Thuyết minh về một loài cây – Văn Thuyết Minh 9

Thuyết minh về một loài cây – Văn Thuyết Minh 9

Hướng dẫn

Thuyết minh về một loài cây

1. Yêu cầu

– Viết bài văn thuyết minh.

– Những tri thức giới thiệu trong bài cần chính xác, khoa học.

– Hình thức bài viết cần mới mẻ, hấp dẫn.

– Bố cục hợp lí.

2. Gợi ý

– Có những loài cây yêu thích nhưng thực sự hiểu về nó một cách chính xác, khoa học thì chưa hẳn đã đầy đủ. Vì vậy, việc chuẩn bị tư liệu trước khi làm bài là rất cần thiết. Có thể tìm tư liệu trên sách báo, mạng Vietnamnet. Những tư liệu đó khi sử dụng, cần lựa chọn cho phù hợp với bài viết.

– Về hình thức: có thể lựa chọn cách đối thoại giữa các loài cây hoặc các loài cây tự kể chuyện,…

– Dàn ý về hình thức cần theo biện pháp nghệ thuật thuyết minh; ví dụ, nếu để cây tự kể chuyện thì bố cục bài văn theo một câu chuyện.

3. Lập dàn ý (dàn ý chung)

a. Mở bài: Giới thiệu loài cây.

b. Thân bài

– Nguồn gốc lịch sử loài cây

  • Thuộc họ nào.
  • Xuất xứ từ đâu, được nhập vào Việt Nam từ khi nào.
  • Hiện được trồng nhiều nhất ở địa phương nào.

– Cách gieo trồng chăm sóc

– Giá trị của loài cây đó

c. Kết bài: Triển vọng của loài cây đã giới thiệu.

4. Bài làm minh hoa

(1) Về bưởi Tân Triều

Quê em ở vùng Tân Triều, một miệt vườn trù phú của tỉnh Đồng Nai. Điều đáng nói là ở miệt vườn quê em có một loại bưởi ngon và rất nổi tiếng, thường gọi là bưởi Tân Triều.

Người dân quê em kể rằng Tân Triều thuở xưa là một vùng hoang vu, một nơi “khỉ ho cò gáy” nằm phía tả ngạn sông Đồng Nai, cách tỉnh lị Biên Hoà cũ khoảng 10km. Dân cư Tân Triều lúc đó còn thưa thớt, Năm 1968, nhà thờ Tân Triều được xây dựng. Một vị cha xứ đã xin hai cây bưởi đem về trồng trước sân nhà thờ. Cây hợp đất, lớn nhanh, vài năm sau liên tục cho trái sum sê. Điều đáng quý là trái bưởi nào cũng lớn, da láng bóng, múi to, rất ngọt và nhiều nước. Thấy vậy, người dân ở đây xin chiết về trồng. Và cứ thế nhân rộng ra cùng với một số giống bưởi khác… Không ngờ, non một thế kỉ sau, Tân Triều trở thành một làng bưởi nổi tiếng.

Với hương vị ngọt ngào, nhiều nước và “tốt mã”, bưởi Tân Triều nổi tiếng và đem lại tiếng thơm cho đất Biên Hoà. Vùng đất này được mệnh danh lá xứ bưởi. Hằng năm có nhiều khách mua bưởi là người lạ ở vùng khác đến. Khách vãng lai thường mua bưởi về làm quà. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số nơi ngoài tỉnh đã xuất hiện nhiều sạp bán bưởi dọc theo các tuyến đường có khách du lịch đi qua như chợ Long Thành, ngã ba Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu,… Ngoài ra còn nhiều người bán bưởi dạo nũầ. Bưởi có nhiều loại nhưng được bán nhiều là bưởi đường lá cam, bưởi đường cao núm, bưởi thanh da láng…, nhưng khách chỉ ưa chuộng hai loại bưởi là bưởi đường lá cam và bưởi đường cao núm. Bưởi đường lá cam lá nhỏ nhưng quả rất ngọt và nhiều nước. Còn bưởi đường cao núm tuy chất lượng không bằng bưởi đường lá cam nhưng mã đẹp, trái to cân đối, để bày bàn thờ cúng rất đẹp.

Hằng năm cứ vào độ tháng tư, tháng năm âm lịch, bưởi bắt đầu ra hoa. Vào thời gian này, nếu có dịp đến Tân Triều, bạn sẽ thấy hoa bưởi nở trắng vườn, toả ngát hương thơm. Làng bưởi Tằn Triều chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hoà và khu du lịch Bửu Long không xa, du khách có thể đến tham quan bằng hai tuyến: đường bộ hoặc đường sông. Thông thường nhiều người đến làng bưởi Tân Triều theo các tua du lịch sinh thái. Loại hình “du lịch vườn” hiện nay đang có sức hấp dẫn du khách và mang lại hiệu quả cao. Có rất nhiều tua du lịch miệt vườn như du lịch vườn trái cây Long Thành, vườn trái cây Lái Thiêu. Từ tháng 10 đến tháng 12 là vào mùa bưởi. Thời gian này không khí ở làng bưởi Tân Triều rộn ràng hẳn lên. Có nhiều mối lái từ miền Tây, miền Đông, miền Trung, Sài Gòn,… đổ về, đi “ruồng” trong các vườn bưởi để mua rồi đem bưởi đi bán ở các vùng xa.

Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh – Ngữ Văn 9

Nếu có dịp qua tỉnh Đồng Nai, mời du khách hãy qua Tân Triều quê em để được chiêm ngưỡng những vườn bưởi và thưởng thức vị ngọt không thể nào quên của trái bưởi Tân Triều quê em.

(Nguyễn Thị Xuân, lớp 9A, Trường THCS Hùng Vương, Đồng Nai)

⇒ Nhận xét

Người viết đã giới thiệu về một loại cây đặc sản: bưởi Tân Triều của quê hương mình. Nhìn chung, bạn đã cho biết nguồn gốc của giống bưởi, một vài đặc điểm về hình dáng và chất lượng. Giống bưởi Tân Triều gồm bưởi dường lá cam và bưởi đường cao núm, nhưng không rõ hai giống bưởi này khác nhau về cách gieo trồng, chăm sóc và giá trị kinh tế như thế nào. Mặt khác nếu nói thêm về vỏ bưởi có ích gì, trẻ con chơi hạt bưởi ra sao, hằng năm Tân Triều cung cấp bao nhiêu tấn bưởi hàng hoá, quy ra tiền là bao nhiêu thí bài thuyết minh sẽ có giá trị hơn.

(2) Về cây hoa giấy

Trong họ hàng các loài cây thì hoa giấy chúng tôi được xếp vào hàng tăng trưởng mạnh. Nói như thế vì bất cứ nơi đâu trên đất nước các bạn, giống hoa giấy chúng tôi cũng có thể phát triển mạnh.

Chẳng ai có thể biết rõ nguồn gốc của tôi ở đâu, chỉ biết là tôi thuộc loại cầy thân gỗ. Hoa giấy đầu tiên vốn sống ở trong rừng sâu, leo bám trên những vách đá, cuốn nhằng nhịt vào những cây thân gỗ khác. Sau đó, nhờ khả năng đi rừng của con người, họ đã đem cây hoa giấy về nhà và trồng thử. Vì chúng tôi dễ trồng và thích nghi tốt, nên ngay lập tức hoa giấy được, trồng rộng rãi. Kể từ đó, hoa giấy tôi mới bắt đầu sống tại những bồn chậu cảnh của con người như ngày nay.

Đặc điểm cấu tạo của chúng tôi rất đơn giản. Như nhiều loài cây khác, chúng tôi có thân gỗ nâu, lá xanh và có hoa. Thân của chúng tôi không thẳng tắp và to lớn mà chỉ khẳng khiu với đường kính khoảng 3 cm gồm nhiều nhánh chẽ ra. Dòng họ chúng tôi lấy làm tự hào về bộ rễ to khoẻ, có thể đâm xuyên mọi ngách, ăn sâu vào lòng đất. Vì lí do này mà chúng tôi sinh trưởng rất nhanh và phát triển ở mọi khí hậu trên trái đất. Chúng tôi có ưa điểm là dễ vươn ra đón ánh nắng mặt trời. Là loài cây trồng chủ yếu ở các nước, nhiệt đới, ánh nắng là một trong những điều kiện sống quan trọng nhất của hoa giấy. Nói về lá cây, chúng tôi còn muốn nói tới cấu tạo phiến lá mỏng giúp cho mức độ ánh sáng từ mặt trời của hai mặt lá là như nhau. Điều đó cũng giúp chúng tôi trong quá trình quang hợp hằng ngày. Ngày qua ngày, các lá sẽ to ra và đậm lên do số lượng diệp lục tăng lên. Như các bạn đã thấy, với bộ thân chia thành nhiều chi nhổ, chúng tôi đã phát triển thành nhiều cành nhổ hơn. Vì vậy số lượng lá cây cũng khá nhiều. Loài hoa giấy của chúng tôi có gai nhọn. Khi gai còn non thì màu xanh và khá mềm, gai nào già thì màu nâu nhọn và cứng hơn. Bông hoa giấy có năm cánh, mỗi cánh có hình dạng tròn trĩnh, mỏng như tờ giấy. Vì thế chúng tôi được đặt tên là Hoa giấy. Hoa giấy chúng tôi là loài lưỡng tính, một bông hoa có cả nhị và nhuỵ. Nhuỵ hoa bên trong có hình dáng giống như một bông hoa nữa. Khi nhìn vào hoa giấy, ta có cảm giác như nhìn vào cả một bó hoa. Chúng tôi cũng đa dạng về màu sắc, nhưng thiên về màu sắc sặc sỡ như đổ, hồng, cam, trắng. Hoa giấy cũng có thể nở thành chùm, nhìn từ xa như những chấm tròn rất đẹp. Ngoài ra, chúng tôi cũng nở hoa đơn nhưng cự li giữa các bông không lớn. Kiểu hoa này cũng có nét đẹp riêng.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Hoa giấy chúng tôi chỉ nở vào mùa xuân, hè và thu. Khi nở thì thành chùm hay từng bông trông khá bắt mắt. Cũng vì đặc điểm đơn giản mà chúng tôi được trồng ở ban công. Trên đó chúng tôi có thể thoả thích đón ánh nắng. Khi nói về hoa giấy, dòng họ chúng tôi chỉ dám nhận một công dụng nổi trội đó là làm đẹp. Thật vậy, hầu hết mọi nhà trồng hoa giấy để làm cảnh. Hơn nữa, với cấu tạo đơn giản, chúng tôi còn có một công dụng nhỏ nhoi nữa: hằng ngày vẫn có những đứa trẻ xúm quanh gốc cây chơi đồ hàng, coi hoa giấy như “đồ hàng”, “công viên” hay trường học. Nhưng khi mùa đông tới, lá cây chẳng còn, bọn trẻ con cũng ở trong nhà vì lạnh, thì hoa giấy như một sinh vật chết, không thể làm đẹp ban công.

Hoa giấy chúng tôi chỉ đơn giản như vậy, không có gì đặc sắc hay kiêu sa. Nhưng từ bao năm nay, chúng tôi đã cùng loài người trang trí công viên, đường phố, trang trí ngôi nhà thêm rực rỡ và tươi mát hơn.

(Nguyễn Kim Chi, lớp 9A2, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Bài thuyết minh vận dụng biện pháp nhân hoá: cây hoa giấy tự kể chuyện mình. Nhìn chung bài viết suôn sẻ, thanh thoát. Bạn đã cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng về loài hoa giấy. Thân gỗ nhỏ gồm nhiều nhánh rẽ ra ; bộ rễ rất khoẻ ; lá xanh, gai nhọn, hoa năm cánh mỏng như tờ giấy, nhiều màu rực rỡ ; hoa nở vào mùa xuân, mùa hạ, mùa thu. Công dụng của hoa giấy không nhiều, nhưng việc làm đẹp cho các ngôi nhà, đường phố, công viên cũng đủ để hoa giấy yên tâm. Ngoài ra, hoa giấy còn che mát cho tuổi thơ để các em chơi đồ hàng với bao nhiêu ước mơ, tưởng tượng. Khiêm tốn là giọng kể của hoa giấy và người ta càng quý hoa hơn ở cái đức khiêm nhường ấy của loài hoa làm đẹp cho đời. Bài viết của bạn cũng góp một nét đẹp cho việc thuyết minh về loài cây hữu ích.

(3) Về hoa lan

Mỗi độ xuân về, tết đến, bên cạnh hoa đàọ, cây quất được nhà nhà trang trọng để giữa phòng đón khách, còn có một loài hoa được nhiều người Việt Nam ưa chuộng nữa – đó là hoa lan.

Cây hoa lan thuộc về họ lan, một họ thực vật lớn nhất trong lớp cây một lá mầm. Đây cũng là một họ thực vật gồm nhiều loài nhất. Cho đến đầu thập kỉ vừa qua, theo thống kê của các nhà sinh học, toàn thế giới có khoảng 100 000 loài lan, xếp trong 800 chi. Trong số 100 000 loài lan ấy, có khoảng 25 000 loài lan rừng và 75 000 loài lan lai.

Nước ta có rất nhiều loại lan mọc hoang dại. Ai lên Lai Châu vào những ngày giáp tết hay sang xuân, khi vượt đèo Pha Đin cũng đều thấy vô vàn đoá hoa xinh đẹp, sắc thắm hồng đung đưa trước gió như một đàn bướm chập chờn trong nắng xuân. Đó là các cây lan trên vách núi nở hoa.

Trong các hốc núi đá vôi ở Nho Quan hay ở Cúc Phương lại có nhiều lan Hài vệ nữ, loại lan này có hai cánh dang rộng như cánh chim bay, sải cánh hoa dài tới 15 cm, còn cánh môi thì uốn cong như mũi chiếc hài. Vì vậy, trong thơ ca gọi là “Chiếc hài của thần vệ nữ”. Vệ nữ là thần của sắc đẹp mà thần thoại Hi Lạp thường nhắc tới.

Còn ở trong rừng thứ sinh, dọc dải Trường Sơn, lan phủ trên cây, lan trải trên cành ven suối. Đó là Hồng gấm, một loại phong lan quý nhất. Hoa nở thành chùm, nền màu hồng điểm sắc tím và trắng, tuyết hoa óng ánh như nhung, toả hương thơm dịu mát kín đáo. Thiên nhiên nâng niu và chăm chút những chùm phong lan nở giữa rừng, làm đẹp, làm tươi vườn lan đất nước mỗi độ xuân về.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về lòng biết ơn – văn lớp 9

Lan không chỉ đẹp về hoa mà còn đẹp về lá. Lan Cạnh giao có lá hỉnh trụ giống cây cành giao. Lan Chân rết có lá ngắn, nhọn, dẹt, xếp thành hai dãy đều đặn như chân rết. Có thứ gốc lá phồng lên thành củ gọi là lan Quả táo. Lan Gấm thì mặt lá mượt như nhung, lại điểm thêm những vân vàng óng như kim tuyến… Quế lan hương là thứ lan có hương thơm ngát và rất bền, chùm hoa màu trắng lục rủ xuống như lá liễu bên hồ. Lan vảy rắn có chùm hoa màu hoàng yến. Lan Phi điệp có thân chia đốt và khía dọc, sắc hoa trắng hồng mọc từng đôi một, cánh môi có đốm vàng. Lan Phi công thiên có hoa màu vàng đỏ…

Ngày xưa, ông, bà, cha, mẹ ta giàu lòng ca ngợi cái đẹp của nhiều loài lan đất. Mỗi lần tết đến, các cụ thường tô điểm trong nhà, ngoài ngõ bằng nhữnq chậu lan Bạch ngọc mang hoa trắng rất đẹp và thơm, lan Hạc đính hoa màu hồng hay màu đỏ, lan Chu đinh có hoa màu tím,… ‘

Ngày nay, ở Việt Nam có nhiều trung tâm lai giống và tạo dáng cho hoa lan. Các nhà tạo giống đã tạo được những loài lan vừa đẹp vừa bền vừa có thể nở hoa vào những thời gian mong muốn. Việc có được một nhành lan hay một khóm lan đẹp để bày trong nhà không mấy khó khăn. Tuy nhiên người ta vẫn ưa thích tô điểm nhà mình bằng những giò phong lan mang từ những vùng núi cao về có chùm hoa rủ xuống như đuôi con cáo, mang những cánh hoa màu trắng có đốm tím ở đầu.

Lan là một loài hoa đẹp và đáng yêu. Từ. những thành phố sầm uất đến các làng mạc vùng xuôi, vùng ngược, mỗi độ xuân về, nhà nhà chúng ta đều dễ dàng có thể có được một giò lan hay một nhành lan theo ý muốn.

(Nguyễn Văn An, lớp 9B, Trường THCS Nguyễn Trãi, Sơn La)

⇒Nhận xét

Bài thuyết minh về hoa lan cũng khá công phu. Bạn đã cung cấp những thông tin về loài hoa này. Thật không ngờ lan mà lại nhiều chi, nhiều loài đến thế. Nhưng nếu như người thuyết minh nêu rõ nguồn cung cấp những thông tin đó thì người đọc sẽ tin cậy hơn đấy. Khi thuyết mình về sự khác nhau về lá của các loại lan, bạn đã cho người đọc biết những chi tiết thú vị: Lan không chỉ đẹp về hoa mà còn đẹp về lá. Lan Cành giao có lá hình trụ giống cây cành giao. Lan Chân rết có lá ngắn, nhọn, dẹt, xếp thành hai dãỵ đều đặn như chân rết. Có thứ gốc lá phồng lên thành củ gọi là lan Quả táo. Lan Gấm thì mặt lá mượt như nhung, lại điếm thêm những vân vàng óng như kim tuyến. Mặc dù vậy, bài thuyết minh này vẫn thiên về sự chân phương, chứ chưa sử dụng các biện pháp nghệ thuật để làm cho lời văn thuyết minh thêm biến hoá, sinh động.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *