Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân- Văn lớp 12

Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân- Văn lớp 12

Hướng dẫn

Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân- Văn lớp 12

Bài làm

Nhà văn Kim Lân là một tác giả được mệnh danh là bạn của người nông dân, bởi trong những tác phẩm ông viết đều gắn liền với những miền quê trên khắp đất nước Việt Nam. Ông gắn liền ngòi bút của mình với từng số phận người nông dân nghèo khổ vất vả trong chiến tranh, trong chế độ cũ.

Ngòi bút của tác giả đi sâu vào lòng người đọc bởi những tình cảm giả dị, chân thực đời thường nhưng chứa chan tình người, sự nhân văn sâu sắc.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một tuyệt phẩm của văn học hiện thực nước ta trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Truyện ngắn đã khắc họa thành công sự nghèo khổ bế tắc tới cùng của những mảnh đời bất hạnh, những người nông dân nghèo khổ trong chế độ “một cổ hai tròng”

Bằng nghệ thuật tả thực tài tình Kim Lân đã xây dựng thành công tuyến nhân vật chính nghĩa những con người hiền lành mộc mạc nhưng lại bị chế độ phong kiến, những kẻ bóc lột áp bức tới đường cùng, không còn lối thoát.

Tác phẩm này lấy bối cảnh là nạn đói kinh điển, lịch sử của dân tộc ta xảy ra vào những năm 1945 khi thực dân Pháp trao Đông Dương cho Nhật, và người dân Việt Nam phải chịu chế độ bóc lột của 3 tầng lớp. Bao gồm giai cấp phong kiến (dù đã lụi tàn nhưng vẫn còn dư âm), thực dân Pháp, và phát xít Nhật.

Với một xã hội nhiều người làm tướng hơn người lao động, thì những người nông dân khốn khổ không đói nghèo sao được. Họ bị đưa đẩy tới cảnh sống không bằng chết, các chính sách sưu cao thuế nặng, bóc lột tận xương tủy người dân.

Truyện ngắn kể về xóm ngụ cư nghèo, nơi mà những người dân tứ xứ về đây cùng nhau chung sống trở thành một địa bàn tái định cư mới, nhưng chẳng ai rõ gốc tích của nhau. Họ cứ sống như thế vật vờ, mờ nhạt đi qua nhau chẳng rõ người hay ma. Bởi bối cảnh đất nước lúc bấy giờ cái ăn cái mặc đã khiến người dân khốn khổ họ không còn tâm trí để mà suy nghĩ tới những người xung quanh mình nữa.

Ngay từ tựa đề của tác phẩm là Vợ nhặt đã gợi lên trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ. Bởi ” Tậu trâu lấy vợ làm nhà. Trong ba việc ấy thật là khó thay” nhưng tác giả Kim Lân lại đặt tên là Vợ nhặt, khiến cho người đọc không khỏi tò mò, thắc mắc về nội dung của truyện ngắn.

Truyện ngắn Vợ nhặt kể về cuộc đời anh cu Tràng, một con người có ngoại hình bên ngoài thô kệch, quai hàm bạnh ra, hai con mắt tí hí, người thì nghèo nàn, không toát lên vẻ gì là trí thức nho nhã cả.

Gia đình anh cu Tràng cũng không giàu có gì cả, cảnh mẹ góa con côi nuôi nhau nên cuộc sống mưu sinh vốn đã chật vật, thì trong bối cảnh nghèo đói áp bức này càng khốn khổ hơn, chỉ kiếm ngày hai bữa ăn cũng đã khiến con người ta mệt mỏi, đau đầu vì lo lắng.

Một người con trai vừa nghèo, vừa xấu lại không học rộng tài cao, không mồm mép khéo léo thì trong thời đại bình thường chắc chắn rất để cưới được một người vợ. Bởi con gái ai cũng muốn được gả cho một người đàn ông giàu có, hoặc khôi ngô tuấn tú, học hành đỗ đạt, nói năng văn chương nho nhã.

Anh cu Tràng chẳng được điểm nào trong những điểm trên, ấy thế mà trong bối cảnh nghèo đói ấy anh lại lấy được vợ quá dễ dàng. Chính xác hơn là anh nhặt được vợ ngoài đường mang về nhà như nhặt được một cục gạch mà thôi.

Tác giả Kim Lân đã vô cùng tinh tế khi xây dựng thành công tình huống truyện vô cùng độc đáo mới lạ chưa từng thấy trong bất kỳ tác phẩm nào. Tình huống nhặt được vợ đã làm thay đổi cuộc sống, số phận một con người.

Thông qua tình huống nhặt được vợ của anh cu Tràng người đọc cảm nhận được sự nghèo đói của xã hội, khiến họ bị đẩy vào cảnh đường cùng nên một cô gái mới liều mình nhận lời làm vợ chàng trai dễ dàng như thế. Bởi cô rất đáng thương không có nhà cửa, không có người thân một mình lang thang cù bất cù bơ, có lẽ vì mong muốn có một mái nhà, một nơi che nắng mưa, có những người thân bên cạnh nên cô đã nhận lời làm vợ anh cu Tràng dễ dàng như vậy.

Hình ảnh người vợ anh cu Tràng lần đầu xuất hiện là một người phụ nữ đanh đá, hay gạ gẫm người khác mời mình ăn. Trong cái thời buổi đói kém miếng ăn là thứ quan trọng nhất để duy trì sự sống con người cũng còn không có, khiến con người mất dần lòng tự trọng, sự e thẹn của một người con gái. Khi được anh cu Tràng mời ăn, cô gái ngồi thụp xuống húp một lúc bốn bát bánh đúc rồi đứng lên lấy đũa quẹt mỏ, khen “Ngon thật”

Rồi lần thứ hai xuất hiện, thị có vẻ gầy hơn tiều tụy hơn, chiếc nón rách, thân hình gầy đôi mắt trũng lại, sự chua ngoa đanh đá tăng lên. Cô và Tràng không yêu nhưng lại vô tình biết nhau và có duyên gặp gỡ vài lần. Rồi khi thấy Tràng hò một câu hát “Muốn ăn cơm trắng với giò, thì ra đây đẩy xe bò với anh” cô cũng ra đẩy xe phụ Tràng, rồi với vài ba câu bông đùa, Tràng rủ cô về nhà mình ở cùng, cuối cùng cô nhận lời thật.

Giữa xóm ngụ cư nghèo, trong buổi chiều ảm đạm thê lương, mùi xác chết thối vẫn còn bốc lên, tiếng quạ kêu làm tan nát lòng người, từng trận gió thổi lên từ cánh đồng có mùi đất ngai ngái. Hai bên là những dãy nhà nhỏ tối tăm, không có nhà nào có đèn, dù chỉ là đèn dầu. Sự tăm tối, nghèo khó bao trùm lên toàn bộ xóm ngụ cư nghèo khổ ấy. Tràng dắt vợ về nhà khiến cho những hàng xóm tò mò hiếu kỳ phải thắc mắc “ai đấy nhỉ, hay là vợ anh cu Tràng?”

Những tiếng xì xào, bàn tán khiến cho hai con người càng nép lại gần nhau. Họ cứ thế đi bên nhau, nhiều người chép miệng “Thời buổi đói kém này còn rước thêm một miệng ăn”.

Bằng ngòi bút chân thực sinh động của mình, tác giả Kim Lân đã làm người đọc cảm nhận được sự xót xa cho cuộc hôn nhân trong bối cảnh nghèo khổ ấy. Họ lấy nhau không có bất kỳ một vật định tình, đính ước nào, không có nổi mâm cơm ra mắt họ hàng, bà con làng xóm, không báo hỷ, hay có giấy đăng ký kết hôn. Họ lấy nhau chỉ đơn giản là hai mảnh đời nghèo khó ghép lại thành đôi thành cặp.

Bà cụ Tứ mẹ anh cu Tràng bước đi của bà ngày càng còng xuống chống cái gậy trong chiều nhá nhem tối, nhìn thấy bóng người phụ nữ trong nhà mình. Bà tưởng mình già cả nhìn gà hóa cuốc, nhưng khi lại gần thì bà biết mình không nhầm, người phụ nữ ngồi trong nhà lại chào mình bằng u. Thì bà biết đó là vợ anh cu Tràng con trai bà thật.

Bà bỗng nhói lên sự xót xa, thương cho mình mẹ góa con côi dựng vợ gả chồng cho con mà không có nổi mâm cơm, thương cho con trai con dâu bà vì cảnh nghèo khó mà lấy nhau tạm bợ.

Người tha dựng vợ gả chồng trong lúc ăn nên làm ra còn mình…Nhưng rồi bà lại thay đổi suy nghĩ phải gặp cảnh khốn khổ như lúc này thì người ta mới lấy tới con mình, như vậy con mình mới có vợ. Bà cụ Tứ là người có tấm lòng bao dung, lương thiện biết suy nghĩ cảm thông cho người khác.

Bà nhanh chóng chấp nhận cô gái lạ mặt làm con dâu, và thích nghi với cuộc sống khi nhà có ba người.

Từ lúc có vợ anh cu Tràng vui vẻ hơn, còn cô gái thì cũng không còn vẻ chua ngoa đanh đá nữa, mà dịu dàng e thẹn hơn nhiều. Buổi sáng cô cũng dậy sớm lo vun vén nhà cửa ruộng vườn, cùng mẹ chồng lo lắng vườn tược bếp núc.

Hình ảnh nồi cháo cám bữa cơm đầu tiên sau đêm tân hôn, khiến cho người đọc không khỏi nghẹn ngào cảm thương cho những số phận nông dân nghèo khổ trong thời kỳ đó. Một nồi cháo cám, đắng chát trong họng nhưng ai cũng ăn hai bát điềm nhiên, ngon lành chấp nhận thực tại nghèo đói.

Trong bữa ăn tiếng trống thu thuế vang lên người ta nói với nhau về làng Sùng nào đó người dân đã đứng lên đấu tranh không còn phải đóng thuế, rồi có nơi người ta phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo… Họ mơ ước về cuộc sống mới, về sự thay đổi. Trong nghèo khó người ta không nghĩ tới cái chết, mà luôn hướng tới sự sống.

Những con người nghèo khổ ấy đang mong muốn tìm lối thoát cho cuộc đời mình.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *