Đề số 8 – Đề kiểm tra học kì 1 – Ngữ văn 12

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 8 – Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 12

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2015)

Câu 1: (0,5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2: (0,75 điểm)

Từ “cháy” trong câu cuối cùng của ngữ liệu trên cần hiểu như thế nào? Từ “cháy” đó được chuyển nghĩa theo phương thức nào?

Câu 3: (0,75 điểm)

Anh/chị hiểu như thế nào về câu Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity)?

Câu 4: (1,0 điểm)

Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Hãy tha thứ cho chính mình.

Câu 2: (5,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây trong đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

(Quang Dũng, Tây Tiến, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU 

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

*Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Cháy hết mình, “cháy” được hiểu là con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.

Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Câu nói đó được hiểu như sau: Với những người tích cực, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội tốt trong những cái nguy nan.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Học sinh có thể tự đưa ra thông điệp có ý nghĩa với mình qua đoạn trích.

Có thể đó thông điệp: Hãy luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất có thể.

II. PHẦN LÀM VĂN 

Câu 1:

*Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

*Cách giải:

Yêu cầu về hình thức:

– Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.

Yêu cầu về nội dung:

     • Nêu vấn đề

     • Giải thích vấn đề

-Tha thứ là tha cho, bỏ qua cho, không trách cứ hoặc trừng phạt nữa.

-Hãy tha thứ cho chính mình: Hãy bỏ qua, không trừng phạt bản thân mình nữa trước một điều không hay đã xảy ra.

     • Phân tích, bàn luận vấn đề

-Tại sao con người cần phải tha thứ cho chính mình?

+Tha thứ là cách giúp con người giải thoát khỏi những uất ức trong lòng

+Cuộc sống là một dòng chảy liên tục, ta không nên chỉ nhìn vào quá khứ, vào lỗi lầm đã qua

+Khi biết tha thứ cho mình, con người mới nhìn được nhiều hướng khác nhau trong cuộc sống và biết tha thứ cảm thông với người khác.

-Làm thế nào để học được cách tha thứ cho chính mình?

+Mỗi người cần phải biết tự yêu thương và trân trọng mình

+Mỗi người cần hiểu rõ con người luôn luôn vận động, tại mỗi thời điểm có thể có những quyết định khác nhau và dù thế nào cũng là quyết định của mình tại thời điểm đó

-Phê phán những người quá khắt khe với bản thân

  • Liên hệ bản thân

Câu 2:

*Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

  • Giới thiệu tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến

-Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986).

  • Phân tích đoạn thơ

a/ Đoạn thơ mở đầu bằng hai câu thơ mang cảm xúc chủ đạo của toàn đoạn thơ. Cảm xúc ấy là nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

– Đối tượng của nỗi nhớ ấy là con Sông Mã, con sông gắn liền với chặng đường hành quân của người lính. Đối tượng nhớ thứ hai là nhớ Tây Tiến, nhớ đồng đội, nhớ bao gương mặt một thời chinh chiến.

– Nỗi nhớ ấy được bật lên thành tiếng gọi tha thiết “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” gợi lên bao nỗi niềm lâng lâng khó tả.

– Đối tượng thứ ba của nối nhớ đó là “nhớ về rừng núi” . Rừng núi là địa bàn hoạt động của Tây Tiến với bao gian nguy, vất vả nhưng cũng thật trữ tình, lãng mạn. Nhưng nay, tất cả đã “xa rồi”. “Xa rồi” nên mới nhớ da diết như thế.

– Điệp từ nhớ được nhắc lại hai lần như khắc sâu thêm nỗi lòng của nhà thơ. Đặc biệt tình cảm ấy được Quang Dũng thể hiện bằng ba từ “Nhớ chơi vơi”, cùng với cách hiệp vần “ơi” ở câu thơ trên làm nổi bật một nét nghĩa mới: “Chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu cả. “Nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn, không đầu, không cuối, không thứ tự thời gian, không gian. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, bồi hồi, bâng khuâng, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.

b/ Đoạn thơ còn lại là sự hồi tưởng về cuộc hành quân giữa núi rừng miền Tây hùng vĩ:

b.1/ Con đường Tây Tiến mở ra theo cả hai chiều thời gian và không gian: Theo lời thơ, một hành trình Tây Tiến gian khổ, nhọc nhằn, đầy thử thách với con người được mở ra.

Theo chiều không gian:

Tác giả gợi nhắc nhiều địa danh xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu… để đưa người đọc bước vào những địa hạt heo hút, hoang dại theo bước chân quân hành của người lính Tây Tiến.

– Ấn tượng đầu tiên hiện ra trong nỗi nhớ của người lính Tây Tiến là sương núi mịt mù:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Trên đỉnh Sài Khao, sương dày đến độ vùi lấp cả đường đi, vùi lấp cả đoàn quân trong mờ mịt. Đoàn quân hành quân trong sương lạnh giữa núi rừng trùng điệp không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi rã rời. Con người trở nên hết sức bé nhỏ giữa biển sương dày đặc mênh mông ấy…

– Ấn tượng tiếp theo được tác giả tập trung bút lực để khắc họa là núi cao vực sâu, là đèo dốc điệp trùng:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

+ Những câu thơ chủ yếu dùng thanh trắc tạo nên những nét vẽ gân guốc, mạnh mẽ, chạm nổi trước mắt người đọc cái hùng vĩ và dữ dội của thiên nhiên

+ Nhịp ngắt 4/3 quen thuộc của thể thơ 7 chữ như bẻ gẫy câu chữ để tạo độ cao dựng đứng giữa hai triền dốc núi:

– Dốc lên khúc khuỷu/ dốc thăm thẳm;

– Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống

Nhịp ngắt đã trở thành giao điểm phân định rạch ròi hai hướng lên xuống của vô vàn con dốc tạo thành các cung đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến, gợi ra những dãy núi xếp theo hình nan quạt trải dài khắp miền Tây Bắc. Người đọc hình dung ra hình ảnh dốc rồi lại dốc nối tiếp nhau, khúc khuỷu gập ghềnh đường lên, rồi lại thăm thẳm hun hút đường xuống.

+ Những từ láy giàu sức tạo hình khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút được đặt liên tiếp nhau để đặc tả sự gian nan trùng điệp. Dốc khúc khuỷu vì quanh co, hiểm trở, gập ghềnh khó đi, vừa lên cao đã vội đổ dốc, cứ thế gấp khúc nối tiếp nhau. Thăm thẳm không chỉ đo chiều cao mà còn gợi ấn tượng về độ sâu, cảm giác như hút tầm mắt người, không biết đâu là giới hạn cuối cùng. Heo hút gợi ra sự vắng vẻ, quạnh hiu của chốn rừng thiêng nước độc. Từ láy cũng mang đến cho người đọc cảm tưởng rằng người lính Tây Tiến đã vượt qua vô vàn những đèo dốc để chinh phục đỉnh núi cao nhất.

Theo chiều thời gian:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

– Chiều chiều, tiếng thác nước gầm thét thị oai sức mạnh hoang sơ bản năng của núi rừng. Cái dữ dội của thiên nhiên được đẩy cao cực độ trong âm thanh gầm thét mạnh mẽ kia

– Đêm đêm, sự hiện diện của cọp dữ thấp thoáng đâu đây đe doạ tính mạng con người… Hai chữ Mường Hịch như một dấu nặng to rơi xuống dòng thơ, không chỉ còn là một địa danh cụ thể (nơi đặt sở chỉ huy của mặt trận Tây Tiến) mà trở nên đầy ám ảnh, gợi ra dấu chân lởn vởn của thú dữ trong vắng vẻ…

=> Cảnh núi rừng miền Tây hoang sơ và hiểm trở, qua ngòi bút QD, hiện lên với đủ cả núi cao, vực sâu, dốc thẳm, mưa rừng, sương núi, thác gầm, cọp dữ…

b.2/ Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:

Những gian khổ, hi sinh:

– Địa hình hiểm trở của núi rừng đã gợi ra sự vất vả, những hơi thở nặng nhọc của người lính TT trên mỗi chặng hành quân vượt dốc. Đoàn quân không chỉ có lúc mỏi mệt “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”, mà còn có không ít những mất mát, hi sinh:

       Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Hai câu thơ như một thước phim được cố ý quay chậm, phơi bày ra sự thật khắc nghiệt về những gian khổ, hi sinh của đời lính. Người chiến binh mệt mỏi vì đường xa, vì đói khát, bệnh tật… vẫn cố gắng tiến bước cho đến lúc buộc phải nằm lại trên dọc đường hành quân. Hai chữ “dãi dầu” đã gói ghém trong đó biết bao những khó khăn gian khổ mà người lính Tây Tiến đã trải qua trên những cung đường hành quân. Chữ “gục” đã khắc tạc hình ảnh người lính kiệt sức thật tội nghiệp. Những thanh “ngã” xuất hiện cách quãng đều đặn cũng góp phần tạo nên âm điệu ảo não trong câu thơ.

– Đáng chú ý là lối xưng hô của nhà thơ, không phải là cách gọi “đồng chí” phổ biến quen thuộc trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, mà là “anh bạn”. Một từ giản dị ấy thôi nhưng gói ghém cả tình đồng chí, cả tình bạn bè và cả nghĩa ruột thịt sâu nặng

– Tuy nhiên, nhà thơ đã dùng những cụm từ “không bước nữa”, “gục lên súng mũbỏ quên đời” để tránh đi màu sắc tang thương, để vơi đi nỗi nghẹn ngào xót xa đang trào dâng. Chính vì thế, câu thơ nói về cái chết nhưng không có màu sắc bi lụy.

Sự lạc quan, yêu đời, khỏe khoắn:

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

– Dốc dựng đứng giữa trời, nên khi chinh phục được, người lính tưởng chừng như đang bồng bềnh đứng giữa biển mây, độ cao của bầu trời chỉ còn trong tầm mũi súng. Từ “ngửi” là cách nói tếu táo, tinh nghịch của lính tráng, dám trêu ghẹo cả tạo hóa. Nó không chỉ cho thấy sự lạc quan, yêu đời của lính Tây Tiến mà còn gợi ra tư thế khỏe khoắn của con người trước thiên nhiên. Người lính giữa thiên nhiên khắc nghiệt không hề bị chìm lấp đi mà nổi bật lên đầy thách thức.

Sự bay bổng, lãng mạn:

– Giữa mịt mù sương lạnh, người lính Tây Tiến vẫn thấy con đường hành quân thật đẹp và nên thơ:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Vẫn là sương khói ấy thôi, nhưng cách nói “hoa về” khiến sương không còn lạnh giá nữa mà gợi sự quần tụ, sum vầy thật tình tứ và ấm áp

– Giữa cái dữ dội tột đỉnh của thiên nhiên “dốc lên… ngàn thước xuống”, họ vẫn giữ được ánh nhìn vô cùng bay bổng:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

→   Ở đây, Quang Dũng đã rất tài hoa trong nghệ thuật phối hợp thanh điệu. Đang từ những thanh trắc liên tiếp trong 3 câu thơ trên, đột ngột một dòng thơ toàn thanh bằng đã cân bằng lại mạch thơ, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như chưa từng có hành trình trèo đèo vượt dốc nào.

       Người lính Tây Tiến dường như quên hết những mệt mỏi, gian khổ, phóng tầm mắt ra xa. Trong màn mưa phủ kín đất trời, một vài đốm nhà nhỏ ẩn hiện thấp thoáng, bồng bềnh như giữa biển khơi, thật thi vị, nên thơ, ấm áp…

        Hai chữ “nhà ai” phiếm chỉ thật tình tứ, có lẽ trong tưởng tượng của những người lính Tây Tiến cũng là những chàng trai Hà thành hào hoa thì chủ nhân của những nếp nhà kia là những sơn nữ xinh đẹp

Giàu tình cảm: thể hiện qua hai câu thơ kết tái hiện một cảnh tượng thật đầm ấm:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

– Sau bao nhiêu gian khổ băng rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo, những người lính tạm dừng chân, nghỉ ngơi ở một bản làng, quây quần bên những nồi cơm đang bốc khói. Khói cơm nghi ngút, hương thơm lúa nếp ngày mùa và sự ân cần của những cô gái Mai Châu đã xua tan đi những mệt mỏi…

– Câu thơ trên có ba thanh trắc xuất hiện cách quãng đều đặn như tạc hình những tia khói mảnh dẻ bay lên qua kẽ lá rừng, đồng thời đã đẩy nỗi nhớ lên cung bậc da diết nhất

– Câu thơ cuối lại toàn thanh bằng tạo nên một cảm giác êm dịu, ấm áp đến vô cùng. Như vậy, ấn tượng đọng lại cuối cùng trong kí ức của người lính Tây Tiến sau những chặng đường hành quân không phải là sự dữ dội, hiểm nguy mà là hương vị và tình người nồng ấm của mảnh đất miền Tây

Tiểu kết:

– Sức hấp dẫn chủ yếu của đoạn thơ là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ của rừng núi miền Tây trải dài theo chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến, được phác thảo bằng bút pháp lãng mạn ưa cực tả và thủ pháp đối lập

– Nỗi nhớ chính là cảm xúc bao trùm cả đoạn thơ, khi thì khắc khoải với những kỉ niệm, lúc lại ẩn hiện trong những địa danh “hình khe thế núi”, lúc lặp đi lặp lại bằng ngôn từ diễn tả trực tiếp…

Hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Đề bài:Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Bài làm…
Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Đề bài: Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức. Bài làm 1.Anh Đức thuộc…
Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn. Bài làm Lỗ Tấn (1881…
Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Đề bài: Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *