Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Hướng dẫn
Dựa vào câu thơ: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Hãy bình luận vài nét về nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.
Bài số 1
Một trong những yếu tố làm nên thành công cho kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Đại thi hào đã có hai câu thơ thật hay để khái quát về bút pháp nghệ thuật tài tình này:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”…
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đạt đến thành công tuyệt vời của thiên tài Nguyễn Du trong bút pháp này là tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều, SGK Văn học 9, tập 1):
“Buồn trông của bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi“.
Bản thân tên gọi của bút pháp đã hàm chứa phương thức biểu đạt “tả cảnh” nhưng “ngụ tình”. Nghĩa hiển ngôn của câu chữ là tả thiên nhiên, cảnh vật nhưng qua đó nhà thơ muốn gửi gắm cái tình, cái ý cùa nhân vật trữ tình. Như trong hai câu thơ dưới đây:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nhà thơ đã khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa cảnh và tình: cảnh theo tình, tình buồn cảnh cũng buồn theo. Và như thế, bức tranh phong cảnh đã trở thành bức tranh tâm cảnh.
Trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã vận dụng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình ấy.
Cảnh được miêu tả theo kiểu tứ bình trong con mắt trông bốn bể và từ xa tới gần. Cảnh đầu tiên mà Kiều trông là cảnh cửa bể lúc chiều hôm:
“Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”…
Không gian mênh mông rợn ngợp và thời gian khi chiều tà muôn thuở luôn gợi nỗi buồn trống vắng bơ vơ. Giữa khung cảnh ấy cánh buồm “thấp thoáng” vô định hiện hữu như một ảo ảnh. Hình ảnh cánh buồm dễ khiến ta liên tưởng đến những chuyến đò ngược xuôi về bến bờ của quê hương xứ sở. Cảnh đã gợi trong lòng người tha hương nỗi nhớ buồn về cha mẹ, quê nhà cách xa, nỗi cô đơn và khát khao sum họp.
Trên mặt nước mênh mông của chốn biển cả lênh đênh, cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi trong lòng Kiều nỗi buồn về thân phận trôi nổi, không biết rồi sẽ bị trôi dạt, bị vùi dập ra sao:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu “…
Cảnh làm Kiều xót xa cho duyên phận, số kiếp của mình. Sau một cửa biển một cánh hoa giữa dòng nước là cảnh của một nội cỏ:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”…
Cả một nội cỏ trải ra mênh mông nhưng khác với cỏ trong ngày thanh minh: “cỏ non xanh rợn chân trời” là sắc cỏ “rầu rầu” – một màu vàng úa gợi tới sự héo tàn, buồn bã. Màu xanh nhàn nhạt trải dài từ mặt đất tới chân mây không phải là màu xanh của sự sống của hy vọng mà chỉ gợi nỗi chán ngán vô vọng vì cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, cô quạnh này không biết bao giờ mới kết thúc. Cảnh mờ mịt cũng giống như tương lai mờ mịt, thân phận nội cỏ hoa hèn của Thuý Kiều. Và cuối cùng là cảnh con sóng nổi lên ầm ầm sau cơn gió:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Tiếng sóng kêu như báo trước sóng gió dữ dội của cuộc đời hay cũng là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên. Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như đang đứng trước sóng gió, bão táp của cuộc đời sắp đổ xuống đầu nàng. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Cảnh ngày một rõ hơn để diễn tả nỗi buồn từ man mác mông lung đến âu lo kinh sợ dồn đến bão táp nội tâm. Thiên nhiên chân thực, sinh động nhưng mờ ảo bởi nó được nhìn theo quy luật “cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Và đó cũng là hiện thân, là tang vật của quá khứ khổ đau, hiện tại lẻ loi bất hạnh và báo hiệu một tương lai khủng khiếp. Tất cả đều là hình ảnh về sự vô định, mong manh, vô vọng, sự trôi dạt, bế tắc.
Bên cạnh những từ láy, từ tượng thanh, tượng hình đầy sức gợi, đoạn thơ còn thành công ở việc dùng điệp ngữ “buồn trông”. Điệp ngữ này Nguyễn Du mượn trong ca dao:
“Buồn trông con nhện giăng tơ…
Buồn trông chênh chếch sao mai…”
Bốn cặp câu lục bát cũng là bốn cảnh và các cặp câu được liên kết nhờ điệp ngữ giàu tính truyền thống này:
Buồn trông của biển chiều hôm
Buồn trông ngọn nước mới sa
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Buổn trông gió cuốn mặt duềnh
“Buồn trông” là nhìn xa mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại nhưng trông mà vô vọng. “Buồn trông” có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn, có cả sự dự cảm hãi hùng của người con gái lần đầu lạc bước giữa cuộc đời. Điệp ngữ kết hợp với những hình ảnh đứng sau cùng các từ láy đã diễn tả nỗi buồn với nhiều sắc độ khác nhau, trào dâng lớp lớp như những con sóng lòng. Điệp ngữ tạo nên những vần bằng, gợi âm hưởng trầm buồn man mác, diễn tả nỗi buồn mênh mang sâu lắng, vô vọng đến vô tận. “Buồn trông” trở thành điệp khúc của đoạn thơ cũng như điệp khúc của tâm trạng. Bằng một gam màu nhạt và lạnh, Nguyễn Du đã vẽ lên một bộ tứ bình tâm trạng hết sức độc đáo và xúc động. Nguyễn Du đã chọn cách thể hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” thật độc đáo tạo nên đoạn thơ tuyệt bút với bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Bút pháp tả cảnh ngụ tình là một bút pháp nghệ thuật tinh tế và đặc sắc. Phải có sự đồng cảm đến tri âm tri kỉ với nhân vật trữ tình mới có thể đạt đến độ chín của bút pháp. Và bởi vậy, với việc vận dụng thành công thủ pháp nghệ thuật này trong việc diễn tả tâm trạng “Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích” Nguyễn Du đã bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, đa đoan và một tâm hồn nhân ái đến tuyệt vời.
Bài số 2
Cảnh vật luôn hài hòa cùng tâm trạng con người, tâm trạng chúng ta vui thì thấy cảnh vui, tâm trạng thi thấy cảnh buồnùng trong một cảnh vật, có người bảo cảnh đó vui, có người lại cho là buồn. Sở dĩ có sự trái ngược như thế là do bởi tâm linh người ngắm cảnh. Một người trong lòng vui sướng thì thấy mọi thứ chung quanh đều có vẻ vui sướng, một người có tâm trạng buồn rầu thì lại thấy cảnh vật toàn làm cho mình buồn muốn khóc. Bởi thế thi sĩ Nguyễn Du trong cuốn Truyện Kiều, đã viết:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nói đến lối văn tả cảnh, ta phải công nhận rằng trong Truyện Kiều đã có một nghệ thuật siêu việt. Mỗi cảnh tác giả nêu lên đều có ảnh hưởng đến tâm trạng của người ngắm cảnh, nhất là tâm trạng vui buồn của con người đa sầu đa cảm là nàng Kiều. Khi gia đình còn trong thời phong phú, chưa gặp cơn gia biến, chị em Kiều đi thanh minh trong một tiết xuân. Trong cảnh xuân ai cũng say sưa với cảnh vật, nhất là chị em Kiều đang độ thanh xuân, lòng tràn đầy nhựa sống yêu đương. Ta thấy Nguyễn Du tả cảnh vật qua tâm hồn hai nàng:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ”
Cái cảnh cỏ xanh, hoa trắng, phải chăng phản ánh lòng sung sướng hân hoan của người trong cảnh. Sau khi đi hội Đạp thanh về, nàng Kiều nghĩ tới Đạm Tiên, thương cho người con gái tài hoa bạc mệnh và để sửa soạn cho giấc mộng, ta thấy có câu:
“Nàng từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi, chiêng đà thu không
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng reo ánh nước, cây lồng bóng sân. ”
Cảnh đó đẹp lắm, cái cảnh mặt trời sắp lặn, trăng thượng tuần đã lơ lửng trên trời. Xa xa tiếng chiêng thu không văng vẳng làm cho người ngắm cảnh đã buồn lại càng buồn thêm, một nỗi buồn nhẹ nhàng, phảng phất không lúc nào biểu hiện rõ ràng. Cái buồn như ở trong ánh nước phát ra, lại như ở trong bóng cây đổ xuống, thật là nỗi buồn vô cớ. Khi đã bán mình chuộc tội cho cha, Kiều ở lầu Ngưng Bích buồn tủi và lo cho số phận mình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu”
Con thuyền được miêu tả ở đây đang bập bênh trên ngọn sóng ngoài khơi, biết đâu là bến bờ, lại ví thân mình như cánh hoa trôi dạt biết bao giờ mới khỏi con sóng gió dập vùi.
Cảnh buồn này đã ăn sâu vào trong thâm tâm của Thúy Kiều. Khi Kiều nhớ nhà, nhớ cha mẹ, khung cảnh xung quanh lại toát một màu riêng, một cảnh tượng riêng:
“Rừng thu từng chiếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn ”
Cảnh rừng thu, lá xanh chen lá vàng và tiếng chim buồn bã mênh mang là cảnh nổi lên rõ rệt khi người ta buồn rầu nhớ nhà.
Đến khi lấy Từ Hải, đã có chỗ nương thân, tạm được yên ấm phần thể xác, nàng nghĩ đến nhà, đến cha mẹ, cảnh được tả lên vẻ tiêu điều xơ xác:
“Rêu xanh chẳng vẻ dấu giầy
Cỏ non hơn thước, liễu gày vài phân
Đoái trông muôn dặm tử phần”
Thật là cảnh với tình bao giờ cũng đi đôi với nhau, cảnh dựa vào tình, tình làm hậu thuẫn cho cảnh. Tóm lại nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều rất chủ quan, chủ quan về bối cảnh, chủ quan về màu sắc… Thêm vào đó tác giả đã dùng nghệ thuật phóng khoáng, hàm súc và mang nhiều sắc thái dân tộc.
Một nghệ thuật tả cảnh hoàn toàn khách quan sẽ làm cho cảnh nhạt nhẽo vô vị, dù có lòe loẹt đến đâu chăng nữa cũng không có ảnh hưởng mãnh liệt đến người đọc. Một nghệ thuật khách quan sẽ không làm cho người đọc liên tưởng được cảnh bên ngoài và tình bên trong. Vậy không thể có nghệ thuật hoàn toàn khách quan được.
Nguyễn Du đã thành công trong khi dùng nghệ thuật tả cảnh hoàn toàn chủ quan. Phải chăng vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều giá trị lên gấp bội. Tâm trạng Kiều lúc đó tơi bời trăm ngả, chẳng khác gì con thuyền đang bập bênh trên ngọn sóng ngoài khơi, biết đâu là bến bờ, lại ví thân mình như cánh hoa trôi dạt biết bao giờ mới khỏi con sóng gió dập vùi. Nhìn cảnh mà hóa tâm trạng, từ tâm trạng mà nhìn ra cảnh, đó là cái tài trong nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.
Vì tâm trạng nàng Kiều lúc nào cũng buồn, nên khi có dịp ngắm cảnh vật, mọi cảnh vật xung quanh đối với nang đều buồn đến thê lương. Cảnh buồn này đã ăn sâu vào trong thâm tâm của Thúy Kiều. Khi Kiều nhớ nhà, nhớ cha mẹ, khung cảnh xung quanh lại toát một màu riêng, một cảnh tượng riêng:
“Rừng thu từng chiếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn ”
Cảnh rừng thu, lá xanh chen lá vàng và tiếng chim buồn bã mênh mang là cảnh nổi lên rõ rệt khi người ta buồn rầu nhớ nhà.
Kể cả đến khi đã về sống với Từ Hải, đã có chỗ nương thân, tạm được yên ấm phần thể xác, nàng nghĩ đến nhà, đến cha mẹ, nàng lại buồn và cảnh được tả lên vẻ tiêu điều xơ xác:
“Rêu xanh chẳng vẻ dấu giầy
Cỏ non hơn thước, liễu gày vài phân
Đoái trông muôn dặm tử phần”
Trong cảnh ẩn chứa cái tình, trong cái tình có can, cảnh với tình bao giờ cũng đi đôi với nhau, cảnh dựa vào tình, tình làm hậu thuẫn cho cảnh. Tóm lại nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều rất chủ quan, chủ quan về bối cảnh, chủ quan về màu sắc… Thêm vào đó tác giả đã dùng nghệ thuật phóng khoáng, hàm súc và mang nhiều sắc thái dân tộc.
Một nghệ thuật tả cảnh hoàn toàn khách quan sẽ làm cho cảnh nhạt nhẽo vô vị, dù có lòe loẹt đến đâu chăng nữa cũng không có ảnh hưởng mãnh liệt đến người đọc. Một nghệ thuật khách quan sẽ không làm cho người đọc liên tưởng được cảnh bên ngoài và tình bên trong. Vậy không thể có nghệ thuật hoàn toàn khách quan được. Nguyễn Du đã thành công trong khi dùng nghệ thuật tả cảnh hoàn toàn chủ quan. Phải chăng vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều giá trị lên gấp bội.
Búp pháp tả cảnh ngụ tình là búp pháp nghệ thuật tinh tế và đặc sắc. Nguyễn Du đã có sự nhập tâm vào nhân vật, đồng cảm với nỗi đau và mất mát của nhân vật mới có thể miêu tả cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng lại mang âm hưởng buồn. Với nghệ thuật tả cảnh để diễn tả tâm trạng nhân vật Nguyễn Du đã thể hiện cái tài và cái tâm cao thượng trong sáng của ông.
Theo hoctotnguvan.vn