Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.

Bài làm

Trước đây một số người xếp truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh trong nhóm truyện thần thoại. Nay tìm hiểu và suy ngẫm, chúng ta nhận rõ câu chuyện về hai vị thần này – thần Núi, thần Nước – gắn liền với thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu của lịch sử xây dựng đất nước ta. Do đó, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh được coi là một truyền thuyết, tuy nhiều yếu tố hoang đường, thần linh nhưng vẫn có cơ sở thực tế. Thực tế mà câu chuyện phản ánh là công cuộc lao động gian khổ, rất đỗi hào hùng của cha ông ta chống lại nạn bão lụt trên lưu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là bản hùng ca trị thuỷ của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu xây dựng đất nước.

1.Khúc ca thứ nhất. Từ đầu truyện đến … “mỗi thứ một đôi” : Vua Hùng kén rể

Truyện kể rằng : “Hùng Vương thứ mười tám có người con gái … đẹp như hoa, tính nết hiền dịu…”. “Thứ mười tám” là những năm nào, thuộc thế kỉ nào, chưa ai xác định được. Mà cũng không cần phải xác định, bởi vì đây là thời gian ước lệ, thời gian thiêng để đưa người kể và người nghe trở về thuở xa xưa, sống với thời đại buổi đầu tổ tiên ta dựng xây đất nước, Vua Hùng có người con gái đẹp, “muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng”. Điều ấy có ý nghĩa là đức vua, các Lạc hầu, bàn dân thiên hạ đang sống hạnh phúc, tha thiết mong muốn hạnh phúc ấy được bảo vệ, được phát triển bền vững, đẹp như tình yêu tuổi trẻ của đôi trai tài, gái sắc. Ước mơ, khát vọng được cụ thể hoá bằng câu chuyện kén rể, thật thú vị. Có hai chàng trai đến cầu hôn. Hai nhân vật chính của truyền thuyết xuất hiện : Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Nếu tưởng tượng, chúng ta sẽ hình dung cuộc “ra mắt” của hai chàng trai vô cùng… ngoạn mục. Sơn Tinh thì “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”. Còn Thuỷ Tinh, tài cũng không kém : “gọi gió, gió đến ; hô mưa, mưa về”. Hai chàng trai, hay là hai vị Thần, hai con người, hay là hai yếu tố tạo nên Đất và Nước ; chuyện trai gái tìm nhau hay là chuyện của vũ trụ, đất trời đua tranh sức mạnh, sự diệu kì của cuộc sống ? Biết bao ý nghĩa ẩn hiện đàng sau hai hình tượng Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Vì vậy cuộc kén rể của vua Hùng ắt phải nảy sinh một… “bài toán”, một “câu đố”. Điều kiên được nêu lên gồm : thời gian dâng lễ nhanh, hay chậm : “ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới con gái ta”, lễ vật long trọng, độc đáo : “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”. Nếu không phải là thần linh, hai chàng trai kia làm sao mà bình tĩnh chấp nhận “bài toán thách cưới” ấy của vua Hùng ? Có thể nói, việc vua Hùng kén rể vừa giống việc của con người, rất bình thường lại vừa là việc của thần thánh, phi thường, kì ảo. Đúng là một khúc ca vừa hiện thực vừa lãng mạn, thấm đẫm trí tưởng tượng.

2.Khúc ca thứ hai. Từ “Hôm sau…” đến”… đành rút quân…” : Sơn Tinh, Thuỷ Tinh giao chiến, hùng ca trị thuỷ ngân vang

Kết quả việc kén rể của vua Hùng đã rõ. Sơn Tinh vừa là người thắng cuộc về thời gian vừa là người rất đỗi tài hoa, dâng “đầy đủ lễ vật”. Hạnh phúc thuộc về chàng. Nhưng đối thủ đâu chịu để cho chàng yên.

Thế là cuộc giao chiến đã diễn ra. Câu chuyện được kê bằng ba sự việc, có thể coi là ba hiệp đấu dữ dội, căng thẳng, rất đỗi hào hùng. Hiệp một, Thuỷ Tinh vào trận bằng tất cả sự tức giận của kẻ đến muộn, bị mất hạnh phúc: “Thần hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước”. Chiến thuật, quân lính, vũ khí mà Thuỷ Tinh tung ra thật khúng khiếp. Đây là sự giận dữ của thần linh, hay chính là sự khốc liệt của mưa, gió, bão lụt,… mà “thành Phong Châu” – ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống của nhân dân ta ngày xưa và ngày nay đã phải chịu đựng – trong cơn cuồng nộ của thiên tai ?

Hiệp hai, cuộc giao chiến lên đến đỉnh cao. “Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành luỹ đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu”. Bức tranh chiến trận giữa hai vị thần tiếp tục được người xưa miêu tả vẫn theo bút pháp vừa kì ảo, giàu tưởng tượng vừa rất hiện thực, gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng cụ thể. Tổ tiên ta đâu chỉ kể chuyện Sơn Tinh chống Thuỷ Tinh đơn thuần mà có lẽ đây là ý chính – phản ánh và ngợi ca công cuộc lao động gian lao, vất vả chống bão lụt để bảo vệ cuộc sống của chính mình và muôn đời con cháu mai sau. Hình ảnh đặc sắc nhất trong đoạn truyện này cũng là khúc cao trào của bản hùng ca trị thuỷ là “Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu”. Phải chăng, dây chính là biểu tượng thẩm mĩ mà cha ông ta muốn thần linh hoá những con đê, con đập ngăn lũ, chống lụt ? Phải chăng trí tuệ, bàn tay, sức lực của dân tộc Việt Nam lừng bao đời chống bão lụt đã được truyền thuyết chung đúc lại, huyền thoại hoá, tôn vinh, thần linh hoá ? Hiệp hai của cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh toát ra nhiều ý nghĩa nói mãi không cùng. Đến hiệp ba, kết thúc trận giao chiến thật hợp lẽ đời, hợp lòng người. “Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thuỷ Tinh đã kiệt. Thần Nước đành rút quân”. Sơn Tinh chiến thắng, giữ trọn được hạnh phúc bên người đẹp. Đó cũng chính là nhân dân ta đã chiến thắng bão lụt, giữ vững cuộc sống thanh binh. Nghe kể, hoặc đọc truyện, ai mà chẳng vui, thở phào nhẹ nhõm. Thán phục chàng Sơn Tinh bao nhiêu, chúng ta càng thán phục và nhớ ơn Tổ tiên ta, nhân dân ta bấy nhiêu. Bởi vì, chính Sơn Tinh – vị thần núi Tản Viên là người đại diện cho cả dân tộc ta đã bao đời nay tấu lên bản hùng ca trị thuỷ để bảo vệ non sông, đất nước, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc, thanh binh cho mỗi chúng ta.

3.Khúc ca thứ ba. Đoạn truyện còn lại : Khúc hận ca của chàng Thuỷ Tinh mang “cơn ghen” truyền kiếp.

Người xưa kể rằng: “Từ đó, oán nặng, thù sâu, hằng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng năm nào cũng vậy, Thần Nước đánh mỏi mệt, chán chê vẫn không thắng nổi Thần Núi… đành rút quân về”. Về sự việc này, nhân dân vùng Tây Bắc cũng có bài đồng dao kể tiếp rằng: “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Vén bức màn huyền thoại, kì ảo của câu chuyện truyền thuyết xa xưa, chúng ta dễ dàng nhận ra ý nghĩa hiện thực và dẻ dàng nghe, được lời nhắn nhủ của cha ông rằng: Thiên tai, bão lụt hằng năm là kẻ thù mang “cơn ghen” truyền kiếp đối với con người. Muốn bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của mình, như Sơn Tinh bảo vệ hạnh phúc bên nàng Mị Nương xinh đẹp, chúng ta phải không ngừng cảnh giác, thường xuyên nêu cao ý thức phòng chống bão lụt, phòng chống thiên tai nói chung.

Tóm lại, truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh là câu chuyện tưởng tượng, kì ảo, giải thích hiện tượng bão lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng. Câu chuyện được kể bằng những hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn, ngân nga như một bản anh hùng ca, bản hùng ca trị thuỷ của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước. Là truyền thuyết xuất hiện từ xa xưa, nhưng âm vang của câu chuyện, nhất là hai hình tượng nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh vẫn sống động, nhắc nhở chúng ta ngày nay nhiều điều, cả về công cuộc chế ngự thiên tai, lẫn cảnh giác, chế ngự với thói đời ghét ghen, hờn giận…

Bài liên quan

“Bác ơi!” – Bản điếu văn bi hùng

Ngày mùng hai tháng chín năm một chín sáu chín, chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những…

Bình giảng bài thơ “Sóng”

Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời…

Bình giảng bài thơ “Việt Bắc”

Bằng những vần thơ lục bát ngọt ngào mang đậm màu sắc ca dao dân…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *