Ý nghĩa thực sự ở cuộc sống là ở chỗ dám hành động (K.Marx) Anh / chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Hướng dẫn
Dám nghĩ dám làm mới có thành công
- Mở bài:
Hành động chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng không có hạnh phúc nào mà lại thiếu hành động. Thế giới luôn vận động theo quy luật khắc nghiệt của nó. Chỉ có hành động mới có thể điều hướng thế giới theo ý ta muốn. Chỉ có hành động mới mang lại những điều hữu ích cho bản thân và cho xã hội. Bởi thế, K.Marx cho rằng: “Ý nghĩa thực sự ở cuộc sống là ở chỗ dám hành động”.
- Thân bài:
Hành động là gì?
Hành động là những hoạt động của con người trong công việc nhằm đạt đến mục đích, ý nguyện của mình. Dám hành động là dám tiến hành một công việc mà mình mong muốn nhằm đạt được mục đích nhất định nào đó trong cuộc sống.
Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là sống vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc và có ích cho xã hội. Không phải hành động nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Bởi thế, muốn thành công, muốn đạt được mục đích, ta phải dám hành động. Muốn tạo ra những giá trị hữu ích chúng ta cũng phải dám làm, dũng cảm hành động. Chỉ có hành động mới có thể biến những ý tưởng, ước mở, hoài bão trở thành hiện thực.
Tại sao sống là phải dám hành động?
Ý kiến của K.Marx thật đúng đắn. Nó thể hiện lối sống tích cực làm cho cuộc sống thực sự có ý nghĩa. K.Marx luôn đề cao hành động. Đối với ông, mọi lý thuyết đều vô nghĩa. Chỉ có hành động mới có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, xã hội mới phát triển.
Triết học cũng đã chứng minh rõ ràng rằng chỉ có hành động mới làm nảy sinh mọi hoạt động ý nghĩa trong xã hội. Hành động sẽ đem lại động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Điều quan trọng đó là hành động ấy phải là hành động hữu ích, có ý nghĩa. Mọi giá trị được tạo ra chỉ có thể thông qua các hoạt động có mục đích.
Hành động đem lại thành quả có ích cho cuộc sống. Có hành động mới có của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, cuộc sống con người mới ngày càng phát triển. Hành động giúp con người củng cố và đào sâu kiên thức. Mỗi hành động đều là sự thể nghiệm lý thuyết hoặc củng cố lý thuyết. Từ đó phát triển nhận thức và tạo ra những tri thức mới.
Hành động giúp ta rút ra được những kinh nghiệm, những bài học cho cuộc sống. Không phải hành động nào cũng mang lại hiệu quả như ta mong muốn. Mỗi thất bại, mỗi sự cố đều cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm mới, tri thức mới. Từ kinh nghiệm ấy giúp chúng ta tránh được sai lầm, hoàn thiện bản thân và sẽ sẽ thành công với hành động sau đó.
Hành động giúp rèn luyện những kĩ năng thực hành. Giúp ta làm việc có phương pháp hơn. Từ đó đạt hiệu quả tốt hơn trong công việc. Bàn tay sẽ làm giàu khối óc. Chỉ có hành động thì kĩ năng mới thuần thục, phương pháp mới được kiểm chúng và khẳng định, hiệu quả mới được tạo ra.
Hành động giúp con người rèn luyện nhân cách, nhân phẩm, nhận rõ bản thân. Chính qua hành động năng lực mới được kiện toàn. Chỉ thông qua hành động mới giúp con người tự nhận thức về bản thân mình. Qua hành động con người hiểu biết năng lực của bản thân. Họ tự khăng định mình trước cuộc sống. Do đó họ sẽ tự tin và thêm bản lĩnh. Hành động cũng giúp con người biết sống chan hòa với người khác. Hành động giú con người có ý thức tổ chức, ý thức trách nhiệm…
Hành động đem lại niềm vui, niềm lạc quan và hạnh phúc. Chính những kết quả ấy sẽ giúp con người có niềm vui, hạnh phúc và luôn tin tưởng ở tương lai.
Hồ Chí Minh là một minh chứng thuyết phục về tinh thần dám hành động và thành công với hành động. Với tình yêu nước nồng nàn, tình yêu dân tộc thiết tha, cảm thương dân tộc trong nghịch cảnh lần than, khốn khổ dưới ách đô hộ của thực dân, Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Với ý chí kiên cường, nghị lực phi thường, tinh thần dám làm, dám hành động và niềm tin tưởng lớn lao, Người đã tìm thấy được con đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc thành công.
Suốt cuộc đời Người sống vì mọi người, hòa đồng cùng xã hội. Thậm chí cả thiên nhiên cây cỏ, lối sống không cho riêng mình. Và chính vì không cho riêng mình cho nên trường cửu.
Ở Hồ Chí Minh, triết lý và hành động gắn liền mật thiết, chặt chẽ với nhau. Triết lý hướng đến hành động, hành động nói lên triết lý. Trong triết lý đã bao hàm xu thế hành động. Trong hành động có triết lý. Triết lý và hành động xoắn xít với nhau tạo nên triết lý hành động Hồ Chí Minh mà không phải vĩ nhân nào cũng có được.
Phê phán những quan niệm sai trái:
Có nhiều người cho rằng ý nghĩa thực sự của cuộc sống là ở chỗ nhiều tiền bạc, có địa vị, có danh vọng. Bởi thế, họ liều lĩnh hành động. Họ bất chấp đạo lí, pháp luật hòng chiếm đoạt thật nhiều các giá trị vật chất trong cuộc sống. Từ đó họ có lối sống chỉ biết hưởng thụ, hoặc trông chờ vào người khác. Họ ngại hoặc không dám hành động. Đó là một quan niệm sai lầm, có thể gây tổn hại cho xã hội, đáng bị lên án.
Cũng có những người tuy có lý tưởng cao đẹp, dám làm, dám hành động, quyết liệt hành động nhưng hành động tùy tiện, bốc đồng, thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật, vi phạm những chuẩn mực chung của xã hội. Những người như thế thật đáng chê trách.
Sống dám hành động ta cần phải làm gì?
Tuân Tử, một nhà tư tưởng đã từng nói rằng: “Đường tuy ngắn không đi không đến. Việc tuy nhỏ không làm không nên”. Chỉ có hành động và quyết liệt hành động mới tạo ra hạnh phúc.
Coi ý kiến của K. Marx là phương châm để hành động. Trước mắt là học tập nhưng luôn chú ý đến thực hành. Bởi chỉ có thực hành mới có thể kiện toàn kĩ năng, tạo dựng niềm tin tưởng vào bản thân và dũng cảm hành động trong công việc. Từ đó, tránh được những sai lầm, hạn chế thất bại trong cuộc sống.
Kiên quyết khắc phục nhược điểm lười biếng của bản thân. Chiến thắng được bản thân là một công việc hết sức khó khăn. Bởi ai cũng muốn được làm việc nhẹ nhàng, dễ dàng mà thu được hiệu quả cao. Ai cũng muốn hưởng thụ cuộc sống hơn là làm việc cực nhọc. Một khi vượt qua được sự ích kỉ cá nhân chúng ta mới có thể quyết liệt và hăng say trong hành động. Danh vọng thường đạt được bởi những người hăng say đón nhận sự việc và lập tức bắt tay vào hành động.
Tích cực tham gia các hoạt động ở gia đình, trường lớp và xã hội. Thông qua tập thể để rèn luyện mình. Vì tập thể mà cống hiến sức mình. Có như thế ta mới hành động tích cực, không vụ lợi, hiệu quả tốt đẹp mới được tạo ra. Chỉ có hành động mới tạo ra nhưng điều hữu ích. Sống mà không làm gì thì chẳng khác nào không sống. Mỗi hành động nhỏ làm thành hành động lớn. Hành động lớn tạo ra thành quả lao động thực sự.
- Kết bài:
Lao động không những để đáp ứng có nhu cầu của bản thân, gia đình và xã hội mà còn là niềm vui, là lý tưởng sống. Lao động tạo ra sức khỏe, tinh thần lạc quan, yêu đời và làm cho cuộc sống càng thêm ý nghĩa.
- Có thể bạn đang tìm kiếm:
- Nghị luận về tính năng, động sáng tạo trong học tập
Theo hoctotnguvan.vn