Những liên tưởng và suy tưởng, những so sánh và nhân hóa, những kiến thức về địa lí, về văn hóa, về thi ca được tác giả vận dụng tài hoa khi nói vẻ đẹp quyến rũ của sông Hương đoạn từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mi.
Đề bài Vẻ đẹp của con Sông Hương từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mụ trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
BÀI LÀM
Vượt qua cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như người con gái đẹp đang “ngủ mơ màng” được đánh thức bởi “người tình mong đợi”. Sông Hương đã “chuyển dòng một cách liên tục” khi vừa ra khỏi rừng. Nó như nôn nóng đi tới gặp người tình – thành phố tương lai của nó. Nó đã “vòng những khúc quanh đột ngột”. Nó đã “uốn mình theo những đường cong thật mềm…”.
Con sông Hương được nhân hóa như đang làm duyên đang múa lượn. Sông Hương lúc thì trôi theo hướng sang Tây Bác vòng qua bãi Nguyệt Biều, Lương Quán. Rồi nó “đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía Đông Bắc ôm lấy đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Dòng chảy của sông Hương qua các địa danh ngã ba Tuần, điện Hoàn Chén, Ngọc Trản, bãi Lương Biều, Lương Quán, Vọng cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo,… được tác giả vẽ ra, nhấc lại một cách chính xác thể hiện những kiến thức về địa lí, văn hóa tinh tường. Người đọc có lúc ngỡ ông đã từng nhiều năm tháng du ngoạn ngược xuôi với con thuyền nhỏ bồng bềnh trong điệu Nam ai, Nam bình trên dòng sông Hương thơ mộng.
Ông yêu dòng sông quê mẹ, ông biết rõ dáng hình và những đường nét uốn lượn của nó. Cũng như Tố Hữu đã cảm mến thốt lên: “Hương Giang ơi, qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình”. Ông nói về sắc nước của dòng sông Hương là “xanh thẳm”, dáng hình của nó “mềm như tấm lụa”, sự tấp nập rộn ràng của nó là“những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi”. Ông say mê thưởng thức gương sông lấp lánh “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” dưới ánh phản quang nhiều màu sắc trên nền trời Tây Nam thành Huế.
Giữa đám quần sơn lô xô, giữa những lăng tẩm đồ sộ của các vua chúa nhà Nguyễn, giữa những rừng thông u tịch, sông Hương mang vẻ đẹp “trầm mặc… như triết lí. như cổ thi”… Tác giả nhắc lại một vần thơ cổ, thật đắc địa, gợi không khí, khung cảnh “u tịch” và “trầm mặc” của những rừng thông, của dòng sông, những thành quách và những đồi núi lô xô ở đây. Ai đã từng một lần đến thăm thú Khiêm Lăng (lăng của vua Tự Đức) mới cảm nhận được cái đẹp của cảnh vật mà tác giả nói đến:
Bốn bề núi phủ mây phong.
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên.
Sắp đến thành phố mến thương, mặt nước sông Hương trở nên mơ màng, “phẳng lặng” trong tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, giữa “bát ngát tiếng gà” của những xóm làng trung du.
Một lần nữa ta được thưởng thức một đoạn tùy bút mà chất thơ lai láng bồi hồi. Những liên tưởng và suy tưởng, những so sánh và nhân hóa, những kiến thức về địa lí, về văn hóa, về thi ca được tác giả vận dụng tài hoa khi nói vẻ đẹp quyến rũ của sông Hương đoạn từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mi.
Hoctotnguvan.vn