Cảm nghĩ về tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Hướng dẫn
Cảm nghĩ về tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Trên thế gian này có thứ nỗi đau mang tên “phải sống” và tất nhiên cũng có một niềm hạnh phúc trái ngang gọi là “được chết”. Điều này tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý khi ta tìm đọc tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Ở đó, những số phận, những kiếp người sống dật dờ, lầm lũi, sống mà như đã chết, chết còn sung sướng hơn là sống.
Có thể nói, Vợ chồng A Phủ là bức tranh chân thực nhất, sống động nhất về xã hội phong kiến mà Tô Hoài đã tái hiện lại qua hình ảnh hai nhân vật Mị và A Phủ. Trong hơn sáu mươi năm làm nghệ thuật, nhà văn đã dành hết tâm tư, tình cảm của mình cho những số phận cùng khổ, đồng thời ông chĩa ngòi bút của mình vào thế lực cường quyền bất nhân bất nghĩa. Nếu như Lão Hạc của Nam Cao bị dồn vào chỗ chết vì chán cuộc sống lay lắt, buồn tủi, chị Dậu của Ngô Tất Tố phải đem bán chính con của mình vì thiếu thốn cùng cực, thì ở đây, Mị còn khổ hơn gấp trăm nghìn lần. Ngay cả đến cái chết để giải phóng mình, để kết thúc kiếp sống lầm than Mị cũng không thể làm. Không phải Mị không làm được mà là Mị không được làm. Vì Mị làm dâu cho nhà thống lý để trừ nợ, nếu Mị chết, hắn lại đòi nợ bố Mị, lúc đó bố Mị sẽ còn khổ hơn gấp trăm nghìn lần.
Với lối viết chân thực cùng trái tim nhân ái cao cả, Tô Hoài đã dành cho nhân vật của mình những sự đồng cảm và xót thương lớn lao vô cùng. Đó là Mị và A Phủ. Ngay những dòng mở đầu tác phẩm, nhà văn đã để Mị xuất hiện trong tâm thế như một cái xác không hồn. Mặt lúc nào cũng buồn rười rười. Dù Mị đang còn trẻ, dù tuổi thanh xuân Mị đang phơi phới, dù mối tình đầu Mị chưa kịp trao hết yêu thương cho người mình yêu, tất cả đã bị dập tắt, bị trà đạp bởi sự tàn ác của thống lý – kẻ đại diện tiêu biểu cho tầng lớp thống trị. Tác giả không nói rõ bố mẹ Mị vay hắn bao nhiêu tiền mà đến lúc mẹ Mị già yếu chết đi vẫn chưa trả hết Nợ, Mị lớn cũng vẫn còn nợ. Có lẽ ở cái xã hội ấy, ở cái lòng tham vô đáy của bọn cường quyền, cứ nợ là chồng chất nợ, một khi đã vướng vào nợ dù ít hay nhiều là sẽ mắc nợ cả đời, cả kiếp, nợ từ đời cha sang đời con, đời cháu. Bọn chúng ăn xương ăn máu của người nông dân.
Xuyên suốt cả tác phẩm, đâu đâu cũng thấy sự trà đạp, sự cam chịu. Ngay cả trong đêm tình mùa xuân, sự sống trong Mị vừa trỗi dậy chưa được bao lâu thì lại bị A Sử dập tắt. Nhưng dù chỉ là những câu văn ít ỏi, cũng đủ thấy sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn chưa bao giờ tắt. Đêm ấy, Mị uống rượu, men rượu trong phút chốc đưa Mị về với quá khứ, với những ngày tháng tươi đẹp khi chưa bị biến thành con trâu con ngựa nhà thống lý. Mị chợt nhận ra mình còn trẻ, trẻ lắm. Đúng vậy. Tiếng sáo, tiếng hát làm tim Mị bồi hồi xao xuyến. Mị nhớ lại những đêm tình mùa xuân trước đây của Mị. Càng nhớ, Mị càng muốn chết, chết để thoát khỏi kiếp sống lầm than này. Nhưng chao ôi! Đâu phải chết là hết, chết là xong. Mị không làm thế được vì còn bố Mị, nếu Mị chết, bố Mị sẽ còn phải khổ hơn bây giờ nhiều. Có một nghịch lý đầy trái ngang, đau đớn: Chính lúc sự sống trong Mị hồi sinh lại là lúc Mị muốn chết. Chết mà sống, sống như đã chết, thậm chí còn khổ hơn cả chết. Đến ngay cả Chí Phèo, Thị Nở dù ngô nghê, dù thiếu thốn nhưng vẫn còn được tự do yêu nhau, được ăn vạ, được làm những gì mình muốn. Còn Mị, một cô gái trẻ đẹp, mang trong mình trái tim khát vọng yêu thương, khát vọng tự do thì lại bị giam cầm, đến ngay cả cái chết cũng không có quyền lựa chọn. Có thể nói không còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ này. Ngòi bút của Tô Hoài quá sắc xảo khi dựng lên một nhân vật như vậy. Mị định đi chơi, Mị muốn sống làm chính mình nhưng lại bị A Sử bắt gặp, hắn trói Mị lại. Sợi dây ấy chính là sợi dây trói buộc của giai cấp thống trị, mà ở đây, Mị là đại diện cho những người nông dân chịu số phận hẩm hiu, bất hạnh. Ngay cả trong lúc bị trói, Mị cũng vẫn nhớ lại một thời tự do của mình. Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Trong men rượu, khát khao được yêu thương, được tự do lại bùng cháy trong Mị nhưng thật đáng buồn vì sợi dây của A Sử, của bọn tàn ác đang trói chặt Mị. Mị quay trở lại cuộc sống thực tại phũ phàng. Lúc trước, Mị nghĩ mình là con trâu, con ngựa. Nhưng đến giây phút này, Mị lại thấy mình còn không bằng chúng. Vì chúng còn được đứng đạp vào vách, được gãi chân. Còn Mị đang bị trói, chân tay đau không cựa được. Mị thổn thức. Rồi Mị lại bồi hồi. Hẳn là Mị đang tủi thân lắm. Trước đây, khi còn tự do, đêm tình mùa xuân Mị lại cùng người yêu ra rừng chơi. Còn hạnh phúc nào hơn khi được ở bên người mình yêu. Nhưng yêu thương ấy chưa được bao nhiêu đành lỡ dở khi Mị bị A Sử bắt về làm vợ. Mị đã khóc ròng rã suốt mấy tháng trời. Rồi thời gian qua đi, Mị sống lâu dần trong cái khổ cũng trở nên quen. Trái tim Mị đã trai sạn và lạnh ngắt nay bỗng chốc được hồi sinh. Tiếc rằng thân xác Mị đang bị trói chặt. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nhớ thế, Mị sợ quá. Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay đã chết. Cái sợ của Mị ở đây chính là một tín hiệu đáng mừng. Vì Mị biết sợ nghĩa là Mị đã ý thực được rằng mình đang sống.
Càng đau đớn, xót thương cho Mị bao nhiêu, nhà văn càng căm phẫn, lên án bọn thống lý bấy nhiêu. Chính chúng đã gây nên những cuộc đời như Mị, như A Phủ. Đặc biệt, cảnh chúng xử án A Phủ là một bức tranh sống động, chân thực đến từng nét vẽ về bản chất tha hóa, tàn ác của bọn thống trị. A Sử là kẻ gây sự trước, bị A Phủ đánh nhưng ở cái xã hội này, công lý thuộc về kẻ có tiền. Trong buổi xử án ấy, một đằng hút thuốc phiện phè phỡn, một đằng đánh đập liên hồi. Duy chỉ có mình A Phủ quỳ gối chịu đòn. Chúng cứ hút, hút hết đợt này đến đợt khác, đánh hết trận này đến trận khác. A Phủ – một chàng trai to khỏe đang phải quỳ khuất phục cho bọn chúng đánh. Cho đến khi A Phủ phải vay tiền thống Lý để trả nợ, bọn chúng mới thôi không đánh. Không có tiền, A Phủ lại chấp nhận số phận làm nô lệ cho thống lý. Tô Hoài không dành nhiều câu chữ cho A Phủ nhưng qua bấy nhiêu thôi cũng đủ để vạch rõ tội ác của bọn thống trị cầm quyền.
Nhưng sau tất cả Tô Hoài đã trao cho người nông dân niềm tin chiến thắng vào chính bản thân mình, thúc đẩy họ đứng lên dành lấy độc lập tự, thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than. Mị dù sống cuộc đời cam chịu là thế, dù cái trăng trắng bên ngoài cái ô vuông bé bằng bàn tay ở phòng Mị không biết là sương hay là nắng, thì mỗi đêm Mị cũng vẫn trở dậy nhóm lửa – ngọn lửa của sự hi vọng, của niềm tin, ngọn lửa xóa tan đi màn đêm đen tối đang bao vây cuộc đời Mị, xóa tan cái rét buốt của lòng người, và thiêu rụi sự tàn nhẫn, bất nhân của bọn quan lại. Dù ngọn lửa ấy chỉ do mình Mị thắp lên, và dù có lúc bị A Sử đạp ngã ngay trước cửa bếp nhưng Mị vẫn trở dậy nhóm lửa.
Và rồi, cũng trong một đêm bên ngọn lửa ấy, Mị đã bắt gặp giọt nước mắt của A Phủ, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Cái cách mà giọt nước mắt chảy cũng trở nên quá nặng nề đến nỗi Tô Hoài phải dùng từ “bò”. Mị cũng nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được. Mị đồng cảm với A Phủ. Hai mảnh đời cùng chung một dòng nước mắt. Dòng nước mắt đó đã khiến Mị suy nghĩ, thôi thúc Mị hãy đứng lên giải thoát cho A Phủ, cho chính mình. Mị băn khoăn: Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Có rất nhiều lý do khiến A Phủ chết. Nhưng Mị lại nghĩ: Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. Mị tự chất vấn mình. Như vậy, Mị đang cùng một lúc phải chịu cả hai sự trói buộc: một của cường quyền, một của thần quyền. Cả hai đều dồn Mị vào bước đường cùng khổ. Nhưng rồi như một quy luật tự nhiên, khi bị dồn nén quá con người ta ắt sẽ tự đứng lên. Trong đêm tối, Mị biết cái chết có thể đến với mình bất kỳ lúc nào nhưng Mị vẫn đứng dậy cởi trói cho A Phủ, cùng A Phủ tìm đến một cuộc sống mới. Họ chạy băng băng theo tiếng gọi của lý trí, của niềm tin vào cuộc sống. Và họ đã thành công. Họ đã thoát khỏi nanh vuốt đầy máu của nhà thống lý, của bọn cường quyền ác độc dã man.
Nhà văn đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống truyện. Ông từng nói: Viết văn là phải viết chân thực. Đúng vậy, qua hai nhân vật chính là Mị và A Phủ, Tô Hoài đã dựng lại cả một xã hội tha hóa, thối nát sắp đi vào hồi kết bởi những con người đang rạo rực, đầy khát vọng như Mị và A Phủ.