Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 13 – Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 12
Đề bài
I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
CÂU CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA
Có hai hạt lúa nọ được giữa lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân hình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lửa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nên nó chết dần chết mòn. Trong khi đó hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đấy nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự lựa chọn của hạt giống thứ hai”.
(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, 2004)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Dựa vào văn bản, hãy cho biết vì sao hạt lúa thứ hai “mong được ông chủ mang gieo xuống đất”? (0,5 điểm)
Câu 3. Hình ảnh hai hạt lúa có ý nghĩ tượng trưng cho những kiểu người nào trong cuộc sống? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản là gì? (1,0 điểm)
II.LÀM VĂN
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ”.
Câu 2. (5,0 điểm)
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Anh/Chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ
*Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 2:
*Phương pháp: Đọc, tìm ý
*Cách giải:
Hạt lúa thứ hai “mong được ông chủ mang gieo xuống đất” vì nó muốn bắt đầu một cuộc đời mới.
Câu 3:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
*Cách giải:
Hình ảnh hai hạt lúa tượng trưng cho 2 kiểu người:
+ Hạt lúa thứ nhất: kiểu người sống trong mức an toàn, không dám làm gì mạo hiểm.
+ Hạt lúa thứ hai: kiểu người dám sống khác, dám đương đầu với thử thách.
Câu 4:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
*Cách giải:
Anh/chị có thể tự rút ra thông điệp có ý nghĩa cho bản thân mình từ câu chuyện. Có thể thông điệp: Mỗi người hãy dám dấn thân mình, sống một cuộc đời có ý nghĩa.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
*Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
*Cách giải:
v Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
v Yêu cầu về nội dung:
• Nêu vấn đề
• Giải thích vấn đề
“Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ” nghĩa là đừng sống một cuộc đời quá an toàn, hãy biết dấn thân chấp nhận những thử thách để sống có ý nghĩa hơn.
• Phân tích, bàn luận vấn đề
– Tại sao không nên sống một cuộc đời quá an toàn mà hãy biết dấn thân chấp nhận những thử thách để sống có ý nghĩa hơn?
+ Một cuộc đời an toàn sẽ không cho bạn những trải nghiệm mới lạ.
+ Thử thách là một phần của cuộc sống. Qua những thử thách, con người sẽ được tôi luyện cả về trí tuệ lẫn phẩm cách.
+ Chỉ khi dám chấp nhận một cuộc đời khác bạn mới có thể có được những thành công bất ngờ và đó cũng là cách khám phá những khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người.
– Phê phán những người luôn sợ hãi, luôn khép mình trong vòng an toàn.
• Liên hệ bản thân
Câu 2:
*Phương pháp:
– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
*Cách giải:
• Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có sức hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước.
– Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm bị chiếm miền Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích Đất Nước thuộc chương V của bản trường ca.
• Phân tích đoạn trích
– Đất Nước đã có từ rất lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết cổ tích xa xưa mà mỗi chúng ta đều được nghe kể trong suốt thời thơ ấu
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa, ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
+ Đó là sự tích trầu cau thấm đượm tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em
+ Đó là truyền thuyết Thánh Gióng nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh đuổi giặc Ân
– Đất nước đã có từ rất lâu đời gắn liền với những thuần phong mĩ tục:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
+ Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng búi tóc thành cuộn sau gáy là một trong những nét văn hóa đặc thù
+ Lối sống coi trọng nghĩa tình, hôn nhân đậm bền khi trải qua những thử thách “gừng cay muối mặn”.
– Đất nước đã có từ rất lâu trong tiến trình phát triển của cuộc sống đời thường:
+ Dựng nhà:
Cái kèo, cái cột thành tên
+ Nền văn minh nông nghiệp:
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
⟶ Chốt lại đoạn thơ mở đầu Nguyễn Khoa Điềm nhẹ nhàng ghi khắc vào lòng ta: Đất nước có từ ngày đó... Ngày đó là ngày đất nước ta có phong tục, truyền thống, có văn hóa được tạo dựng trong một khoảng thời gian lâu dài.
Tổng kết
Hoctotnguvan.vn