Đề 24: Tình cảm của tác giả và đồng bào miền Nam qua bài thơ Viếng lăng Bác – Bài văn chọn lọc lớp 9
Hướng dẫn
Đề 24: Phân tích tình cảm sâu nặng của Viễn Phương và đồng bào miền Nam với Chủ tịch Hô Chí Minh qua bài thơ Viếng lăng Bác.
Bài làm
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha
Miền Nam luôn là nỗi day dứt, niềm nhớ thương khôn nguôi của Bác Hồ và ước mong được gặp vị cha già dân tộc cũng là khát vọng thường trực trong tâm hồn những người con miền Nam. Viếng lăng Bác là bài thơ của Viễn Phương nói lên tiếng lòng của hàng triệu triệu trái tim miền Nam đối với Người.
Bài thơ được sáng tác trong không khí xúc động của nhân dân ta lúc công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành, đồng bào miền Nam được thoả mong ước bấy lâu: được ra viếng Bác. Vì vậy, ngay từ dòng thơ đầu tiên, tác giả đã nghẹn ngào thốt lên:
Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác
Câu thơ giản dị như một lời thông báo nhưng lại ẩn chứa bao niềm xúc cảm sâu lắng của người con miền Nam, sau bao năm tháng đợi chờ mòn mỏi nay đã được thoả nguyện ra thăm lăng Bác. Tiếng “con” đầu câu thơ vang lên ấm áp, thân thương biết mấy! Bác gần gũi lắm, thân thiết lắm với những con dân đất Việt, như một vị cha già của dân tộc. “Con ở miền Nam” mấy tiếng ấy bao hàm cả nỗi đau và niềm tự hào sâu sắc. Miền Nam của nỗi đau chia cắt, miền Nam đi trước về sau, miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam thành đồng Tổ quốc vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo để về sum họp một nhà với cả nước thân yêu! Mong một lần được nhìn thấy Bác cho thoả nỗi nhớ mong, nhưng thật đau xót, Bác không còn. Vì vậy từ “thăm” tác giả sử dụng thay cho từ “viếng” không chỉ là cách nói giảm nói tránh để vơi bớt cảm giác đau thương, xót xa mà còn là sự khẳng định sức sống bất diệt của Bác Hồ – Người sống mãi trong lòng miền Nam, trái tim Việt Nam.
Trong niềm cảm xúc trào dâng ấy, hình ảnh hàng tre hiện lên đầy hiên ngang, mang tới bao ấn tượng sâu đậm cho người viếng thăm:
Đã thấy trong sương hảng tre bút ngát,
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Thán từ “Ôi” cất lên như dòng cảm xúc ngỡ ngàng trào dâng trong lòng nhà thơ. Những tính từ “bát ngát”, “xanh xanh” gợi sự trải dài ngút ngàn, mướt mát của hằng tre bên lăng Người. Hình ảnh cây tre vốn là biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường, cho tấm lòng thẳng ngay kiên trung. Nó đã đi sâu vào tâm thức dân tộc, toả bóng mát rượi bao trùm bao thế hệ người Việt Nam. Đó là bó tre đằng ngà trong bàn tay Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân bảo vệ bờ cõi đất nước, là lũy tre làng thân quen bao bọc sự bình yên của thôn xóm, là cây tầm vông, là hầm chông giết giặc. Cây tre ấy mang những phẩm chất của con người, Tổ quốc ta: dẻo dai, đoàn kết, bất khuất, kiên cường. Và Bác chính là sự hội tụ tất cả những gì cao đẹp nhất của phẩm cách Việt Nam: là sự sống bát ngát luôn xanh màu, là tâm thế kiên cường “đứng thẳng hàng” chống chọi lại với “bão tấp mưa sa”. Hàng tre ấy bây giờ đang đứng bên lăng Bác như người lính kiên trung canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người, như dân tộc Việt Nam đời đời sát cánh bên vị cha già dân tộc.
Sau giây phút lắng sâu với dòng cảm xúc nghẹn ngào vỡ oà khi tới lăng, hoà vào dòng người đến thăm Bác, dòng suy tưởng của nhà thơ dâng trào những cung bậc mới:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Câu thơ tạo hiệu ứng thẩm mĩ đặc biệt trước hết bởi sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau. Từ hình ảnh thực mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ soi sáng và mang lại sự sống cho muôn loài “ngày ngày đi qua trên lăng”, Viễn Phương liên tưởng tới một mặt trời ẩn dụ trong lăng. Bác Hồ là mặt trời. Bác đã mang ánh sáng cách mạng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Ánh sáng của Người xua tan đêm đen bao phủ dân tộc hàng nghìn năm. Tình yêu bao la từ trái tim ấm áp của Người có sức nóng, lan toả như tia nắng mặt trời. Nhưng dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, mà cần phải nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: “rất đỏ”. Mặt trời “Ngày ngày đi qua trên lăng” của vũ trụ bao la đâu phải lúc nào cũng giữ được sắc đỏ và nguồn nóng mà sẽ có lúc bị đêm đen bao phủ. Nhưng mặt trời Bác Hồ thì vĩnh cửu, trường tồn, mãi là nguồn sống, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi đỏ thắm trong trái tim, tâm hồn mỗi người con đất Việt. Vì vậy mà con cháu của Bác luôn thành kính dâng lên người tình yêu chân thành nhất:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Như mặt trời thiên nhiên, ngày ngày dòng người cũng đi qua trên lăng, trong niềm thương nỗi nhớ sâu đậm. Điệp ngữ “ngày ngày” khẳng định thời gian vĩnh cửu, chảy trôi. Nhịp thơ đều đều, chầm chậm, như bước chân đoàn người vào lăng viếng Bác. “Dòng người đi trong thương nhớ’ ấy kết thành những tràng hoa tươi thắm dâng Người. Đó không chỉ là hình ảnh thực mà còn là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo của Viễn Phương: cuộc đời của con người đã nở hoa dưới ánh sáng mặt trời của Bác. Đó là tràng hoa đẹp nhất, với hương thơm ngát kính dâng lên Người dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng được tác giả sử dụng thật độc đáo. Con người vĩ đại ấy đã sống trọn vẹn một cuộc đời đẹp như những mùa xuân thắm tươi và làm nên những mùa xuân bát ngát cho đất nước, cho con người Việt Nam. Ta nhận ra trong đó bao sự thành kính, trân trọng của một người con đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Và niềm biết ơn thành kính ấy đã chuyển thành nỗi xúc động nghẹn ngào khi tác giả được thấy:
Bức nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Bác đang bình yên trong giấc ngủ êm đềm. Nỗ lực của “bảy mươi chín mùa xuân” trong cuộc đời Người đã được đáp đền xứng đáng khi giờ đây núi sông đã liền một dải, Nam Bắc thống nhất, đất nước chan hoà trong tự do, hạnh phúc. Sự bình yên của Bác là sự bình yên của một lãnh tụ suốt đời lo lắng cho dân tộc, đã có thể an lòng trước sự vững vàng của đất nước. Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng gợi liên tưởng thú vị tới “vầng trăng sáng dịu hiền”. Trăng là tri kỉ của Bác, đã cùng Người gắn bó, san sẻ từ những ngày tháng còn trong lao tù hay giữa “cảnh khuya” nơi chiến khu luận bàn việc quân. Nhưng chưa bao giờ Người được thảnh thơi ngắm trăng. Chỉ giờ đây, khi đã “nằm trong giấc ngủ bình yên”, Người mới đến với trăng trọn vẹn tấm tình. Trăng dịu hiền soi sáng hình ảnh Bác. Nhưng vầng trăng ấy còn là tình cảm thiết tha sâu nặng của con dân Việt Nam dệt nên để nhẹ nhàng canh giấc ngủ ngàn thu cho Người. Trăng cũng nằm trong hệ thống hình ảnh vũ trụ được Viễn Phương sử dụng để ví với Bác. Người vừa như mặt trời rực rỡ, vĩ đại, vừa như vầng trăng dịu hiền, thanh cao. Ta nhận ra trong sự so sánh ấy niềm kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác.
Nhưng tình yêu càng lớn thì niềm đau cũng càng trào dâng mãnh liệt khi phải đối diện với sự thật đau đớn: Bác đã không còn.
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Câu thơ có sự đối lập giữa lí trí và trái tim, giữa cái vĩnh cửu và cái hữu hạn. Trời xanh kia sẽ mãi trường tồn, và Bác sẽ sống mãi trong trái tim, tâm hồn người dân Việt Nam như màu xanh mãi ngự trị trên bầu trời Tổ quốc. Bác về với tiên tổ, hoá thân thành một phần của thiên nhiên đất nước, vĩnh cửu bất diệt cùng núi sông, biển trời quê hương. Nhà thơ Tố Hữu đã từng khẳng định:
Bác sống như trời đất của ta
Lí trí đã xác định như thế nhưng trái tim thì nhức nhối, nhói đau. Một từ “nhói” đặt chính giữa câu thơ, như một vết khứa đậm sâu trong trái tim nhà thơ, thể hiện niềm đau quặn thắt – nỗi đau vượt lên trên mọi lí lẽ hằng thường của lí trí. Nơi đây chỉ còn sự ngự trị của trái tim – trái tim thổn thức rung lên những cung bậc yêu kính, tiếc thương chân thành.
Gặp được Bác, thoả nguyện mong mỏi bấy lâu, nhưng niềm hạnh phúc, nỗi bồi hồi, sự nghẹn ngào xúc động chưa kịp nguôi thì giờ chia xa đã lại đến:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Câu thơ tràn ngập tình yêu, niềm xúc cảm ngân vang và dòng nước mắt nhớ thương. Chỉ một chữ “trào” thôi cũng đủ diễn tả niềm luyến tiếc, bịn rịn mãnh liệt trào dâng trái tim nhà thơ. Để rồi từ dòng cảm xúc chân thành ấy, nhà thơ cất lên muôn vàn nguyện ước:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Điệp từ “muốn làm” vang lên ba lần như muốn khẳng định ước muốn, sự chân thành của tác giả, cũng là của hàng triệu con người Việt Nam: Muốn làm con chim cất cao tiếng hót trong lành, ngân nga làm rộn ràng không gian ; muốn làm bông hoa nhỏ ngát hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ ; muốn làm cây tre xanh Việt Nam toả bóng mát dịu dàng, trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh cây tre khép lại bài thơ thật ý nhị biết bao. Nó láy lại hình ảnh ở đầu bài thơ, tạo nên một khúc ngân…
Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ hay nhất về Bác. Làm nên sức sống của thi phẩm là hệ thống hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa và đặc biệt là dòng cảm xúc mãnh liệt trào dâng khắp các dòng thơ. Bài thơ là tiếng lòng không chỉ của Viễn Phương, của người dân miền Nam mà của tất cả những người yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó sẽ còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi chúng ta, như sự vĩnh cửu, trường tồn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
HÀ THỦY LINH
Lời nhân xét:
– Bài thơ Viếng lăng Bác là một nén tâm hương mà nhà thơ Viễn Phương thành kính dâng lên Người. Bài viết đã phân tích sâu sắc tình cảm đó. Đặc biệt, người viết biết cách chiếm lĩnh giá trị của thi phẩm qua việc phân tích những biện pháp nghệ thuật độc đáo. Ví dụ: “Từ hình ảnh thực mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ, soi sáng và mang lại sự sống cho muôn loài “ngày ngày đi qua trên lăng”, Viễn Phương liên tưởng tới một mặt trời ẩn dụ trong lăng. Bác Hồ là mặt trời. Bác đã mang ánh sáng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sứ. Ánh sáng của Người xua tan đêm đen bao phủ dân tộc hàng nghìn năm. Tình yêu bao la từ trái tim ám áp của Người có sức nóng, lan toả như tia nắng mặt trời.
Xem thêm Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh tại đây.
Theo hoctotnguvan.vn