Đề số 6 – Đề kiểm tra học kì 1 – Ngữ văn 11

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 – Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 11

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI

Đâu Thị Nở, đâu Chí Phèo,

Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao?

Vẫn vườn chuối gió lao xao

Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền…

Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.

Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!

Vườn xuông trăng nở nụ cười

Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau.

Giữa đời vàng lẫn với thau

Lòng tin còn chút về sau để dành

Tình yêu nên vị cháo hành

Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!

(Lê Đình Cánh)

Câu 1.Bài thơ được viết theo thể thơ gì? (0.5 điểm)

Câu 2. Đọc bài thơ trên, anh/chị liên tưởng đến tác phẩm văn học nào đã học trong chương trình Ngữ văn 11? Hãy chỉ ra 01 chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm đó được tác giả Lê Đình Cánh nhắc tới trong bài thơ. (1.0 điểm)

Câu 3. Câu thơ: “Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người” có ý nghĩa gì?  (0.5 điểm)

Câu 4.Trong khoảng 10 dòng, hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình yêu thương. (1.0 điểm)

II. Làm văn: (7.0 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU  

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ đã học

*Cách giải:

Thể thơ lục bát

Câu 2:

*Phương pháp: Tái hiện kiến thức đã học về tác phẩm “Chí Phèo”

*Cách giải:

– Tác phẩm: Chí Phèo – Nam Cao

– Chi tiết đặc sắc: bát cháo hành

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Câu thơ: “Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người” cho thấy tình yêu có sức mạnh lớn lao giúp cảm hóa con người và làm cho con người trở nên người hơn.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

– Đảm bảo yêu cầu 01 đoạn văn

– Đảm bảo dung lượng yêu cầu

– HS có thể trình bày một số ý sau:

+ Tình yêu thương giúp con người vượt qua những khó khăn, gian khổ, những vấp ngã… trong cuộc sống.

+ Giúp cảm hóa và làm thay đổi con người

+ Giúp con người thêm vững tin vào cuộc sống và khiến cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn

II. LÀM VĂN 

*Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

v  Yêu cầu chung:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

v  Yêu cầu nội dung:

     • Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ. Cuộc đời cầm bút của ông là một hành trình không mệt mỏi khám phá và diễn tả cái đẹp của thiên nhiên sông núi quê hương, vẻ đẹp của con người.

Chữ người tử tù là truyện ngắn đứng vào hàng kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tác phẩm ra đời vào lúc văn xuôi đang hoàn tất quá trình hiện đại hóa, nó gieo vào lòng bạn đọc niềm tin vào tương lai của nền văn học nước nhà.

Chữ người tử tù được rút từ tập truyện ngắn Vang bóng một thời mà nghệ thuật viết văn đã đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ.

     • Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao

a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:

* Tài gắn liền với danh:

– Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.

– Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.

* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:

– Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.

– Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi

⟶ Đây không phải một cái tài bình thường mà nó đạt đến độ phi thường và siêu phàm.

b. Vẻ đẹp của thiên lương:

“Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”:

+ “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.

– “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” ⟶ khí chất, quan điểm của Huấn Cao.

– “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” ⟶ tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.

c.Vẻ đẹp của khí phách:

* Tinh thần nghĩa hiệp:

–  Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.

* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:

–  Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.

– Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…

* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:

– Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.

– Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

– Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:

* Vẻ đẹp tài hoa:

– Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”

* Vẻ đẹp khí phách:

– Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.

– Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.

* Vẻ đẹp thiên lương:

– Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.

– Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

– Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.

e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:

* Nguyên mẫu: Cao Bá Quát:

– Cùng họ Cao, giữ chức coi sóc việc học ở địa phương.

– Huấn Cao là người tử tù, dám cầm đầu đội quân chống lại triều đình. Cao Bát Quát là thủ lĩnh, quân sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Lương – Hà Tây chống lại triều đình rồi cũng bị kết án tử hình.

– Cùng được tôn vinh vì tài năng viết chữ đẹp.

– Sự cúi đầu trước Huấn Cao của quản ngục cũng giống như câu thơ của Cao Bá Quát:“Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

– Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:

+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.

+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.

– Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

– Quan điểm thẩm mĩ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.

– Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.

– Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt ⟶ Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.

Tổng kết

Hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Cảnh thu trong bài Câu cá mùa thu được tác giả miêu tả như thế nào?

Cảnh thu trong bài Câu cá mùa thu được tác giả miêu tả như thế nào?

 Văn lớp 11: Cảnh thu trong bài Câu cá mùa thu được tác giả miêu…
Phân tích bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh

Phân tích bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh

Đề bài: Phân tích bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh Bài…
Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Đề bài: Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm Bài làm  Đâu…
Cảm nhận về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Cảm nhận về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu Bài làm  1.…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *