Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh thành Cổ Loa – một di tích, thắng cảnh ở Đông Anh, Hà Nội
Hướng dẫn
Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh thành Cổ Loa – một di tích, thắng cảnh ở Đông Anh, Hà Nội
Bài làm tham khảo
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ, để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
Tố Hữu
Bạn đã bao giờ nghe kể truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy, nghe về truyền thuyết của Cổ Loa Thành – di tích lịch sử lâu đời của Thủ đô Hà Nội? Thành Cổ Loa không chỉ là một nét đặc sắc trong di tích thủ đô mà còn là thắng cảnh nhiều người lui tới.
Hỏi về nguồn gốc của thành Cổ Loa, người ta sẽ truyền tai nhau truyền thuyết từ hơn hai nghìn năm trước. Thời An Dương Vương Thục Phán, Thành ốc cứ xây cao lại đổ, phải nhờ Trấn Tiên Huyền Vũ trừ yêu gà trắng, thành mới xây xong. Sau lại có thần Kim Quy hiện lên ở sông Hoàng, chỗ này có chiếc cầu đá vào chợ Sa, cho móng làm lẫy nỏ thần để giữ nước. Sau 50 năm trị vì, vua Thục mắc mưu Triệu Đà cho con là Trọng Thuỷ sang cầu hôn công chúa Mỵ Châu và ở rể. Trọng Thuỷ đánh cắp nỏ thần giúp vua cha đem quân sang cướp nước Âu Lạc. Quân Triệu chiến thắng, Mỵ Châu rải lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy, An Dương Vương rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biểu tự vẫn.
Như vậy, thành Cổ Loa được xây dựng thời An Dương Vương nằm tại vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Không chỉ là thành trì quân sự nổi tiếng của nước Âu Lạc thời ấy mà Cổ Loa còn là trụ sở của huyện Phong Khê thời Hán thuộc, là căn cứ quân sự thời Hậu Lý Nam Đế vào năm 692. Đặc biệt là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập do Ngô Vương Quyền khởi lập và tồn tại từ năm 939 đến năm 944. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, Cổ Loa từng có những tên gọi khác nhau như Khả Lũ thành, Côn Lôn thành, Việt Vương thành và Tư Long thành…
Thành Cổ Loa được là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Thành là sự kết hợp khéo léo các địa hình tự nhiên. Đặc biệt xây thành bên cạnh sông Hoàng để sông này vừa bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước vừa là đường thủy quan trọng.
Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở.
Thành Cổ Loa tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng hiện tại, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng. Chu vi vòng ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,58 km, vòng trong 1,6 km… Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt lũy rộng 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Khi nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện: chân thành được chẹn một lớp tảng đá. Hòn nhỏ có đường kính 15 cm, hòn lớn có đường kính 60 cm.
Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6 m-12 m, chân rộng từ 20 m-30 m, chu vi 1.650 m. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10 m, mặt thành rộng trung bình 10 m, có bốn cửa ở các hướng cống song, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hồng. Thành ngoại cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3 m-4 m (có chỗ tới hơn 8 m).
Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc đã được tạo ra, thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh hùng mạnh. Ngay sau khi xây thành, An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Nhân dân cũng được điều tới khai phá rừng thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện, chế tạo côn, kiếm, giáo, mác và nỏ liên châu, mỗi phát bắn nhiều mũi tên. Có nhiều bằng chứng về sự tồn tại của hàng chục vạn mũi tên đồng, có thể dùng nỏ liên châu ở đây.
Cổ Loa thành có giá trị rất to lớn với nhân dân ta. Cổ Loa thành là công trình kiến trúc nghệ thuật và xây dựng đặc sắc mặc dù được xây dựng với mục đích quân sự. Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của cha ông ta trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Cổ Loa là tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương.
Hiện nay Cổ Loa là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, và Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến với thành Cổ Loa, du khách không chỉ được tham quan tòa thành vĩ đại của lịch sử mà còn cảm nhận được khung cảnh vùng quê với những di tích về truyền thuyết xưa kia. Lịch sử đã qua đi nhưng những mốc lịch sử xưa kia sẽ còn sống mãi cùng Cổ Loa thành.
Theo hoctotnguvan.vn