Cảm nhận của anh/chị về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim Lân).
Đề bài: Nét đặc sắc của Tô Hoài và Kim Lân trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” .
BÀI LÀM
I. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
– Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.
– Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”.
– Thông qua hai tác phẩm, Tô Hoài và Kim Lân đã thể hiện những nét đặc sắc trong việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
II. Phân tích:
1. Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”:
– Mị là một cô gái người dân tộc Mèo (H’Mông) đã kết tinh được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ miền núi. Nhưng dưới mấy tầng áp bức khắc nghiệt tàn bạo của cường quyền, thần quyền, hủ tục phong kiến, Mị gần như tê liệt hết sức sống.
– Tô Hoài đã khám phá ra lòng ham sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc, tự do tiềm ẩn mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Chính sức sống này là tiền đề quan trọng giúp Mị thoát khỏi nhà ngục thống lí tìm đến Phiềng Sa được cán bộ A Châu dìu dắt để trở thành người tự do, người làm chủ cuộc đời mình, chiến đấu, giải phóng quê hương mình như một tất yếu.
– Qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã đặt vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc chân chính của người phụ nữ miền núi và con đường giải phóng họ phải đi từ tự phát đến tự giác, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”:
– Nét đặc sắc về nghệ thuật của Kim Lân ở truyện này là đã sáng tạo được một tình huống rất độc đáo: “Vợ nhặt”, nghĩa là nhặt được vợ giữa nạn đói khủng khiếp. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, Kim Lân đã có điều kiện làm nổi rõ số phận cùng phẩm chất nhân vật.
– Vợ Tràng: Đây là một người phụ nữ bị cái đói xô đẩy thành thân phận bơ vơ. Và cái đói cũng huỷ hoại cả thể xác tâm hồn chị. Nhưng khi gặp người chồng thực sự yêu thương, gặp bà mẹ chồng đôn hậu, thị đã trở thành “một người phụ nữ hiền hậu đúng mực”.
– Bà cụ Tứ: Sống nghèo khổ dưới đáy cùng của xóm ngụ cư với dáng đi “lọng khọng”, thân hình còm cõi, gương mặt u ám. Cuộc sống bắt bà phải sống cuộc sống tối tăm nhưng không thể dập tắt được phần người, rất người trong tâm hồn bà cụ già nua và nghèo khổ nhưng cần cù, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu con, rất mực nhân hậu, vị tha và một lòng hướng về cái thiện, về tương lai tươi sáng.
3. Điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm:
– Sự tương đồng: Cùng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Những nhân vật phụ nữ của Tô Hoài, Kim Lân được các nhà văn quan sát, miêu tả trong xu thế hiện thực, vận động đi lên nên số phận các nhân vật này đã đi từ bóng tối đến ánh sáng, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
– Sự khác biệt: Do cái nhìn khám phá riêng biệt độc đáo của từng tác giả trước hiện thực cuộc sống nên mỗi nhân vật cũng có những biểu hiện khác nhau về số phận và vẻ đẹp tâm hồn thật đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Mị là nạn nhân của chế độ phong kiến miền núi hà khắc mà hiện thân của nó là cha con thống lí Pá Tra; bà cụ Tứ, vợ Tràng là những nhân vật bị cái đói, cái chết đe doạ cướp đi sự sống. Nhưng họ không mất đi hy vọng vào tương lai và luôn luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt.
III. Đánh giá:
Hai tác phẩm không chỉ thể hiện tài năng mà còn cả tấm lòng của hai tác giả. Tô Hoài và Kim Lân xứng đáng là những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam.
Hoctotnguvan.vn