Đề 17 – Thuyết minh về một đồ vật gần gũi trong đời sống(Cái nón) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 17 – Thuyết minh về một đồ vật gần gũi trong đời sống(Cái nón) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Đề 17 -Thuyết minh về cái nón

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Khi nhắc đến trang phục truyền thống của Việt Nam, chúng ta thường thấy nét đặc trưng là những tà áo dài. Và sẽ rất là thiếu sót nếu như chúng ta không tô điểm thêm vào nét duyên ấy một chiếc nón lá dịu dàng.

II. THÂN BÀI

1. Nguồn gốc, xuất xứ

Nón làng Chuông vốn rất đẹp lại bền.

Xa xưa nón làng Chuông là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng được làm từ những bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân lành nghề.

Ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trên thị trường trong nước lẫn ngoài nước.

Trung bình mỗi ngày, dân làng làm được khoảng 7.000 chiếc nón đưa đi khắp nơi, sang cả Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

2. Cách làm

Đầu tiên là chọn lá.

Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc.

Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn không rách.

Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không chấp, không gợn.

Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại.

Người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu.

Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá ngay.

Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.

3. Phân loại

Nón ba tầm làm cho các cô gái, nón nhọn, nón chóp cho đàn ông.

Từ năm 1940 đến nay, thợ làng Chuông chỉ làm một loại nón.

Ông Hai Cát, giờ đã 84 tuổi là người có công đưa nón Xuân Kiều, còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay cho các loại nón cổ.

Xem thêm:  Phân tích Thiên nhiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Hiện nay làng chỉ còn gia đình hai nghệ nhân chuyên làm nón cổ. Đó là nhà ông Lê Văn Tuy làm nón chóp và nhà ông Trần Văn Canh làm nón ba tầm – còn gọi là nón quai thao.

Nón quai thao làm thì khó mà lại ít được ưa chuộng nên tương lai cũng khó phát triển.

4. Ý nghĩa

Là vật dụng làm duyên của người con gái Việt Nam cùng với tà áo dài thướt tha.

Là vật dụng cần thiết và hữu ích cho con người: che nắng, che mưa,…

III. KẾT BÀI

Chiếc nón lá từ lâu đã là hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam.

Cần phải quảng bá hình ảnh này ra khắp năm châu bốn bể.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Ngày xưa, chàng trách nàng rằng:

Xưa kia gắn bó một hai

Giờ đây ghé nón ngang vai chẳng chào!

Bộ trang phục tương đối đầy đủ của cô gái Kinh Bắc đưọc tả như sau:

Đội nón ba tầm

Quai thao một nhúm, áo trầm một đôi

Cái thắt lưng em, bảy, tám vuông sồi….

Cái nón để che mưa che nắng, để phục tang, đỡ ngượng, che giấu tình cảm, thêm duyên, làm đẹp…Lại có câu…

Chòng chành như nón không quai

Như thuyền không lái, như ai không chồng

Hoặc như câu đối lại:

Nón không quai, nón nghiêng nón ngủ,

Làm cả làng phải ngả, phải nghiêng.

Ngày nóng nực quá, cô gái khát nước xin một gầu nước giếng mát đổ ngay vào chiếc nón, uống cho đỡ khát rồi rửa mặt, rửa tay. Thỉnh thoảng cô gái soi chiếc gương trong nón, cười một mình, tin vào mình, nghĩ bụng: nhan sắc nhường này, ta chẳng sợ…Có lúc cái nón dùng để phe phẩy cho mát. Lúc đó, cái nón thay cho cái quạt. Cái nón trong tay người sử dụng sinh ra nhiều động tác và ý nghĩa:

Qua đình ngả nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu…

Khổ “giã bạn” trong cảnh quan họ, các liền anh, liền chị hát rất buồn: “Khăn, nón i…ôi…để lại đây”… là lúc cô gái tặng cho các bạn trai cái nón quai thao thân thiết của mình. Cái nón là tấm lòng cùa cô gái, là vật nặng tình. Chàng trai Bắc Ninh không muốn cho cô bạn gái của mình phải ra chợ mua nón. Anh ta tự chẻ tre đan lấy nón. Cho nàng đội để đi xem hội đêm rằm. Anh ta muốn cái nón đó phải mang hơi thở và nỗi lòng của mình.

Xem thêm:  Trong vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa

Việt Nam là quê hương của ba loại nón: nón ba tầm, nón quai thao, nón bài thơ. Và cũng có nhiều loại nón khác nữa như: nón lá gồi, nón lá cọ, nón sơn, nón Nghệ, nón lòng chảo, nón thúng, nón giang, nón mệnh phụ, nón xam, nón quả bứa, nón tiến vua, nón dứa, nón dấu, nón thờ, nón lông, nón đi biển, nón tu cờ (nhà sư), nón chóp…Phổ biến hơn cả là nón lá cọ, nón bài thơ, nón Huế, nón làng Chuông, nón Hữu Bằng, nón Vân Đình… Cái nón Huế trắng đến lóe mắt. Nón bài thơ còn được gọi là nón “người tình”.

Chiếc nón quai thao thật đặc biệt. Nón có đường kính chừng 70cm. Thành nón cao trên 7cm. Mặt dưới có gắn một ống hình tròn bằng nan trẻ để đội vào đầu cho cân gọi là chũm nón. Quanh chũm nón là những vòng tre chuốt nhỏ, khâu bằng chỉ màu. đan chéo sợi rất công phu. Nón còn được trang trí bằng những bông hoa, cánh bướm. Quai nón làm bằng dây thao đen gồm từ một đến ba dây chập lại, buông võng dài xuống…

Nguyên liệu của nón là gồm: lá gồi, nan tre và chỉ khâu bằng sợi móc. Người ta làm khuôn tròn bằng nan tre rồi lợp lên hai lớp gồi mỏng chuốt phèn. Từ đáy nón lên đến chỏm có 15 vòng nan tre và chỉ khâu bằng sợi móc.

Các bạn nước ngoài đến Việt Nam thường phải mua bằng được một vài chiếc nón để làm kỉ niệm. Các diễn viên, nghệ sĩ ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam luôn tranh thủ cơ hội đội cái nón Việt Nam rồi chụp ảnh, đánh dấu sự có mặt của mình ở quê hương của nón.

Xem thêm:  Trình bày suy nghĩ của em về nội dung câu truyện ” Chiếc bình nứt”

Suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, qua mấy cuộc trường kì, cái nón là hình ảnh, biểu trưng của người phụ nữ Việt Nam. Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh những chiếc nón mê, nón tả tơi trong cuộc sống lam lũ một thời, cũng như những chiếc nón của nông dân cướp kho thóc Nhật, đi dân công phục vụ các chiến dịch lịch sử. Những chiếc nón giản dị mà kiên cường! Lại còn những chiếc nón nhấp nhô trong các phiên chợ làng. Một mái tóc, một vành nón… là cả một ấn tượng sâu sắc, đậm đà, là nhớ, là mong. Cái nón là hình ảnh và âm hưởng của quê hương.

Thiết tưởng trong các bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chúng ta nên có hẳn một gian phòng trang trọng giữ lại hình ảnh của những chiếc nón Việt Nam tần tảo, nhẫn nại, bi hùng và trữ tình… Chúng góp một nét đậm đà khó quên trong nền văn hóa truyền thống…

(Theo Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn hóa và Phong tục, 2014)

>> Xem thêm Đề 18: Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam tại đây.

Tags:Cái nón · Thuyết minh · Văn chọn lọc 9

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *