Suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ – Ngữ Văn 9

Suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Tình mẫu tử trong đoạn trích trong lòng mẹ

Đề bài: Suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu) của Nguyên Hồng.

1. Yêu cầu

– Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi.

– Xem lại đoạn trích Trong lòng mẹ, nên tìm đọc thêm Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng.

– Tìm hiểu đề, tìm luận điểm và xây dựng dàn ý trước khi viết.

– Tránh thuật lại các chi tiết trong truyện (nhầm lẫn lí lẽ trong văn nghị luận với lời kể của tự sự).

2. Gợi ý

– Tình mẫu tử bao hàm tình cảm của người mẹ với đứa con và ngược lại của đứa con đối với mẹ. Ở đoạn trích cơ hẳn là tình cảm của bé Hồng với mẹ, tình cảm của mẹ với bé Hồng chỉ là phụ.

– Cần khai thác những biểu hiện bên ngoài cùng với trạng thái tâm lí đầy dằn

vặt đau đớn của bé Hồng.

– Chú ý đến người thuật: ẩn dụ so sánh, giọng văn tràn đầy cảm xúc để thấy được Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em.

– Bài viết cần gợi cảm, sinh động để tạo được xúc động cho người đọc.

3. Lập dàn ý

a. Mở bài

  • Những ngày thơ ấu là cuốn hồi kí mang tính tự thuật của Nguyên Hồng; là lời tâm sự về tuổi thơ cay đắng, đau khổ của nhà văn.
  • Đoạn trích Trong lòng mẹ tụy ngắn nhưng đã gợi nên niềm xúc động bởi tình cảm mẫu tử thiêng liêng của mẹ con bé Hồng.

b. Thân bài

– Giới thiệu khái quát về cuộc đời của Hồng và đoạn trích Trong lòng mẹ:

– Số phận sớm bất hạnh: mồ côi bố, mẹ bỏ đi xa, ở nhờ nhà nội, người cô ruột ghét chị dâu nên thường đem cháu ra để dày vò cho hả giận.

– Nỗi nhớ mẹ, mong chờ mẹ của bé Hồng.

– Tình mẫu tử thể hiện ở bé Hồng:

– Khi mẹ đi xa:

+ Bảo vệ mẹ bằng mọi hình thức: im lặng nghe cô mát mẻ, cạnh khoé, nói dối cô (không muốn vào Thanh Hoá).

+ Đau đớn khi nghe cô nói xấu mẹ (“cứời dài trong tiếng khóc…”).

+ Căm giận hủ tục phong kiến đã chà đạp lên quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người, (nghệ thuật so sánh)

+ Thương nhớ mẹ không có thể làm thay đổi được tình cảm đó. (“không một rắp tâm tanh bẩn nào…”)

+ Mong muốn mẹ ở nhà và sẵn sàng đứng về phía mẹ để đối mặt với mọi dư luận, mọi lời chỉ trích, mọi thái độ thù ghét (hình ảnh con dao vấy máu).

– Khi mẹ trở về:

+ Gọi mẹ, sợ nhầm (nghệ thuật ẩn dụ so sánh..)

+ Niềm hạnh phúc vô bờ khi được ở trong lòng mẹ (tận hưởng bằng tất cả các giác quan, quên đì mọi đau khổ…).

– Tình cảm của người mẹ:

  • Vui mừng, âu yếm con.
  • Mạnh dạn trở về trong ngày giỗ đầu người chồng (dù biết rõ thái độ của nhà chồng) để được gặp con.
  • Mong muốn đoàn tụ với các con, được chăm sóc, yêu thương con.

– Suy nghĩ về tình mẫu tử (có thể viết xen vào các phần trên hoặc tách riêng).

  • Đó là tình cảm thiêng liêng, sâu sắc.
  • Tạo nên nét đẹp đầy tính truyền thống của người Việt Nam.
  • Trở thành sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua muôn ngấn gian khổ, khó khăn.

c. Kết bài: Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em vì đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng.

4. Bài làm minh hoạ

Bài 1

Một người đàn bà dũng cảm đối mặt với xã hội phong kiến thối nát với những lời đàm tiếu, sỉ nhục chỉ để được gặp và ở bên con mình. Một đứa trẻ mồ côi cha, xa mẹ và luôn phải sống trong cái cảnh lẻ loi, cô đơn giữa gia đình nhà nội cay nghiệt, độc ác. Qua hai nhân vật này, nhà văn Nguyên Hồng đã thể hiện vô cùng xúc động tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ.

Ta từng biết đến câu chuyện hai mẹ con nhà chim đang trên đường bay về tổ thì bỗng gặp một cơn mưa to gió lớn rất dữ dội. Chúng buộc phải trú tạm vào một hốc cây nhỏ. Ngoài trời rất lạnh, những giọt nước buốt khiến chú chim non run cầm cập, thế là chim mẹ liền dang rộng đôi cánh rồi ủ lấy chim non vào lòng mình để sưởi ấm cho con cũng như hứng lấy nhữlng giọt nước mưa lạnh. Cái ấm áp ở đây không phải là từ thân chú chim bởi thực ra bộ lông chim mẹ cũng ướt sũng và nó còn rét hơn đứa con, nhưng chú chim non vẫn rúc đầu vào đấy và ngủ cho tới sáng hôm sau là bởi hơi ấm từ tình yêu thương của mẹ. Ở đây, tình mẫu tử, mà đặc biệt là từ chim mẹ đã được thể hiện qua việc có thể hi sinh tất cả để bảo vệ, đùm bọc con. Nhưng tình mẫu tử trong tác phẩm của Nguyên Hồng thì khác, tình cảm đó lại được cảm nhận sâu sắc từ phía đứa con. Nhà văn đã từng trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng và tủi nhục nên điều đó đã ám ảnh vào nhân vật chính: chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ. Xã hội phong kiến xưa đã đày đoạ hai mẹ cọn chú bé, đẩy hai người vào tình cảnh trớ trêu: mẹ phải bỏ con mà đi tha phương cầu thực, để rồi chú bẹ trở thành tiêu điểm của những lời dị nghị, chê trách, mỉa mai, đay nghiến của mọi người. Điều khiến chú bé tiếp tục sống và chịu đựng chính là hình ảnh người mẹ hiền từ, cái tình mẫu tử thiêng liêng mà chú khao khát có được. Chú bé Hồng muốn tiếp tục sống để bảo vệ mẹ khỏi những người đố kị và ghen ghét của cái xã hội phong kiến thối nát đầy hủ tục.

Xem thêm:  Đề 60 – Về vấn đề ” Vì cái gì ta sống trên đời?” – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

“Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?”. Thoạt nghe ta tưởng như đây là lời hỏi chân tình, thương cảm nhưng đâu phải như thế. Giọng điệu cay độc, mỉa mai, cố tình ngân ra thật dài và nụ cười rất kịch của người cô đủ làm bé Hồng hiểu ra ý nghĩa đằng sau đó. Đây không phải là duy nhất một lần mà ngày này qua ngày khác, người cô giày vò tâm hồn chú bé và không phải ai cũng có thể phân biệt đúng sai mà giữ trọn cho mình hình tượng người mẹ kính yêu như bé Hồng. Không chỉ hiểu được dã tâm độc ác của cô, chú bé còn dũng cảm thể hiện thái độ bênh vực mẹ, dù cho nó là yếu ớt, cô độc nhưng phải yêu mẹ biết nhường nào thì Hồng mới có những cách ứng xử như vậy. Người cô dùng lời lẽ thâm độc như mũi dao chọc vào trái tim bé nhỏ của cậu bé, mặc cho đứa cháu vẫn còn rất nhỏ tuổi và sống thiếu thốn tình cảm từ bé. Liệu có ai bình thường được khi phải nghe người khác nhục mạ mẹ của mình, hơn nữa Hồng vẫn còn là một cậu bé? Lòng của chú thắt lại quặn đau, mắt cay cay rồi chẳng biết khi nào nước mắt đã đầm đìa. Tác giả miêu tả chú bé “cười dài trong nước mắt“, một cảm giác mà dường như chỉ những người từng trải mới có được. Phải chăng “sự từng trải” ở chú bé có được là do quá trình “rèn luyện” của người cô?

“Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Phản ứng tâm lí này khiến ta thật bất ngờ khi nó tồn tại trong tâm hồn của một đứa trẻ. Bé Hồng mong muốn một cái vô hình chính là những hủ tục kia biến thành vật hữu hình để chú có thể xả cơn căm tức, trút bỏ tất cả sự nhẫn nhục, tủi thân vào. Ai cũng yêu thương những người thân của mình nhưng để có thể bất chấp tất cả, hi sinh chỉ để bênh vực và giữ trọn tình cảm thiêng liêng đó thì quả thực Hồng là một đứa con yêu mẹ vô cùng, dù cho cậu bé vẫn còn rất nhỏ. Ta tưởng rằng ở cái tuổi này thì Hồng phải rất hồn nhiên và trong sáng như bao bạn cùng lứa nhưng hoàn cảnh đã khiến trong đầu chú bé hình thành những suy nghĩ già dặn và chín chắn. Nó giúp chú nhận ra được bộ mặt cay độc của người cô, để đứng về phía tình mẫu tử cao quý, nơi đó có người mẹ mà Hồng vô cùng yêu thương. Nếu không tồn tại những hủ tục kia thi biết đâu người mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực cho mình mà vẫn có thể sống đường hoàng cùng hai anh em chú. Ban đầu là sự tủi nhục, đau đớn rồi đẩy lên căm tức, phẫn nộ xã hội thối nát xưa mà đặc biệt hiện thân là người cô, bé Hồng cho thấy thái độ kiên quyết của mình không để cho “những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Cậu luôn tự nhủ với bản thân và còn khẳng định với người cô: “… Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về” để chứng tỏ một niềm tin vào người mẹ yêu quý sẽ không bao giờ quên được anh em chú như người cô đã nói. Bé Hồng thiếu thốn tình mẫu tử từ nhỏ nhưng càng vì thế mà chú càng khao khát nó và quyết gìn giữ khỏi những ý đồ xấu xa, vì cậu tin rằng, sẽ có một ngày, một ngày rất gần thôi: Hồng sẽ được sà vào lòng người mẹ thân yêu.

Mẹ của bé Hồng phải thực dũng cảm khi trở về để vừa giỗ đầu chồng, vừa để thăm con. Người phụ nữ này đã ra đi trong hoàn cảnh trái tim trẻ trung khao khát được yêu thương nhưng xã hội phong kiến lại lại cố kìm hãm nó để rồi dẫn đến việc bà phải đi tha phương cầu thực. Nhưng giờ đây, người mẹ đã quay trở lại và bất chấp tất cả những lời đàm tiếu, dị nghị thậm chí sỉ nhục để được gặp đứa con thân yêu. Bà sẵn sàng đối mặt với những người họ hàng cay nghiệt, độc ác, cổ hủ bởi tình mẫu tử là không thể nào quên được. Tình cảm mẹ con dường như là rất tự. Cái ngày không xa đó đã đến. Một chiều tan học về, cậu thấy có bóng người ngồi trên xe kéo. Một cảm giác rất lạ rằng đó chính là mẹ, cậu chạy với theo và gọi: “Mợ ơi! Mợ ơi!”. Hình ảnh so sánh “khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” làm ta nhận thấy được sự yêu thương mãnh liệt của chú bé sau những ngày tháng tủi cực vừa qua. cảnh hai mẹ con đoàn tụ thật xúc động. Đối với Hồng, chú thấy mẹ đẹp lạ thường, phải chăng do lâu ngày xa cách mà cảm giác vui mừng đoàn tụ khiến em nhìn mẹ mình yêu thương hơn, đẹp đẽ hơn. Hơi quần áo, hơi thở và đặc biệt là hơi ấm từ lòng mẹ làm Hồng thấy hạnh phúc và sung sướng biết bao, như quên hết tất cả rắp tâm bẩn thỉu của người cô.

Xem thêm:  Cảm nhận về ba nhân vật trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê

Nhưng trong hoàn cảnh của Hồng và mẹ của chú thì nó lại vô cùng khó khăn và trắc trở. Cả hai đều phải vượt qua những thử thách riêng để cuối cùng họ được đoàn tụ, gặp nhau trong niềm vui khôn xiết. Người mẹ rối rít hỏi con thời gian qua sống ra sao rồi cứ quấn quýt mãi không rời. Bà đã truyền cho đứa con hơi ấm đích thực từ tình yêu thương của mẹ mà bấy lâu nay đã không thể làm, bà đã ở bên Hồng, ôrri chú vào lòng mà mong sao xoá đi những kí ức cô đơn, lẻ loi của cậu bé. Thời gian lúc đó cũng như ngừng trôi để khoảnh khắc hai mẹ con được bên nhau cứ dài thêm, dài thêm.

Tình mẫu tử trong đoạn trích về câu chuyện của bé Hồng thật thiêng liêng và quý giá biết bao. Chính chú bé đã đứng về phía mẹ mình, bảo vệ mẹ trước cái xã hội phong kiến mà hình ảnh tiêu biểu là người cô. Tác giả đã thể hiện sự khổ sở, đau lòng của người mẹ trong hoàn cảnh trớ trêu mà đặc biệt là khao khát tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng. Vì nó mà chú có thể làm tất cả để đấu tranh với cái hủ tục, lề lối cổ xưa để nhất quyết giữ trọn hình ảnh người mẹ dịu hiền và lương thiện trong mình, cảm xúc này của một đứa trẻ làm ta thực sự phải rung động và bất ngờ.

Tình mẫu tử thì dường như ai cũng có nhưng trong hoàn cảnh của bé Hồng ở đoạn trích Trong lòng mẹ, ta mới thấy nó thật đáng trân trọng và quý giá biết bao. Sẽ là chưa muộn cho cả bạn và tôi ngay bây giờ sà vào lòng người mẹ yêu quý để cũng như bé Hồng, cảm thấy được tình yêu thương rạo rực khắp người và làm tất cả để bảo vệ tình cảm thiêng liêng đó.

(Vũ Yến My, lớp 9A9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhận xét

Nắm được cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm, ở đây là cảm nhận, suy nghĩ, bình luận về tình mẫu tử. Người viết đã từ câu chuyện mẹ con chú chim nhỏ để dẫn vào câu chuyện của nhà văn Nguyên Hồng. Tình mẫu tử được xem xét từ phía người con và người mẹ. Những chi tiết, lời nói quan trọng đã được đề cập, phân tích và bàn luận. Tình cảm mẹ con là một tình cảm thiêng liêng mà không một rắp tâm tanh bẩn nào có thể xâm phạm. Chú bé Hồng đã trở thành một người dũng cảm bảo vệ tịnh cảm đó..

Tuy nhiên, cần chú ý cách gọi cậu bé, chú bé cho nhất quán. Và không nên suy diễn những điều trong văn bản không có ; chẳng hạn như: Người mẹ rối rít hỏi con thời gian qua sống ra sao rồi cứ quấn quýt mãi không rời.

Bài 2

Qua nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng, tất cả mỗi chúng ta đều cố thể nhận thấy rằng chất liệu chủ đạo mà ông sử dụng cho sáng tác của mình được lấy từ cuộc sống của những con người khốn khó hay của chính mình. Hồi kí Những ngày thơ ấu của ông cũng là một trong những tác phẩm như vậy. Tình mẫu tử như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ đoạn trích Trong lòng mẹ của hồi kí này.

Mẫu là mẹ, tử là con. Tình mẫu tử là tĩnh yêu thương chăm sóc mẹ dành cho con, sự kính trọng biết ơn mà con dành cho mẹ. Tất thảy những tình cảm đó tưởng chừng như bình thường, vậy mà dưới ngòi bút của Nguyên Hồng nó lại trở nên cụ thể và máu thịt, từ sự kết nối đó tạo nên ba chữ tình mẫu tử. Và trong đoạn trích này, tình cảm thiêng liêng đó được phát triển và trở thành đỉnh điểm của tình cảm con người.

Ngay từ phần đầu đoạn trích, với nghệ thuật xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật, nhà văn đã tạo dựng nên tình huống đối thoại giữa nhân vật người cô với chú bé Hồng. Những lời nói cay độc và đay nghiến của người cô đã khiến bé Hồng bộc lộ rõ tình yêu thương mẹ cháy bỏng khi người mẹ đáng thương đó phải đi tha hương cầu thực nơi đất khách quê người.

Có thể thấy ngay từ câu hỏi đầu tiên, người cô đã trút lên đầu đứa cháu tội nghiệp những lời mỉa mai độc địa:

– Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?

Với nụ cười nửa miệng và câu hỏi thăm đó, bà đã chạm đến nỗi đau đớn vì phải xa mẹ của chú bé. Người cô ruột đó đại diện cho sự lạnh lùng nghiệt ngã của những hủ tục phong kiến ngày xưa, cho nên sẵn sàng nói cho sướng miệng, cho hả lòng hả dạ. Không mảy may nghĩ đến nỗi đau của đứa cháu đáng thương. Hai anh em mới mấy tuổi đầu mà đã mồ côi cha, mẹ đi biệt xứ, không được sống trong tình yêu thương, em phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng, sự khinh ghét của người cô ruột. Có thể nói cuộc sống quanh em là những đau khổ và bất hạnh. Muốn Hồng khinh ghét, ruồng rẫy mẹ, muốn Hồng quay lưng lại với người phụ nữ đã từng là chị dâu của mình, bà ta đã không từ một thủ đoạn bỉ ổi nào dù có thể làm cho đứa cháu ruột của mình đau đớn đến tuyệt vọng.

Xem thêm:  Phân tích đoạn trích cảnh ngày xuân trong Truyện Kiều

Trong hoàn cảnh đó, tình yêu mẹ đã khiến em không dễ bị,những rắp tâm tanh bẩn của người cô đánh lừa. Em yêu thương mẹ bằng nguyên vẹn trái tim mình. Không gì có thể khiến em thay lòng đổi dạ và em đã khẳng định “cuối năm nhất định mợ cháu sẽ về”. Câu trả lời đó thật cứng cỏi, thật chắc chắn bởi nó được thốt ra từ chính miệng em, từ chính trái tim, từ chính lòng yêu quý, sự tin tưởng mà em dành cho mẹ mình.

Suốt cả đoạn trích, ta thấy đứa trẻ với một bản năng tự vệ, phải gồng lên để bạo vệ người mẹ đang biệt xứ nơi xa. Em đã kín đáo bảo vệ mẹ. Nhiều lúc chú bé “cười trong nước mắt”, lúc khác lại “nước mắt ròng ròng”. Những giọt nước mắt đó là nỗi đau, là sự day dứt mà chú bé đã hứng chịu thay mẹ, khác nào giơ vai ra đỡ những nhát dao đâm vào mẹ. Có thể thấy trong tâm hồn em đang có một sự đấu tranh quyết liệt. Em mong muốn được bảo vệ mẹ để không ai có thể xen vào tình cảm mẹ con, để niềm tin vào một ngày đoàn tụ trong em không bao giờ tan vỡ. Em muốn cùng mẹ đối mặt với lễ giáo phong kiến. Em không muốn mẹ mình cứ phải sống chui sống lủi, giấu giếm như một kệ ăn cắp hay một tên giết người vởi con dao đang vấy máu. Đứa trẻ đó có một mong ước cháy bỏng “giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Chỉ có tình cảm mẫu tử thiêng liêng mới tạo cho nó cái sức mạnh lớn lao đến vậy?

Ở cuối đoạn trích, khi hai mẹ con Hồng đã được gặp nhau là trường đoạn thấm đẫm tình cảm yêu thương, trìu mến của tình mẹ con. Thoáng thấy bóng mẹ là em đã cất tiếng gọi. Hồng đã run rẩy vì sợ bị nhầm. Hình ảnh so sánh sự sợ sệt đó với “người bộ hành đi trên sa mạc” thật là sâu sắc. Tiếng gọi của Hồng như xé tan khoảng không gian u ám của sự xa cách trong chế độ phong kiến xưa. Được mẹ ôm vào lòng, hơi ấm của mẹ đã xua tan đi những nỗi đau từ trước, trái tim rạn nứt đó trở nên lành lặn và khoẻ mạnh. Mọi rắp tâm tanh bẩn dường như không còn tồn tại nữâ mà thay thế vào đó là tình mẫu tử đẹp đẽ và chite chan niềm hạnh phúc “gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Được cảm nhận tình thương, được ngửi thấy “hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra…” – những thứ thật bình thường vậy mà đối với Hồng lại là những điều thật sự thú vị và thiêng liêng. Đây được coi là đỉnh điểm của tình mẫu tử ở đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.

Cảm ơn Nguyên Hồng, ông đã giúp cho chúng ta cảm nhận được tình mẹ con sâu nặng, tình mẫu tử cao quý và thiêng liêng.

(Nguyễn Bích Ngọc, lớp 9N, Trường THCS Nguyễn Du,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhận xét

Cố gắng thể hiện hiểu biết của mình về tình mẫu tử, người viết đã trình bày những biểu hiện tốt đẹp của tình cảm đó trong chú bé Hồng và trong người mẹ phải tha hương. Có những nhận xét khá tinh tế và so sánh chính xác đã làm nổi bật hình ảnh của bé Hồng và việc làm dũng cảm của chú để bảo vệ tình mẫu tử: Suốt cả đoạn trích, ta thấy dứa trẻ với một bản năng tự vệ, phải gồng lên để bảo uệ người mẹ đang biệt xứ nơi xa. Em đã kín đáo bảo vệ mẹ. Nhiều lúc chú bé “cười trong nước mắt”, lúc khác lại “nước mắt ròng ròng”. Những giọt nước mắt đó là nỗi đau, là sự day dứt mà chú bé đã hứng chịu thay mẹ, khác nào giơ vai ra đỡ những nhát dao đâm vào mẹ.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *