Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể

Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể – Bài làm 1

Từ xa xưa, ông cha ta có câu:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”

nhằm răn dạy con cháu phải sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, lời răn dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là bài học về cách sống giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể.

van mau nghi luan xa hoi ve van de ca nhan va tap the Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể

Cá nhân là một con người đơn lẻ cụ thể trong một môi trường xã hội nhất định. Tập thể là một tập hợp gồm nhiều cá nhân ghép lại, cùng tham gia một hoạt động nào đó trong xã hội. Một nhóm, một tổ, một lớp, … là những ví dụ điển hình về một tập thể trong môi trường học tập.

Các cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, bổ trợ cho nhau. Mỗi một cá nhân tốt sẽ tạo dựng nên một tập thể tốt. Một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể tổng trọng, bình đẳng và cùng quan tâm đến một mục đích. Hơn nữa, trên thực tế không một cá nhân đơn lẻ nào hoàn toàn tồn tại và phát triển một cách độc lập, mỗi cá nhân đều cần đến và có nhu cần tập thể, Và tập thể tạo điều kiện cho các cá nhân trao đổi và phát triển. Cá nhân là tiền đề tạo nên sự vững mạnh của một tập thể và ngược lại.

Trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của các cá nhân và tập thể đều là như nhau. Ví dụ như trong nhà trường, một lớp học được coi là xuất sắc khi học sinh trong lớp đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và lao động. Không phải ai trong lớp cũng tài giỏi như nhau. Việc những học sinh giỏi ngồi kèm những học sinh yếu kém, những học sinh khỏe mạnh làm nhưng công việc lau dọn nặng nhọc giúp những học sinh có thể chất yếu, … sẽ giúp cho lớp học thêm khăng khít, có sự giúp đỡ qua lại để cùng nhau phát triển hơn.

“Con sâu làm rầu nồi canh” – bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cá nhân có ảnh hưởng xấu đến tập thể. Một bạn quay cóp, gian lận trong thi cử, nói tục chửi bậy,… sẽ làm cho nhiều học sinh trong lớp muốn làm theo. Đồng thời, tập thể không tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển đồng đều, thậm chí còn lấy đi đi như cầu lợi ích cái nhân cũng là mặt trái cần bị phê phán và loại bỏ tương tự.

“Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”, để phát triển cá nhân tốt mỗi chúng ta cần biết chủ động tìm những tập thể lành mạnh để gia nhập. Đồng thời, nếu trong tập thể có những cá nhân tiêu cực, bản thân phải tự rèn luyện ý chí, tư tưởng vững vàng để không bị lây nhiễm.

Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể – Bài làm 2

Trong xã hội hiện nay luôn tồn tại song song mối quan hệ cá nhân và tập thể. Cá nhân và tập thể cũng được xem là hai lối sống luôn đi liền với nhau nhưng lại trái ngược nhau. Chính mối quan hệ này cũng gợi nên nhiều bài học trong cuộc sống.

Cá nhân là cá thể từng người để tạo nên một cộng đồng, đó là sự riêng biệt, khác biệt tồn tại biệt lập trong một xã hội. Tập thể là tập hợp nhiều người, nhiều cá nhân cùng chung sống với nhau, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để phát triển. Như vậy cá nhân và tập thể nếu đứng tách ra thì hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng nếu xét về nghĩa tương trợ thì chúng có ý nghĩa hỗ trợ và làm phong phú cho nhau. Mỗi cá nhân sẽ tạo nên nhiều màu sắc hơn cho một tập thể.

Trên thực tế, không có một cá nhân nào tồn tại độc lập hay biệt lập so với tập thể. Nó luôn là một cá thể tạo nên sự hùng mạnh của một tập thể. Như vậy mới có thể nói rằng, tập thể chỉ được tạo dựng nên từ rất nhiều cá nhân. Mỗi cá nhân có ý thức và trách nhiệm xây dựng tập thể ấy vững mạnh và đoàn kết. Đó chính là mục tiêu lớn khi chúng ta sống trong một tập thể, một cộng đồng người.

Ông cha ta vẫn có câu “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sức mạnh của cá nhân dù có mạnh đến đâu thì cũng sẽ không làm nên được nghiệp lớn, chỉ khi có sự hỗ trợ, giúp sức của tập thể thì chúng ta mới có thể xây dựng được sự vững mạnh và bền bỉ hơn.

Mỗi cá nhân đều mang một màu sắc, tài năng và suy nghĩ riêng. Vì thế chúng ta không thể khẳng định người này tốt hơn người kia, mà cần phải đánh giá một cách toàn diện nhất. Như thế mới có thể tạo dựng nên được một tập thể vững mạnh.

Những người sống chung trong một cộng đồng người cần phải biết giúp đỡ người khác khi cần thiết, san sẻ bớt cơm chung. Một ví dụ điển hình chính là hằng năm đồng bào miền Trung luôn phải hứng chịu sự mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Chúng ta đang cùng sống trong một cộng đồng người, cần giang tay giúp đỡ, hỗ trợ để họ có thể xây dựng lại cuộc sống của gia đình mình.

Tuy nhiên trong xã hội này vẫn còn tồn tại nhiều người sống trong môi trường tập thể nhưng lại có lối sống cá nhân, chỉ nghĩ đến bản thân mình và sống vụ lợi. Đó là những ‘con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho tập thể có nhiều vết rạn, tập thể đó không phát triển được, luôn ở trong trạng thái trì trễ.Những người sống theo kiểu cá nhân mặc dù đạt được mục đích nhưng sẽ đánh mất đi nhiều thứ, là bạn bè, tình yêu, cả nhân phẩm.

Trong xã hội luôn có những người muốn “dìm” nhau để sống, để vươn lên, bất chấp mọi thủ đoạn chỉ mong đạt được kết quả mà mình muốn. Hậu quả của lối sống cá nhân, ích kỉ như thế này sẽ tự họ phải hứng chịu lấy. Một xã hội chỉ có thể phát triển khi mỗi cá nhân sống và làm việc dựa trên tinh thần tập thể, cùng nỗ lực phấn đấu vì xã hội chung.

Như vậy để có thể tạp dựng được một tập thể vững mạnh thì đòi hỏi ở mỗi cá nhân cần có trong mình tinh thần tập thể. Có như thế thì chúng ta mới có thể cùng hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển được.

Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể – Bài làm 3

Đã ai từng một lần đọc những lời thơ đầy giục giã của nhà thơ Nazim Hilsmet: “Nếu tôi không đốt lửa Nếu anh không đốt lửa Nếu chúng ta không đốt lửa Thì làm sao Bóng tối Sẽ trở thành Ánh sáng!” Bóng tối sẽ tan đi và ánh sáng sẽ ngập tràn nếu anh hành động, tôi hành động và chúng ta cùng hành động.
Trong cái ánh sáng rạng ngời xua tan bóng tối ấy có ánh sáng của tôi, của anh và của tất cả chúng ta. Và hôm nay, nhà thơ Tố Hữu đã mượn tiếng ru dịu êm của mẹ qua bài thơ “Tiếng ru” của mình, một lần nữa gợi cho chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội, giữa một con người và mọi người. Một ngôi sao không làm nên bầu trời đêm rực sáng. Một bông lúa chin chẳng làm nên mùa vàng bội thu. Một con người nhỏ bé đáng kể gì trong cõi nhân gian rộng lớn. Đất thấp thế nhưng nhờ có đất mà núi mới cao. Sông nhỏ thế thôi nhưng nhờ sông mà biển mới mênh mông đến vậy.

Xem thêm:  Đề 35 – Suy nghĩ về lời dạy của Phật : “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”- Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn. Nhưng ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi. Sống trên đời, ai cũng mong muốn mình được thể hiện và khẳng định bản thân, phần cá nhân của mình. Đó là mong ước tự nhiên và chính đáng. Phần riêng ấy được thể hiện ở những khát khao, hoài bão của bản thân, là niềm mong mỏi mình phải có vị trí nào đó trong mắt mọi người. Phần cá nhân bé nhỏ của mỗi người ấy cần được thể hiện, được khẳng định, được tôn trọng và ghi nhận. Chính “cái tôi” ấy tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi cá nhân trong cộng đồng, làm cá nhân đó không bị hòa tan, không lẫn vào người khác. Tôi yêu những vạt nắng trải dài trên cánh đồng bát ngát, yêu những triền đê xanh thơm mùi cỏ non. Còn bạn, bạn yêu những ánh đèn màu rực rỡ của thành phố hoa lệ về đêm, yêu những tòa nhà chọc trời nguy nga tráng lệ. Tôi và bạn có những tình yêu khác nhau, quan điểm sống khác nhau, và chính sự khác nhau ấy đã làm nên “cái tôi” riêng của mỗi cá nhân chúng ta. Phần tôi ấy được thể hiện bằng nhiều cách: bằng sự yêu thương, bằng những nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động hay chỉ đơn giản là những sở thích riêng của chúng ta mà thôi. Ở mỗi thời kì, ta đều thấy sự xuất hiện của những cá nhân vĩ đại, xuất sắc. Bằng tài năng của mình, họ đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, xã hội. Họ có thể là những nhà khoa học, bằng những phát minh của mình đem lại sự phát triển cho đời sống của nhân loại như Đác-uyn, Marie Curie… Họ có thể là những nhà Cách mạng, bằng sự nghiệp chính trị của mình mà đem lại hòa bình cho cả một dân tộc, một đất nước như Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta. Nhưng dù cá nhân có hoàn thiện, có lớn lao vĩ đại đến đâu đi chăng nữa nhưng cũng sẽ không là gì so với sức mạnh của cả một dân tộc. Cá nhân ấy khác nào một hạt cát với một sa mạc, một giọt nước với một đại dương rộng lớn, một thân cây giữa bạt ngàn rừng xanh… Mất đi một hạt cát thì sa mạc vẫn cứ mênh mông; mất đi một giọt nước thì đại dương vẫn cứ bao la; mất đi một bông hoa thì mùa xuân vẫn cứ muôn phần rực rỡ… Một vĩ nhân, một anh hùng làm sao làm nên sự nghiệp lớn nếu không có sự kề vai góp sức của mọi người. Một cá nhân bé nhỏ làm sao tạo được sự nghiệp lớn lao khi chỉ làm một mình mình. Ta phải biết rằng cùng với ta, bên cạnh ta còn có sự chung tay góp sức cùng ta làm nên việc lớn. Nhìn lại lịch sử chiến đấu hào hung của dân tộc, ta thấy rằng sở dĩ ta có thể dệt nên những trang sử vẻ vang , ta có thể anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc được vì sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân. Chính những cá nhân nhỏ bé, riêng lẻ đã tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao, có thể quét sạch quân thù. Hay hình tượng người anh hùng Thánh Gióng, nhờ có cơm áo của bà con làng xóm mà Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, xông pha trận mạc đánh tan giặc Ân. Hình tượng ấy đã được truyền thuyết hóa, thực chất đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân đồng lòng chống giặc.

Qua đó, ta thấy sự khiêm tốn nhìn nhận, đánh giá vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng quan trọng biết bao. Biết là thế nhưng chúng ta cũng đừng vì mỗi cá nhân vô cùng nhỏ bé mà quên đi sự đóng góp của bản thân để tạo nên cộng đồng, chúng ta đừng chỉ biết hưởng thụ những đóng góp của người khác mà làm mờ nhạt đi vai trò của mình, làm mình trở thành gánh nặng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ tất cả mọi thứ lớn lao đều được hình thành từ những gì bé nhỏ nhất. Một hạt cát bé nhỏ thật nhưng nếu không có những hạt cát kia thì làm gì sa mạc mênh mông đến vậy. Một giọt nước không là gì cả nhưng biển làm sao bao la khi không còn những giọt nước ấy. Vì vậy, ta có thể thấy cá nhân là một nhân tố quan trọng, là cơ sở để hình thành nên cộng đồng, tập thể. Để những cá nhân có thể đóng góp sức mình vào phần chung to lớn, chúng ta không được quyền quên đi những đóng góp của họ. Vì biết đâu nỗi buồn bị lãng quên sẽ làm giảm đi nhiệt huyết trao tặng của họ, dù cho những đóng góp kia cho đi không phải mục đích là được nhận về. Như những người lính tuổi còn rất trẻ đã cho đi tuổi xuân, cho đi xương máu của mình vì một cái chung to lớn. Hay những người mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp từng củ khoai, bát gạo cho các chiến sĩ, đóng góp cả những đứa con ưu tú của mình, để rồi âm thầm khóc nghẹn trong lặng lẽ khi hay tin các anh hi sinh, các anh không về. Các mẹ đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì cộng đồng, vì tập thể to lớn kia. Những con người ấy họ đã cho đi mà có nề hà chi. Họ hi sinh cái phần cá nhân bé nhỏ của mình đâu phải vì huy chương, vì chiến công. Họ cho đi mà không cần đền đáp lại. Nhưng những lòng biết, những niềm cảm thông, chia sẻ của chúng ta sẽ làm họ vui hơn rất nhiều, sẽ giúp họ cảm thấy ấm áp mà nhiệt tình hơn trong trao tặng. Chúng ta cũng không nên đóng góp sức mình mà lại lại đòi hỏi một sự công nhận thật tương xứng với công lao mà mình bỏ ra. Vì đó thực chất chỉ là một cuộc trao đổi chứ không phải cho đi vì cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải có quan niệm: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Chúng ta cho đi thì ta sẽ được nhận về. Dù có lớn hay không thì sự nhận về ấy vẫn luôn có ý nghĩa.

“Ta là con chim hót

Ta là một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

(Thanh Hải)

Nhà thơ Thanh Hải cũng đã từng suy nghĩ về triết lí này trong cuộc đời sáng tác văn chương của ông. Ông muốn làm một chú chim để dâng cho đời tiếng hót, muốn làm một bông hoa điểm tô thêm sắc hương cho cuộc sống, một nốt nhạc trầm để lại cho người nghe những dư âm xao xuyến. Và ông gọi đó là “Mùa xuân nho nhỏ” của mình. Khát khao của ông, ước muốn của ông nhỏ bé thật nhưng nó đáng quý biết bao. Vậy đấy, cuộc sống của chúng ta là thế. Ông chỉ muốn được là góc nhỏ của mùa xuân vì ông biết rằng mùa xuân lớn kia là mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước. Từ mùa xuân bé nhỏ ấy, ta mời thấy ước muốn đóng góp lúc nào nó cũng đáng quý, dù đóng góp nhỏ bé hay lớn lao thì nó cũng có ý nghĩa vô cùng. Ta và tôi, cá nhân và cộng đồng… tất cả đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa những điều bé nhỏ và những thứ lớn lao trong cuộc sống. Đó chính là triết lí sống vô cùng đúng đắn mà con người đúc kết được từ những thực tế cuộc sống.

Xem thêm:  Nghị luận về tệ nạn xã hội

Tiếng ru giản dị, mượt mà, êm đềm nhưng ẩn chứa trong nó là bài học lớn lao. Và tiếng ru dấy vẫn luôn đồng hành trong hành trang cuộc đời của chúng ta, từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, giúp ta nhận thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống, dạy ta biết đóng góp, biết cho đi để tạo nên những bông hoa, những bài ca, những mùa xuân rực rỡ cho đời, cho người và cho cả chính chúng ta.

Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể – Bài làm 4

Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”

Đã từ rất lâu, ông cha ta đã khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chỉ cần tận tâm, tận lực, chỉ cần đồng lòng, đồng sức thì việc gì cũng có thể làm được. Câu tục ngữ nhằm răn dạy con cháu phải sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, lời răn dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần đoàn kết hiểu một cách sâu sắc hơn, đó chính là biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Vì vây, trong xã hội ngày nay, người ta đề cao tinh thần tự lực, khả năng chủ động học tập cũng như làm việc của từng cá nhân. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất đi sức mạnh và giá trị của tập thể. Bởi mỗi cá nhân không tồn tại độc lập mà luôn gắn với tập thể, với cộng đồng. Giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ hữu cơ, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, vừa thống nhất, vừa đối lập với nhau.

Cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, bổ trợ cho nhau. Mỗi một cá nhân tốt sẽ tạo dựng nên một tập thể tốt. Một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể tôn trọng, bình đẳng và cùng quan tâm đến một mục đích. Hơn nữa, trên thực tế không một cá nhân đơn lẻ nào hoàn toàn tồn tại và phát triển một cách độc lập, mỗi cá nhân đều cần đến và có nhu cầu tập thể để tập thể tạo điều kiện cho các cá nhân cùng tham gia các hoạt động chung và hướng tới sự phát triển. Cá nhân là tiền đề tạo nên sự vững mạnh của một tập thể và ngược lại.

Trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của các cá nhân và tập thể đều là như nhau. Ví dụ như trong nhà trường, một lớp học được coi là xuất sắc khi sinh viên trong lớp đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và lao động. Không phải sinh viên nào trong lớp cũng tài giỏi như nhau. Việc những em sinh viên giỏi ngồi kèm những sinh viên yếu kém; những sinh viên khỏe mạnh làm những công việc xóa bảng, vệ sinh lớp học giúp những bạn sinh viên có thể chất yếu, từ đó sẽ giúp cho lớp học thêm khăng khít, có sự giúp đỡ qua lại để cùng nhau phát triển hơn. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cá nhân có ảnh hưởng xấu đến tập thể. Một bạn quay cóp, gian lận trong thi cử,… sẽ có sức lan tỏa làm cho nhiều sinh viên trong lớp muốn làm theo. Mặt khác, tập thể có thể không tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển đồng đều, thậm chí còn lấy đi nhu cầu lợi ích cá nhân cũng là mặt trái cần bị phê phán và loại bỏ. Vì thế, để phát triển cá nhân tốt, mỗi chúng ta cần biết chủ động tìm những tập thể lành mạnh để gia nhập. Đồng thời, nếu trong tập thể có những cá nhân tiêu cực, bản thân phải tự rèn luyện ý chí, tư tưởng vững vàng để không bị lây nhiễm.

Trong thực tế cuộc sống, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể rất chặt chẽ .Bởi cá nhân là thành viên của tập thể và luôn có quan hệ qua lại với nhau. Nhiều cá nhân mới hình thành nên tập thể và có tập thể  mới tạo điều kiện để cho cá nhân được trưởng thành. Vì vậy, khi làm điều gì ta phải có ý thức, phải nghĩ đến tập thể. Do đó, là một thành viên trong tập thể thì phải góp phần xây dựng tập thể tốt hơn. Ngoài ra, không thể nhìn vào cái sai của một người mà đánh giá cả tập thể cũng như không thể nhìn cái tốt của một người mà kết luận tốt đẹp cho cả tập thể, bởi tục ngữ có câu “Mía  sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Bao giờ cũng vậy, trong một tập thể tất nhiên sẽ có kẻ xấu, người tốt, người có tài năng, kẻ thiếu bản lĩnh. Cho nên khi xem xét, đánh giá mội tập thể thì chúng ta không nên nhìn vài cá nhân nào đó để đánh giá mà hãy nhìn vào cái chung, nhìn tổng thể xem xét, nhận định để có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn. Ở trong một lớp học, không thể chỉ vì một em sinh viên cá biệt mà ta lại phủ nhận mọi công sức phấn đấu của cả tập thể ấy được. Chúng ta cần phải xử lý nghiêm minh và vạch mặt chỉ tên những cá nhân có khuyết điểm và luôn trân trọng thành quả của tập thể. Nếu có được cái nhìn đúng đắn như vậy, ta sẽ tạo được niềm tin cho mọi người, nhất là sẽ động viên được những cá nhân lầm lỗi có điều kiện sửa sai. Từ đó giúp mỗi cá nhân có cái nhìn tiến bộ, rộng lượng hơn, đem lại niềm tin cho con người trong cuộc sống.

Sự thống nhất giữa cá nhân và tập thể xuất phát từ bản chất của xã hội là các quan hệ giữa các con người với nhau trong quá trình phát triển. Đây là quan hệ khách quan giữa cá nhân và tập thể, giữa bộ phận và chỉnh thể, giữa cái riêng và cái chung. Cá nhân là số ít, là cá thể với những suy nghĩ và cuộc sống riêng.

Tập thể gồm nhiều cá nhân, cá nhân nào cũng tồn tại trong tập thể nhất định và phát huy tính độc lập, đa dạng của mình trong tập thể đó. Trong tập thể, mỗi cá nhân có nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau, họ cống hiến năng lực, tâm huyết, sức lực làm việc vì tập thể, trong đó cũng là vì mình. Tập thể nào cũng hình thành bởi các cá nhân và được phát triển bền vững khi mọi cá nhân được cống hiến hết mình vì mục đích chung của tập thể. Giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Cá nhân luôn gắn với tập thể, trong tập thể có cá nhân. Một tập thể mạnh khi có nhiều cá nhân xuất sắc, một tổ chức ổn định thì đời sống cá nhân càng vững vàng. Khi lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn. Mỗi tập thể lớn mạnh sẽ góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện.

Xem thêm:  Đóng vai Vũ Nương kể lại cuộc đời mình

Sự đối lập giữa cá nhân và tập thể xuất phát từ bản chất của cá nhân có tính độc lập, tự do, đơn nhất của mình. Khuynh hướng khách quan của cá nhân là đối lập với những gì có tính ràng buộc, tính quy định của tập thể. Trong tập thể, mỗi thành viên đều có mong muốn cống hiến sức khoẻ, năng lực, tâm huyết để dựng xây tổ chức mình. Tập thể đó vì vậy mà không ngừng đoàn kết, phát triển, hoàn thành nhiều công việc được giao.

Tuy nhiên, trước những tác động không ngừng của nền kinh tế thị trường, nhu cầu cuộc sống cá nhân đòi hỏi trước hết phải vì cuộc sống của chính mình, vì lợi ích của riêng mình. Từ đó, cá nhân thường tìm cách vụ lợi, hưởng thụ, có sự vô cảm, thờ ơ trước những thay đổi của tập thể hay của người khác. Một số cá nhân ngại va chạm vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, khen thưởng, thu nhập nên dễ dẫn đến nể nang, né tránh, không muốn đấu tranh trước những cái sai, cái xấu, cái thấp hèn.

Từ thực tế trên cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cần phải giải quyết thoả đáng giữa cống hiến và hưởng thụ, kết hợp hài hoà lợi ích và địa vị cá nhân và tập thể. Để tôn trọng cá nhân, tập thể phải bảo vệ quyền lợi, bênh vực, quan tâm đến cá nhân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, năng khiếu, sức khoẻ; động viên, khích lệ cá nhân vượt lên mọi hoàn cảnh để đóng góp vì tập thể.

Nếu chỉ nhấn mạnh cá nhân sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa lợi mình, hại người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy” (biểu hiện làm gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, ngại khổ, ngại khó, tham nhũng, lãng phí, xa hoa; tham danh, thích địa vị, quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; quan liêu, mệnh lệnh…). Mỗi cá nhân phải có ý thức và tinh thần tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là cội nguồn của những thói hư tật xấu, của những vi phạm tập thể và xã hội, là “giặc nội xâm” của chủ nghĩa xã hội. Cá nhân phải tôn trọng tập thể, có ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ vì tập thể, có mối quan hệ bình đẳng, thân ái, giúp đỡ giữa các cá nhân trong tập thể.

Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Không có cá nhân nào ham chuộng khổ hạnh và bần cùng mà ai cũng muốn xây dựng xã hội no ấm, tự do, sung sướng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là xoá bỏ lợi ích cá nhân nhưng lợi ích cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của tập thể, lợi ích của bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nếu chỉ đề cao tập thể sẽ làm cho cá nhân mất đi động lực và bị “hoà tan”.Sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người là điều kiện phát triển của tất cả mọi người. Cá nhân cần tôn trọng các quyết định đúng đắn của tập thể. Cá nhân cần có ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ trước tập thể, có tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, quan hệ thân ái với mọi người trong tập thể.

Mối quan hệ cá nhân, tập thể nảy sinh và phát triển tất yếu do chính các quan hệ kinh tế chuyển hoá thành. Quan hệ kinh tế tạo nên động cơ thúc đẩy con người hành động nhằm thoả mãn nhu cầu. Nhu cầu lợi ích càng lớn thì càng hấp dẫn, càng cuốn hút cá nhân hành động. Không có hành vi nào của cá nhân hoàn toàn thoát khỏi sự thúc đẩy của lợi ích. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ biện chứng, trong đó cá nhân như là một bộ phận của cái toàn thể. Cá nhân thể hiện bản sắc riêng biệt của mình thông qua tập thể nhưng không hòa tan vào tập thể.

Bản chất của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ lợi ích. Đó là yếu tố móc nối, liên kết hoặc ngược lại là chia rẽ các thành viên trong tập thể. Tập thể có bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân và tập thể được biểu hiện ra ở nhu cầu về vật chất và nhu cầu về văn hóa tinh thần. Trong sự tác động biện chứng, mỗi cá nhân không tồn tại độc lập, cô lập hoàn toàn với những cá nhân khác và với tập thể. Đây cũng chính là cơ sở để hình thành nên tính tập thể, tính cộng đồng, tính nhân loại của nhân cách. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể còn được hiểu rộng ra trên phạm vi quốc tế là quan hệ giữa độc lập tự chủ của quốc gia với quá trình hội nhập quốc tế, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để “hòa nhập” chứ không thể “hoà tan”.

Đối với học sinh, sinh viên, khi nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp các em có thêm hiểu biết để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, từ đó rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính tích cực, chủ động của các nhân trong quá trình hợp tác với bạn bè khi ngồi trên ghế Nhà trường; với đồng nghiệp khi đi làm. Từ đó sẽ hiểu được thông điệp về giáo dục của UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) đã đưa ra “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để chung sống với nhau”. Đây được coi là nội dung triết lý về giáo dục của thế kỷ XXI.

Có thể nói rằng, từ việc tìm hiểu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể nhắc nhở mỗi cá nhân cần tự rèn luyện mình: Phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với tập thể; phải khách quan khi xem xét, đánh giá những người xung quang một cách công bằng để mỗi cá nhân trong cộng đồng tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp, nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với mọi người. Đó chính là nét đẹp văn hóa đáng quý trong tâm hồn con người Việt Nam.

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *