Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Hướng dẫn
Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Tây Bắc – mảnh đất đau thương mà anh dũng, đẫm nước mắt tủi hờn mà vời vời chất thơ. Tây bắc – “mảnh đất để thương để nhớ cho tôi nhiều quá”. Đó là những lời tri ân sâu sắc của nhà văn Tô Hoài dành cho Tây Bắc sau chuyến đi bộ đội giải phóng ở nơi này. Và cũng từ đó, “Vợ chồng A Phủ” (trích trong Truyện Tây Bắc) được ra đời. Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực nhất về cuộc sống của những con người nơi đây, đồng thời thấm đượm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo mà Tô Hoài đã thể hiện trong đó.
Cả cuộc đời Tô Hoài đã dành hơn sáu thập kỷ cho sáng tác nghệ thuật. Với ông, một khi đã viết văn là phải viết một cách chân thực nhất, dù cho sự thật có phũ phàng đến thế nào, có phá vỡ cả những nét đẹp của thần tượng trong lòng người đọc thì cũng phải tôn trọng sự thật. Bởi thế, Vợ chồng A Phủ đã trở thành một bức khắc họa rõ nét về cuộc sống khổ đau, cam chịu của những người nông dân lầm lũi sống dưới cường quyền áp bức bọc lột. Nhưng đồng thời, nhà văn cũng đã thể hiện niềm tin chiến thắng vào những con người yêu cuộc sống, khát vọng tự do dù có bị trà đạp đến thế nào đi nữa. Giá trị hiện thực và nhân đạo đã được Tô Hoài thể hiện rất sâu sắc qua những trang văn chân thực trong tác phẩm.
Giá trị hiện thực ở đây được thấy rất rõ qua Mị, qua A Phủ, qua những thói đàn áp, ngang ngược của bọn cường quyền ác độc. Ngay từ những câu văn mở đầu, Tô Hoài đã để Mị xuất hiện như một cái xác không hồn: Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Tác giả cũng không quên kể về những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại hàng ngày của Mị. Mị phải về làm dâu nhà thống lý để trừ nợ cho cha mẹ. Cha mẹ Mị lúc cưới không có tiền nên phải vay nhà hắn. Năm nào cũng trả nợ mà vẫn không hết nợ. Đến khi Mị lớn, nợ cũng vẫn chưa trả được hết. Bố Mị đành phải gượng ép gả Mị cho nhà thống lý để được hắn xóa nợ. Mị đã từng nghĩ đến cái chết nhưng nếu chết bố Mị còn khổ hơn bây giờ gấp trăm gấp nghìn lần nên Mị không dám chết nữa. Mị cam chịu. Như vậy, bọn cường quyền, đại diện ở đây là thống lý đã ép Mị, ép bố mẹ Mị, ép những người nông dân đến bước đường cùng, đến ngay cả cái chết họ cũng không được quyền lựa chọn. Mị vốn là một cô gái trẻ đẹp có sức sống tiềm tàng, đầy khát vọng tự do và bao hoài bão đẹp cho tương lai phía trước, nhưng tất cả đã bị vùi dập, bị trà đạp bởi sự tàn nhẫn của thống lý, của những người cầm quyền như thống lý. Trên danh nghĩa là làm dâu nhưng thực chất là làm người ở, làm nô lệ. Mị tưởng mình là con trâu, con bò làm suốt đêm, suốt tháng, suốt năm. Trái tim Mị trai lì, Mị quên mất cả cái ý thức về sự sống và cái chết. Mị bị giam cầm trong cái cường quyền áp bức. Có lẽ, cuộc đời Mị cũng mờ mờ ảo ào như cái lỗ bé bằng bàn tay ở phòng Mị, mỗi lần nhìn ra chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng.
Và rồi, đến lượt A Phủ. A Phủ cũng là một hiện thân của hàng triệu, hàng nghìn con người đang ngày ngày phải sống trong ách áp bức, bóc lột của bọn cầm quyền gian ác. A Phủ lọt vào nhà thống lý cũng vì không có tiền nộp phạt nên phải ở trừ nợ. A Phủ bị phạt vì đã đánh A Sử bị thương. Nhưng là do A Sử ngang ngược đi gây sự với đám trai làng trước nên mới bị đánh. Vậy mà người chịu phạt lại là A Phủ. Ở cái chế độ cường quyền ấy, pháp lý luôn thuộc về kẻ có tiền. Huống chi A Phủ xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, sống lang thang, đi ở cho nhà này, nhà khác kiếm sống qua ngày. A Phủ là niềm ước mơ của nhiều người con gái nhưng vì mồ côi cha mẹ, nên A Phủ sẽ chẳng bao giờ lấy được vợ. Cái hủ tục của xã hội cũ lấy đi hạnh phúc, lấy đi tình yêu đôi lứa của A Phủ. Đặc biệt, cảnh A Phủ bị xử phạt ở nhà thống lý là một bức tranh chân thực nhất, rõ nét nhất về sự tha hóa, bạo tàn của chế độ cũ. Trong cuộc xét xử ấy, một đằng hút thuốc phiện phè phỡn, một đằng ra sức đánh đập, chỉ còn lại một mình A Phủ là cam chịu hết trận đòn này đến trận đòn khác. Cho đến khi A Phủ nộp phạt mới thôi không phải chịu đòn. Một người nghèo khổ như A Phủ làm sao có tiền để nộp, đương nhiên, A Phủ phải vay của thống lý. Đây chính là con đường dẫn A Phủ trở thành con nợ của nhà hắn. Vậy là lại thêm một người nữa bắt buộc phải bán rẻ cuộc đời mình cho cường quyền, phải cam chịu sự trà đạp, đàn áp bất nhân, bất nghĩa. Cả Mị và A Phủ đều chung một số phận khổ đau, bị trà đạp lên cả thể xác lẫn tâm hồn. Ngòi bút tinh xảo của Tô Hoài đã vẽ lên Mị, lên A Phủ những nét vẽ rất chân thực và đầy xúc động.
Tuy nhiên, dù ở trong hoàn cảnh bị áp bức ấy, dù phải sống giữa sự nhơ bẩn, trái tim Mị tưởng chừng như đã chết bỗng được hồi sinh trong đêm tình mùa xuân. Nhà văn đã dành những lời ngợi ca, những câu chữ đầy ưu ái dành cho Mị. Mị uống rượu. Men rượu đã đưa Mị về với những ngày tháng đầy tươi đẹp khi chưa về nhà thống lý làm dâu. Mị say. Say nhưng là tỉnh. Tiếng sáo, tiếng hát thiết tha bồi hồi làm tim Mị xao xuyến. Mị chợt nhận ra sự thật nghiệt ngã của cuộc đời mình hiện diện ngay trước mắt. Mị muốn chết. Chỉ có có chết mới có thể giải thoát Mị.
Như vậy, giá trị hiện thực của tác phẩm đã thể hiện rất chân thực những khổ đau, những cam chịu của người nông dân lầm lũi, vất vả qua nhân vật Mị và A Phủ. Qua đó, lên án bọn cường quyền đã áp bức bóc lột người dân lao động, đã đẩy họ vào bước đường cùng đến nỗi không cả có quyền lựa chọn cái chết.
Nhưng ở Mị và A Phủ còn toát lên giá trị nhân đạo đầy nhân văn, sâu sắc. Tô Hoài đã trao trọn niềm tin cho người con gái bạc mệnh ấy về một ngày mai tươi sáng. Trong Mị, sự sống vẫn âm thầm nhen nhóm. Đêm nào, Mị cũng trở dậy thổi lửa để sưởi. Dù có đêm bị A Sử đạp ngã ngay xuống cửa bếp cũng chẳng có ý nghĩa gì với Mị. Mị vẫn trở dậy, vẫn nhóm lửa, ngọn lửa của sự sáng, của sự hi vọng. Và rồi, cái đêm định mệnh cũng đến. Mị quyết định cởi dây trói cho A Phủ. Mị nghĩ nếu ở đây, dần dần Mị cũng chết, nếu nhà thống lý phát hiện Mị thả A Phủ, Mị cũng sẽ phải chết. Đằng nào cũng chết. Mà cái chết giờ đây chẳng còn nghĩa lý gì với một người đã phải cam chịu quá nhiều như Mị.
Hành động cởi dây trói cho A Phủ vừa thể hiện sự mạnh mẽ trong Mị, vừa trao niềm tin cho những người cùng khổ như Mị. Mặt khác, nhà văn còn muốn nói đến quy luật tự nhiên: khi bị áp bức quá nhiều ắt sẽ có sự vùng dậy, đứng lên. Khi đó, sức mạnh bị dồn nén lâu ngày sẽ bùng cháy vô cùng mạnh mẽ. Đúng vậy, nhà thống lý tàn ác đến thế, Mị cũng chẳng sợ. Cái chết có thể đến với Mị bất cứ khi nào, Mị cũng không hề để ý. Thậm chí, chỉ có cái chết mới giúp Mị được sống. Điều này có vẻ nghịch lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý. Bởi sống mà không được làm chính mình, sống mà phải phụ thuộc người khác thì khác gì là đã chết. Thế rồi, Mị cởi trói cho A Phủ. Trong đêm tối, Mị vụt chạy theo A Phủ. Hai con người cùng khổ dẫn nhau đi chạy trốn, đi tìm lại cuộc sống, đi giải phóng chính bản thân mình. Và họ đã thành công.
Đoạn kết, Mị và A Phủ trở thành vợ chồng, họ tham gia vào chiến dịch đấu tranh chống lại phong kiến, chống lại cường quyền, áp bức. Như vậy, cả Mị và A Phủ từ thân phận nô lệ, bị phụ thuộc đã đứng dậy đấu tranh làm chủ cuộc đời mình. Hay như cách nói của Chế Lan Viên thì họ đã đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng bất tận. Hình ảnh Mị và A Phủ thật đẹp, đẹp từ cả hình thể đến nhân cách.
Như vậy, giá trị hiện thực và nhân đạo đã được Tô Hoài thể hiện rất thành công qua hai nhân vật chính A Phủ và Mị. Nhà văn vừa cảm thông, xót thương cho những số phận phải chịu cảnh đời ngang trái, vừa ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp bền bỉ trong họ. Đồng thời, qua đó Tô Hoài đã chĩa thẳng ngòi bút vào thế lực cường quyền áp bức bóc lột, đã trao niềm tin, trao hi vọng cho người nông dân đứng lên tự giải phóng chính mình. Và rồi, tất nhiên chiến thắng luôn dành cho cái thiện, cho chính nghĩa.