Đôi nét về Nguyễn Minh Châu và “Chiếc thuyền ngoài xa”
Hướng dẫn
Đôi nét về Nguyễn Minh Châu và “Chiếc thuyền ngoài xa”
Sự tinh anh và tài năng của Nguyễn Minh Châu được thể hiện ở quá trình tư duy nghệ thuật. Trước năm 1975 văn học là thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách, đó là sự công hiến, hy sinh cho cách mạng, là các chuẩn mực đạo đức. Sau năm 1975 văn học có cái nhìn mới, có tính chất hướng nội, trở về với đời thường, đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự, ý thức về sự thật cuộc sống, nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện ra những mối quan hệ xã hội phức tạp, từ đó hình thành nhân cách con người trong thời đại mới.
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng như bức tranh là một phát hiện về đời sống con người theo hướng đổi mới ấy. Bao nghịch cảnh cuộc đời được mở ra từ một tờ lịch tĩnh vật thuần túy, nhưng thực tế, người nghệ sĩ không thể tước bỏ hình ảnh con người, con người luôn là tâm điểm của bức tranh sự sống. Đằng sau bức ảnh nghệ thuật thuyền và biển trong buổi bình minh đẹp đến mê hồn thì chính cảnh đó lại hiện hữu một cảnh đời rất thực, thực đến phũ phàng của một gia đình thuyền chài.
Những con người như Đẩu và Phùng năm xưa từng là chiến sĩ cầm súng bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, đất nước thì nay chẳng lẽ lại bó tay trước những cảnh đời bất hạnh?
Tấm ảnh của Phùng mang về làm bộ lịch năm ấy, dâng tặng cho bao người sành chơi nghệ thuật, nhưng với Phùng, mỗi khi ngắm lại, hình ảnh người đàn bà hàng chài lại hiện ra đầy ám ảnh.
Qua thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Người nghệ sĩ cần có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người, phát hiện chiều sâu thực chất từ bên ngoài hiện tượng, những mâu thuẫn, nghịch lý trong cuộc sống để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không chỉ biết săn đuổi nghệ thuật cao siêu, thuần túy.
Chiếc thuyền ngoài xa là một minh chứng cho cách nhìn đa diện của Nguyễn Minh Châu và ông đã từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Truyện ngắn mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn cuộc sống và con người, một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất sự thật sau bề ngoài của hiện tượng.
Theo Hocsinhgioi.com