Đề 51 – Trình bày suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí
– Giải thích khái niệm “lòng hiếu thảo”?
– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho lòng hiếu thảo?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một người không có lòng hiếu thảo thì người đó là người như thế nào?
– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Phận làm con cái phải luôn đặt chữ “hiếu” làm đầu.
– Vậy lòng hiếu thảo có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Lòng hiếu thảo là gì? => Đó là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình. Là truyền thống đạo đức cao đẹp của con người.
b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)
Tại sao chúng ta phải có lòng hiếu thảo?
+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.
+ Là việc mà chúng ta phải làm vì không tự nhiên mà chúng ta có mặt ở cõi đời này,
+ Là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức một con người.
+ Dẫn chứng: Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ, kính trọng. Phải biết chăm sóc, đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu. Các câu ca dao nói về cha mẹ:
– Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
– Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ
– Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
– Phê phán, lên án những đứa con bất hiếu, vô ơn, bội nghĩa. Chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc cha mẹ già yếu, neo đơn. Thay vì cha mẹ già yếu, bổn phận làm con cái phải phụng dưỡng thì lại gửi cha mẹ vào “viện dưỡng lão” bỏ mặc sống chết. Hay những người con chỉ vì những đồng tiền ít ỏi mà nhẫn tâm xuống tay giết hại chính cha mẹ mình.
– Dẫn chứng: Những bài báo đăng tin những đứa con bất hiếu, giết hại cha mẹ mình. Hoặc có những hành động: đánh đập, giam nhốt,…chính cha mẹ ruột của mình chi vì cha mẹ mình đã quá già yếu.
III. KẾT BÀI
– Lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người.
– Cần phải trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức này bằng tất cả việc làm, trước hết là ở chính cha mẹ của mình: phải yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu…
– Phấn đấu học tập thật tốt, đem lại niềm vui cho cha mẹ mình cũng chính là hành động thể hiện sự hiếu thảo của mình đối với họ.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Ai trên cõi đời này mà lại chẳng có cha có mẹ để yêu thương, kính trọng, tôn thờ. Bổn phận chúng ta là con cái thì phải luôn đặt chữ “hiếu” làm đầu thể hiện chúng ta là người có nhân cách, phẩm chất tốt đẹp. Vậy lòng hiếu thảo đối với chúng ta có ý nghĩa như thế nào?
Vậy lòng hiếu thảo có ý nghĩa là gì? Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ có nghĩa là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình và đó là một trong những truyền thống đạo đức cao đẹp của con người. Vậy thì tại sao chúng ta phải có lòng hiếu thảo? Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có. Là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm vì không tự nhiên mà chúng ta có mặt ở cõi đời này được. Đó phải là một quá trình mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày của người mẹ kính yêu, sự chăm nom, yêu thương của người cha. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của một con người. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khoẻ mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ, đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam mà ông bà ta đã để lại có những bài ca ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ như:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ”
Hay như
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”
Hoặc:
“Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang ”
Trong cuộc sống xã hội hiện giờ vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người mà giờ đây những kẻ này còn quay ngược lại chửi mắng, đánh đập, đôi khi còn tàn nhẫn hơn đó chính là giết chính cha mẹ của mình. Những kẻ này chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc cha mẹ già yếu, neo đơn. Thay vì cha mẹ già yếu, bệnh tật, bổn phận làm con cái phải phụng dưỡng thì lại gửi cha mẹ vào “viện dưỡng lão” bỏ mặc sống chết. Hay những người con chỉ vì những đồng tiền ít ỏi mà nhẫn tâm xuống tay giết hại chính cha mẹ mình. Trên báo chí gần đây thường hay đăng những tin tức liên quan đến những đứa con bất hiếu, giết hại chính cha mẹ của mình chỉ vì xin tiền chơi game cha mẹ không cho. Hay chỉ vì những lời quan tâm của cha mẹ thì những kẻ này lại xem là những lời cằn nhằn, trách mắng thì chúng lại có những hành động rất đau lòng như đánh đập, giam nhốt chính cha mẹ ruột thịt của mình. Hoặc đôi khi có nhũng nơi có tục lệ rất cổ hủ như khi cha mẹ già yếu thì theo tập tục thì những người con phải mang cha mẹ của minh đem bỏ lên núi bơ vơ một mình. Thật là tàn nhẫn.
Tóm lại, lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người mà chúng ta ai ai cũng nên có. Chúng ta cần phải trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức này trước hết là ở chính cha mẹ của mình, chúng ta phải yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật,… Riêng bản thân em, em sẽ phấn đấu học tập thật tốt, đem lại nhiều niềm vui cho cha mẹ của mình.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 52: Trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm tại đây.
Tags:Đề 51 · Lòng hiếu thảo · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn