Phân tích cái chết của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Hướng dẫn
Phân tích cái chết của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Chết là sự kết thúc của một cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm sóng gió, kết thúc một sự sống đã bao lần bấp bênh. Nhưng đôi khi, cái chết lại chính là sự hồi sinh, là sự bắt đầu của một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn khổ đau. Cái chết của người thiếu phụ trẻ trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ chính là một sự khởi đầu cho bao niềm hi vọng, niềm tin mới. Dù cái chết ấy đã mang bao đau thương và ai oán, nhưng với nàng, chỉ có cái chết mới có thể giúp nàng giải thoát được cuộc sống đầy bất hạnh nơi trần thế.
Nguyễn Dữ – một nhà văn giàu lòng thương xót đã xây dựng nên một nhân vật hoàn mỹ, đẹp cả người lẫn nết, nhưng éo le là nàng lại được đặt trong hoàn cảnh bất hạnh, hẩm hiu. Dù thùy mị nết na, dù đã sống hết lòng vì chồng vì con nhưng cuộc đời đầy trắc trở vẫn không buông tha cho nàng. Sau khi Trương Sinh – chồng nàng đi lính trở về, những tưởng vợ chồng sum họp sau bao lâu xa cách sẽ hạnh phúc mặn nồng. Nhưng tai họa đã ập xuống. Trương Sinh nghe theo lời con nhỏ kết án vợ hư hỏng, thất tiết. Dù Vũ Nương giải thích thế nào Trương Sinh cũng không nghe. Bất đắc dĩ, nàng phải tìm đến cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của mình.
Vũ Nương chết, nhưng là chết cho tâm hồn thanh cao và tấm lòng chung thủy của mình được sống. Chết để không phải sống trong cảnh đa nghi, bị chồng sỉ nhục. Người mà nàng đã ngày đêm mong nhớ, gìn giữ tiết hạnh nhưng cuối cùng lại chính vì người ấy mà nàng phải ôm uất hận, tủi nhục tìm đến cái chết. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị chính người mà mình thương yêu hết lòng dồn đến bước đường cùng, người mà nàng tin rằng sẽ mang lại hạnh phúc cho mình thì nay lại đẩy nàng vào bế tắc, buộc nàng phải chết. Nhưng suy rộng hơn, trong một phần nào đó, Trương Sinh chính là sản phẩm của chế độ nam quyền trong xã hội phong kiến cũ. Ở xã hội ấy, người phụ nữ luôn luôn bì đàn áp, bị trà đạp, dường như họ chỉ như một thứ đồ dùng trong tay người đàn ông và không hề có quyền hành gì. Qua cái chết của Vũ Nương, ta càng thấu hiểu hơn sự bất công mà xã hội dành cho nàng. Đồng thời ta xót thương cho những con người cùng khổ giống như nàng, phải chịu cảnh áp bức đến cùng, đến ngay cả quyền sống và những khát khao hạnh phúc cũng có thể bị dập tắt bất cứ khi nào.
Như vậy, cái chết của Vũ Nương còn là lời tố cáo đanh thép đến xã hội phong kiến tàn ác, bất nhân, là mũi dao nhọn chĩa vào những người đàn ông, người chồng nhu nhược, nóng nảy và vô tâm như Trương Sinh. Đành rằng hắn là người đa nghi, đành rằng là người đàn ông nắm quyền trong gia đình theo đúng quan niệm của xã hội phong kiến, nhưng nếu hắn thực sự yêu thương vợ thì đã không có cảnh Vũ Nương phải khóc lóc bên bến Hoàng Giang rồi gieo mình tự vẫn trong tủi nhục. Lẽ ra, hắn phải hỏi vợ đầu đuôi sự việc, lắng nghe nàng giải thích, phân biệt đúng sai. Nhưng ngược lại, Trương Sinh đã một mực đánh đuổi vợ, xúc phạm người vợ đã hết lòng vì mình, vì con. Một người chồng như vậy thật đáng lên án và phê phán. Trong xã hội hiện nay cũng không ít những gia đình xảy ra cảnh bạo hành mang lại đau thương cho người phụ nữ. Cũng đã có nhiều người vợ phải ôm hận tìm đến cái chết như Vũ Nương. Một cái chết đầy oan nghiệt và thương tâm.
Nhưng để kết thúc có hậu và bày tỏ lòng thương xót trước người thiếu phụ trẻ thùy mị, nết na, Nguyễn Dữ đã sáng tạo nên những chi tiết ly kì, hấp dẫn. Sau khi gieo mình xuống sông Hoàng Giang, Vũ Nương được các nàng tiên cứu giúp và cho hưởng một cuộc sống mới nơi thủy cung. Nơi mà nàng sẽ chẳng bao giờ còn khổ đau nữa. Thay vào đó là sự yên bình, hạnh phúc. Đây mới chính là nơi để nàng thuộc về. Như vậy, cái chết của Vũ Nương đã trở thành sự hồi sinh, sự khởi đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn niềm đau và nước mắt. Ở nơi đây, nàng được tôn trọng, được quan tâm, được hưởng những điều xứng đáng nhất với đức hạnh khiết tịnh của mình.
Có ý kiến cho rằng, Vũ Nương có thể bỏ đi một nơi thật xa để bắt đầu lại một cuộc sống mới. Khi nào Trương Sinh hiểu ra mọi chuyện, nàng có thể trở về. Như vậy, nàng vừa không phải chết mà lại vẫn được sống và còn có cơ hội được đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng tiếc rằng, trong xã hội phong kiến ấy, nàng là thân phận nữ nhi yếu đuối mỏng manh, lại không có chút quyền hành trong tay, nàng biết đi đâu về đâu khi mà đâu đâu cũng có chế độ nam quyền, đâu đâu cũng có những mối hiểm nguy rình rập mình. Hiểm nguy đơn giản là vì nàng là phụ nữ, mà phụ nữ thời ấy đâu có giá trị gì, đến cả quyền sống cũng bị đàn áp thì nàng đâu có thể tự do mà sống ở một nơi khác hoàn toàn xa lạ được. Đến cùng, chỉ có cái chết mới giúp nàng được giải thoát.
Một cái chết ẩn chứa bao ý nghĩa sâu xa. Thương cho số phận hẩm hiu của người con gái bạc mệnh, căm hờn phẫn uất trước kẻ làm chồng mà không thương vợ, không thấu hiểu vợ mình, nhưng phần lớn vẫn là tố cáo chế độ xã hội phong kiến cũ đã bất công với người phụ nữ. Đồng thời, ca ngợi đức hạnh và tấm lòng sắt son, chung thủy của Vũ Nương – một người vợ thùy mị nết na, chịu thương chịu khó. Chỉ tiếc rằng, nàng đã phải chịu cảnh oan ức, bi thương.
Nguyễn Dữ đã rất thành công khi xây dựng nên cái chết của Vũ Nương. Dù người đọc rất xót xa và thương cảm cho nàng, nhưng cũng vui vì sau cái chết ấy là sự giải thoát, sự hồi sinh một cuộc sống mới, một cuộc sống không bao giờ còn khổ đau nữa. Những người phụ nữ hiện đại ngày nay đã được tự do, được bình đẳng hãy nói theo tấm gương của nàng, sống đức hạnh và luôn giàu tình yêu thương. Cứ ở hiền ắt sẽ gặp lành, ngược lại, kẻ nhu nhược sẽ nhận lại kết quả tương xứng với những gì mình đã gây ra.
Theo hoctotnguvan.vn