Nghị luận câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”- Văn lớp 9
Hướng dẫn
Nghị luận câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”- Văn lớp 9
Bài làm
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” thể hiện quan điểm sống của ông cha ta thời xưa muốn mượn hình ảnh những sự vật sự việc có liên quan tới đời sống con người để nói lên thái độ sống của mình.
Gần mực thì đen? Bởi mực là loại thường được người xưa dùng trong viết lách, loại mực tài dùng với bút lông mỗi lần viết phải đổ nước và mài mực. Sau đó, chấm lên bút lông viết nét đậm nét thanh vô cùng tinh tế. Tuy nhiên, loại mực này rất bền nếu chẳng may bị dính vào quần áo hoặc tay chân thì rất khó để rửa sạch.
Bên cạnh đó ý nghĩa của từ “mực” trong câu tục ngữ này còn thể hiện sự xấu xa, những điều không tốt. Những thói hư tật xấu trong xã hội. Nếu chúng ta mà bị nó dính vào người, ở gần nó thì sẽ bị dính bẩn bị lây nhiễm những thói xấu, khiến cho thanh danh, và tương lai của chúng ta khó mà rửa sạch được.
Gần đèn thì sáng? Thời xưa ông bà ta chưa có điện, bóng cao áp như bây giờ mà thường sử dụng đèn dầu cháy bằng bấc, khi con người muốn có thật nhiều ánh sáng để đọc sách hoặc thêu thùa may vá thường phải ngồi gần đèn vì xung quanh ánh đèn sẽ sáng hơn những nơi khác, khiến cho con người nhìn rõ mọi vật hơn.
Bên cạnh đó, đèn trong câu tục ngữ này còn có ý nghĩa là cái tốt đẹp, những điều đúng đắn trong cuộc sống.
Người xưa đã vô cùng tinh tế khi sử dụng hai vật tương phản nhau là mực và đen để nói lên hai điều đối lập trong cuộc sống đó chính là điều tốt đẹp và điều xấu xa.
Câu nói này nhằm nhắc nhở con cháu chúng ta hôm nay cần phải biết chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở. Bởi trong cuộc sống nếu chúng ta biết lựa chọn bạn tốt, chơi với những người tốt, những người lương thiện thì sẽ có điều kiện học hỏi những điều tốt đẹp từ những người đó. Chúng ta có thể trở nên tốt đẹp hơn.
Ngược lại, nếu chúng ta không biết mà chơi với những bạn xấu, những người không có ý chí suốt ngày chỉ chơi bời lêu lổng phá làng, phá xóm, làm đau lòng thầy cô cha mẹ, thì rồi chúng ta cũng sẽ nhiễm những thói hư tật xấu của những người này, và trở thành những con người hư hỏng, đánh mất tương lai tốt đẹp của mình.
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” được ông cha ta ngày xưa đúc kết lên từ những kinh nghiệm cuộc sống. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh mình.
Nếu con người được sống trong một môi trường lành mạnh nhiều điều tích cực thì con người sẽ được học hỏi những điều tốt đẹp, phát huy được sở trường của mình. Còn nếu con người sống trong môi trường toàn những điều xấu con người đó sẽ trì trệ và trở nên xấu tính hơn.
Trong mỗi gia đình, cha mẹ người thân chính là một tấm gương để cho các bạn trẻ, những em bé noi gương theo, bắt trước nếu cha mẹ không gương mẫu thì khó lòng dạy dỗ con cháu nên người.
Chính vì vậy, muốn hình thành nhân cách tốt cho trẻ thì chính cha mẹ phải là người làm gương cho con cái trước tiên. Một gia đình luôn hòa thuận yêu thương nhau thì con cái nhất định sẽ hiếu thảo, lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới.
Trong một tập thể lớp cũng vậy, nếu cả lớp tiên tiến, xuất sắc cùng nhau đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm học tập tốt, cùng giúp đỡ những bạn còn yếu kém vươn lên bằng cả tấm lòng thì nhất định tập thể ấy sẽ vững mạnh.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có nhiều người có bản lĩnh vững vàng không dễ bị lôi kéo vào những điều xấu xa, dù họ sống trong một môi trường bùn lầy hôi tanh nhưng những người đó như những bông hoa sen thơm ngát “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đó chính là những con người vô cùng bản lĩnh.
Nhiều người sinh ra trong gia đình không hạnh phúc cha mẹ không hòa thuận, nhưng bản thân những người con trong gia đình đó, lại rất nỗ lực vượt khó để có thể thành công, có một tương lai rộng mở hơn.
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” muốn khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn môi trường sống, lựa chọn bạn tốt để chơi tránh xa những thói hư tật xấu, những điều không hay trong xã hội để trở thành con người có ích, đóng góp sức mình cho xã hội.
Theo hoctotnguvan.vn