Đọc hiểu bài thơ “Xuất dương lưu biệt”

Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà yêu nước và cách mạng của dân tộc Việt Nam – người từng được đánh giá là “bậc anh hùng, vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu).

   Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà yêu nước và cách mạng của dân tộc Việt Nam – người từng được đánh giá là “bậc anh hùng, vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu).

   Ông là đại diện đầu tiên tiêu biểu nhất cho đội ngũ các nhà cách mạng biết dùng thơ văn như một thứ vũ khí chiến đấu hiệu quả nhất. Cuộc đời của Phan Bội Châu là một minh chứng cho lí tưởng “chí nam nhi” của các bậc quân tử phương Đông. Phan Bội Châu là người khơi dòng chảy cho loại văn chương trữ tình – chính trị. Thơ ông thể hiện một bầu nhiệt huyết luôn sục sôi của một người mà lí tưởng duy nhất là giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Suốt những năm trai trẻ đến những ngày làm “ông già Bến Ngự”, Phan Bội Châu luôn nung nấu trong lòng khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng một đất nước dân chủ tiến bộ.

2. Lưu biệt khi xuất dương thể hiện vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của lớp nhà nho tiên tiến đầu thế kỉ XX: Ý tưởng mạnh mẽ, táo bạo, nhiệt huyết và khát vọng giải phóng dân tộc luôn sôi trào. Bằng một giọng thơ sôi nổi, đầy hào khí, tác giả đã thể hiện được tinh thần chung của thời đại, đã thổi vào không khí cách mạng đầu thế kỉ XX một luồng sinh khí mới. Điều này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam ở thời điểm cam go nhất.
3. Lưu biệt khi xuất dương được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Hình thức cổ điển nhưng tứ thơ, khí thơ và cảm hứng lại rất hiện đại, đó là sản phẩm tinh thần của một nhà nho tiến bộ. Bài thơ thể hiện một lí tưởng sống cao đẹp, đồng thời là một bài học về đạo làm người.

4. Đọc hiểu 

   Phan Bội Châu là người khơi dòng chảy cho loại văn chương trữ tình chính trị. Thơ văn của ông có sức chiến đấu mạnh mẽ, “đọc thơ văn Phan Bội Châu, lí trí chưa kịp nhận thức và tán thành thì ngó lại, trái tim đã bị nó hoàn toàn chinh phục rồi”. Giá trị của thơ văn Phan Bội Châu chính là ở cảm xúc cách mạng chân thành, sôi nổi. Ông nói thẳng và cổ vũ trực tiếp cho cách mạng. Bài thơ Xuất dương lưu biệt thể hiện những nét đặc sắc của phong cách thơ tuyên truyền vận động cách mạng của Phan Bội Châu.
   Sinh ra và lớn lên vào thời kì nhạy cảm nhất của lịch sử dân tộc, Phan Bội Châu chứng kiến cảnh dân tộc lần lượt rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp. Ông cũng được chứng kiến sự thất bại của phong trào Cần vương nhưng cũng lại được sống trong không khí đổi mới do ảnh hưởng của Tân thư đang truyền vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Năm 1905, sau khi Duy tân hội được thành lập, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương sang Nhật để đặt cơ sở đào tạo cốt cán cho phong trào cách mạng trong nước. Xuất dương lưu biệt được sáng tác trong buổi chia tay lên đường.
   Bài thơ là sự nối tiếp xuất sắc cảm hứng về chí làm trai của văn học truyền thống từ thời Phạm Ngũ Lão đến Nguyễn Công Trứ:

   Sinh vi nam tử yếu hi kì,
   Khẳng hứa càn khôn tự chuyển đi.
   (Làm trai phải lạ ở trên đời,
   Há để càn khôn tự chuyển dời.)

   Hai câu thơ đã thể hiện một lí tưởng đẹp của con người. Con người phải làm chủ bước đi của lịch sử, phải tích cực tham gia vào sự vận động của thế sự. Mở rộng ra nghĩa là con người phải chủ động trước hoàn cảnh. “Làm trai” là khẳng định chí khí của thanh niên nói chung, chứ thực ra, Phan Bội Châu không phải là người có tư tưởng bảo thủ “trọng nam khinh nữ”. Trong Trùng Quang tâm sử, ông đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của mình qua việc xây dựng một số hình tượng người phụ nữ anh hùng, có chí khí như cô Chí (Tỏ mặt anh thư). Mở đầu bằng việc khẳng định lí tưởng truyền thống, tác giả đã tạo nên tâm thế để tiếp tục khẳng định:

   Ưu bách niên trung tu hữu ngã,
   Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
   (Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
   Sau này muôn thuở, há không ai?)

   Một lời khẳng định dứt khoát, đầy khí phách về sức mạnh của con người trước càn khôn. Ý thức về cái Tôi đã được tác giả tận dụng triệt để bằng cách tạo nên thế đứng đặc biệt: Sự ngang hàng giữa “tớ” và “khoảng trăm năm”. Đây không phải là sự đề cao cái Tôi một cách bi quan hay cực đoan như ở một số nhà thơ mới sau này mà là sự khẳng định trách nhiệm của mỗi người, nhất là thanh niên, đối với vận mệnh dân tộc. Câu thơ cũ là lời giục giã, đánh thức tinh thần đấu tranh của con người. Là lãnh tụ cách mạng đầy tâm huyết, Phan Bội Châu là người luôn có ý thức kêu gọi mọi người cùng góp sức tranh đấu. Để đánh thức tầng lớp thanh niên những năm đầu thế kỉ XX đang bị ru ngủ bởi những trò tiêu khiển được du nhập từ phương Tây, ông đã viết Bài ca chúc tết thanh niên (1927). Chính từ ảnh hưởng của bài thơ này mà đã có rất nhiều thanh niên ra đi tìm đường cứu nước.

   Sau khi khẳng định chí nam nhi, nhà thơ lại nói đến trách nhiệm đối với dân tộc của mỗi người. Tấm lòng và nhân cách cao đẹp của một nhà nho, một con người chân chính đã thể hiện ở đây:

   Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
   Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
   (Non sông đã chết, sống thêm nhục,
   Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

   Hai câu luận vẫn tiếp tục được viết dưới hình thức đối ngẫu quen thuộc của thơ cổ điển, nó vừa khẳng định khí tiết vừa là quyết tâm của người chiến sĩ. Vào thời buổi đó của đất nước, ra đi tìm đường cứu nước là lí tưởng đúng đắn. Lúc này, khi dân tộc đã mất tự do, chủ quyền đất nước bị xâm hại, thì việc đầu tiên, cần thiết nhất không phải ngồi đó để học thứ văn chương cử tử nữa. Câu thơ không có ý chê bai hay bài xích chuyện học đạo thánh hiền mà chỉ có ý khuyên con người ta phải sống với thời cuộc. Nước mất thì nhà tan, thân nô lệ làm sao mà thực hiện được đạo thánh hiền. Câu thơ còn thể hiện nỗi xót xa của nhà thơ. Đất nước tao loạn, dân chúng lầm than, đói khổ, đạo đức xã hội suy đồi khiến những con người có trách nhiệm với dân tộc phải suy nghĩ mà đau lòng. Trên thực tế, khi thực dân Pháp vào xâm lược đất nước ta, văn hoá phương Tây vốn rất xa lạ với người phương Đông đã ồ ạt tràn vào Việt Nam, mang theo nhiều điều mới mẻ nhưng cũng không ít rác rưởi. Nó đã gây nên sự xáo trộn ghê gớm trong nền đạo đức, luân lí xã hội. Và trở thành nỗi đau đời của các nhà nho vốn coi trọng “tam cương ngũ thường”. Non sông bị chà đạp, dân tộc mất tự do, nền luân lí, đạo đức xã hội bị đảo lộn đã khiến những người có trách nhiệm với dân tộc như Phan Bội Châu đau lòng. Những từ như tử (chết), nhuế (nhơ nhuốc), si (ngu) đã thể hiện thái độ khinh thường của tác giả đối với những kẻ tự ru ngủ mình bằng cách ngồi đọc sách thánh hiền trong lúc dân tộc đang lầm than, đồng thời khẳng định khí tiết hiên ngang, bất khuất của một nhân cách cao đẹp. Vì thế mà nảy sinh quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước:

   Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
   Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
   (Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
   Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.)

   Khí thế ra đi thật hùng dũng và đầy quyết tâm, tràn trề sức mạnh. Câu thơ cuối cùng khẳng định bầu nhiệt huyết đang sục sôi của người ra đi. Hướng về phía đông (cụ thể là nước Nhật), người ra đi với một quyết tâm rất cao. Bản dịch chưa dịch hết được tinh thần của nguyên tác ở ba chữ nhất tề phi. Cái mạnh mẽ và hùng dũng, đầy nhiệt huyết và cũng tràn đầy hi vọng thể hiện ở câu thơ cuối cùng này. Hình ảnh kết thúc bài thơ hào hùng, lãng mạn, thể hiện được tư thế ra đi đầy khí phách của con người trong thời đại mới. Người ra đi đã gửi gắm bao nhiêu hi vọng vào con đường mình đã chọn.

   Vẫn tiếp tục thể hiện chí làm trai của văn học truyền thống nhưng Phan Bội Châu đã mang đến cho chí khí ấy một sắc màu, một khí thế mới, hiện đại hơn. Bài thơ không chỉ có ý nghĩa động viên khích lệ thế hệ thanh niên lúc đó mà còn thể hiện một lẽ sống đẹp, là bài học làm người cho thanh niên – tầng lớp hùng hậu và mạnh mẽ nhất – mọi thời đại. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là hình tượng đẹp về một nhà nho tiến bộ đầu thế kỉ XX với lí tưởng cứu nước, khát vọng sống, chiến đấu vì dân tộc, lòng tin và ước mơ về một tương lai tươi sáng.

   Lời tạm biệt đầy nhiệt huyết, tâm thế ra đi đầy hào hứng và hiên ngang, bài thơ là khúc tráng ca của một thời đại đau thương nhưng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Và là tấm gương sáng ngời muôn thủa để người đời sau soi mình. Đó là những giá trị bất hủ của Xuất dương lưu biệt.

*Liên hệ: 

1. … “Cái khó là vừa phải làm sao cho xứng với cha ông, lại vừa không thể đi trở lại con đường của cha ông. Gạt ra một bên cái thái độ thụ động chờ thời không đúng, nhà chí sĩ họ Phan sẵn sàng đấu tranh để tách mình với quá khứ:

   Sinh vi nam tử yếu hi kì…

   Biết ngoảnh mặt đi trước những thần tượng cũ kĩ, biết gấp mọi thứ sách vở cũ kĩ để lặn lội muôn trùng gian khổ đi tìm phương cứu nước mới, hình ảnh một con người như vậy, đẹp đẽ biết chừng nào!

… Trong những năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu là hình ảnh tiêu biểu cho cả một thế hệ đang lần lượt rũ bỏ những gánh nặng tinh thần của tầng lớp mình để đến với những ý thức hệ mới…

(Nguyễn Huệ Chi, Nhà yêu nước và nhà văn Phan Bội Châu, NXB Khoa học xã hội, 1970)

2. Nhiệt huyết của nhà chí sĩ còn thể hiện trong nhiều sáng tác của Phan Bội Châu – trong đó có bài Chơi xuân( ):

   Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ( )
   Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi:
   Khi ngâm nga xáo lộn cổ, kim đi,
   Chùa tám cõi ném về trong một túi.
   Thơ rằng:
   Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
   Mặt mũi anh hùng há chịu ri( )!
   Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
   Sinh thời thế phải xoay nên thời thế.
   Phùng xuân hội( ) may ra ừ cũng dễ,
   Nắm địa cầu vừa một tí con con!
   Đạp toang hai cánh càn khôn,
   Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà!
   Hai vai gánh vác sơn hà,
   Đã chơi, chơi nốt, ố chà chà xuân!

loigiaihay.com

 

Bài liên quan

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1 Loading……
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em…
Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân…
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận – Bài làm…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *