Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 4 – Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 12
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi
Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blốc của một người bạn. Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca – cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…”
Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? Ừ nhỉ! Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi vì không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng, khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ khi chúng ta…
(Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” (1,0 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/ Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (NLXH – 2 điểm)
Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.
Câu 2: (NLVH – 5 điểm)
Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương và cái tôi của tác giả trong đoạn trích sau đây:
“Trong các dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di Gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở mọi cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
*Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.
*Cách giải:
Phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2:
*Phương pháp: Đọc, tìm ý.
*Cách giải:
Tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” vì dường như lâu nay người ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc.
Câu 3:
*Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học.
*Cách giải:
Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc (khi chúng ta… thì ngoài kia… )
Tác dụng: Nhấn mạnh vào việc con người luôn thấy mình bất hạnh trong khi thực tế còn có những người họ bất hạnh hơn mình rất nhiều.
Câu 4:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
*Cách giải:
Anh/chị tự rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích. Đó có thể là thông điệp: Hạnh phúc bắt nguồn từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống. Hạnh phúc luôn bên ta và quanh ta.
II.PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
*Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
*Cách giải:
v Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
v Yêu cầu về nội dung:
• Nêu vấn đề
• Giải thích vấn đề
Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì hoàn toàn đạt được ý nguyện.
• Phân tích, bàn luận vấn đề
– Quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc:
+ Hạnh phúc là hưởng thụ.
+ Hạnh phúc là trải nghiệm.
+ Hạnh phúc là sống vì người khác.
+ Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…
– Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?
+ Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.
+ Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…
• Bài học nhận thức và hành động
– Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.
– Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.
Câu 2:
*Phương pháp:
– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
*Cách giải:
• Giới thiệu tác giả, tác phẩm
-Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,… Tất cả được thể hiện qua lối hành văn súc tích, mê đắm và tài hoa.
– Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, ngày 4 – 1 – 1981, in trong tập sách cùng tên.
• Phân tích đoạn trích: Đoạn trích là hình ảnh sông Hương trong không gian núi rừng Trường Sơn
* Là bản trường ca của rừng già: Ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp vừa hùng vừa trữ tình, mang một sức sống mãnh liệt.
* Như cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại: biện pháp nhân hóa đã gợi ra vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của dòng sông.
* Là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở: khi ra khỏi rừng già, dòng sông nhanh chóng mang vẻ đẹp “dịu dàng và trí tuệ”, góp phần hình thành, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của xứ Huế
ð Tác giả đã thực sự kì công để khám phá và hết sức tinh tế để thấu hiểu cái phần đời mà “dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.
• Cảm nhận về cái tôi tác giả trong đoạn trích
– Cái tôi tài hoa uyên bác
– Cái tôi yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước
Tổng kết
Hoctotnguvan.vn