Thuyết minh về một con vật nuôi – Văn thuyết minh 9

Thuyết minh về một con vật nuôi – Văn thuyết minh 9

Hướng dẫn

Thuyết minh về một con vật nuôi

1. Yêu cầu

– Viết bài thuyết minh giới thiệu loài vật.

– Đề bài không mới nhưng cách thuyết minh cần thay đổi, phải dùng các biện pháp nghệ thuật khi giới thiệu loài vật nuôi; ví dụ: tự thuật, đối thoại,…

– Những kiến thức về loài vật đó cần chính xác, đầy đủ.

– Bố cục mạch lạc.

2. Gợi ý

– Nên chọn con vật nuôi trong gia đình như trâu, bò, chó, mèo,… suy nghĩ xem đối với mình, giới thiệu về con vật nuôi nào sẽ là thuận lợi nhất.

– Cần tìm và tham khảo các tư liệu về con vật mà mình định giới thiệu, để có kiến thức chính xác và phong phú. Thế nhưng cũng nên lựa chọn, phân loại tư liệu để vừa đủ với bài viết, tránh lan man hoặc không cân đối.

– Có nhiều con vật nuôi đã gắn bó với đời sống con người như: chó, mèo. Do đó, khi lựa chọn biện pháp nghệ thuật để thuyết minh cũng dễ dùng. Con vật có thể trò chuyện, tâm sự với con người,… hoặc chúng có thể trò chuyện với nhau.

– Bài viết dùng nhân hoá một cách tự nhiên, hợp lí.

– Bố cục phụ thuộc vào biện pháp nghệ thuật được dùng khi thuyết minh, nhưng cần mạch lạc, dẫn dắt tự nhiên.

3. Lập dàn ý

a. Mở bài: Giới thiệu con vật nuôi sẽ thuyết minh trong bài (hoặc để con vật đó tự giới thiệu, hoặc chọn một tình huống để con vật đó tự xuất hiện,…)

b. Thân bài

– Giới thiệu nguồn gốc con vật nuôi

  • Thuộc họ nào.
  • Được thuần hoá và nuôi từ bao giờ.

– Miêu tả cấu tạo và sự phát triển của con vật nuôi

  • Hình dáng.
  • Cân nặng.
  • Khả năng sinh sản.

– Chăm sóc và nuôi dưỡng con vật đó

– Ích lợi của con uột nuôi với đời sống của con người

  • Về vật chất.
  • Về tinh thần.

c. Kết bài: Cảm nghĩ về con vật nuôi đó.

4. Bài làm minh hoạ

(1) Về loài chim bồ câu

Xin tự giới thiệu với các bạn, tôi là chim bồ câu. Họ bồ câu là một trong vô vàn các họ nhà chim trên trái đất. Nhưng chúng tôi là loài chim khá đặc biệt. Mắt của chúng tôi trong sáng, đẹp. Bởi thế mà những cô thiếu nữ có đôi mắt xinh đẹp nhất được ví với mắt loài bồ câu chúng tôi. Chúng tôi lại có một đặc điểm nữc là hiền lành, không thích đánh nhau. Chúng tôi hiền lành, đối xử thân thiện cùng loài bồ câu với nhau đã đành, với các loài chim khác, chúng tôi cũng không gây xích mích hay ẩu đả. Vì, thế mà loài người đã chọn chúng tôi làm biểu tượng hoà bình.. Các bạn có biết chính danh hoạ Pi-cát-xô đã vẽ hình ảnh một trong chúng tôi thành biểu tượng hoà bình cơ đấy.

Chúng tôi có tổ tiên là bồ câu nui, màu lam, hiện còn sống và làm tổ trong điều kiện hoang dã ở nhiều vùng núi châu Âu, châu Á, và Bắc Phi.

Thân nhiệt chúng tôi ổn định trong điều kiện nhiệt độ môi trường thay đổi; loài chim bồ câu là động vật hằng nhiệt. Các bạn thấy đó cũng là điều độc đáo đấy chứ!

Loài bồ câu chúng tôi là loài ưa sống có đôi và rất gắn bó với nhau. Mỗi lứa, một chị chim mái chỉ đẻ hai trứng, có vỏ đá vôi bao bọc. Sau đó chim trống và chim mái thay nhau ấp trứng. Chim con mới nở chưa mở mắt, trên thân chỉ có một ít lông tơ, được chim bố mẹ mớm mồi bằng sữa diều (tiết từ diều của chim bố mẹ). Sau vài ngày chim mở mắt, rồi lớn dần, ra ngoài và tập bay. Khi chim bay được cũng là lúc chim có thể tự kiếm ăn.

Thân chúng tôi được cấu tạo theo kiểu hình thoi. Hình dáng này có tác dụng làm giảm sức cần không khí khi bay. Chúng tôi có lớp da khô được bao bọc bởi một lớp lông dày. Lớp lông này cũng có cấu tạo đặc biệt. Sát da là lớp lông vũ phủ toàn thân, áp sát vào lông vũ là lông tơ. Lông tơ là chùm sợi lông mảnh, tạo thành một lớp xốp giữ nhiệt và làm thân chúng tôi nhẹ. Phía đuôi và cánh chim có lớp lông ống. Đó là loại lông có ống sừng cứng, lông mọc dọc ống theo hai phía tạo thành phiến lông rộng, Khi chúng tôi bay, các lông xoè thành tán rộng ở cánh và đuôi chim có vai trò như những chiếc bánh lái điều khiển hướng bay. Cánh chúng tôi khi bay xoè ra tạo thành một diện tích rộng quạt gió, khi cụp lại thì áp gọn vào thân. Bồ câu chúng tôi có hai kiểu bay: bay vỗ cánh và bay lượn. Điểm này làm chim bồ câu chúng tôi vừa giống những loại chim như chim sẻ, chim ri, chim khuyên, gà… có kiểu bay vỗ cánh ; lại vừa giống một số không nhỏ loài chim như diều hâu, chim ưng, hoặc những loài chim sống ở đại dương như hải âu có kiểu bay lượn (đập cánh chậm, nhiều lúc dạng rộng cánh mà không đập cánh). Chim bồ câu chúng tôi đi lại bằng hai chân (còn gọi là chi sau). Mỗi chân đều có bàn chân gồm ba ngón trước dài và một ngón sau ngắn. Đầu các ngón đều có vuốt, giúp chúng tôi bám chặt vào cành cây khi đậu hoặc duỗi thẳng, xoè rộng ngón khi hạ cánh.

Xem thêm:  Đề 14: Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài văn chọn lọc lớp 9

Chúng tôi có mỏ với một lớp sừng nhọn bao bọc, hàm không có răng, làm đầu chim nhẹ. Mỏ chúng tôi không dùng làm vũ khí tấn công như diều hâu hay kền kền. Chúng tôi dùng mỏ để nhặt thức ăn và để chải chuốt cho bộ lông óng mượt. Cổ dài giúp chúng tôi có thể quay đầu các phía khá linh hoạt, phát huy được tác dụng của các giác quan (mắt, tai), thuận lợi khi bắt mồi, rỉa lông. Tuyến phao câu tiết chất nhờn để chúng tôi rỉa lông mịn, không thấm nước. Tất cả những đặc điểm này khiến cấu tạo ngoài của loài chim bồ câu thích nghi với đời sống bay lượn.

Chúng tôi rất tự hào về mình. Còn tự hào hơn vì chúng tôi là loài chim có ích, loài chim tượng trứng cho hoà bình

(Nguyễn Văn Xê, lớp 9A, Trường THCS Phú Bài, Thái Nguyên)

⇒ Nhận xét

Bạn đã dùng phép nhân hoá để bồ câu tự giới thiệu, thuyết minh về mình. Bài thuyết minh khá sinh động vì có nhiều thông tin về cấu tạo thân, đầu, cánh, cách bay, tập tính sinh sản của loài bồ câu. Một điều khá lí thú là bạn đã nói về mắt bồ câu vè đặc điểm yêu hoà bình của loài chim này. Có lẽ phần nói về cánh chim, cách bay vỗ cánh và cách bay lượn của loài bồ câu là tỉ mỉ và thú vị hơn cả. Một bài thuyết minh khá thành công. Mặc dù so với dàn bài thì không thật đủ ý. Nhưng khi thuyết minh theo kiểu loài vật tự giới thiệu thì cũng cần có sáng tạo và vượt rào khuôn mẫu.

(2) Về con trâu ở làng quê Việt Nam

Hàng ngàn năm nay, con trâu không chỉ gắn bó với đời sống vật chất mà còn gắn bó với đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam, với họ, con trâu là “đầu cơ nghiệp”. Hình ảnh của nó đã trở thành tượng trưng cho người nông dân và đồng quê Việt Nam. Đã có rất nhiều bưu ảnh, tranh ảnh, tác phẩm điêu khắc,… các bài văn, bài thơ nói về nó với những tình cảm tốt đẹp nhất. Cho nên khi thuyết minh về con vật nuôi trong nhà chúng ta không thể không nói đến chú trâu thân thiết, dù rằng trong thực tế hiện nay có biết bao nhiêu máy móc cơ khí hoá song vẫn không thể thay thế hết được sức lao động của con vật quen thuộc này.

Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hoá; chúng có cặp sừng chắc khoẻ, đôi mắt đen láy, chiếc mũi “khổng lồ” và đôi tai luôn phe phẩy rất đáng yêu. Đặc biệt, loài trâu chỉ có hàm trên. Cấu tạo đặc biệt này gắn với câu chuyện cổ tích xưa về trí khôn của con người. Chỉ vì thấy hổ thua người mà trâu ta cười lăn cười lộn, va vào đá đến nỗị vỡ cả hàm dưới. Truyện xưa đã lí giải các hiện tượng một cách rất hợp lí và thú vị. Một vết hằn trên lông hổ, một cái hàm trâu bị khuyết đã đưa các con vật vào văn học dân gian, vào đời sống của người dân với ý nghĩa sâu sắc.

Trâu Việt Nam rất khoẻ, chúng có bộ lông đen xám, đôi khi cũng gặp màu lông trắng. Thân hình chúng vạm vỡ, bụng to, mông dốc. Chiếc đuôi nhổ luôn ve vẩy như muốn “làm điệu”, nhưng thực ra chúng xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi. Trâu có bốn chân vững chãi với những cơ bắp “nổi cuồn cuộn”. Chân có móng sắc vừa tạo bước đi vững vàng lại vừa để tự vệ. Bốn chân to chắc, và cặp sừng cong cong, nhọn hoắt đã khiến các con vật khác dù to khoẻ đến đầu cũng gờm trâu.

Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và rơm rạ, lá mía, lá ngô,… Mùa đồng, khi thức ăn khan hiếm trâu ăn rơm rạ phơi khô. Làm thì khoẻ mà ăn thì dễ, trông nom cũng đơn giản, hỏi làm sao chúng không được người nông dân yêu quý cơ chứ? Tình cảm của họ đối với chúng cũng nặng tình nặng nghĩa hơn hẳn các loài vật khác. Trong văn thơ chúng được gọi “trâu ơi” rất trìu mến, lại còn hứa hẹn rất tình cảm:

Bao giờ câỵ lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Là loài động vật nhai lại nên khi được ăn chúng đánh chén rất nhiều, khi rỗi rãi, nhàn hạ lại nằm nhai lại ngon lành. Chính vì thế lúc nào nhìn thấy trâu là thấy bỏm bẻm nhai như bà già ăn trầu vậy.

Nuôi trâu rất có lợi, chúng được nuôi chủ yếu để kéo cày, một ngày chúng có thể cày từ ba đến bốn sào ruộng. Ớ vùng sâu vùng xa, trâu còn dùng làm phương tiện chuyên chỏ đắc lực nữa. Trâu kéo xe chở những thứ vật dụng, trâu kéo gỗ từ trong rừng sâu. Ngoài ra, trâu còn là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Nó cung cấp cho ta thịt và sữa. Thịt trâu là một đặc sản giàu đạm lại có hương vị đặc trưng riêng. Sữa trâu là một nguyên liệu quan trọng để tạo ra nhiều loại thực phẩm có giá trị như sữa chua, kem, bánh, kẹo. Da, sừng của nó được dùng chế tao đồ mĩ nghệ, đồ dùng,… Ngay cả chất thải ra của nó cũng dùng để cung cấp chất bón cho cây trồng. Hẳn chúng ta còn chưa quên hình ảnh của chú trâu vàng trong Seagame 22 đã làm bao nhiêu bạn bè quốc tế ngạc nhiên và yêu quý chú trâu ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cũng không thể không nói đến trâu ta còn gắn bó với yếu tố tâm linh. Người ta nói đến tuổi sửa như nói đến người có khả năng tự lập, sự chịu thương chịu khó, lam lũ làm ăn. Bà tôi cứ nói nhà nào không có ai tuổi Sửu thì chả có người làm ăn. Có lẽ vì thế bà rất quý bác dâu tôi, bác tôi làm gì bà cũng vừa ý và cứ khen với mọi người: “Nó tuổi con trâu nên tay nem tay chạo, chả gì không đến tay”.

Xem thêm:  Hướng dẫn viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự

Từ ngàn xưa, người nông dân quanh năm vất vả, một nắng hai sương ở ngoài đồng để làm nên hạt lúa. Thành quả của họ nuôi sống cả xã hội. Trong thành tích đó có công của chú trâu chậm chạp nhưng cần mẫn. Ngày nay, nhờ việc cơ khí hoá nông nghiệp, sức kéo của trâu cũng được đỡ đần, nhưng con trâu vẫn giữ nguyên vai trò là bạn chí tình chí nghĩa của người lao động. Và hình ảnh đầm ấm, hạnh phúc: Trên đồng cạn dưới đồng sâu – Chồng càỵ vợ cấy con trâu đi bừa vẫn là nét đẹp mộc mạc, bình dị nhưng hoà thuận, yêu thương của người nông dân.

Ngày nay một số phát minh của con người đã tạo ra máy cày thay thế cho sức kéo của trâu, nhưng con trâu vẫn mãi là người bạn chí tình, chí nghĩa của người Việt Nam. Ngày ngày nó vẫn âm thầm, cần mẫn giúp người dân ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa ; nơi đồng sâu, nơi đồng cạn, nơi đất hẹp, mấp mô,… làm ra lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống con người.

(Nguyễn Công Đạo, lớp 9A1, Trường THCS Trưng Vương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Con trâu đã là đối tượng thuyết minh ở lớp 8. Vì vậy lần này, bài thuyết minh đòi hỏi phải công phu hơn, mới hơn và tỉ mỉ hơn. Không chỉ thuyết minh về con trâu như một vật nuôi, còn phải làm rõ vai trò của nó trên đồng ruộng.

Nhìn chung bài thuyết minh của bạn khá rõ. Nhưng nếu thêm những tư liệu về loài trâu trong các sách sinh học thì chắc chắn sẽ cụ thể và thú vị hơn. Bạn đã kết hợp thuyết minh về trâu từ những quan sát cụ thể và những hiểu biết về những chuyện liên quan đến trâu như tranh ảnh, tác phẩm điêu khắc, các bài thơ, văn. Việc vận dụng các câu tục ngữ, ca dao, vận dụng truyện cổ tích Trí khôn của ta đâỵ làm cho bài thuyết minh thêm hấp dẫn. Bạn cũng có ý thức khi miêu tả so sánh trâu nhai lại “bỏm bẻm nhai như bà già ăn trầu vậy”. Liên hệ tuổi trâu với quan niệm dân gian về tính tự lập, chịu thương chịu khó làm ăn là một liên hệ thú vị.

Tuy nhiên, trong khi cố gắng miêu tả thì nhà thuyết minh lại có những nhầm lẫn “kinh dị”: Trâu có bốn chân vững chãi với những cơ bắp “nổi cuồn cuộn’’. Chân có móng sắc vừa tạo bước đi vững vàng lại vừa để tự vệ. Chà! Chân trâu săn chắc đâu có nổi cuồn cuộn cơ bắp như các lực sĩ thể hình. Lại nữa: chân có móng sắc thì biến chân trâu thành chân mèo hay chân hổ mất rồi!

(3) Về con trâu

Dưới địa ngục tối om, Diêm Vương đang tra hổi các linh hồn. Một không gian lạnh lẽo và u ám đến rùng mình. Ngay cả tôi – một anh chàng trâu khá vạm vỡ lúc còn sống trên trần gian, khi xuống đây còn phải cảm thấy sợ hãi. Hai bên cửa địa ngục, quỷ đầu trâu mặt ngựa đứng đó với một vẻ mặt lạnh lùng và giữ tợn. Bỗng quỷ hô to:

– Tới lượt hồn Trâu!

Tôi bước vào mà lòng lo sợ, xung quanh tôi toàn những khuôn mặt đáng sợ! Diêm Vương với đôi mắt trợn trừng, hỏi tôi:

– Trâu kia! Hãy mau khai nguồn gốc lai lịch của ngươi!

Tôi đang mải nghĩ, bỗng giật mình khi nghe tiếng hỏi của Diêm Vương. Tôi vội cúi đầu xuống đáp:

– Dạ dạ, tôi vốn thuộc họ Bò, thuộc lớp động vật có vú. Tôi có nguồn gốc từ Trâu rừng thuần hoá. Từ xa xưa đến nay, họ nhà Trâu chúng tôi vẫn gắn bó với người nông dân Việt Nam.

Diêm Vương cúi xuống nhìn. Tôi khum người lại. Tôi rất hoang mang, chỉ sợ mình đã lỡ nói ra diều gì sai. Rồi một lúc sau, Diêm Vương nó:

– Trông thân hình ngươi to béo, vạm vỡ thế kia chắc hẳn rất khoẻ?

Tôi quýnh lên đáp lại:

– Dạ vâng Họ nhà Trâu chúng tôi ai cũng khoẻ cả, tôi tự hào về điều đó! Với bộ lông xám, thân hình vạm vỡ, bụng to mông dốc, khiến họ nhà Trâu chúng tôi có thể phân biệt được với họ nhà Bò ạ. Không chỉ có thế mà chúng tôi còn có một đôi sừng khá vững chắc hình lưỡi liềm. Và với những đặc điểm đó, chúng tôi mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả bà con nông dân nữa ạ!

Xem thêm:  Đề 29: Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi – Bài văn chọn lọc lớp 9

– Thế ngươi hãy kể ra để ta xem có đúng là họ Trâu nhà ngươi có lợi ích không? – Diêm Vương hỏi tiếp. Tôi kính cẩn trả lời:

– Thưa vâng! Đối với bản thân tôi, đôi sừng giúp tôi tự vệ. Tuy nhiên bản chất của họ nhà Trâu chúng tôi là hiền lành nên chỉ khi thực sự cần thiết chúng tôi mới cần đến tự vệ. Còn lợi ích quan trọng nhất của họ nhà Trâu chúng tôi lại là giúp bà con nông dân cày cấy. Mỗi một ngày tôi có thể cày được từ bốn đến năm sào ruộng lớn. Không những thế mà tôi còn kéo được cả xe, xe có nặng chở cả người tôi cũng kéo được. Và đương nhiên là cả họ chúng tôi cũng đều như thế cả. Có điều, còn một lợi ích nữa, nhưng tôi sợ vô lễ nên không dám nói ra ạ.

Diêm Vướng xua tay, nói:

– Không sao, ta bỏ qua cho ngươi, ngươi cứ tiếp tục đi, ta đang nghe.

Tôi vội vàng nói tiếp:

– Vâng, thưa ngài, lợi ích mà tôi định nói tới là con người còn dùng phân chúng tôi để bón ruộng hoặc là để cho cá ăn. Như thế ruộng mọc xanh tốt, còn cá rất béo, khiến bà con nông dân rất vui vẻ.

Nói đến đây, tôi ngừng lại suy nghĩ về những điều mà họ nhà Trâu chúng tôi có thể làm vui lòng mọi người. Dường như Diêm Vương nhìn thấy thế, ngài tiếp tục hỏi:

– Còn gì nữa không?

Tôi liền trả lời ngài:

– Dạ, thường là trong các hội làng không thể thiếu chúng tôi được. Bởi chúng tôi là chủ chốt của hội chọi trâu diễn ra hằng năm của nhiều địa phương. Còn đối với nhiều làng làm tranh, chúng tôi thường được họ vẽ lại qua các bức tranh một cách nghệ thuật theo hướng tranh dân gian. Điều đó khiến bản thân tôi rất vui! Trong cuộc sống của người nông dân, tuổi thơ của họ thường gắn liền với chúng tôi. Vào các buổi chiều, trẻ con trong làng thường dắt chúng tôi ra đồng ăn cỏ, họ vui chơi, tắm ở ao làng là không thể thiếu chúng tôi được. Họ coi chúng tôi như những người bạn tốt và ngược lại chúng tôi cũng vậy. Không chỉ thế, họ nhà Trâu chúng tôi là một hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người dân Việt Nam, làng quê Việt Nam.

Lúc này, Diêm Vướng lại gật gù, rồi hỏi:

– Ngươi có ích như vậy, gắn bó với người dân như vậy sao lại bị xuống đây?

Tôi ngậm ngùi trả lời:

– Thưa Diêm Vương, tôi có tội tình gì đâu, chỉ do một phần ích lợi của chúng tôi là cho thịt mà thôi. Tôi bị con người giết thịt nên mới ra nông nỗi như thế này. Tôi cũng đành cam chịu bởi họ đã nụôi dưỡng chúng tôi bằng công sức của họ, cho chúng tôi ăn uống đầy đủ, lại chăm sóc cũng rất tận tình…

Cả Diêm phủ lúc đó im lặng hẳn đi, thế rồi Diêm Vương ra quyết định:

– Ngươi cũng rất biết điều, nhớ ơn tới công sức của người nông dân thế là rất tốt.

Tội nghiệp cho ngươi! Ta sẽ cho ngươi kiếp sau được làm người để bù đắp việc ngươi bị giết thịt. Ngươi quả là một con vật có ích, là một người bạn tốt của nhà nông.

(Nguyễn Hương Giang B, lớp 9A1, Trường THCS Trưng Vương,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Bạn Hương Giang đã có một bài thuyết minh sinh động, hấp dẫn. Qua các câu hỏi của Diêm Vương và câu trả lời của chú trâu, chúng ta biết được lai lịch và những đặc điểm quan trọng của loài trâu, những lợi ích mà chúng đem lại. Nếu những chi tiết còn chưa đầy đủ thì bù lại, việc tưởng tượng cảnh Diêm Vương hỏi han, tra khảo các hồn đã làm cho bài văn có một cách trình bày mới, tạo ẩn tượng và khá hấp dẫn. Người đọc không thể không mỉm cười khi chú trâu cẩn thận xin phép Diêm Vương để không thất lễ khi nói về giá trị chất thải của mình. Cái lí do để trâu bị chết cũng được trình bày hợp lí và khá tự nhiên. Điều quan trọng là trâu nhận thức được điều đó, nó coi như một lẽ tự nhiên mà không hề oán trách con người.

Có thể nói là cách thuyết minh theo kiểu xây dựng đối thoại của bạn là thành công. Rất đáng khen.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *