Thuyết mình về Cây…ở quê em

Thuyết mình về Cây…ở quê em

Hướng dẫn

Thuyết mình về Cây…ở quê em

Bài mẫu 1: Thuyết minh về cây bưởi

Múi bưởi cong hình vầng trăng khuyết, có tôm vàng, hạt bên trong se nhỏ. Từng tép bưởi sẽ mọng nước và có mùi thơm rất đặc trưng. Khi ăn múi bưởi Diễn, người ta sẽ thấy vị ngọt đậm đà lưu lại trên đầu lưỡi.

Bài làm

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn nên luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn của mỗi người. Quê hương tôi được biết đến là vùng đất của những cây bưởi – vùng Phú Diễn, Bắc Từ Liêm.

Bưởi Diễn quê tôi là loài cây ăn quả lâu năm, thuộc nhóm cây có múi, thân gỗ. Thân bưởi cao, khi trưởng thành có thể cao tới hàng chục mét cành lá xù xì. Là một loại cây dễ trồng, bưởi thích hợp trồng và phát triển tốt nhất là trên đất thịt. Để trồng bưởi Diễn, người ta thường lựa chọn chiết cành nhiều lá, lá to và xanh ngắt làm cây con. Khi cành ấy mọc rễ, ta có thể trồng xuống đất như một cây con. Bưởi chiết khi mới trồng sẽ rụng hết lá để bắt đầu một cuộc sống mới, như cách mà loài rắn lột da để trưởng thành hơn vậy. Sau một năm, bưởi được chăm sóc tốt sẽ bắt đầu ra lá, thân to hơn và cành bắt đầu mọc nhiều hơn. Cây bưởi Diễn khi trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch sẽ có chiều cao khoảng trên 2 mét, bề rộng tán cũng vậy. Bưởi Diễn thường ra hoa vào tháng hai, một năm chỉ ra quả một lần, thường quả sẽ chín vào đúng dịp Tết. Hoa bưởi có màu trắng như nước da nõn nà của các thiếu nữ thôn quê với năm cánh, mịn, mọc thành từng chùm lấp ló trong tán lá. Khi hoa nở, cánh hoa uốn cong xuống dưới lộ ra nhị hoa vàng. Hoa có mùi thơm thoang thoảng, dịu dàng và tinh tế. Mùi hương ấy quyện với gió lan tỏa khắp cả khu vườn. Mỗi sáng tinh mơ thức dậy bước ra vườn, không khí trong lành cùng mùi hương ngọt mát ấy theo gió tràn cả vào trong nhà. Chao ôi là dễ chịu. Ngửi được mùi hương bưởi tháng hai cũng có nghĩa là Tết đã đến, xuân đã về, ngày sum họp đoàn tụ cũng đã về rất gần rồi.

Bưởi Diễn quê tôi không giống với bưởi da xanh, bưởi đào và những giống bưởi khác. Bởi quả bưởi Diễn có kích thước nhỏ với đường kính khoảng 15cm, trọng lượng cũng chỉ dao động từ 0.8 – 1kg một quả mà thôi. Phần cùi và vỏ của quả rất mỏng nên khi bổ, người gọt phải thật cẩn thận và khéo léo nếu không lưỡi dao sắc sẽ cắt vào thịt quả. Múi bưởi cong hình vầng trăng khuyết, có tôm vàng, hạt bên trong se nhỏ. Từng tép bưởi sẽ mọng nước và có mùi thơm rất đặc trưng. Khi ăn múi bưởi Diễn, người ta sẽ thấy vị ngọt đậm đà lưu lại trên đầu lưỡi. Đặc biệt, chỉ những người sành ăn mới biết, bưởi Diễn càng để lâu, quả bưởi xuống nước và khô lại thì múi bưởi ăn sẽ càng thơm và ngọt hơn. Có lẽ vì thế mà người ta vẫn lặn lội từ khắp những thành phố xa xôi để về Phú Diễn mua cho kì được vài quả bưởi về làm quà cho người thân, cho bạn bè.

Bưởi là một loại quả của vùng nhiệt đới, có hàm lượng vitamin A,C,E rất lớn và hàm lượng axit tự nhiên tốt cho cơ thể con người. Đặc biệt, trong bưởi có chất pectin giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, hỗ trợ người béo phì, tiểu đường trong quá trình điều trị. Trong các bài thuốc dân gian, bưởi cũng là một vị thuốc với nhiều công dụng, dùng để trị các bệnh như tiêu đờm, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa.

Bưởi Diễn được xem là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng những năm gần đây, do sự phát triển của đô thị và quy hoạch của thành phố, số lượng bưởi Diễn cung cấp cho thị trường ngày càng ít. Cùng với việc bán quả và cây giống, việc phát triển mô hình bưởi cảnh cũng trở thành một xu hướng được người dân chú ý và phát triển, đặc biệt là mỗi dịp tết đến, xuân về.

Trong kí ức của tôi và những người con Phú Diễn sẽ vẫn luôn là hình ảnh của những vườn bưởi xanh mướt với quả bưởi tròn lúc lửu trên cành dưới cái nắng ấm của những ngày đầu xuân. Mai này có đi đâu xa, mỗi khi nhớ đến hình ảnh ấy, tôi sẽ cảm giác như quê hương vẫn luôn ở rất gần…

Bài mẫu 2: Giới thiệu cây chuối quê em

Thân chuối hình tròn thẳng đứng và nhẵn thín như những chiếc cột nhà bóng loáng. Lá khi mới mọc ra cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn xanh non, khi lớn lên thì xanh mướt và rộng như một tấm phản. Mặt trên của lá màu xanh thẫm, mặt dưới màu xanh nhạt và có phấn trắng

Bài làm

Trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu, nơi đâu cũng có những loài cây đặc trưng cho xứ sở của mình. Hà Nội thoang thoảng hương hoa sữa, miền Tây nức tiếng cây trái miệt vườn. Nông thôn bình dị quê tôi lại không thể vắng bóng hình ảnh cây chuối.

Nhắc đến nông thôn Việt Nam không thể không nhắc đến cây chuối. Trên khắp mọi miền quê, nơi đâu ta cũng thấy màu xanh những tàu lá chuối mong manh nhưng căng tràn sức sống. Cây chuối là một loại cây ăn trái đã được thuần hóa từ bao đời nay, nó có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phổ biến ở các khu rừng nhiệt đới. Cho đến nay đã có khoảng 300 giống chuối được trồng và sử dụng trên khắp thế giới được trồng ít nhất trên 107 quốc gia. Chuối ở Việt Nam lại có nguồn gốc từ các giống chuối dại và có số lượng lớn. Nổi tiếng là chuối tiêu, chuối ngự… Sau đó, người Pháp mang vào nước ta vài giống chuối mới, quả to và năng suất cao hơn.Họ hàng nhà chuối rất đông đúc, phong phú bao gồm chuối lấy quả, chuối chỉ để lấy lá. Ở nước ta các loại chuối phổ biến là chuối tiêu, chuối sứ, chuối tây, chuối bom…và một số giống nhập ngoại khác. Mỗi giống lại có đặc điểm hình dáng, hương vị khác nhau.

Về cơ bản, đặc điểm sinh thái của chuối giống nhau. Chuối là loại cây thân ngầm có sinh trưởng tốt ở môi trường ẩm ướt. Chúng có chiều cao trung bình khoảng 3 – 5 m. Tuy nhiên lại có giống chuối sáp cao tới 10 m. Phần thân chính ẩn mình dưới mặt đất gọi là củ chuối, phần thân trên là thân giả do các bẹ chuối ghép lại. Thân chuối hình tròn thẳng đứng và nhẵn thín như những chiếc cột nhà bóng loáng. Lá khi mới mọc ra cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn xanh non, khi lớn lên thì xanh mướt và rộng như một tấm phản. Mặt trên của lá màu xanh thẫm, mặt dưới màu xanh nhạt và có phấn trắng. Mỗi chiếc là chuối có 1 đường gân lá nằm ở giữa, 2 bên có hai dải mềm mại rủ xuống. Khi già lá rũ xuống bám chặt lấy thân. Ban đầu vàng tươi rồi khô dần dần thành màu nâu nhạt, chúng nhường chỗ cho những lá non đang chuẩn bị chồi ra ngoài.

Xem thêm:  Nghị luận về ô nhiễm môi trường

Nõn chuối giống như một bức thư thuở xưa được phong còn kín. Bắp chuối hay còn gọi hoa chuối màu đỏ tươi, trông như một búp sen khổng lồ treo. Chuối trưởng thành sẽ ra hoa, trổ buồng. Buồng chuối được bung ra từ hoa, lớn dần thành những nải chuối to xếp lại, quây quần bên nhau. Quả chuối ra thành nải treo thành từng tầng. Mỗi tầng (gọi là nải) khoảng hai mươi quả. Các nải kết dính quanh một trục gọi là một buồng. Quả chuối lớn rất nhanh, càng lớn chúng càng cong hình lưỡi liềm, khi xanh có có màu xanh, khi chín có màu vàng bắt mắt.

Chuối rất dễ sống và nhanh lớn, nhưng vòng đời lại rất ngắn. Nên trồng chuối ở những nơi có nhiều ánh sáng để chúng phát triển. Vào mùa gió bão, nếu chuối có buồng cần phải chống để cây khỏi đổ. Khi thu hoạch thì phải nhẹ nhàng tránh rơi gẫy quả.

Cây chuối gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân quê tôi và người dân Việt Nam. vốn gần gũi trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Chỉ một loài cây bình dị nhưng ẩn chứa rất nhiều công dụng. Cùng với các loại hoa quả, lương thực, chuối cũng là loại quả được xuất nhập khẩu nhiều ở các quốc gia. Quả chuối có giá trị dinh dưỡng cao. Chuối chín có rất nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, người giả và người trẻ đều yêu thích. Xưa kia chuối là loại quả quí để tiến vua, ngày nay chuối được coi là món ăn dân giã, quen thuộc. Người ta còn làm thành mứt chuối, chuối sấy rất ngon. Chuối xanh là một món ăn kèm không thể thiếu trong ẩm thực với thịt dê, gỏi, cá kho hay nấu ốc, nấu ếch. Thân chuối còn dùng làm thức ăn chăn nuôi. Lá chuối dùng gói xôi, gói bánh, gói giò tạo mùi thơm dịu nhẹ. Lá chuối khô để đốt. Người ta dùng cả dây chuối khô từ cuống lá chuối để buộc, rất dai và bền. Củ chuối thái nhỏ làm nộm, nấu lươn rất ngon. Chuối còn được dùng trong Đông y chữa bệnh.

Trong đời sống tinh thần dân tộc, cây chuối đi vào thơ ca, hội họa tạo nên nét đẹp dịu dàng, bình dị vùng quê Việt Nam mộc mạc, thanh bình từ bao đời nay. Hình ảnh buồng chuối trĩu nặng giống như biểu tượng của người mẹ thiên nhiên bao dung, cần mẫn và yêu thương đàn con. Những ngày rằm, ngày lễ trên mâm bàn thờ tổ tiên luôn có những quả chuối thơm ngon nhằm cầu mong phúc lành, sự sum vầy, trù phú và thịnh vượng trong cuộc sống.

Từ bao đời nay, chuối đã gắn bó và dâng hiến cho cuộc sống con người Việt Nam, cả về vật chất và tinh thần. Cây chuối cũng chính là loài cây biểu tượng cho quê hương thân yêu mà mỗi lần đi xa tôi luôn ghi nhớ.

Bài mẫu 3: Thuyết minh về cây tre

Dưới bóng chúng tôi là cả một nền văn hoá lâu đời đang từng ngày được nâng niu và gìn giữ. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi còn làm ra những đồ dùng thân thuộc với mỗi người: đó là đôi đũa, là chiếc chõng tre, chiếc giường tre. Đối với mỗi gia đình nông dân, tre tôi là người bạn vô cùng thân thiết.

Bài làm

Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, cây tre đã trở thành một phần của cuộc sống. Đặc biệt với mỗi con người ra đi từ làng quê thì hình ảnh những luỹ tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy dù có đi đâu đến nơi đâu họ cũng đều nhớ về luỹ tre xanh như nhớ về kỉ niệm gắn bó, thân thương nhất. Và đó chính là niềm tự hào của họ hàng nhà tre chúng tôi.

Sự gắn bó, gần gũi của họ hàng nhà tre chúng tôi được thể hiện ở chỗ đi bất cứ nơi đâu, đồng bằng hay miền núi thì bạn cũng đều thấy chúng tôi nghiêng mình trên những con đường hay trong những cánh rừng bát ngát. Họ nhà tre chúng tôi rất đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, rồi dang, rồi hóp và cả luỹ tre thân thuộc đầu làng…

Khác với các loài cây khác, từ khi mới bắt đầu sinh ra, chúng tôi đã thể hiện sự ngay thẳng, điều đó các bạn có thể thấy ngay khi nhìn những mầm tre mọc thẳng tắp và dù trong bất cứ môi trường nào chúng tôi cũng vẫn vươn lên để sống mạnh mẽ và xanh tốt. Thân tôi gầy guộc hình ống rỗng bên trong,màu xanh lục,đậm dần xuống gốc. Tôi bền bỉ hiên ngang chẳng dễ gì bị ngã dưới các anh mưa chị gió. Vả lại trên thân tôi có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim giúp tôi tự vệ,bảo vệ cuộc sống của mình trước những bàn tay ác qủy dám chặt phá tôi một cách vô lí. Lá của tôi mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tôi thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ.

Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng. Cả nhà chúng tôi đung đưa theo gió, dang những cành tre che mát cho đàn con – những đàn con thân yêu. Đến thời kì mưa gió bão bùng,chúng tôi kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Chính nhờ đặc điểm này mà chúng tôi sông được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở những nơi gần nước hay những nơi xa nước. Vì thế mà câu thơ này ra đời:

“Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”…

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng tôi luôn cùng con người đấu tranh cho độc lập, tự do. Chẳng thế mà từ lâu, người Việt đã ví chúng tôi với phẩm chất quật khởi của dân tộc ngàn đời.Những ngày đất nước Việt Nam còn sơ khai, chúng tôi đã giúp ông Gióng diệt lũ giặc Ân bạo tàn, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Rồi trong cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chính chúng tôi đã dìm chết bao tàu chiến của địch khiến cho chúng khiếp sợ phải thua cuộc. Thưở đất nước còn chưa có vũ khí hiện đại như bây giờ, chúng tôi là vũ khí mạnh nhất được dùng để tiêu diệt quân thù. Và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, chúng tôi cũng tích cực tham gia kháng chiến bằng cách góp một phần bé nhỏ cơ thể mình để làm ra những cây chông nhọn hoắt sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù. Bởi vững vàng trong chiến đấu mà họ mà tre tôi đã được phong danh hiệu anh hùng bất khuất.

Xem thêm:  Nghị luận về đức tính chăm chỉ cần cù – Văn lớp 9

Không chỉ trong đánh giặc giữ nước, loài tre nhà chúng tôi còn rất có ích trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi về thăm một thôn xóm, một bản làng nào bạn cũng sẽ thấy vòng tay của chúng tôi dang rộng, ôm trọn và toả bóng mát cho cho cả dân làng. Trong vòng tay của chúng tôi, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặp cỏ. Những trưa hè, chúng tôi thật hạnh phúc khi được ngắm những khuôn mặt trẻ thơ say nồng giấc ngủ trong tiếng võng kẽo kẹt dưới khóm tre. Hơn thế chúng tôi còn là những vật liệu để bà con dựng nhà, những ngôi nhà được làm từ tre rất mát mẻ và sạch sẽ.

Dưới bóng chúng tôi là cả một nền văn hoá lâu đời đang từng ngày được nâng niu và gìn giữ. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi còn làm ra những đồ dùng thân thuộc với mỗi người: đó là đôi đũa, là chiếc chõng tre, chiếc giường tre. Đối với mỗi gia đình nông dân, tre tôi là người bạn vô cùng thân thiết. Ngoài ra cây danh, nứa, một trong những họ nhà trẻ còn giúp con người chẻ lạt buộc nhà, nứa giúp cắm sào làm giàn cho bầu bí leo quấn quýt vào nhau. Tre còn gắn với tuổi già, cho họ chiếc ống điếu hút thuốc làm vui.

Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích. Dưới những bãi đất rộng, được chúng tôi che hết ánh nắng oi ả của mùa hè, các bạn tha hồ chơi đùa thoả thích. Các bạn nữ còn trò gì thú vị hơn ngồi đánh chuyền với những que chắt bằng tre. Còn các bạn nam lại chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm ra từ tre. Những cánh diều đó sẽ đem ước mơ của các bạn về nơi xa.

Tre chúng tôi còn làm nên những tiếng nhạc réo rắt từ những cây sáo tre, sáo trúc, làm vơi đi bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân chân lấm tay bùn.

Ngày nay loài tre của chúng tôi còn vươn xa hơn nữa. Có một giáo sư là Việt Kiều sống ở Pháp đã đưa anh em chúng tôi sang trồng thử trên đất Pháp. Thế mà ở xứ lạ, chúng tôi vẫn sống vững vàng. Ngày sau, dẫu nước mình có hiện đại hơn, loài tre chúng tôi cũng vẫn sẽ ngay thẳng, thuỷ chung và can đảm để tôn lên những đức tính của người hiền – đức tính Việt Nam.

Bài mẫu 4: Bài văn thuyết minh về cây xoài quê hương em

Chỉ cần sức một đứa trẻ con cũng có thể bẻ gãy cây ra làm đôi. Lúc này nó giống như một người đứa trẻ con yếu ớt vậy. Lá của cây xoài khi này vẫn còn vẻ mỡ màng mòng mượt của những lá non, màu của nó là màu xanh vàng nhẹ nhàng. Rễ cũng ít và cành nhỏ. Lúc này cây vẫn phải chăm sóc một cách kĩ lưỡng, tưới nước hàng ngày.

Bài làm

Trên quê hương tôi có biết bao nhiêu là cây ăn quả, thế nhưng nhiều nhất phổ biến nhất có lẽ phải nói đến cây xoài. Mỗi nhà trong thôn phải có đến ít nhất một cây xoài không thì là ba bốn cây, có những nhà trồng lấy quả đi bán thì có hẳn một vườn xoài. Trong cuộc sống của chúng ta không thể nào thiếu loại cây ăn quả ngon ngọt thơm đến như vậy.

Trước hết là về đặc điểm của cây xoài. Loài cây này thường được trông bằng cây con khi người ta đã ươm hạt lớn chừng hai đến ba mươi đến năm mươi xăng ti mét sau đó người ta sẽ đem ra để trồng. khi cây xoài còn nhỏ thì cây có thân rất bé và yếu. Chỉ cần sức một đứa trẻ con cũng có thể bẻ gãy cây ra làm đôi. Lúc này nó giống như một người đứa trẻ con yếu ớt vậy. Lá của cây xoài khi này vẫn còn vẻ mỡ màng mòng mượt của những lá non, màu của nó là màu xanh vàng nhẹ nhàng. Rễ cũng ít và cành nhỏ. Lúc này cây vẫn phải chăm sóc một cách kĩ lưỡng, tưới nước hàng ngày. Khi lớn hơn một chút những chiếc lá non trước đó sẽ già đi mang một màu xanh lá cây đậm, còn thân cũng trở nên cứng cáp hơn. Những chiếc lá to hơn, cứng hơn. Và cứ thế nó sống ở đó cao dần, lớn dần đến khi thành một bóng mát tỏa một góc vườn. Cành cây nhỏ bé ngày nào giờ đã chắc khỏe như một cánh.Cây xoài ra có hoa rất đẹp, nó mọc thành những chùm màu vàng hoa nhỏ li ti. Nó thường nở hoa vào mùa xuân vì khi ấy tất cả những tinh túy của trời đất sẽ ngấm vào nó, mùa sinh sôi nảy nở bắt đầu. Sau một thời gian thì những bông hoa ấy rụng dần và để lại quả non bé nhỏ nhú ra và lớn lên dần theo năm tháng. Những quả xoài khi chưa chín thì có màu xanh còn khi ăn được thì nó có màu vàng và mềm ra. Người ta có thể cầm nguyên quả xoài lột vỏ đi mà ăn rất ngon lành.

Về phân loại thì xoài được phân ra làm rất nhiều loại khác nhau như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Tròn Yên, xoài Thanh Ca, xoài tròn, xoài Đức…Mỗi loại xoài có một hương vị khác nhau. Theo hương vị thì còn phân ra làm xoài chua và xoài ngọt. Ngày nay khi khoa học phát triển thì chúng ta còn biết đến nhiều loại cây xoài nữa.

Xoài chiếm vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay của chúng ta mà vai trò thứ nhất và thiết yếu nhất đó chính là một cay ăn quả ngon hấp dẫn. Xoài khi chín có mùi rất thơm và ngọt. Tùy theo từng loại xoài mà có vị ngọt khác nhau. Vỏ xoài không cần lấy dao gọt như những loại quả bình thường mà chỉ cần lấy tay tước là có thể ăn được rồi. Màu sắc vàng ươm ấy không những đẹp mắt mà ăn thì lại rất ngon. Vị ngọt của nó không phải ngọt sắc như mít, cũng không thào thào như ổi mà đó là một vị ngọt thanh thanh nhẹ nhàng. Ăn xoài không bị nóng như ăn mít. Không chỉ ăn như thế mà người ta còn ăn cả xoài xanh chấm muối ớt cũng rất ngon. Khi ấy xoài sẽ giòn và ăn có vị chua chua rất dễ ăn. Xoài chín người ta còn mang dầm ra thành sinh tố xoài kèm theo sữa và đá mát lạnh là một thức uống mùa hè.

Đó là về thực phẩm cây xoài còn có cả công dụng để chữa bệnh nữa. Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khai huyết, chảy máu ruột, dưới dạng cao lỏng với liều 10g cao lỏng cho vào 120ml nước rồi cứ cách một hay hai giờ cho uống một thìa cà phê. Chữa đau răng, viêm lợi: Vỏ xoài phơi khô 3 phần, quả me 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô tán nhỏ, đắp vào nơi răng đau, lợi viêm đã rửa sạch.Nhân xoài: được người Malaysia, Ấn Độ và Brazil dùng làm thuốc trị giun sán (liều 1,5 đến 2g sấy khô, tán bột); chữa chảy máu tử cung, trĩ; kiết lị. Với bệnh kiết lị, nghiền 20 đến 25g nhân với 2 lít nước, nấu kỹ cho tới khi cạn còn hơn 1 lít thì lọc để bỏ bã, thêm vào nước lọc 300 – 400g đường và tiếp tục đun cho tới khi còn 1 lít. Mỗi ngày dùng hai hay ba lần, mỗi lần dùng 50 đến 60g thuốc chế như trên.

Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều trong đoạn trích chị em Thúy Kiều (Truyện Kiều) của Nguyễn Du

Như vậy qua đây ta thấy được đặc điểm và công dụng của cây xoài. Chính vì thế mà nó có ý nghĩa rất lớn đền đời sống của nhân dân ta. Nó không chỉ là một loài cây ăn quả mà người đời con dùng nó với nhiều công dụng chữa bệnh khác. Mỗi quê hương nên gìn giữ những cây xoài hữu ích này.

Bài mẫu 5: Thuyết minh về cây đa quê em

Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không cho quả thơm như mít, như xoài; không có hoa đỏ như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh ngắt. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khoẻ chắc kiên cường. Bởi thế, giá trị tinh thần của đa thật lớn. Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người thương lấy gốc đa làm nơi hò hẹn, đợi chờ. Xao xuyến làm sao, một đêm trăng, cành đa la đà trước ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người!

Bài làm

Không biết tự bao giờ cùng với bến nước, sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê đất Việt. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng mỗi khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng. Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca. Quên sao được câu chuyện của bà dưới gốc đa có Thạch Sanh, chú Cuội. Nhớ vô cùng điệu “Lý cây đa” người thương ta đã hát. “Cây đa, bến nước, sân đình” phải chăng đã trở thành những thiết chế văn hoá không thể thiếu được của làng ta xưa?
Thật vậy, với đặc tính sinh vật của mình, cây đa đã gắn bó sâu sắc với làng. Đa rất dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ, cây đa vẫn sừng sững toả bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hoá thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây có tới “chín cội” lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh. Ngoài những cội chính ra đó, đa còn có bao nhiêu là rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng lưng trời như tóc ai đang xoà bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu trong từng cội đó chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa gọi chim về làm tổ. Trong vòm lá chim ríu rít gọi bầy. Dưới gốc đa trẻ nô đùa hò hét. Và kia, con trâu nhà ai đang mơ màng lim dim nằm nhai cỏ để cho lũ chim sáo nhảy nhót cả lên đầu.
Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không cho quả thơm như mít, như xoài; không có hoa đỏ như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh ngắt. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khoẻ chắc kiên cường. Bởi thế, giá trị tinh thần của đa thật lớn. Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người thương lấy gốc đa làm nơi hò hẹn, đợi chờ. Xao xuyến làm sao, một đêm trăng, cành đa la đà trước ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người! Những trưa hạ oi nồng, gốc đa thành nơi dừng chân cho bao lữ khách. Người làng ra đồng, ra bãi gồng gánh trên vai, cả con trâu cái cày cũng lấy gốc đa làm chỗ nghỉ. Quán nước ven đường dưới gốc đa ấy râm ran bao chuyện ở đời. Bát nước chè xanh hay bát vối đặc cùng với ngọn gió mát lành dưới bóng đa rì rào ấy đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Cổng làng bên cạnh gốc đa, nơi thuở thiếu thời ta chong chong chờ mẹ đi chợ về có gió cành đa vỗ về ôm ấp để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh mãi trong ta. Và anh nghệ sỹ, góc máy nào, gam màu nào để anh có được một tấm ảnh, một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần sùi rêu mốc, lá đa xanh ngát đẹp ngời đến thế!
Cây đa đi vào lịch sử mỗi làng. Thời chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời chống Mỹ, ngọn đa lại là chòi gác máy bay, nơi treo kẻng báo động. Còn mãi trong ta hình ảnh cây đa Tân Trào thủ đô kháng chiến khi xưa. Đa là nỗi kinh hoàng cho lũ giặc, là bình yên cho xóm cho làng. Phải chăng “thần cây đa” cũng là từ ý nghĩa đó. Đa là một trong những biểu tượng của làng.
Bác Hồ, người “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới”, Người đã phát động Tết trồng cây và việc trồng cây mỗi mùa xuân đến theo lời Bác dạy là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam chúng ta. Cả cuộc đời Người, Bác đã trồng biết bao cây xanh tạo bóng mát cho đời, trong đó có nhiều cây đa. Tết Kỷ Dậu (1969) Tết cuối cùng của Bác Hồ, Bác đã trồng cây đa cuối cùng tại xã Vật Lại (Ba Vì). Những cây đa Bác trồng đã vươn cành xanh lá toả bóng rợp mát quê hương. Theo chân Bác, cùng với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chúng ta hãy trồng thêm nhiều cây đa nữa ở những nơi trung tâm làng xã để cho “cây đa, bến nước, sân đình” mãi là những tín hiệu bình yên, biểu tượng của một làng quê văn hoá Việt Nam.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *