Đề 23: Cảm nhận về đoạn thơ cuối trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Bài văn chọn lọc lớp 9
Hướng dẫn
Đề 23: Cảm nhận của em về đoạn thơ:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ)
Bài làm
Mùa xuân là mùa của tình yêu, sức sống dào dạt và cũng là mùa khơi nguồn cho bao áng thi ca, nhạc họa. Nếu chọn những bài thơ hay nhất viết về mùa xuân, tôi tin chắc không thể vắng bóng Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Thi phẩm là sự kết tinh, lắng đọng của một tài năng thơ đang độ chín. Bài thơ không chỉ hấp dẫn bạn đọc bởi khung cảnh mùa xuân mộng mơ nơi xứ Huế mà còn bởi khát vọng cống hiến cháy bỏng, dạt dào:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải, được viết khi nhà thơ nằm trên giường bệnh, chỉ mấy ngày trước khi ông qua đời. Có lẽ vì vậy, bài thơ như một lời tâm niệm, chất chứa bao cảm xúc, suy tư của nhà thơ trọn đời gắn bó với cách mạng, đất nước. Mở đầu đoạn thơ, tác giả nêu lên trực tiếp ước muốn, nguyện vọng của mình:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Khát vọng được dâng hiến cho quê hương, đất nước không phải chỉ có ở riêng nhà thơ Thanh Hải song khẳng định một cách mạnh mẽ, dứt khoát và thiết tha mong ước cao cả đó, có lẽ chỉ có ở ông. Điệp từ “ta làm” được lặp lại hai lần kết hợp với biện pháp lặp cấu trúc ngữ pháp khiến cho nhịp thơ vừa uyển chuyển, nhịp nhàng vừa mạnh mẽ. Không ước mơ trở thành cái gì quá lớn lao, cao sang, vĩ đại, những điều tác giả mong muốn thật bình dị nhưng đầy ý nghĩa. Nhân vật trữ tình muốn làm “con chim hót” để ca ngợi đất nước đẹp giàu, muốn làm “cành hoa” để toả hương, khoe sắc cho đời, muốn làm “nốt trầm xao xuyến” để góp phần làm nên bản hoà ca của cuộc đời. Mong muốn giản dị thôi nhưng chính những điều đó làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, ý nghĩa, kì diệu hơn. Ta bắt gặp sự đồng điệu giữa tâm hồn thơ Thanh Hải với tâm hồn nhạc sĩ Trương Quốc Khánh – tác giả khúc ca Tự nguyện:
Nếu lù chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương
Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn nghệ sĩ ý thức được vai trò, trách nhiệm cao cả của mình với quê hương. Nhà thơ Thanh Hải và nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đều có ước muốn thật thanh cao, đẹp đẽ. Điểm khác biệt của hai nghệ sĩ là ở cách thức thể hiện. Nếu trong lời ca của Trương Quốc Khánh, ông sử dụng lối viết giả thiết, với sự điệp lại của liên từ “nếu” thì nhà thơ Thanh Hải dùng lối viết khẳng định “ta làm” ; “ta nhập”. Người đọc trân trọng trái tim ấm nóng, gắn bó với quê hương đất nước của hai tâm hồn nghệ sĩ.
Nhà thơ Thanh Hải thực sự khiến người đọc ngưỡng mộ, khâm phục bởi khi cái chết cận kề, ông vẫn mang trong mình những trăn trở, khát vọng dâng hiến cho quê hương, đất nước. Đỉnh cao của ước vọng hiến dâng ấy là niềm mong muốn được là “mùa xuân nho nhỏ”:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Vẫn không phải là một mùa xuân lớn lao, ôm trùm vũ trụ, nhà thơ chỉ mong là một “mùa xuân nho nhỏ” ấm áp. Hình ảnh ẩn dụ “mùa xuân” thể hiện phần tốt đẹp của mỗi người, là tài năng, trí tuệ, là sức sống. Nhà thơ muốn dem hết tâm hồn, sức lực và cả sự sống của mình cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước dấu yêu. Sự dâng hiến lớn lao đó không khoa trương, ồn ào mà chỉ “lặng lẽ dâng cho đời”. Động từ “dâng” thể hiện một thái độ thành kính, trân trọng, nâng niu. Nhà thơ nguyện cống hiến hết mình cho Tổ quốc:
Dù lù tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, “tóc bạc” thể hiện thời gian của đời người, thể hiện khát vọng cống hiến hết mình, trọn đời của nhà thơ. Cho dù đó là khi trẻ trung căng tràn nhựa sống hay khi đã về già thì ông cũng không lúc nào nguôi niềm mong ước được hiến dâng.
Với lời thơ năm chữ nhẹ nhàng, lắng sâu, nhà thơ Thanh Hải đã thực sự làm lay động trái tim biết bao bạn đọc. Khát vọng cháy bỏng được hiến dâng của nhà thơ thể hiên một tình yêu quê hương tha thiết. Khát vọng đó càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi đó là mong ước sau cùng của con người sắp từ giã cõi đời. Ta hiểu rằng, sự cống hiến không bị giới hạn bởi tuổi tác, chỉ cần con người có một trái tim luôn ấm nóng và biết sống vì người khác. Hai khổ thơ thực sự mang đến những bài học quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Liệu chúng ta đã, đang và sẽ làm được gì để cống hiến cho quê hương, đất nước mình? Mỗi người hãy phấn đấu trở thành những “mùa xuân nho nhỏ” để đất nước ngày càng đẹp tươi.
THỦY HÀ
Lời nhận xét:
– Bài viết đã cảm nhận, phân tích được những cái hay về nội dung cũng như nghệ thuật của hai khổ thơ. Văn viết trong sáng, mạch lạc.
– Người viết có năng lực văn chương, kiến thức phong phú. Điều này, được thể hiện qua việc so sánh thơ của Thanh Hải với lời ca của Trương Quốc Khánh.
– Có những đánh giá sâu sắc, liên hệ với thực tiễn tốt: “Ta hiểu rằng, sự công hiến không bị giới hạn bởi tuổi tác, thời gian, chỉ cần con người có một trái tim luôn ấm nống và biết sống vì người khác. Hai khổ thơ thực sự mang đến những bài học quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay… ”.
Xem thêm Tình cảm của tác giả và đồng bào miền Nam qua bài thơ Viếng lăng Bác tại đây.
Theo hoctotnguvan.vn