nhập lực lượng giải phóng. Truyện kết thúc với cảnh cụ Mết và Dít tiễn Tnú trở lại đơn vị. Trước mắt ba người là những đồi cây xà nu nối tiếp nhau, chạy mãi tới chân trời.
Tư tưởng, chủ đề truyện ngắn Rừng Xà Nu
Thông qua câu chuyện đau thương của gia đình Tnú, qua con đường thức tỉnh đấu tranh đi đến với cách mạng của dân làng Xô Man, tác giả đã phản ánh chân thực một hiện thực nóng bỏng của Cách Mạng miền Nam trong những năm đen tối.
Nguyễn Thành Trung đã làm sáng tỏ quy luật tức nước ắc phải vỡ bờ, có áp bức tất có đấu tranh. Cái chân lí đơn giản mà chắc nịch ấy đã được thể hiện qua lời nói của cụ Mết: “Nhớ lấy, ghi lấy,… Sau này tau chết rồi bay phải truyền lại cho con cháu. Chúng nó đã đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Để bảo vệ quyền sống, quyền tự do, để chống lại kẻ thù, không có con đường nào khác, phải vùng lên, phải sử dụng bạo lực Cách Mạng.
Hình tượng cây xà nu:
“Rừng xà nu” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về đề tài chiến tranh Cách Mạng nói chung, về vùng đất Tây Nguyên với những con người kiên trung bất khuất nói riêng. Tác phẩm vừa giàu chất hiện thực vừa đậm đà chất trữ tình lãng mạn. Đặc biệt, hình tượng cây xà nu được nhắc tới nhiều lần trong truyện ngắn và là hình ảnh tượng trưng cho phẩm chất, cho sức sống mảnh liệt của dân làng Xô Man và các dân tộc Tây Nguyên.
Bên cạnh các nhân vật như Tnú, cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng, nhà văn Nguyễn Trung Thành còn xây dựng thành công một hình tượng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đó chính là cây xà nu.
Hình tượng cây xà nu được thể hiện nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành. Ở phần mở đầu và kết thúc truyện, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh kì vĩ ấy. Những cánh rừng xà nu bạt ngàn, “đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp nhau tới tận chân trời”. Câu này được nhắn lại ở đoạn cuối như một điệp khúc lấy lại để nhấn mạnh, gây ấn tượng đậm nét trong phần kết thúc truyện.
Những cây xà nu không chỉ có mặt ở phần mở đầu và kết thúc truyện mà nó còn xuất hiện diện trong suốt câu chuyện kể về Tnú và làng Xô Man của anh. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành, hình ảnh được tác giả nhắc đi nhắc lại tới 20 lần. Nó gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của dân làng Xô Man bao đời nay. Ngọn lửa xà nu trong bếp mỗi gia đình, trong đống lửa ở nhà Ưng tập hợp dân làng. Ngọn đuốc xà nu cháy sáng soi những đoàn rừng đêm. Khói nhựa cây xà nu làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ,…
Cây xà nu cũng gắn liền với những sự kiện quan trọng trong đời sống của dân làng Xô Man. Nó giống như một nhân chứng lịch sử, đã chứng kiến bao thăng trầm, bao nổi khổ vui của dân làng Xô Man. Ngọn đuốc xà nu cháy sáng trong tay cụ Mết, và tất cả vào rừng lấy giáo mác đã giấu kĩ để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Đêm đêm dân làng Xô Man thức trong ánh đuốc xà nu mài vũ khí. Đêm đồng khởi của làng cũng bừng bừng trong ánh đuốc xà nu,…
Phân tích hình tượng cây xà nu
Cây xà nu là loại cây quen thuộc, gắn bó với cuộc sống người dân Tây Nguyên.
Cây xà nu cũng đã chứng kiến bao sự kiện nổi bật trong cuộc sống của dân làng Xô Man.
Trong tác phẩm này, hình tượng cây xà nu mang một biểu tượng ý nghĩa xâu sắc. Nó tượng trưng cho cuộc sống, những phẩm chất,tính cách của dân làng Xô Man. Mỗi một đặc tính tự nhiên của cây xà nu được nhà văn miêu tả tương ứng với một đặc điểm, phẩm chất của người dân Tây Nguyên.
Hình ảnh rừng xà nu ở đây là một hình ảnh thực nhưng đồng thời cũng mang một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Rừng xà nu là người bạn trung thành của người dân Xô Man từ bao đời nay. Nó che chở, bảo vệ cho làng trước những trận mưa đại bác từ đồn địch bắn vào. Xong, rừng xà nu cũng tượng trưng cho những con người kiên cường, bất khuất của làng Xô Man. Những cụ Mết, anh Tnú, cô Mai, cô Dít,… Họ rất đông như một Rừng Xà Nu và họ cũng rất mạnh mẽ như cây xà nu. Nhưng đều căn bản là họ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ làng Xô Man. Giống như Rừng xà nu đã 2 năm nay “vẫn ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”.
Sự miêu tả về cây xà nu ở đây luôn được nhà văn đặt trong sự ứng chiếu, so sánh với con người, gợi ra biểu tượng về đời sống, số phận, phẩm chất của con người. Đồng thời ngược lại, nhiều chỗ miêu tả con người cũng được nhà văn miêu tả tương quan so sánh với cây xà nu. Chẳng hạn, miêu tả cụ Mết thì: “ngực căng như một cây xà nu lớn”; còn vết trên lưng Tnú do lũ giặc tra tấn gây nên nhà văn miêu tả “ứa một giọt máu đậm từ sáng đến chiều thì đặc quện lại tím thẩm như nhựa xà nu”. Thủ pháp so sánh ấy trong miêu tả tạo nên một sự hòa nhập tương ứng giữa con người và thiên nhiên trong một chất thơ hào hùng và tráng lệ.
• Sức sống mãnh liệt của cây xà nu:
Cây xà nu ham ánh sáng và khí trời. Ngọn cây lúc nào cũng vươn thẳng lên cao như mũi tên lao lên bầu trời để đón lấy ánh nắng.
Cây xà nu phải chịu nhiều đau thương, hủy diệt từ những trận mưa đại bác từ đồn địch đánh vào, nhiều cây gục ngã, nhựa ứa ra tràn trề.
Cây xà nu có một sức sống thật mãnh liệt. Bên cạnh cây to vừa ngã xuống, đã có bốn, năm cây con đã mọc lên
• Hình tượng cây xà nu gắn với người dân Xô Man:
Cũng như người dân Xô Man phóng khoáng, yêu tự do và luôn hướng ánh sáng của lý tưởng Cách Mạng.
Cũng như người dân Xô Man phải chịu nhiều đau thương mất mát trước họng súng, lửa gươm của kẻ thù.
Cũng như người dân Xô Man hết lớp này đến lớp khác kế tiếp nhau đứng lên đánh giặc: anh Quyết hi sinh đã có Mai thay thế, Mai ngã xuống thì có em gái là Dít thay thế.
Cây xà nu là một cây ham ánh sáng và khí trời, ngọn xanh rờn thì nhằm mũi tên lao thẳng. “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”. Đó cũng là biểu tượng cho con người Tây Nguyên phóng khoáng, yêu tự do, luôn hướng kí tưởng Cách Mạng. Trong bất kì hoàn cảnh nào họ cũng mạnh mẽ vượt lên đau thương. Người dân Xô Man tiếp nhận ánh sáng Cách Mạng một cách khát khao tự nhiên, giống như cây xà nu tiếp lấy ánh sáng mặt trời vậy.
Rừng xà nu cũng giống như dân làng Xô Man phải chịu nhìu đau thương, tàn phá của đạn bom giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây, không cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần bầm lại, đen đặc quện thành từng cục máu lớn”.
Nhưng cây xà nu có một sức sống thật mãnh liệt. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và bom đạn của kẻ thù đổ xuống cũng không sao hủy diệt nổi “trong rừng ít có loại sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.
Và cứ thế, lớp cây non vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. Cũng như các thế hệ làng Xô Man, lớp này tiếp lớp khác đứng lên, kế tiếp nhau chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn. Anh Quyết hi sinh đã có Tnú và Mai thay thế. Mai ngã xuống giữa lúc tuổi trẻ tràn đầy sức sống thì em gái là Dít lớn lên đến không ngờ, trở thành một bí thư chi bộ kim chính trị viên xã bộ. Rồi bé Heng – lớp đàn em của Dít cũng đã kịp lớn lên tiếp tục cuộc chiến đấu của thế hệ cha anh.
Hình tượng cây xà nu không chỉ góp phần làm rõ nổi tư tưởng chủ đề truyện ngắn mà nó còn tác động đến bút pháp nghệ thuật của nhà văn, góp phần làm đậm chất lãng mạn, chất sử thi của tác phẩm
Hình tượng cây xà nu còn gắn liền với bút pháp nghệ thuật và giọng điệu của tác phẩm. Chất sử thi của truyện ngắn này sẽ không thể trở thành giọng điệu chính của tác phẩm nếu thiếu đi hình tượng cây xà nu. Hình tương được khai thác nhiều góc độ, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Và ngay cả cái chất Tây Nguyên, phong vị của những sinh hoạt truyền thống của Tây Nguyên được nhân lên rất nhiều lần nhờ hình ảnh những cây xà nu.
- Kết bài:
Hình ảnh cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Trung Thành. Với hình tượng này, tác giả đã tạo nên một không khí riêng cho tác phẩm; gợi nên rõ nét hình ảnh Tây Nguyên và con người Tây Nguyên. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu – một loài cây phổ biến quen thuộc ở Tây Nguyên và đem lại cho nó những ý nghĩa mới mẻ và phong phú. Mặt khác, hình tượng cây xà nu còn góp phần làm nổi rõ tư tưởng, chủ đề của truyện ngắn. Điều đó giải thích vì sao nhà văn Nguyễn Trung Thành lại lấy hình ảnh Rừng Xà Nu làm nhan đề cho truyện ngắn của mình.
* Dạng đề tham khảo:
1. Gỉai thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng Xà Nu
2. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Rừng Xà Nu
3. Phân tích hình tượng nhân vật Tnú.
Theo hoctotnguvan.vn