Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”
Tham khảo bài làm của bạn Đỗ Thị Huyền Anh lớp 7A1 trường THCS Phạm Văn Đồng
Từ trước đến nay, việc giáo dục mở mang kiến thức thường do nhà trường đảm nhiệm. Người đi học nhận được kiến thức qua lời giảng dạy của thầy cô hay đọc trong sách vở. Nhưng bên cạnh đó cha ông ta đã chỉ cho chúng ta một môi trường học tập khác cũng quan trọng không kém, điều đó được thể hiện qua câu tục ngữ:
Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Chúng ta hiểu đầy đủ về câu tục ngữ trên như thế nào?
Câu tục ngữ đưa ra hình ảnh một cái sàng. Sàng dùng để lựa gạo, khi sàng gạo, hạt tấm rơi xuống, những hạt nguyên sẽ còn đọng lại trên sàng. Nhưng trong câu tục ngữ trên, từ “sàng” được hiểu theo ý sâu xa là sự chứa đựng rất nhiều: Nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nhân dân khuyên rằng: đi một khúc đường ngắn ngủi, ta sẽ học được bao nhiêu điều hay.
Lời khuyên trên của nhân dân ta rất đúng. Việc đi đường sẽ giúp chúng ta mở mang trí óc. Chúng ta sẽ được nhìn thấy cảnh núi cao, sông rộng của một dãy giang sơn gấm vóc tươi đẹp. Có đi đây đi đó, mắt ta mới nhìn thấy được dòng sông Cửu Long rộng rãi mênh mông, dãy núi Hoàng Liên Sơn cao chót vót. Nhờ đi đây đi đó, ta mới nhìn thấy thành Huế cổ kính, đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Dãy núi Tam Điệp, nơi vua Quang Trung xuất quân phá tan hai mươi vạn quân Thanh: đây đèo Ngang, nơi bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng của bà huyện Thanh Quan ra đời. Việc đi đường chẳng những giúp hiểu thêm những bài học về địa lí, sử kí hoặc văn học… mà còn giúp ta nhận biết sâu sắc hơn những bài học về khoa học: nào đá vôi, đá hoa cương, nào con lạc đà, con đà điểu, cây mận, cây mơ v.v… Những thứ ấy nào chúng ta đã được nhìn thấy bao giờ. Nếu chúng ta chỉ quanh quẩn ở quê nhà thì lò luyện thép Thái Nguyên, đập thủy điện Sông Đà và biết bao công trình thủy điện khác của đất nước làm sao chúng ta có thể hình dung được để có thể mở rộng trí khôn được.
Việc đi đường không những có tác dụng mở mang kiến thức mà còn giúp chúng ta hiểu được cuộc sống muôn hình xung quanh mình. Có đi ra ngoài, chúng ta mới thấy được những cảnh đời giàu sang, nghèo khổ, nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Để từ đó, chúng ta biết cách tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách của chính bản thân mình. Ca dao ta có câu:
Ở nhà nhất mẹ nhì con
Ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta.
Có ra ngoài, thấy được cái hay, cái đẹp, cái giòn của người khác, nhận ra cái xấu, cái dở của mình. Từ đó bản thân sẽ bớt kiêu căng, tự mãn, trở nên khiêm tốn, hòa nhã hơn. Chỉ riêng việc nhìn thấy cái người ta khác mình cũng đủ cho ta tự nhìn lại bản thân, tự đánh giá mình và sẽ tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Nếu con người không đi đây đi đó, chỉ ru rú ở nhà, làm và hành động theo tập tục của một địa phương thì sự phán đoán phải – trái, đúng – sai thường dễ lệch lạc và cực đoan.
Có đi đây đi đó, chúng ta mới có tấm lòng rộng mở, bao dung, không bảo thủ. Nguyễn Trường Tộ ngày xưa nhờ được đi ra nước ngoài, được tận mắt chứng kiến sự phát triển khoa học kĩ thuật ở nước ngoài nên mới có cái nhìn tiến bộ so với những người đương thời.
Có đi đây đi đó, ta mới hình thành tình yêu quê hương, yêu xứ sở, yêu đồng bào mình rõ hơn. Và chính tình yêu này sẽ là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta phấn đấu để trở thành một con người có ích cho bản thân và cho xã hội. Có yêu quê hương, ta mới quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu và đẹp.