Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ.

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ.

Bài làm

“Bác để tình thương cho chúng con” (Bác ơi – Tố Hữu). Tình thương ở Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc về một nhân cách lớn. Là nét chân dung không hẳn là phổ biến với các bậc vĩ nhân, nó trở nên độc đáo, độc đáo trong sự hồn nhiên như bản chất Người sinh ra là vậy. Chính vì thế, dù lớn lao, Bác không xa lạ với đồng bào. Tình thương ấy đã gắn lãnh tụ với nhân dân thành một khối, trở nên một sức mạnh vô song. Chân lí ấy đã được chứng minh trong hai cuộc chiến tranh giữ nước: chống Pháp và chống Mĩ, “hai tên đế quốc to”, mở ra thời đại vẻ vang của lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh. Ý nghĩa lớn lao đó là tinh thần của một bài tho nhỏ. Bài thơ khiêm nhường như một ghi chép đơn sơ nhưng cảm động về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa “anh đội viên” với lãnh tụ của mình trong một đêm khuya nơi rừng lạnh, giữa những năm gian khổ khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách ghi không khoa trương mà chân thực như lối kể vè, hát dặm của chính quê Người. Bài thơ đã đi vào lòng dân với tư cách một tác phẩm văn chương đích thực từ đó.

dem nay bac khong ngu

 

– Bài thơ có hai cách phân tích : theo chiều dọc và chiều ngang. Ở phương án “chiều dọc” (cũng có thể gọi là phương án tách rời) : hình tượng anh đội viên riêng và hình tượng Bác riêng. Còn cách thứ hai theo chiều ngang cũng gọi là phương pháp kết hợp gắn hai hình tượng với nhau. Cách thứ nhất có ưu điểm là tái hiện được hình tượng một cách trọn vẹn, còn cách thứ hai lại nêu bật được mối tương quan : tình cảm của người kể và cơ sở hiện thực nảy sinh ra tình cảm ấy. Bài viết này đi theo cách thứ hai cố gắng làm rõ một đặc điểm bao trùm về nghệ thuật của bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình.

1.Lần thứ nhất, anh đội viên thức dậy, sau một giấc ngủ ngắn nhưng chắc ngon lành. Anh không khỏi ngạc nhiên : Bác Hồ vẫn chưa hề ngủ dù đêm đã rất khuya, trời thì lạnh. Thực ra nhà thơ không tả cái lạnh, nhất là cái lạnh ở chốn rừng núi hoang vu mà chỉ viết : “Ngoài trời mưa lâm thâm – Mái lều tranh xơ xác” nhưng ta vẫn cảm nhận được cái rét thấu xương, thấm vào da thịt. Cái lạnh làm run rẩy những câu thơ tuy rất khẽ khàng. Mái lều là nơi ờ tạm đơn sơ của bộ đội, dân công nghỉ lại trong rừng làm sao che gió che sương. Vì vậy mà những nơi này thường hay đốt lửa sưởi. Bác ngồi bên bếp lửa, điều ấy không đáng ngạc nhiên. Nhưng cái băn khoăn đến khắc khoải ở anh đội viên là vì sao Bác không ngủ ? Không ngủ nên “vẫn ngồi”, và “không ngủ” khác với “chưa ngủ”. Chưa ngủ thì rồi sẽ ngủ, còn “không ngủ” thì hoàn toàn ngược lại. Sự “không ngủ” đối với con người có thể do hai tác động ngoại cảnh và nội tâm. Gần mười năm về trước, trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Người không ngủ được một phần vì lí do ngoại cảnh, vì cái lạnh thời tiết bên ngoài:

Đêm thu không đệm cũng không chăn,

Gối quắp lưng còng ngủ chẳng an ;

(Đêm thu)

Còn trong trường hợp bài thơ của Minh Huệ hoàn toàn không phải thế, vẻ “trầm ngâm” trên nét mặt, cái “lặng yên” bên bếp lửa lúc canh khuya càng không phải là thanh thản. Nó phản chiếu một tâm tư không hề lặng lẽ ở bên trong. Khối tâm tư ấy của người chèo lái gắn chặt với con thuyền kháng chiến còn phải vượt qua bao nhiêu ghềnh thác cam go trước khi đến được với thắng lợi cuối cùng. Anh đội viên lo cho Bác đơn giản là nỗi lo lắng của một đứa con. Song, dù chỉ đơn giản vậy thôi mà đã đau đáu thiết tha tâm trạng. “Trời khuya lắm rồi” là một cách chủ quan hoá “trời khuya”, “vẫn ngồi” là chủ quan hoá tư thế bất động “ngồi”. Nhưng, những thắc mắc đến băn khoăn ấy được gỡ dần ra từ khổ thứ ba, từ dáng dấp người cha, “Người Cha mái tóc bạc”. Thì ra cái không “an lòng” trước hết, Bác dành cho những người xung quanh, đồng đội của anh đội viên “Ngày mai đi đánh giặc”. Tấm lòng ấy nói bằng hành dộng : đốt lửa, dém chăn. “Đốt lửa” là khơi ngọn lửa cho bốc to lên, còn “dém chăn” là giắt lại chăn cho ấm. Hành động dịu dàng và lặng lẽ ấy là tiếng nói của tình thương. Không phải tình ruột thịt thì làm sao có những cử chỉ ân cần chu đáo đối với từng đứa con như thế ? (“Từng người, từng người một”). Có lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình thì mới phải nhẹ nhàng “nhón chân” để những chiến sĩ không giật mình thức giấc. Hình tượng Bác, dưới con mắt của anh đội viên, lớn lao, kì vĩ hẳn lên. Đó là ông tiên trong truyện cổ tích. Chỉ ông tiên mới “lồng lộng”, mới hiện ra từ một thứ hào quang kì diệu như

một giấc chiêm bao. Cảm giác ấm áp mà người nằm mơ nhận được mới có thể “Ấm hơn ngọn lửa hồng”. Song, cốt lõi của giấc chiêm bao lại là một con người bằng xương, bằng thịt. Vì vậy, đây là tiếng nói thầm thì của con người có thật :

-Bác ơi ! Bác chưa ngủ ?

Bác có lạnh lắm không ?

Từ kính phục đến cảm thông, từ “mơ màng” trở về cõi thực, câu thơ thật day dứt, xót xa. Anh đội viên thương Bác đến đứí ruột mà không biết làm gì để biểu lộ tinh thương ấy. Từ “thổn thức”, anh chỉ còn biết “bồn chồn” ngổn ngang : Bác sẽ ốm mất vì cứ “thức hoài”, thức như thế, lấy sức đâu mà đi, chiến dịch còn dài, đường đi lại gập ghềnh dốc, ụ,… Cách tính của anh đội viên giống cái bấm đốt ngón tay của người nông dân chất phác quen nghĩ đến công việc mùa màng giống má, thời vụ để cho cây lúa trĩu bông.

2.Lần thứ ba, khi thức dậy, anh đội viên đã kinh ngạc nhận ra, Bác vẫn ngồi y như lần thứ nhất :

… Lần thứ ba thức dậy

Anh hốt hoảng giật mình:

Bác vẫn ngồi đinh ninh

Chòm râu im phăng phắc

Như vậy, “đinh ninh” là biến thái của “lặng yên”, còn “Chòm râu im phăng phắc” là biến thái của “Vẻ mặt Bác trầm ngâm”. Thời gian lặng lẽ trôi đi, anh đội viên đã ngủ thêm được một giấc, nhưng đêm đã sắp tàn. Sự “hốt hoảng” của anh cũng dễ hiểu. Cái lo lắng của anh ở lần thứ nhất được đẩy tới cao trào, nó cuồn cuộn dâng lên. “Thổn thức” mới chỉ là những xáo động trong lòng (tuy đã có cường độ mạnh đến mức không kìm nén được) còn “hốt hoảng” là sự sợ hãi đến cuống quýt lộ hẳn trên nét mặt. Hình thức thay đổi, nội dung cảm xúc không thể đứng yên. Khi nghịch lí hiện ra: cái phần hữu hạn người làm sao chống chọi được với cái vô hạn thời gian, giọng nói của anh không còn có thể “thầm thì” được nữa.

Anh vội vàng nằng nặc :

-Mời Bác ngủ Bác ơi !

Trời sắp sáng mất rồi

Bác ơi ! Mời Bác ngủ !

Cầu khẩn đến van nài, tha thiết đến rưng rưng, câu thơ không còn mạch lạc vì người nói không giữ được tư thế trang nghiêm cần thiết trước một bậc vĩ nhân, khổ thơ loạn nhịp (câu thứ tư lặp lại câu hai), ngôn ngữ thơ có được cái sinh động của sự chất phác, chân thành gần với ngôn ngữ ở ngoài đời vốn có. Đến đây, ta thấy hai mạch cảm xúc đã hình thành và gặp nhau ô cái điểm bất ngờ tưởng như ngẫu nhiên mà thực ra là tất yếu. Về phía anh đội viên, trước việc Bác Hồ không ngủ đêm nay, từ ái ngại đến thổn thức băn khoăn, lo lắng, rồi cuối cùng mời Bác ngủ bằng được. Còn về phía Bác, câu đối thoại “Chú cứ việc ngủ ngon – Ngày mai đi đánh giặc” chỉ là cách trả lời một nửa câu hỏi của người chiến sĩ mà thôi. Chính vì một nửa còn lại kia mà người chiến sĩ không yên “Vâng lời anh nhắm mắt – Nhưng bụng vẫn bồn chồn”. Đến lần thứ ba, biết được tâm trạng “bồn chồn” đó, Người không thể không thổ lộ. Đến đây, cái nửa còn lại mà người đội viên băn khoăn mới được điền vào khoảng trống:

– Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc

Bác thức thì mặc Bác

Bác ngủ không an lòng

Trong lúc anh đội viên thương Bác vì Bác không ngủ thì Bác cũng thương bộ đội, dân công đang giá lạnh ngoài rừng:

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chăn

Chỉ khác nhau ở mức độ: tình thương của người chiến sĩ trong thơ hướng tới một người, còn tình thương của Bác đang hướng tới hàng ngàn, hàng vạn người. Chính vì thế mới xuất hiện hai tâm lí trái chiều, trong khi anh đội viên đang mong đêm dài ra (để Bác có thể chợp mắt một lần), thì Người lại mong trời mau sáng. Hai cường độ của mong ước lúc này cũng mãnh liệt ngang nhau, riêng cái “nóng ruột” của Bác Hồ thì như có lửa đốt. Cũng phải tới lúc này, với anh đội viên, hình tượng Bác Hồ mới hiện ra toàn vẹn. Đó là một sự thống nhất từ hình dáng, cử chỉ đến lời nói. Toàn bộ con người ấy toả sáng tình thương : thương các chiến sĩ đang yên ngủ để “Ngày mai đi đánh giặc”, thương bộ đội, đồng bào vì kháng chiến mà gánh chịu gian khổ, hi sinh.

Hai sự phát sáng loé ra cùng một lúc từ người chiến sĩ về nhận thức và tâm hồn, trước hết là cảm nhận trực tiếp : Bác là ngọn lửa hồng. Hình ảnh đó có sự tin yêu, nâng đỡ với sức mạnh diệu kì. Và lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân đến quên mình, đó là một phẩm chất, một “lẽ thường tình” ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều này không có gì khó hiểu.

3.Về nghệ thuật, nhà thơ đã thành công trong việc miêu tả nhân vật. Ở đây có hai loại nhân vật. Đó là nhân vật cảm nghĩ (chủ quan – nhà thơ) và nhân vật được nhà thơ khắc hoạ (khách quan – Bác Hồ). Mỗi nhân vật có một cách miêu tả riêng. Nhân vật cảm nghĩ – nhà thơ ở ngôi thứ nhất, là người kể chuyện vừa ghi chép theo lối kí hoạ về những điều nhìn thấy, vừa diễn tả tâm trạng của mình. Đó là cả một thế giới nội tâm phong phú, sinh động và chân thực. Diễn biến tâm trạng cũng lại vừa đa chiều vừa có một lô gích phát triển từ thấp đến cao. Đỉnh cao của sự phát triển ấy là khi những băn khoăn, thắc mắc của anh đội viên về Bác đột ngột có hồi âm thì bài thơ kết thúc với cảm xúc: Bác lớn lao, Bác cũng bình dị lạ thường. Nhà thơ sung sướng được “thức luôn cùng Bác” như câu thơ của Tố Hữu :

Ta bên Người, Người toả sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút

(Sáng tháng năm)

Còn nhân vật thứ hai được thực hiện bằng lối kí hoạ chân dung thể hiện ở góc quan sát và lựa chọn dường nét. Bỏ qua những chi tiết ngoại hình không nói lên đặc điểm mà tập trung vào những gì tiêu biểu nhất: dáng ngồi, nét mặt, chòm râu, ta bắt gặp một nhà hiền triết phương Đông, một chiến sĩ cách mạng lão thành. Đó là một lãnh tụ kiểu mới phối hợp được hai nét hài hoà : vừa đức độ, bao dung vừa tinh anh, hiền triết.

Thể thơ và ngôn ngữ bài thơ cũng có nét độc đáo. Tác giả sử dụng thể thơ năm chữ, về hình thức giống như thơ ngũ ngôn trường thiên của văn chương bác học trước đây, nhưng thực chất lại là một loại vè dân gian, một lối hát dặm của dân ca Nghệ – Tĩnh. Chúng ta nhận ra cách gieo vần ở hai câu liền nhau (câu hai với câu ba, rồi câu bốn với câu một khổ tiếp). Vần lại nhịp nhàng: cứ hai vần bằng (rồi, ngồi) rồi tiếp hai vần trắc (ngủ, lửa) và luân phiên cho đến hết bài. Còn ngôn ngữ cùa bài thơ là ngôn ngữ của lời kể, một thứ ngồn ngữ đời thường nhưng chân thực và sinh động. Người kể dùng nhiều từ láy và thành công trong việc dùng nó để xây dựng nhân vật. Có từ láy tạo hình (miêu tả Bác), có từ láy biểu cảm (diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ). Những từ láy dùng trong thơ cũng phong phú, dồi dào như kho tàng ca dao, dâh ca xứ Nghệ mà những nhà thơ như Trần Hữu Thung (thăm lúa) cùng thời với Minh Huệ đã vận dụng khá thành công.

Bài liên quan

“Bác ơi!” – Bản điếu văn bi hùng

Ngày mùng hai tháng chín năm một chín sáu chín, chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những…

Bình giảng bài thơ “Sóng”

Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời…

Bình giảng bài thơ “Việt Bắc”

Bằng những vần thơ lục bát ngọt ngào mang đậm màu sắc ca dao dân…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *