Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu

Hướng dẫn

Loading…
  • Mở bài:

Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm đặc sắc mang đậm chất sử thi, anh hùng ca. Sau năm 1975, đất nước thoát khỏi chiến tranh, bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển trong thời hòa bình, mở ra cho văn học những tiền đề mới. Vốn giàu tâm huyết với văn chương, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với kì vọng của nhân dân, Nguyễn Minh Châu sớm ý thức được yêu cầu đồi mới tư duy văn học.

Tác phẩm của ông từ cảm hứng sử thi lãng mạn chuyển dần sang cảm hứng triết luận về những giá trị nhân bản đời thường. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được in lần đầu trong tập “Bến quê”. Sau được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn, in năm 1987. Chiếc thuyền ngoài xa là một truyện ngắn đặc sắc, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự đời tư. Đồng thời cũng thể hiện sự chuyển biến trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.

  • Thân bài:

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã tạo nên được một tình huống truyện độc đáo đặc sắc. Qua tình huống này, nhà văn không chỉ làm nổi rõ tư tưởng, chủ đề của truyện ngắn mà còn khắc họa đậm nét tính cách nhân vật.

Thông thường trong thể loại truyện ngắn có 3 loại tình huống phổ biến: tình huống hàng động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Nếu tình huống hành động chủ yếu hướng tới tô đậm hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật thì tình huống nhận thức chủ yếu lí giải,cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật.

Ở truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã lựa chọn kiểu tình huống nhận thức. Đó là sự ngộ nhận của nhân vật – nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng và lãng mạn. Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo đúng yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã tới một vùng biển từng là công trường cũ của anh, để dự tính bố cục, đã phục kích mấy buổi sáng để chụp bằng được một cảnh thật ưng ý.

Giây phút ấy đã tới thật bất ngờ, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra một vẻ đẹp trời cho, trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: “Trước mặt mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ …  Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp… Tôi tưởng chính vừa khám phá thấy chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận thiện, tận mĩ, thấy tâm hồn mình như được gội rửa, trở nên thật trong trẻo tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa lãng mạn của cuộc đời.

Xem thêm:  Phân tích nghịch lí trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa
Loading…

Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tài năng, có tâm hồn mơ mộng, lãng mạn. Để có một bộ lịch đẹp theo yêu cầu của trưởng phòng,… Phùng đã bỏ ra nhiều công sức, nhiều tâm huyết để săn tìm bằng được những cảnh đẹp của thiên nhiên, con người.

Nhưng công sức bỏ ra của Phùng không uổng phí, anh đã chợp được một cảnh thật đẹp, thật ưng ý đó là hình ảnh Chiếc thuyền ngoài xa trên mặt biển mờ sương. Bức ảnh có sự hài hòa về đường nét, màu sắc giống như bước tranh cảnh vật của danh họa Trung Quốc thời xưa.

Thế nhưng diễn biến tiếp theo của sự việc đã đặt người nghệ sĩ nhiếp ảnh vào một tình huống bất ngờ và trớ trêu, như trò đùa quái ác của cuộc sống. Nhân vật Phùng đã từng có cái khoảng khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại… “Anh đã từng chiêm nghiệm bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.

Vậy mà hóa ra đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển kia lại chẳng phải là đạo đức, là chân lí của sự toàn thiện. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền đẹp như như trong mơ ấy, bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằng, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương pháp để giải tỏa những uất ức khổ đau.

Phùng đã từng là người lính cầm súng chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc, vì cái đẹp thanh bình của biển cả hôm nay, anh không thể chịu đựng được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lí và thô bạo. Nhưng, anh chưa kịp xông ra thì thằng Phát con trai lão đã kịp tới che chở cho người mẹ đáng thương.

Chỉ đến lần thứ hai, khi phải chứng kiến cảnh ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính là không thể làm ngơ trước sự bạo hàng của cái ác. Phùng cay đắng nhận thấy những cái ngang trái xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là “thứ thuốc rửa” quái đản, làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công chụp được bỗng hiện hình thật khủng khiếp ghê sợ.

Xem thêm:  Cảm nhận đoạn thơ từ câu 43 – câu 52 trong bài thơ “Việt Bắc” – Tố Hữu

Sự đổ vỡ trong nhận thức của Phùng: bức tranh mà anh dày công tìm kiếm và tưởng như đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật đạt tới sự toàn thiện, toàn mĩ … Hóa ra lại ẩn chứa đằng biết bao nghịch lý đau lòng, xấu xa.

Phùng cũng nhận ra có một khoảng cách khá xa giữa nghệ thuật và cuộc sống. Câu chuyện của người đàn bà làng chài ở Tòa án là câu chuyện về sự thật cuộc sống. Nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lý. Nhìn bên ngoài, đó là người đàn bà quá nhẫn nhục, thường xuyên bị chồng đánh đập hành hạ “3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng”. Vậy mà chị vẫn gắn bó với lão đàn ông vũ phu ấy.

Chỉ qua những lời dãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc của sự hi sinh của bà là tình thương vô bờ bến đối với những đứa con. Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi phải cần có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng, đặng một sấp con, nhà nào trên dưới chục đứa… Phải sống cho các con,  không thể sống cho mình.

Sau khi thấy cái biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không hiệu quả, Đẩu – với tư cách thẩm phán Huyện đã khuyên người vợ nên li hôn để khỏi bị hành hạ, ngược đãi. Anh mời người đàn bà đến công sở để trao đổi vấn đề này. Nhưng trong buổi nói chuyện đó, mọi lí lẽ tưởng như thuận tình, hợp lí đó của anh đều bị người đàn bà chất phát, lam lũ bác bỏ.

Hóa ra, lòng tốt của anh là lòng tốt phi thực tế. Anh bảo vệ pháp luật bằng sự thông hiểu giấy tờ, sách vở nên trước cuộc sống đích thực, đầy sự bộn bề phức tạp. Anh đã trở thành kẻ nông nổi ngây thơ. Người đàn bà thất học quê mùa nhưng thật sâu sắc khi nhìn suốt cả đời mình đã khiến “một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố Huyện vùng biển”.

Có thể nói, anh vừa ngộ ra những nghịch lí của đời sống – những nghịch lý mà con người buộc phải chấp nhận dù là xót xa chua chát: “Trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợn, tàn bạo”. Phải chăng cũng từ tình huống đó, thẩm phán Đẩu mới hiểu ra rằng: Muốn con ngươi thoát ra khỏi đau khổ tối tăm cần có những giải pháp thiết thực, chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn.

Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Thành Trung

Tác giả đã rất thành công khi lựa chọn điểm nhìn đầy nghệ thuật, xây dựng tình huống kịch tính, căng thẳng, hấp dẫn. Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn nữ nhân vật trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng rất đáng chú ý. Người nghệ sĩ chuyện ở đây là nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Hay nói đúng hơn là sự hóa thân của tác giả vào nhân vật.

Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huông truyện. Lời kể chuyện cũng trở nên khách quan, chân thật và giàu sức thuyết phục.

Ngôn ngữ các nhân vật cũng phù hợp với đặc điểm, tính cách của mỗi người; giọng điệu của lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với những lời lẽ cục cằn, thô bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi phải nói với con, thật đớn đau và thấu trải khi nói về thân phận của mình; nhẵng lời của thẩm phán Đẩu ở tòa án Huyện rõ là ngôn ngữ, giọng điệu của một con người tốt bụng, chân thành,…

  • Kết bài:

Một tác phẩm có thể có nhiều giọng điệu khác nhau nhưng bao giờ cũng nổi trội một giọng điệu chủ đạo. Chiếc thuyền ngoài xa được triển khai, xoay quanh tình huống tự nhận thức. Nghĩa là, đi từ lầm lẫn, ngộ nhận đến sự “hiểu biết, giác ngộ” nên sắc thái giọng điệu luôn thay đổi theo diễn biến tình tiết giàu kịch tính: có lúc say sưa hùng biện, lúc hài hước tự trào, lúc khách quan tiết chế, lúc trầm lắng suy tư nhưng có lẽ sắc thái suy  tư – chiệm nghiệm, suy tư – triết lí nổi bật hơn cả, tạo nên giọng điệu chủ đạo, gợi nhiều lo âu, day dứt hơn là thanh thản, nhẹ nhõm.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *