Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 Sở GD và ĐT tỉnh Đồng Tháp

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2019 – 2020 Sở GD và ĐT tỉnh Đồng Tháp với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TỈNH ĐỒNG THÁP

……….

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề gồm có 02 trang)

 

KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019 – 2020

Môn: Ngữ Văn – Lớp 12

Ngày kiểm tra: 16/12/2019

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

            Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4

            Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh; muốn cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo… Những cuộc đấu tranh như thể diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình.

            Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến của những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.

            Bạn phải hiểu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả. [….] Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình…

(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp

NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)

Câu 1: (0.5 điểm)

Theo tác giả, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và ý nghĩa nhất mà tất cả chúng ta đều phải trải qua cuộc đấu tranh với những gì?

Câu 2: (0.5 điểm)

Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Hãy tiếp thu ý kiến của những người xung quanh nhưng đừng để chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn”?

Câu 3: (1.0 điểm)

Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu sau: “Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm lên cuộc sống của bạn.”

Câu 4 (1.0 điểm)

Anh/chị sẽ làm gì để có thể “tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả”?

II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1: (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về vai trò của niềm tin trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.

Câu 2: (5.0 điểm)

Trong bài thơ Việt Bắc, cách chia tay giữa những người kháng chiến và nhân dân Việt Bắc đã được Tố Hữu thể hiện qua lời đối đáp:

Người dân Việt Bắc hỏi:

­- Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mũ

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Người kháng chiến đáp lại:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi….

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ Văn 12, Tập một

NXB Giáo dục Viêt Nam, 2018, tr 110 – 111)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

………………………….Hết…………………………

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I.ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Tiếp thu ý kiến đúng của người khác giúp bạn khắc phục những hạn chế của bản thân, hoàn thiện bản thân mình hơn

– Tuy nhiên, nếu cuộc sống bị chi phối quá nhiều vào lời của người khác, bạn sẽ đánh mất đi chính mình, đánh mất đi chính kiến của bản thân, trở thành bản sao của một ai đó.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Nghệ thuật: ẩn dụ

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự ảnh hưởng tiêu cực của nỗi sợ hãi đến cuộc sống con người. Con người phải biết vượt qua “bóng đêm” của nỗi sợ hãi mới có thể đạt được sự thành công.

+ Tăng giá trị biểu đạt cho câu văn.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

– Lựa chọn con đường đúng đắn, phù hợp với khả năng, điều kiện, thực tế

– Không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thử thách trên con đường đạt mục tiêu của mình

II.LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

– Giải thích: “Niềm tin” là niềm hi vọng, sự tin tưởng vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất của mình trong cuộc sống.
– Phân tích, bình luận:

* Vai trò của niềm tin

+ Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.

+ Niềm tin vào bản thân đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp. Niềm tin giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống.
+ Niềm tin vào bản thân giúp con người vượt lên mọi thử thách và trưởng thành.
+ Khi bạn có niềm tin, tinh thần lạc quan, bạn sẽ lan tỏa, truyền niềm tin, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống nhưng người xung quanh.

* Đánh mất niềm tin:

+ Mình là người hiểu rõ mình nhất, đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ trở thành người không có ý chí, không có nghị lực, không có quyết tâm, không biết mình là ai, sống để làm gì, vì thế mọi điều khác như tiền bạc, công danh, sẽ trở thành vô nghĩa…

+ Không có niềm tin vào bản thân sẽ không thể có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các cơ hội trong cuộc sống, dễ đổ vỡ, sa ngã, đánh mất chính mình…

Câu 2:

*Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Dẫn dắt vấn đề

TB:

Hoàn cảnh sáng tác: Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc để ghi lại không khí bịn rịn, nhớ thương của kẻ ở, người đi.

Vị trí đoạn trích

*Người dân Việt Bắc hỏi: Bốn dòng  nhắc nhớ những ngày tháng gian khổ ở chiến khu Việt Bắc; bốn dòng tạo thành hai câu hỏi như khơi sâu vào những kỉ niệm đáng nhớ:

“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mùa”
– Nhà thơ sử dụng hàng loạt những hình ảnh lấy ra từ thực tế đời sống kháng chiến như “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, đó là đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc trong những ngày khắc nghiệt.

=> Gợi ra những gian nan vất vả của những ngày kháng chiến. Ngoài ra, biện pháp liệt kê cùng hai từ “những, cùng” cho thấy những khó khăn diễn ra dồn dập, liên tục.
“Mình về có nhớ chiến khu,
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”
– “Miếng cơm chấm muối” là hình ảnh chân thực được rút ra từ kháng chiến đầy gian nan.

–  Hình ảnh “mối thù nặng vai” đã cụ thể hoá, vật chất hoá mối thù của nhân dân ta với quân xâm lược.
– Biện pháp tiểu đối giữa hai vế trong câu thơ “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” làm nổi bật giữa một bên là đời sống thiếu thốn, gian khổ và một bên là là lòng căm thù giặc oằn nặng trên vai.
=> Cách nói của Tố Hữu rất giàu hình ảnh. Mối thù là một tình cảm trừu tượng không thể thấy được, sờ được nhưng nói “mối thù nặng vai” thì cái điều trừu tượng kia đã được trọng lượng hoá một cách cụ thể. Mối thù càng nặng bao nhiêu thì lòng căm thù giặc sâu sắc bấy nhiêu.
– Hai hình ảnh “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” đối xứng và kết lại với nhau tạo nên một ý nghĩa mới mẻ, sâu xa: mối tình đoàn kết chiến đấu cùng chung gian khổ, cùng mang một mối thù thực dân là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vang dội, chiến công chói lọi.

* Người kháng chiến đáp lại:

– “Những ngày” ở đây là cách nói chỉ thời gian gắn bó nhớ thương vô vàn giữa người đi kẻ ở. Đó là nỗi nhớ về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” với bao ân tình cao đẹp. Mười lăm năm ta đã cùng mình gánh vác giang sơn, chịu đựng bao gian khổ, thiếu thốn; đã cùng nhau đi qua bao biến cố; mười lăm năm ấy giờ đã thành máu thịt trong nhau rồi

– Thành ngữ “đắng cay ngọt bùi” giàu sức gợi. “Đắng cay” là để chỉ những gian khổ, mất mát, hi sinh; “ngọt bùi” chỉ niềm vui, hạnh phúc, vinh quang.

=> Ý thơ thể hiện ý nghĩa sâu xa: ta đã cùng mình trải qua những thăng trầm, trải qua bao gian khó, bao buồn vui, ngọt bùi cay đắng, cùng nhau đi qua vinh nhục… nên đã thấu hiểu, đồng cảm với nhau. Từ đây ta và mình đã mãi mãi trở thành tri kỷ

– Hình ảnh: “chia củ sắn”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng” kết hợp ba động từ “chia-sẻ-đắp” đã cụ thể hoá tình đoàn kết, hữu ái giai cấp, gắn bó sâu sắc, chân thành giữa cách mạng và nhân dân. 

* Nghệ thuật: Đậm đà tính dân tộc:  Thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng. Cách miêu tả giàu hình ảnh. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ, liệt kê…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình).

KB: Nêu cảm nhận chung

 

 

Hoctotnguvan.vn

 

Bài liên quan

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Đề bài:Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Bài làm…
Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Đề bài: Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức. Bài làm 1.Anh Đức thuộc…
Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn. Bài làm Lỗ Tấn (1881…
Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Đề bài: Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *